DHKT

Dự án đào tạo USAID về WBL: Thiết kế chương trình đào tạo giúp sinh viên trải nghiệm thực tế ngành nghề ngay trên ghế giảng đường

22/10/2018

Nhằm chia sẻ những phương pháp giảng dạy tích cực cho đội ngũ giảng viên, ngày 20/10/2018, Nhóm dự án USAID COMET của Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng đã tổ chức khóa học “Work – based Learning” (WBL). Tham gia khóa học có đại diện chuyên gia quản lý cấp cao của dự án USAID: TS. Suparb Pasong; đại diện Ban Giám hiệu: PGS.TS. Nguyễn Mạnh Toàn – Hiệu trưởng Nhà trường, PGS.TS. Võ Thị Thúy Anh – Phó Hiệu trưởng Nhà trường; Trưởng Nhóm dự án USAID COMET của Trường Đại học Kinh tế: PGS.TS. Đoàn Ngọc Phi Anh và các trưởng bộ môn, giảng viên Nhà trường.


Phát biểu tại khóa học, PGS.TS. Nguyễn Mạnh Toàn bày tỏ sự vui mừng khi khóa học có sự tham dự và tư vấn của chuyên gia quản lý cấp cao của dự án USAID COMET, điều đó thể hiện sự quan tâm của dự án đến giảng viên, sinh viên Nhà trường. Kể từ khi được triển khai tại Trường Đại học Kinh tế, dự án USAID COMET đã góp phần chia sẻ những phương pháp giảng dạy tích cực cho giảng viên, đồng thời trang bị cho sinh viên những kỹ năng, kiến thức nghề nghiệp để có thể cạnh tranh trong môi trường làm việc chuyên nghiệp. Thông qua khóa học, Ban giám hiệu Nhà trường cũng mong muốn đội ngũ giảng viên sẽ áp dụng những kinh nghiệm, chia sẻ từ dự án, tăng cường hơn nữa những trải nghiệm thực tế của công việc vào giảng dạy. Qua đó, giúp Nhà trường triển khai mục tiêu “học đi đôi với hành”. tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo và đạt các chuẩn giáo dục quốc tế.


PGS.TS. Nguyễn Mạnh Toàn phát biểu tại khóa học

TS. Suparb Pasong cũng rất phấn khởi về sự phát triển của Nhóm dự án USAID COMET sau hơn 2 năm triển khai dự án tại Trường Đại học Kinh tế, đặc biệt là những hiệu ứng tích cực của dự án lan tỏa đến giảng viên, sinh viên Nhà trường. Chuyên gia quản lý cấp cao từ dự án USAID COMET cho biết sẽ tiếp tục phối hợp, hỗ trợ Nhà trường trong việc tư vấn, tổ chức các khóa học, workshop nhằm cải thiện hơn nữa các phương pháp giảng dạy tại Trường Đại học Kinh tế trong thời gian tới.


TS. Suparb Pasong có những chia sẻ với giảng viên Nhà trường về Work – based Learning

Tại khóa học, đại diện của Nhóm Dự án USAID COMET: TS. Nguyễn Hữu Cường đã giải thích ý nghĩa và tầm quan trọng của việc lồng ghép trải nghiệm thực tế công việc trong giảng dạy. Theo đó, ngoài kiến thức chuyên môn, các doanh nghiệp hiện nay luôn đòi hỏi kinh nghiệm làm việc thực tế từ người lao động. Trong khi đó, vốn kinh nghiệm về công việc của sinh viên chỉ được tích lũy thông qua việc thực tập, tham quan thực tế hay một số môn học liên quan đến thực hành. Điều đó là chưa đủ để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp khiến các nhà tuyển dụng phải tổ chức quá trình đào tạo và huấn luyện lại cho những “tân binh”. Vì vậy, việc tăng cường, lồng ghép trải nghiệm thực tế công việc vào các môn học là điều mà Nhà trường phải triển khai để tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp về chất lượng nguồn nhân lực, cũng như giúp sinh viên tự tin hơn, phát triển toàn diện hơn.


