• Thư mời viết bài

    THƯ MỜI VIẾT BÀI TỌA ĐÀM KHOA HỌC QUỐC GIA

    Sự cần thiết của việc áp dụng mô hình cân bằng tổng thể và các phương pháp phù hợp để đánh giá, dự báo tác động của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đến cơ cấu kinh tế giai đoạn 2017 – 2025 và xác định các ngành có lợi thế phát triển trong cơ cấu kinh tế của Việt Nam

     

    Kính gửi: Quý Nhà Khoa học

    Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế nhờ vào việc đẩy mạnh hội nhập kinh tế thế giới, tích cực tham gia mạng lưới các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương. Đến nay, Việt Nam đã tham gia và đang đàm phán 17 FTA, trong đó có 10 hiệp định đã có hiệu lực và đang thực thi cam kết, 3 hiệp định đã ký kết hoặc kết thúc đàm phán nhưng chưa có hiệu lực, 4 hiệp định đang đàm phán. Đặc biệt, Việt Nam đã tham gia một số FTA thế hệ mới, trong đó nổi bật là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).

    Các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới này với bản chất là những cam kết sâu rộng và toàn diện, bao hàm những cam kết về tự do thương mại hàng hóa và dịch vụ “truyền thống” và cả những những lĩnh vực “phi truyền thống” như môi trường, lao động, doanh nghiệp nhà nước, minh bạch thể chế, cơ chế giải quyết tranh chấp về đầu tư,... Theo số liệu của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), có đến 66% trong tổng số 10.000 doanh nghiệp Việt Nam được hỏi ủng hộ và tin vào những lợi ích mà các FTA thế hệ mới mang lại cho họ. Ở khía cạnh học thuật, các nghiên cứu hiện tại nhận thấy việc ký kết và tham gia các FTA thế hệ mới bước đầu đã có tác động lớn đến nền kinh tế Việt Nam thông qua việc mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, củng cố thị trường truyền thống, khơi thông nhiều thị trường tiềm năng trên cơ sở thúc đẩy quan hệ với các đối tác chiến lược kinh tế quan trọng. Trong thời gian tới, khi các cam kết Hiệp định thương mại tự do bước vào giai đoạn cắt giảm thuế sâu, sẽ thúc đẩy xuất khẩu mạnh hơn, đem đến nhiều cơ hội mở rộng thị trường cho hàng hóa của Việt Nam, đồng thời giúp đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, tránh phụ thuộc vào các thị trường nguyên liệu truyền thống.

    Nhằm nhận diện các phương pháp phù hợp để đánh giá, dự báo tác động của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam nói chung và cơ cấu kinh tế nói riêng, cần thiết phải có những nghiên cứu bài bản và chuyên sâu, nhằm cung cấp những luận cứ khoa học có sức thuyết phục và có độ tin cậy cao. Trong khuôn khổ đề tài khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Quốc gia giai đoạn 2016-2020 (KX.01/16-20), Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng phối hợp với Trường Đại học Kinh tế - Đại học Huế tổ chức Tọa đàm Khoa học Quốc gia về “Sự cần thiết của việc áp dụng mô hình cân bằng tổng thể và các phương pháp phù hợp để đánh giá, dự báo tác động của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đến cơ cấu kinh tế giai đoạn 2017 – 2025 và xác định các ngành có lợi thế phát triển trong cơ cấu kinh tế của Việt Nam”.

    I. Mục tiêu của Tọa đàm:

    Tọa đàm Khoa học Quốc gia về “Sự cần thiết của việc áp dụng mô hình cân bằng tổng thể và các phương pháp phù hợp để đánh giá, dự báo tác động của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đến cơ cấu kinh tế giai đoạn 2017 – 2025 và xác định các ngành có lợi thế phát triển trong cơ cấu kinh tế của Việt Nam” sẽ là một diễn đàn học thuật thảo luận, trao đổi, phân tích chuyên sâu về các phương pháp phù hợp để đánh giá, dự báo tác động của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đến cơ cấu kinh tế của Việt Nam, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến những ưu điểm của mô hình cân bằng tổng thể. Ngoài ra, Tọa đàm là diễn đàn để thảo luận, lắng nghe những kiến nghị định hướng, hàm ý chính sách trong việc nhận diện các ngành kinh tế có lợi thế phát triển, có sức lan tỏa lớn đến các ngành khác và toàn bộ nền kinh tế.

    II. Nội dung của Tọa đàm:

    Những báo cáo khoa học của Hội thảo tập trung (nhưng không giới hạn) vào các chủ đề chính sau:

    1. Nhận diện các phương pháp phù hợp để đánh giá, dự báo tác động của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đến cơ cấu kinh tế của Việt Nam;

    2. Nhận diện ưu, nhược điểm và ý nghĩa của mô hình cân bằng tổng thể trong đánh giá, dự báo tác động của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đến cơ cấu kinh tế của Việt Nam;

    3. Nhận diện, phân tích, đánh giá tác động của việc thực thi các hiệp định thương mại tự do đến chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế ở Việt Nam;

    4. Nhận diện các ngành kinh tế có lợi thế phát triển, có sức lan tỏa lớn đến các ngành khác và toàn bộ nền kinh tế ở Việt Nam;

    5. Phân tích ảnh hưởng của các ngành kinh tế có lợi thế phát triển đến tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam;

    6. Vai trò của công tác quản lý nhà nước trong việc phát triển các ngành kinh tế có lợi thế ở Việt Nam;

    7. Xây dựng các yêu cầu, nhiệm vụ bắt buộc cho từng cơ quan quản lý có liên quan.

    III. Thời gian, địa điểm tổ chức Tọa đàm:

    1. Thời gian dự kiến lúc 14h00, ngày 23 tháng 08 năm 2019 (Thứ Sáu).

    2. Địa điểm: Trường Đại học Kinh tế - ĐH Huế, 99 Hồ Đắc Di, Thành phố Huế.

    IV. Ngôn ngữ, quy định hình thức bài viết, thời hạn và địa chỉ gửi bài Tọa đàm:

    1. Ngôn ngữ: Tiếng Việt

    2. Thời hạn nhận bài viết: trước ngày 20 tháng 08 năm 2019 (Thứ Ba)

    3. Địa chỉ nhận bài: hoithao@due.edu.vn

    Thông tin chi tiết về Tọa đàm vui lòng liên hệ:

    Phòng Khoa học & HTQT, Trường Đại học Kinh tế.

    (Điện thoại: 0236-3954243, email: khoahoc@due.edu.vn).

     

    Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng trân trọng kính mời Quý Nhà Khoa học tham dự và viết bài cho Tọa đàm.

    Trân trọng./.

Khách thăm: 973

Thành viên: 50

Tổng: 1023

Membership: Latest: Past 24 Hours: Prev. 24 Hours: Overall:
People Online
Visitors
Members
Total