DHKT

Trọng tài thương mại Việt Nam trước thực tiễn và thách thức

16/10/2018

Ngày 16/10, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng phối hợp với Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức Tọa đàm khoa học “Trọng tài thương mại – Thực tiễn và thách thức”. Tham dự buổi tọa đàm có đại diện VIAC: ông Vũ Ánh Dương – Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, ông Nguyễn Tiến Lập – Trọng tài viên; đại diện Trường Đại học Kinh tế có PGS.TS. Trần Đình Khôi Nguyên – Phó Hiệu trưởng Nhà trường, lãnh đạo các Khoa trực thuộc trường và hơn 50 sinh viên khoa Luật – Trường Đại học Kinh tế.



Phát biểu tại buổi tọa đàm, PGS.TS. Trần Đình Khôi Nguyên cho biết đây là hoạt động học thuật rất bổ ích nhằm nâng cao kiến thức về luật pháp cho giảng viên, sinh viên, đồng thời giới thiệu những ưu điểm giải quyết các tranh chấp thương mại thông qua trọng tài. Thông qua những buổi tọa đàm khoa học, giảng viên, sinh viên Nhà trường sẽ có dịp trao đổi với các chuyên gia, từ đó tích lũy thêm kỹ năng, kinh nghiệm phục vụ cho học tập, công tác sau này.


Trọng tài viên Nguyễn Tiến Lập trình bày chuyên đề "Tranh chấp thương mại và Trọng tài thương mại"


Tổng Thư kỳ VIAC - ông Vũ Ánh Dương trình bày chuyên đề "Tố tụng thương mại và Tố dụng Dân sự"

Tại buổi tọa đàm, đại diện VIAC đã trình bày những kiến thức cơ bản về Tranh chấp thương mại và Trọng tài thương mại, sự khác biệt của Tố tụng Trọng tài thương mại và Tố tụng dân sự. Đề cập đến sự cần thiết của trọng tài thương mại tại Việt Nam hiện nay, các chuyên gia cho rằng việc giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài sẽ góp phần đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ tố tụng, rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp. Bên cạnh đó, chất lượng giải quyết tranh chấp sẽ được đảm bảo nhờ  việc được quyền lựa chọn trọng tài viên và các chuyên gia có kinh nghiệm, uy tín trong nghề. Quan trọng nhất là các phán quyết của trọng tài đều được cơ quan thi hành án dân sự Việt Nam công nhận. Số liệu được các chuyên gia cung cấp cho thấy, hơn 90% các tranh chấp thương mại trên thế giới đều được giải quyết thông qua các trung tâm Trọng tài, và con số đó tại Việt Nam đều tăng dần qua từng năm. Ngoài ra, các chuyên gia cũng nêu ra những khó khăn, thách thức khi triển khai hình thức trọng tài thương mại ở Việt Nam.


TS. Hoàng Ngọc Giao - Trường Đại học Kinh tế chia sẻ chuyên đề "Phán quyết trọng tài"

VIAC cũng là một trung tâm Trọng tài Quốc tế có uy tín tại Việt Nam, được thành lập từ năm 1993. Với mục tiêu thúc đẩy phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài hoặc các phương thức ngoài tòa án khác, VIAC luôn đảm bảo xây dựng phương thức giải quyết khách quan, công bằng và đáng tin cậy mà vẫn đảm bảo tính hiệu quả và tiện lợi cho doanh nghiệp. Ông Vũ Ánh Dương cho biết, trong năm 2016, VIAC đã giải quyết 156 vụ tranh chấp, bao gồm các tranh chấp có yếu tố nước ngoài. Hiện nay, VIAC còn nỗ lực mở rộng liên kết với các tổ chức quốc tế và tổ chứ các diễn đàn trao đổi kinh nghiệm về hoạt động trọng tài, góp phần vào xu hướng phát triển của trọng tài quốc tế tại Việt Nam.

 

Các chuyên đề nhận được nhiều sự quan tậm của sinh viên

Ngoài những kiến thức về hoạt động trọng tài, các chuyên gia VIAC đã chia sẻ những kỹ năng, kiến thức thực hành nghề nghiệp với các bạn sinh viên thông qua dẫn chứng cụ thể. Sinh viên còn được trao đổi trực tiếp, nêu những thắc mắc liên quan đến hoạt động trọng tài, luật trọng tài và tìm hiểu về thực trạng giải quyết các tranh chấp thương mại thông qua trọng tài tại Việt Nam.

Phiên trọng tài giả định giải quyết tranh chấp cụ thể với sự tham gia sinh viên Trường Đại học Kinh tế và các chuyên gia từ VIAC

Tham gia buổi tọa đàm, các bạn sinh viên khoa Luật – Trường Đại học Kinh tế đã tổ chức phiên Trọng tài giả định giải quyết tranh chấp cụ thể. Đây là hoạt động thiết thực nhằm giúp sinh viên áp dụng những kiến thức về luật trọng tài vào thực tế, nâng cao hiểu biết nghề và tích lũy thêm kinh nghiệm phục vụ cho công việc sau này.

Trung tâm CNTT & TT