Đoàn thanh niên

Tin tứcGương mặt tiêu biểu

Giới thiệu

Thông báoTin tức hoạt độngHọc tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí MinhTuổi trẻ tình nguyệnTheo dấu chân NgườiHỗ trợ sinh viênHọc tập, NCKHVăn hóa, thể thaoKỹ năng, khởi nghiệp, hội nhậpTài liệu - Văn bảnLiên hệ

 Bản tin TOTV

MỖI TUẦN MỘT CÂU CHUYỆN ĐẸP - Điều gì khiến cuộc sống trở nên có ý nghĩa

02/06/2021

Điều gì khiến cuộc sống trở nên có ý nghĩa?

Có người không màng đến cái chết, có người đi tìm tâm niệm về cái chết. Có người không muốn chết và cũng có người đi tìm cái chết. Kết cuộc của một đời người là ra đi, vậy thì việc tồn tại có ý nghĩa gì? Bắt đầu với cái tuổi chập chững vào đời, tôi đã tự hỏi bao lần về điều này. Ở một khía cạnh nào đó, cuốn tự truyện “Khi hơi thở hóa thinh không” nói về cuộc đời của người bác sĩ Paul Kalanithi, nói về cách ông chiến đấu với bệnh tật đã cho tôi câu trả lời.

Paul Kalanithi, một người đàn ông đang đứng trên đỉnh cao của sự nghiệp, nơi được xem là cái kết viên mãn cho tuổi trẻ cố gắng của mình. Nhưng như cái cách sau những ngày mưa là những ngày nắng, sau những ngày nắng là những ngày bão bùng, Paul chưa kịp hưởng được cái mùi vị của Vùng Đất Hứa. Ông phải đối mặt với cái ranh giới giữa sự sống và cái chết, đấu tranh giữa vai trò là bác sĩ hay bệnh nhân với chính mình, với chính căn bệnh nan y của thế kỷ - ung thư phổi. 

Ở cái tuổi ba mươi sáu, leo gần lên đến đỉnh núi, xa xăm hơn Vùng Đất Hứa, ông còn có thể thấy Địa Trung Hải nơi có “chiếc tàu hai thân xinh đẹp mà Lucy, những đứa con giả định và tôi vẫn đi nghĩ cuối tuần ở trên đó”. Đối với Paul, ông cũng tin rằng, nếu một ngày có thể đứng ở một vị trí đầy tiềm năng là giáo sư về phẫu thuật thần kinh, ông sẽ “trở thành một người chồng như đã hứa hẹn”. Vậy tại sao, Paul lại không thực hiện nó ngay lúc này? Căn bệnh ung thư phổi ắt hẳn là điều quái ác tạo nên bi kịch của cuộc đời ông. Nhưng ở mặt khác, nó là điểm nút giao thông nơi đang sáng đèn đỏ, nơi cho phép ông dừng chân và nghĩ về cái triết nhân sinh giữa sự sống và cái chết, về hạnh phúc của bản thân mình.

Cuộc đời là cuốn phim đặc biệt không lường trước được diễn biến. Nếu bạn còn một tháng để sống, bạn có thể sẽ chọn dành thời gian bên cạnh gia đình, người thân. Nếu còn một năm để sống, chắc hẳn bạn dành thêm cho mình những chuyến du ngoạn để được thấy ánh bình minh huy hoàng trên mặt biển, ánh hoàng hôn rũ rượi trên ngọn núi. Nếu còn mười năm, ắt hẳn bạn sẽ tiếp tục vùi mình vào công việc với chiến lược dài hơi đã đề ra. Nhưng vấn đề là bạn chẳng biết mình còn lại bao nhiêu thời gian? Cũng như Paul, cái thời gian tưởng chừng vô hạn lại trở nên hữu hạn hơn bao giờ trước mắt ông. Và thay vì chết dần, chết mòn trong cái mớ suy nghĩ ấy, ông quyết định viết lách – công việc mà ông hằng mơ ước ở thời trẻ bị trì hoãn bởi những vụn vặn đời sống thường ngày. Ông quyết định có con cùng Lucy. Ông quyết định quay trở lại công việc phẫu thuật hơn mười lăm tiếng một ngày. Ông quyết định tiếp tục sống hơn là dần chết đi. Chính thời khắc này, những điều ông làm chính là những điều làm ông cảm nhận được hạnh phúc đến đỗi bình yên. 