TS. Nguyễn Hữu Cường trình bày tầm quan trọng của Work – based Learning

Khóa học cũng là diễn đàn để các thầy, cô chia sẻ kinh nghiệm của bản thân trong việc lồng ghép các trải nghiệm ngành nghề thực tế vào môn học. Cùng với đó là những khó khăn, vướng mắc khi triển khai phương pháp giảng dạy theo hướng thực tế này như: giới hạn thời gian của một tiết học, khả năng liên kết, kết nối với doanh nghiệp bên ngoài, sự tương tác của doanh nghiệp với sinh viên... Đề xuất các phương hướng giải quyết, PGS. TS. Nguyễn Mạnh Toàn cho rằng các giảng viên nên thực hiện việc lồng ghép thực tế ngay từ năm 1 cho sinh viên, từ những ví dụ cụ thể cho đến các hình ảnh, clip hay các công cụ trực quan. Ngoài việc tiếp cận các doanh nghiệp, công ty bên ngoài, Nhà trường sẽ khuyến khích giảng viên đưa sinh viên đến quan sát thực tế, tiếp xúc công việc của các Phòng, Ban ngay trong khuôn viên trường. Bên cạnh đó, việc xây dựng và đưa vào sử dụng các khu thực hành ngành Du lịch, Marketing, và sắp tới là khu thực hành dành cho các ngành Kế toán, Tài chính - Ngân hàng… sẽ là nơi đem lại những kiến thức thực hành nghề nghiệp cho sinh viên Nhà trường. Ngoài ra, các kênh như Câu lạc bộ sinh viên, cựu sinh viên cũng sẽ giúp sinh viên tiếp cận được thực tế ngành nghề một cách hiệu quả.

 

Các giảng viên chia sẻ về kinh nghiệm lồng ghép thực tế vào giảng dạy

Nhiều hoạt động tại khóa học cũng giúp các giảng viên có thể tăng hàm lượng kiến thức thực tế vào các môn học sao cho phù hợp, hướng dẫn và hỗ trợ sinh viên để có một kỳ kiến tập, thực tập thành công, tư vấn những công việc làm thêm liên quan đến ngành học của sinh viên, hay những kỹ năng cơ bản nhất về chuẩn bị CV, lên kế hoạch, giao tiếp… Đây là những kiến thức bổ ích nhằm giúp sinh viên sớm thích nghi môi trường làm việc thực tế. Ngoài ra, khóa học còn trang bị cho các học viên nội dung bộ công cụ WBL của Dự án USAID COMET, hướng dẫn việc tổ chức một cách có hiệu quả việc thực hiện các hoạt động trong chuỗi WBL cho sinh viên và hướng dẫn việc lập kế hoạch triển khai các hoạt động WBL trong các khóa học


Khóa học “Work – based Learning” đã diễn ra thành công tốt đẹp với sự hào hứng và tham gia tích cực của đội ngũ giàng viên Trường Đại học Kinh tế. Đây không chỉ là những trải nghiệm về phương pháp giảng dạy mới mẻ, tích cực cho giảng viên mà còn là cơ sở để Nhà trường tiếp tục điều chỉnh, đổi mới phương pháp giảng dạy và chương trình đào tạo chính quy, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của doanh nghiệp hiện nay.


Giảng viên, sinh viên Nhà trường tham gia workshop Designing Institutionalization” 

Bên cạnh khóa học “Work – based Learning”, dự án USAID COMET còn đem đến workshop “Designing Institutionalization Workshop” với sự giảng dạy trực tiếp của TS. Suparb Pasong. Workshop diễn ra vào ngày 18/10, đã giúp giới thiệu các công cụ thiết kế giảng dạy và triển khai các mô hình MekongSkill2Work (MS2W) trong đổi mới phương pháp giảng dạy tại trường Đại học Kinh tế. Các thành viên tham gia khóa học còn được tìm hiểu phương pháp dạy và học tại Trường thông qua việc phỏng vấn giảng viên, sinh viên và lãnh đạo các Phòng, Ban, Trung tâm. Đây là hoạt động học thuật nhằm giúp sinh viên chủ động, tích cực trang bị các kỹ năng cần thiết để sẵn sàng tham gia thị trường lao động ngay khi vừa tốt nghiệp, bên cạnh đó giảng viên sẽ thay đổi phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực, phù hợp hơn đối với từng môn học.

Trung tâm CNTT & TT