DHKT

Sống ở Đà Nẵng, làm việc cho các công ty dịch vụ tài chính toàn cầu - p.1

Trong khuôn khổ hội thảo “Chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính ngân hàng”, diễn ra ngày 10/5/2022 (do Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng tổ chức), chủ đề hình thành Trung tâm tài chính quốc tế Đà Nẵng, lần đầu tiên được các chuyên gia và giới quản lý đóng góp các ý kiến tham vấn thẳng thắn và thiết thực.

Câu chuyện “Sống ở Đà Nẵng, làm việc cho các công ty dịch vụ tài chính toàn cầu” được nhiều ý kiến am tường chia sẻ, như một gợi ý cho quá trình chuẩn bị cho sự ra đời Trung tâm (dịch vụ) tài chính quốc tế Đà Nẵng.

Phác thảo diện mạo và những lợi thế

cách tiếp cận vấn đề sẽ là “Đà Nẵng không là trung tâm tài chính duy nhất (của Việt Nam), mà là tận dụng những lợi thế Đà Nẵng đang có được trong lĩnh vực này, triển khai xây dựng, hình thành một trung tâm tài chính với 3 trụ cột.

Trong tham luận “Thúc đẩy phát triển hoạt động Fintech gắn với việc hình thành Trung tâm Tài chính quốc tế Đà Nẵng”; Tiến sỹ Huỳnh Huy Hòa cho biết, đề án xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quy mô khu vực hiện đang trình Chính phủ.

Đề án đề xuất một cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đối với hoạt động FinTech được kỳ vọng sẽ tạo thành nền tảng để thúc đẩy Đà Nẵng trở thành một trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực tài chính của quốc gia và khu vực.

Khung kiến trúc chính của Trung tâm Tài chính quốc tế Đà Nẵng được xác định gồm 3 trụ cột.

Trung tâm tài chính offshore: Tập trung thu hút các nhà đầu tư quốc tế để thành lập các định chế tài chính và tổ chức thị trường cung cấp các dịch vụ offshore tài chính (mang tính tích hợp dịch vụ trên thị trường tiền tệ và thị trường vốn trong nước và khu vực).

 Trung tâm Fintech: Ứng dụng công nghệ trong cung cấp dịch vụ tài chính theo cơ chế cấp phép đặc thù của trung tâm tài chính, kết nối dịch vụ Fintech và tài trợ các startups trong các lĩnh vực kinh doanh khác.

Các hoạt động phụ trợ phục vụ cho hoạt động tài chính trong trung tâm tài chính và các dịch vụ tiện ích vui chơi giải trí cao cấp.

 

Tiến sỹ Huỳnh Huy Hòa- Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế, xã hội Đà Nẵng, Ảnh trong bài: T.Ngọc

Theo ông Hòa, thành phố Đà Nẵng đã và đang sở hữu nhiều điều kiện tốt. Đó là hạ tầng đô thị, trong đó, về hạ tầng truyền dẫn, Đà Nẵng vẫn đã có và đang hình thành thêm các trung tâm kết nối, lưu trữ và xử lý dữ liệu số, trung tâm dữ liệu. Tỷ lệ người sử dụng internet và thuê bao băng rộng di động của Đà Nẵng hiện cao nhất toàn quốc.

Đại diện Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng, đã chia sẻ thêm rằng, Đà Nẵng với các Trạm cáp quang cập bờ là một môi trường, điều kiện tốt cho nhu cầu truyền dẫn đi quốc tế.

Được biết, tuyến cáp quang biển SMW-3 (cập bờ tại Đà Nẵng, sử dụng công nghệ ghép bước sóng quang (DWDM), nối liền Việt Nam với hơn 30 nước trên thế giới, trải dài từ Nhật Bản, Hàn Quốc qua Trung Quốc, Đông Nam Á tới Châu Âu. Trong đó, có một số nước, lãnh thổ Việt Nam thường xuyên kết nối là Hong Kong, Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản. Ngoài tuyến SMW-3, Đà Nẵng còn có tuyến APG (do Viettel đầu tư).

“Đà Nẵng là một trong những đô thị tại Việt Nam (có hạ tầng kỹ thuật cũng như khả năng ứng dụng) công nghệ thông tin-truyền thông khá phát triển. Đây là một trong những yếu tố tiền đề để các hoạt động công nghệ tài chính, công nghệ số trong lĩnh vực tài chính phát triển” – Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Phước Sơn nhấn mạnh.

Đặc biệt, nhiều năm liền, Đà Nẵng dẫn đầu ICT-Index, ngoài ra vẫn đã và đang thực hiện các kế hoạch thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh. Đà Nẵng đã nhận nhiều giải thưởng, ghi nhận thành quả bước đầu của chuyển đổi số – thành phố thông minh.

‘Tôi cho rằng, nhiều năm liền, Đà Nẵng giữ được vị trí dẫn đầu ICT index là một lợi thế rất lớn. Chúng ta hướng đến hình thành một trung tâm tài chính mà 1 trong 3 trụ cột dịch vụ là fintech, thì năng lực về sẵn sàng ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin – truyền thông là điều hết sức quan trọng, gần như là một nền tảng bắt buộc.