Tất cả chúng ta đều luôn ý niệm hạnh phúc là thứ hàng hóa xa xỉ. Nếu một ngày, tôi đậu đại học ở trường đại học lừng danh, tôi sẽ hạnh phúc. Nếu một ngày, tôi có công việc ổn định, tôi sẽ hạnh phúc. Nếu một ngày, tôi sở hữu một căn nhà, tôi sẽ hạnh phúc.

Nếu một ngày …, tôi sẽ hạnh phúc!

Đã bao lần bạn tự nhủ câu đó với chính bản thân mình? 


Hạnh phúc đối với ta luôn là thứ hàng hóa được trao đổi bởi cái mục tiêu ta hứa hẹn sẽ đạt được. Vậy thì nhỡ một ngày, bạn không đạt như những gì đã đề ra, liệu bạn có hạnh phúc không? Nhỡ một ngày, bạn đối mặt với cái chết, liệu bạn có cho phép bản thân cơ hội được hạnh phúc? Phải chăng, tất cả chúng ta đều đã lý tưởng hóa cái hạnh phúc luôn ở thì tương lai?!

Sẽ đến một lúc, bạn không thể lựa chọn cho mình thời điểm khi nào là thích hợp để bản thân được hạnh phúc. Sẽ đến một lúc, như Paul, thần chết – vị khách không mời sẽ bất chợt ghé thăm bạn. Sẽ đến một lúc, bạn nhận ra từng ngày ta sống là từng ngày ta cận kề cái chết. Hãy nghĩ lại đi, bạn chỉ có một cuộc đời, chỉ có một cơ hội để được sống, vậy tại sao lại để thứ hạnh phúc làm nên ý nghĩa cuộc sống ở thì tương lai? Tôi nghĩ chính Paul đã tìm được câu trả lời cho cái điều mà ông hằng trăn trở “Điều gì khiến cuộc sống trở nên có ý nghĩa” khi nằm trên giường bệnh và nắm tay vợ mình trong lúc chuyển dạ. Ông cho rằng, ngay lúc này đây, đây chính là sự có mặt tối đa mà ông có thể làm. Hơn ai hết, khi đã từng chứng kiến những người quan trọng với tôi ra đi nhưng không thể làm gì, tôi cảm nhận được cái nỗi đau chua xót, cái trách nhiệm đầy nhân văn, cái khoảnh khắc mang tên “hạnh phúc” đẹp hơn bao giờ. 

Lucy đã viết một trang giấy gởi đến đứa con gái Cady bé bỏng của họ: “Khi một ai đó ra đi, mọi người thường có xu hướng nói những điều tốt đẹp về người đó. Con hãy nhớ rằng tất cả những gì tuyệt vời mà mọi người đang nói về cha con là thực. Cha con thật sự tốt đẹp và dũng cảm.” Bạn thấy không, sự tồn tại là hơn cả sự nhận thức đơn thuần về cái sống và cái chết. Mà nó chính là sự tồn tại nhận thức về bạn ở những con người khác, cuộc đời khác. Vậy nên, dù có ra đi thì bạn vẫn tồn tại trong những người còn lại!

Hãy sống một cách hạnh phúc! Vì điều khiến cuộc sống trở nên có ý nghĩa là khoảnh khắc bạn nhận ra hạnh phúc giản đơn của chính mình. 

Hãy lan tỏa sự hạnh phúc trên từng chặng hành trình của bạn đến những người xung quanh! Vì khi điều hạnh phúc được nhân rộng ra, bạn sẽ được tồn tại mãi mãi và vĩnh hằng như cách Paul đã làm, đã chiến đấu, đã để lại cho chúng ta cuốn hồi ký mang đầy giá trị này.