Vùng kinh tế Miền Trung- Tây Nguyên gồm 18 tỉnh và 1 thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó có 5 tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung. Miền Trung có vị trí nằm trên giao điểm của trục kinh tế Bắc – Nam và hành lang kinh tế Đông Tây, là khu vực với tiềm năng lớn về kinh tế biển, phát triển du lịch nghỉ dưỡng và sở hữu nhiều di sản thế giới.
Với Tây Nguyên, nông nghiệp gắn với công nghiệp chế biến, đặc biệt nông nghiệp công nghệ cao là một trong những thế mạnh riêng có và cũng là nơi mà kinh tế hộ đã và đang phát triển ở mức vượt trội so với mặt bằng chung cả nước.
Tuy nhiên, trên thực tế các tiềm năng vẫn chưa được khai thác tốt cho phát triển kinh tế. Chênh lệch về thu nhập giữa các nhóm dân cư là khá cao, thu nhập của nhóm cao nhất cao hơn 8,13 lần so với nhóm có thu nhập thấp nhất tại Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung và 9,9 lần tại Tây Nguyên (Tổng cục Thống kê, 2018).
Vì vậy, phát triển kinh tế - xã hội miền Trung – Tây Nguyên nhằm rút ngắn khoảng cách vùng miền và giải quyết ngày càng tốt hơn các vấn đề xã hội là một mục tiêu có tính bức thiết. Để hoàn thành mục tiêu này, hệ thống Tài chính – Ngân hàng có vai trò cực kỳ quan trọng. Điều này đòi hỏi phải nhận diện các động lực thúc đẩy phát triển các dịch vụ tài chính – ngân hàng cả về quy mô, chất lượng và hiệu quả, tìm kiếm các phương thức giải quyết hài hòa các quan hệ lợi ích.
Mặt khác, trong bối cảnh quá trình hiện đại hóa công nghệ trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng đang diễn ra với một tốc độ ngày càng nhanh chóng dẫn đến tăng cường quá trình tập trung hóa trong hoạt động quản trị các định chế tài chính và quản lý tài chính công, trong khi sự hiện diện của các tổ chức tài chính – ngân hàng chỉ là ở cấp độ địa phương với thẩm quyền ngày càng hạn chế,vậy làm thế nào để có thể tối ưu hóa quá trình lấy quyết định, và nói rộng ra, làm thế nào để có thể khai thác tốt nhất các cơ hội và hóa giải các thách thức cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội miền Trung – Tây Nguyên, thích ứng với những đặc thù của khu vực? Những vấn đề chủ yếu nói trên và một số vấn đề liên quan đều có tính bức thiết mà Hội thảo này đặt ra và cố gắng giải quyết.
Với lý do đó, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng phối hợp với Trường Đại học Tây Nguyên và Trường Đại học Ngân hàng Tp. Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia về Tài chính và Ngân hàng lần thứ hai tại Đà Nẵng (DCFB 2020) với chủ đề “Hệ thống Tài chính – Ngân hàng với sự phát triển kinh tế - xã hội miền Trung – Tây Nguyên trong bối cảnh cách mạng công nghệ”.