Bên cạnh đó, Đà Nẵng còn được Chính phủ cho phép hình thành một trung tâm đổi mới sáng tạo mang tầm quốc gia. Các cơ chế, chính sách có tính ưu đãi dành cho trung tâm này bổ sung thêm những yếu tố “cần và đủ” về điều kiện ra đời và hoạt động của trung tâm tài chính dựa trên nền tảng công nghệ sáng tạo” - ông Võ Minh, Giám đốc Kho bạc nhà nước thành phố Đà Nẵng bổ sung.

Đúng là một điểm sáng khác của Đà Nẵng đang rất được chú ý: hệ sinh thái đổi mới sáng tạo đã và đang hình thành.


Học sinh – Sinh viên Đà Nẵng đến với Ngày hội trình diễn công nghệ (truyền thống thường niên) của Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng (BK techshow 2022).

Thành phố đã có một trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Vườn ươm doanh nghiệp) kết gắn hoạt động của mình với các chương trình thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, ươm tạo doanh nghiệp. Bên cạnh đó là nhiều khu dịch vụ tập trung hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, hay không gian làm việc chung dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp.

Nhiều trường đại học trên địa bàn Đà Nẵng cũng đã có không gian khởi nghiệp sáng tạo riêng. Trong các trường đại học, hoạt động ngoại khóa, mô hình câu lạc bộ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo được chú trọng với nhiều hình thức hoạt động gắn với hướng nghiệp và giúp sinh viên tự tin thực hiện nghiên cứu khoa học theo khả năng.

Đà Nẵng cũng đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho áp dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi đối với trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (Nghị định số 94/2020/NĐ-CP, ngày 21/8/2020 của Chính phủ). Và UBND thành phố cũng đang trình dự án hình thành một Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia tại Đà Nẵng. Đà Nẵng đang là điểm đến hấp dẫn của khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.

Liên quan đến Fintech, Đà Nẵng dự kiến sẽ sử dụng Khu Công viên phần mềm số 2 để thu hút các tổ chức, các startup Fintech trong nước và quốc tế. Trường Đại học Kinh tế – Đại học Đà Nẵng đang tích cực trong việc đẩy mạnh đổi mới các khóa đào tạo, hình thành ngành học Fintech.

Được biết, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng năm nay sẽ (chính thức) mở mới chương trình đào tạo cử nhân Công nghệ tài chính với mục đích (đầu ra) cung ứng cho thị trường lao động những chuyên viên, nhà quản lý trong lĩnh vực công nghệ tài chính.

Đội ngũ này được trang bị kiến thức chuyên ngành (cập nhật), đủ năng lực am hiểu về công nghệ mới (trong lĩnh vực tài chính), có năng lực sáng tạo, có khả năng ứng dụng những đột phá trong công nghệ, phát triển sản phẩm và dịch vụ tài chính.

 

Sinh viên Khoa Tài chính, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng trong giờ thực hành. Ảnh: Thanh Hoàng.

“Các cử nhân ngành Công nghệ tài chính mà chúng tôi đào tạo có đủ năng lực để đảm nhận các vị trí công việc liên quan trong các công ty Fintech, các định chế tài chính, các công ty cung ứng dịch vụ tài chính, các công ty nghiên cứu và phát triển công nghệ.

Trong bối cảnh phát triển nền kinh tế số, các em được chuẩn bị để làm việc trong quy trình phát triển, cũng như quản lý sản phẩm công nghệ tài chính, tạo ra sự đổi mới trong các hoạt động tài chính; hoặc đi sâu vào nghiệp vụ phân tích, quản trị dữ liệu tài chính, phát triển nền tảng số hóa các dịch vụ tài chính, quản lý các dự án công nghệ tài chính.

Một vị trí công việc khác các em cũng dễ dàng thích nghi là chuyên viên trong các bộ phận quản lý phát triển kinh tế số, các bộ phận liên quan đến quản lý và kiểm soát tài chính.

Bên cạnh đó, khi đã nắm chắc kiến thức nền tảng, cũng như chuyên môn sâu về tài chính, có khả năng ứng dụng công nghệ (thông tin – truyền thông, xử lý dữ liệu, Khoa và Trường cũng kỳ vọng đội ngũ này sẽ tự tin, mạnh dạn khởi nghiệp trong lĩnh vực Fintech hoặc làm việc trong các bộ phận phát triển sản phẩm và dịch vụ tại công ty khởi nghiệp Fintech” - PGS.TS. Đặng Tùng Lâm, Trưởng Khoa Tài chính, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng cho biết.

Tiến sỹ Huỳnh Huy Hòa nhấn mạnh thêm, đề án xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành Trung tâm tài chính quốc tế Đà Nẵng (đang trình Chính phủ) có đề xuất cho phép được “tiếp nhận, cấp, giám sát và thu hồi Giấy chứng nhận tham gia cơ chế thử nghiệm Fintech đối với các tổ chức thử nghiệm áp dụng các sản phẩm công nghệ tài chính hoạt động tại trung tâm tài chính quốc tế Đà Nẵng”. Bên cạnh đó, đề xuất, được hưởng các cơ chế ưu đãi khác về thuế, thị thực lao động nước ngoài, thực hiện các cam kết về sở hữu trí tuệ và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở cấp độ cao.

Xem bài viết Sống ở Đà Nẵng, làm việc cho các công ty dịch vụ tài chính toàn cầu, bài 1 trên dsa.org.vn

Nguồn: dsa.org.vn