• Thư mời viết bài

     THƯ MỜI VIẾT BÀI HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA

    XÁC ĐỊNH VÀ PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH KINH TẾ CÓ LỢI THẾ TRONG BỐI CẢNH TỰ DO HÓA THƯƠNG MẠI

     

    Kính gửi: Quý Nhà Khoa học.

    Kinh tế Việt Nam năm 2018 cho thấy một mức tăng trưởng đầy lạc quan với GDP đạt 7,08% so với năm 2017 - mức tăng cao nhất trong 11 năm qua. Một số yếu tố thuận lợi đến từ việc kiểm soát lạm phát, quản lý hoạt động ngân hàng và kim ngạch xuất khẩu có chiều hướng tăng khả quan hơn. Nhiều ngành kinh tế của Việt Nam có lợi thế, tiềm năng lớn, triển vọng tăng trưởng cao đã và đang định hướng phát triển theo hướng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Trong bối cảnh thị trường khu vực và thế giới có nhiều thay đổi, kinh tế Việt Nam hoàn toàn có cơ hội tham gia chủ động và sâu hơn vào các định chế thương mại khu vực và thế giới, khai thác các tiềm năng và lợi thế cho phát triển kinh tế. Tham gia vào Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và các hiệp định thương mại tự do khác được dự báo là có lợi cho Việt Nam với kỳ vọng mang lại động lực phát triển mới cho nhiều ngành kinh tế, đặc biệt là các ngành định hướng xuất khẩu. Theo Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, các hiệp định thương mại tự do có tác động chuyển hướng thương mại khá lớn và việc tham gia các hiệp định này có thể giúp Việt Nam đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, từ đó thúc đẩy tăng trưởng nhiều ngành sản xuất trong nước. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam có thể sẽ không được hưởng lợi nhiều từ cắt giảm thuế quan, thậm chí có thể tác động khiến sản lượng của một số ngành giảm. Do đó, nhu cầu cấp bách hiện nay là cần đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nhằm giảm dần sự phụ thuộc vào nguyên nhiên vật liệu nhập khẩu, đặc biệt là từ các quốc gia ngoài các hiệp định. Bên cạnh đó, việc dự báo tác động của các hiệp định thương mại tự do đến cơ cấu kinh tế của Việt Nam trong tương lai cũng như xác định các ngành có lợi thế phát triển của Việt Nam sẽ giúp Việt Nam hạn chế các thách thức để đạt mức tăng trưởng cao hơn.

    Trong khuôn khổ Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Quốc gia giai đoạn 2016-2020 (KX.01/16-20), Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng phối hợp với Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc gia về “Xác định và phát triển các ngành kinh tế có lợi thế trong bối cảnh tự do hóa thương mại”.

    I. Mục tiêu của Hội thảo

    Hội thảo Khoa học Quốc gia về “Xác định và phát triển các ngành kinh tế có lợi thế trong bối cảnh tự do hóa thương mại” sẽ là một diễn đàn học thuật thảo luận, trao đổi, phân tích, dự báo và xác định các ngành có lợi thế phát triển của Việt Nam giai đoạn 2017-2025 trong bối cảnh thực thi các hiệp định thương mại tự do. Ngoài ra, Hội thảo là diễn đàn để thảo luận, lắng nghe những kiến nghị định hướng, lộ trình và các giải pháp để phát triển các ngành kinh tế có lợi thế nhằm đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đi đôi với việc giảm phân hóa giàu nghèo.

    II. Nội dung của Hội thảo

    Những báo cáo khoa học của Hội thảo tập trung (nhưng không giới hạn) vào các chủ đề chính sau:

    1. Phân tích và đánh giá bối cảnh quốc tế và xu hướng tự do hóa thương mại, từ đó nhận diện các cơ hội và thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh thực thi các hiệp định thương mại tự do.

    2. Phân tích năng lực cạnh tranh trong bối cảnh thực thi các hiệp định thương mại tự do, và dự báo tác động của các hiệp định thương mại tự do đến cơ cấu kinh tế của Việt Nam giai đoạn 2017-2025.

    3. Dự báo và xác định các ngành có lợi thế phát triển của Việt Nam giai đoạn 2017-2025 trong bối cảnh hội nhập.

    4. Kiến nghị định hướng, lộ trình và các giải pháp để phát triển các ngành kinh tế có lợi thế nhằm đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đi đôi với việc giảm phân hóa giàu nghèo trong bối cảnh thực thi các hiệp định thương mại tự do và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.

    5. Kinh nghiệm và những bài học thành công trong xác định và phát triển các ngành kinh tế có lợi thế trong bối cảnh tự do hóa thương mại để có thể áp dụng cho Việt Nam.

    III. Thời gian, địa điểm tổ chức Hội thảo

    1. Thời gian: dự kiến lúc 08:30, ngày 29 tháng 03 năm 2019 (Thứ Sáu).

    2. Địa điểm: Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM, 669 QL1A, khu phố 3, Thủ Đức, Hồ Chí Minh.

    IV. Ngôn ngữ, quy định hình thức bài viết gửi bài Hội thảo

    1. Ngôn ngữ: Tiếng Việt

    2. Quy định hình thức bài viết đăng kỷ yếu hội thảo quốc gia: 3.000 đến 5.000 từ không kể tài liệu tham khảo và phụ lục;

    §  Các mục tối thiểu: (1) Tên bài viết; (2) Tên tác giả/ nhóm tác giả và đơn vị công tác; (3) Tóm tắt: 300-500 từ; (4) 2-5 từ khóa; (5) Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu; (6) Kết quả nghiên cứu, thảo luận và hàm ý chính sách; (7) Tài liệu tham khảo; (8) Phụ lục (nếu có).

    §  Tùy theo nội dung và phương pháp nghiên cứu, bài viết có thể gồm các mục khác thích hợp.

    §  Định dạng: soft copy (word), phông chữ: Times New Roman, cỡ chữ: 13, dãn dòng: single.

    3. Thời hạn nhận bài viết:

    - Hạn cuối gửi bài: ngày 01 tháng 03 năm 2019 (Thứ Sáu)

    4. Địa chỉ gửi bài:

    Tác giả gửi bài viết qua email: hoithao@due.edu.vn. Bài viết được chấp nhận sẽ tiến hành biên tập và đăng trong Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia có giấy phép xuất bản và mã số ISBN.

    Thông tin chi tiết về Hội thảo vui lòng liên hệ: PGS.TS. Nguyễn Phúc Nguyên - Ban Tổ chức Hội thảo (Điện thoại: 0901.908.999, email: nguyennp@due.edu.vn).

    Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng trân trọng kính mời Quý Nhà Khoa học tham dự và viết bài cho Hội thảo (Vui lòng xem tài liệu đính kèm tại đây).

    Trân trọng./.

Khách thăm: 858

Thành viên: 60

Tổng: 918

Membership: Latest: Past 24 Hours: Prev. 24 Hours: Overall:
People Online
Visitors
Members
Total