• Thư mời viết bài

    THƯ MỜI VIẾT BÀI HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA

    TÁC ĐỘNG CỦA CÁC HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO ĐẾN

    CƠ CẤU KINH TẾ VIỆT NAM

     

    Kính gửi: Quý Nhà Khoa học

    Tự do hóa và hội nhập đã tác động tích cực tới tăng trưởng kinh tế. Với kim ngạch xuất, nhập khẩu gấp hơn 1,5 lần GDP trong những năm gần đây, Việt Nam được xem là quốc gia có nền kinh tế với “độ mở” khá cao. Trong bối cảnh Việt Nam đã là thành viên của tất cả các tổ chức quốc tế lớn như Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, cộng đồng kinh tế ASEAN,… và đã tham gia, ký kết, đàm phán tổng cộng 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) trong đó có các FTA quan trọng như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP)... Việc tham gia, thực thi các hiệp định thương mại tự do tạo ra những cơ hội và thách thức mới cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt Việt Nam đã cam kết hoạt động theo luật chơi quốc tế, bình đẳng, xóa bỏ phân biệt đối xử giữa hàng hóa, đầu tư trong nước và ngoài nước, chấp nhận mở cửa cả những ngành mà trước đó đã khoanh vùng vì “an ninh quốc gia”.

    Kinh tế Việt Nam được ví như “một con tàu ra biển lớn”. Kể từ những năm 2000, tăng trưởng kinh tế và dịch chuyển cơ cấu kinh tế đã chịu sự tác động của các hiệp định FTA. Cơ cấu kinh tế đã dịch chuyển theo hướng tích cực trong bối cảnh thực thi các hiệp định FTA. Các khu vực công nghiệp và dịch vụ có tỷ lệ tăng trưởng nhanh hơn so với khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp. Tuy nhiên, tốc độ chuyển dịch còn thấp so với các nước ở khu vực Đông Nam Á cùng thời kỳ. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, hội nhập kinh tế vẫn còn một số hạn chế. Nền kinh tế hoạt động kém hiệu quả trong một số ngành, lĩnh vực và địa phương. Cơ cấu kinh tế còn chưa hợp lý thể hiện trong mối quan hệ giữa các ngành và cơ cấu sở hữu, chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, chưa khai thác lợi thế cạnh tranh và phát huy hiệu quả của các ngành trong bối cảnh hội nhập kinh tế.

    Trong bối cảnh thị trường khu vực và thế giới có nhiều thay đổi, kinh tế Việt Nam hoàn toàn có cơ hội tham gia chủ động và sâu hơn vào các định chế thương mại khu vực và thế giới, khai thác các tiềm năng và lợi thế cho phát triển kinh tế. Tham gia vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mang lại nhiều cơ hội cho nền kinh tế, mặc dù thực hiện các hiệp định FTA có thể dẫn đến các thách thức chủ yếu cho nền kinh tế, đặc biệt là gia tăng cạnh tranh gay gắt khiến nhiều doanh nghiệp và ngành kinh tế gặp khó khăn, cũng như gia tăng sự phụ thuộc của nền kinh tế quốc gia vào thị trường bên ngoài, do vậy, khiến nền kinh tế dễ bị tổn thương trước những biến động của thị trường quốc tế. Do vậy, cần thiết phải quan tâm đến các tác động của các hiệp định thương mại tự do đến cơ cấu kinh tế và lựa chọn các ngành có chủ lực để phát triển.

    Trong khuôn khổ Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Quốc gia giai đoạn 2016-2020 (KX.01/16-20), Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng phối hợp với Trường Đại học Ngoại thương tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc gia về “Tác động của các hiệp định thương mại tự do đến cơ cấu kinh tế Việt Namtại Hà Nội.

