• Thư mời viết bài

    THƯ MỜI VIẾT BÀI TỌA ĐÀM KHOA HỌC QUỐC GIA

    Tương lai của các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong tình huống Brexit và việc Hoa Kỳ rút khỏi TPP

     

    Kính gửi: Quý Nhà Khoa học

    Hiệp định thương mại tự do (FTA) là những điều ước phức tạp vượt ra ngoài mục tiêu ưu đãi cắt giảm thuế quan đơn thuần. Trên thực tế, trong các FTA mà Việt Nam tham gia đàm phán, ngoài mục tiêu cắt giảm thuế đối với hầu hết các sản phẩm, các điều khoản còn nhằm hướng đến việc tự do hóa thương mại dịch vụ và đầu tư, thúc đẩy việc thực hiện chính sách môi trường, chính sách mua sắm, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, cũng như những cam kết cụ thể khác về việc xóa bỏ và ngăn chặn những rào cản phi thuế quan đối với lĩnh vực thương mại, dịch vụ và công nghiệp. Các nghiên cứu gần đây đã cho thấy xét dưới góc độ kinh tế, nhìn chung các quốc gia sau khi tham gia FTA với các đối tác thương mại đều đạt được những kết quả khả quan.

    Việt Nam đã tham gia, ký kết, đàm phán tổng cộng 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) trong đó có các FTA quan trọng như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP)... Việc tham gia, thực thi những sáng kiến này đã góp phần mang lại lợi ích cho Việt Nam, thể hiện qua tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, tự do hoá thương mại và đầu tư, tăng cường thương mại nội khối, tham gia kết nối chặt chẽ hơn vào các mạng lưới sản xuất khu vực,... Bên cạnh đó, các sáng kiến hội nhập cũng đòi hỏi những tiêu chuẩn cao gắn với cải cách sâu rộng sau đường biên giới, qua đó tạo thêm động lực cho hoàn thiện thể chế kinh tế.

    Tuy nhiên trên thực tế, vẫn còn những bất định đặt ra đối với các sáng kiến hội nhập kinh tế như sự kiện Brexit, hay việc Hoa Kỳ rút khỏi TPP. Ngoài ra, Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) cũng đã qua 19 vòng đàm phán và nhiều mốc không hoàn thành, cho thấy triển vọng kết thúc đàm phán và phê chuẩn còn xa. Bên cạnh đó, sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ, tư tưởng tự do hoá phản thương mại và chủ nghĩa dân tuý ở các nước phát triển hay việc phân phối lợi ích không đồng đều giữa các nền kinh tế cũng như rủi ro rơi vào bẫy lao động giá rẻ hay bẫy thu nhập trung bình đối với nhiều nền kinh tế đã đặt ra câu hỏi lớn về tương lai của các hiệp định thương mại tự do.

    Trong khuôn khổ Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Quốc gia giai đoạn 2016-2020 (KX.01/16-20), Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng phối hợp với Đại học Cần Thơ tổ chức Tọa đàm khoa học quốc gia về “Tương lai của các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong tình huống Brexit và việc Hoa Kỳ rút khỏi TPP”.

    I. Mục tiêu của Tọa đàm

    Tọa đàm khoa học quốc gia về “Tương lai của các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong tình huống Brexit và việc Hoa Kỳ rút khỏi TPP” sẽ là một diễn đàn học thuật thảo luận, trao đổi, phân tích, và đánh giá về triển vọng của các hiệp định thương mại tự do, trong đó chú trọng đến các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đặc biệt trong tình huống Brexit và việc Hoa Kỳ rút khỏi TPP. Ngoài ra, Tọa đàm là diễn đàn để thảo luận, lắng nghe những kiến nghị định hướng xây dựng một mô hình mới cho Việt Nam để hội nhập thịnh vượng, tăng trưởng toàn diện và bền vững, có thể bao gồm tự do hóa thương mại, đầu tư và dịch vụ nhằm tạo cơ hội kinh doanh trong bối cảnh cạnh tranh công bằng.

    II. Nội dung của Tọa đàm

    Những báo cáo khoa học của Tọa đàm tập trung (nhưng không giới hạn) vào các chủ đề chính sau:

    1. Phân tích và đánh giá bối cảnh kinh tế quốc tế nói chung và xu thế tự do hóa thương mại nói riêng; từ đó nhận diện các cơ hội, thách thức và hệ thống hóa các cam kết của Việt Nam trong quá trình thực thi các hiệp định thương mại tự do;

    2. Đánh giá tác động của các hiệp định thương mại tự do đến kinh tế Việt Nam;

    3. Dự báo tương lai của các hiệp định thương mại tự do, trong đó chú trọng đến các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đặc biệt trong tình huống Brexit và việc Hoa Kỳ rút khỏi TPP;

    4. Phân tích, đánh giá và dự báo tác động của xu hướng gia tăng chủ nghĩa bảo hộ và chống toàn cầu hoá, chủ nghĩa dân tuý ở các nước phát triển, cũng như lo ngại về phân bổ lợi ích từ hội nhập kinh tế khu vực,... đến triển vọng của các hiệp định thương mại tự do;

    5. Các định hướng, giải pháp và lộ trình thực hiện nhằm xây dựng một mô hình mới cho Việt Nam để hội nhập thịnh vượng, tăng trưởng toàn diện và bền vững.

    III. Thời gian, địa điểm tổ chức Tọa đàm

    1. Thời gian: dự kiến lúc 13h45, ngày 01 tháng 04 năm 2019 (Thứ Hai).

    2. Địa điểm: Đại học Cần Thơ, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ.

    IV. Ngôn ngữ, quy định hình thức bài viết, thời hạn và địa chỉ gửi bài Tọa đàm:

    1. Ngôn ngữ: Tiếng Việt

    2. Quy định hình thức bài viết đăng kỷ yếu hội thảo quốc gia: 3.000 đến 5.000 từ không kể tài liệu tham khảo và phụ lục;

    §  Các mục tối thiểu: (1) Tên bài viết; (2) Tên tác giả/ nhóm tác giả và đơn vị công tác; (3) Tóm tắt: 300-500 từ; (4) 2-5 từ khóa; (5) Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu; (6) Kết quả nghiên cứu, thảo luận và hàm ý chính sách; (7) Tài liệu tham khảo; (8) Phụ lục.

    §  Tùy theo nội dung và phương pháp nghiên cứu, bài viết có thể gồm các mục khác thích hợp.

    §  Định dạng: soft copy (word), phông chữ: Times New Roman, cỡ chữ: 13, dãn dòng: single.

    3. Thời hạn nhận bài viết:

    - Hạn cuối gửi bài: ngày 25 tháng 3 năm 2019 (Thứ Hai)

    4. Địa chỉ gửi bài:

    Tác giả gửi bài viết qua email: hoithao@due.edu.vn. Bài viết được chấp nhận sẽ tiến hành biên tập và đăng trong Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc gia có giấy phép xuất bản và mã số ISBN.

    Thông tin chi tiết về Tọa đàm vui lòng liên hệ: PGS.TS. Nguyễn Phúc Nguyên - Ban Tổ chức Tọa đàm (Điện thoại: 0901.908.999, email: nguyennp@due.edu.vn).

    Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng trân trọng kính mời Quý Nhà Khoa học tham dự và viết bài cho Tọa đàm.

    Trân trọng./.

Khách thăm: 673

Thành viên: 43

Tổng: 716

Membership: Latest: Past 24 Hours: Prev. 24 Hours: Overall:
People Online
Visitors
Members
Total