    I. Mục tiêu của Hội thảo:

    Hội thảo Khoa học Quốc gia về “Tác động của các hiệp định thương mại tự do đến cơ cấu kinh tế Việt Nam” sẽ là một diễn đàn học thuật thảo luận, trao đổi, phân tích, và đánh giá tác động của việc thực thi các hiệp định thương mại tự do đến toàn bộ nền kinh tế như tác động đến giá trị sản xuất, GDP, xuất nhập khẩu, tiết kiệm và đầu tư, ngân sách nhà nước, giá cả, lao động, việc làm và thu nhập của người lao động. Ngoài ra, Hội thảo là diễn đàn để thảo luận, lắng nghe những kiến nghị định hướng, lộ trình và các giải pháp để phát huy những tác động tích cực và hạn chế những tác động tiêu cực của các hiệp định thương mại tự do đến toàn bộ nền kinh tế Việt Nam.

    II. Nội dung của Hội thảo:

    Những báo cáo khoa học của Hội thảo tập trung (nhưng không giới hạn) vào các chủ đề chính sau:

    1. Phân tích và đánh giá bối cảnh kinh tế quốc tế nói chung và xu thế tự do hóa thương mại nói riêng; từ đó nhận diện các cơ hội, thách thức và hệ thống hóa các cam kết của Việt Nam trong quá trình thực thi các hiệp định thương mại tự do;

    2. Đánh giá tác động của các hiệp định thương mại tự do đến cơ cấu kinh tế của Việt Nam, sự dịch chuyển cơ cấu các ngành kinh tế của Việt Nam, giữa các thành phần kinh tế và giữa các vùng miền;

    3. Dự báo tác động của các hiệp định thương mại tự do đến dịch chuyển cơ cấu các ngành kinh tế của Việt Nam, giữa các thành phần kinh tế và giữa các vùng miền và xác định các ngành có lợi thế phát triển trong cơ cấu kinh tế của Việt Nam;

    4. Phân tích và dự báo tác động của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đến tăng trưởng của toàn nền kinh tế nói chung và của các ngành, các vùng trọng điểm và các thành phần kinh tế; 

    5. Nhận diện và dự báo các ngành kinh tế có lợi thế, có mối liên kết mạnh mẽ và sức lan tỏa đến các ngành khác trong quá trình phát triển;

    6. Các giải pháp và lộ trình thực hiện nhằm tận dụng những tác động tích cực và hạn chế những tác động tiêu cực của các hiệp định thương mại tự do đến cơ cấu kinh tế Việt Nam và các giải pháp phát triển hiệu quả các ngành có lợi thế phát triển;

    7. Đề xuất các giải pháp phát triển hiệu quả các ngành kinh tế có lợi thế trong giai đoạn tới nhằm đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

    III. Thời gian, địa điểm tổ chức Hội thảo:

    1. Thời gian: dự kiến lúc 13h30, ngày 03 tháng 12 năm 2018 (Thứ Hai).

    2. Địa điểm: Trường Đại học Ngoại Thương, 91 Chùa Láng, Đống Đa, Hà Nội.

    IV. Ngôn ngữ, quy định hình thức bài viết, thời hạn và địa chỉ gửi bài Hội thảo:

    1. Ngôn ngữ: Tiếng Việt

    2. Quy định hình thức bài viết đăng kỷ yếu Hội thảo quốc gia (Có phụ lục kèm theo)

    3. Thời hạn nhận bài viết:

    - Hạn cuối gửi bài: ngày 25 tháng 11 năm 2018

    4. Địa chỉ gửi bài:

    Tác giả gửi bài viết qua email: hoithao@due.edu.vn

    Bài viết được chấp nhận sẽ tiến hành biên tập và đăng trong Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia có giấy phép xuất bản và mã số ISBN.

    Thông tin chi tiết về Hội thảo vui lòng liên hệ: PGS.TS. Nguyễn Phúc Nguyên - Ban Tổ chức Hội thảo (Điện thoại: 0901.908.999, email: khoahoc@due.edu.vn).

    Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng trân trọng kính mời Quý Nhà Khoa học tham dự và viết bài cho Hội thảo.

    Trân trọng./.

Khách thăm: 1160

Thành viên: 187

Tổng: 1347

Membership: Latest: Past 24 Hours: Prev. 24 Hours: Overall:
People Online
Visitors
Members
Total