DHKT

ThS. Nguyễn Anh Tuấn - Học tập là một khoản đầu tư dài hạn với chi phí thấp cho bản thân

16/10/2021

Điềm đạm, khiêm tốn trên bục giảng, nhưng ít ai biết được đằng sau đó là rất nhiều nỗ lực và rồi nghề giáo đến với thầy như một cái duyên. Có thể nói, thầy Tuấn để lại ấn tượng sâu đậm với các bạn sinh viên về vốn kiến thức sâu rộng, tích luỹ được thông qua thói quen đọc sách. Những chia sẻ của thầy Tuấn như một cuốn tự truyện, đúc kết kinh nghiệm bản thân và truyền những bài học cảm hứng cho người trẻ.

Thầy cho rằng sinh viên nên tận dùng thời gian 4 năm đại học để làm gì?

Đó là quãng thời gian mà sinh viên nên tận dụng tối đa để học. Học tập luôn là một khoản đầu tư dài hạn với chi phí thấp cho bản thân, và sau 5 năm, 10 năm, chúng ta sẽ thấy rõ lợi ích của việc học tập. Lợi ích đó không chỉ gói gọn trong sự thăng tiến trong công việc và thu nhập, mà còn ở những khía cạnh khác trong cuộc sống như làm nền tảng giúp chúng ta duy trì khả năng học tập suốt đời, có những trải nghiệm sống đa dạng hơn, hoặc có thêm nhiều mối quan hệ.

Tất nhiên học tập ở đây không chỉ là tham gia tích cực vào các lớp học trong chương trình hay đọc nhiều sách. Mỗi người có cách học của riêng mình, chẳng hạn như học thêm một ngôn ngữ, tham gia hoạt động thiện nguyện hay làm việc bán thời gian, nếu giúp nâng cao kiến thức, kỹ năng và thái độ của sinh viên, thì đều là học cả.

Thầy ấn tượng điều gì nhất ở các bạn sinh viên thời nay? Thầy cho rằng sinh viên thời nay có lợi thế gì?

Các bạn sinh viên thời nay có kiến thức và kỹ năng tốt hơn rất nhiều so với thời thầy đi học. Ví dụ như lúc thầy là sinh viên, đạt điểm IELTS 7.0 là một thành tích rất đáng nể đối với một sinh viên của Trường Đại học Kinh tế, nhưng bây giờ thì ngay khi thi đầu vào, đã có các bạn đạt được mức điểm đó, hoặc thậm chí cao hơn. Ngoài ra, thầy thấy rằng các bạn sinh viên cũng rất năng động tham gia các cuộc thi, các câu lạc bộ, xây dựng mối quan hệ hay có những định hướng rõ ràng cho tương lai của mình.

Lợi thế của sinh viên thời nay là được sự hỗ trợ rất đắc lực từ công nghệ. Việc tìm kiếm kiến thức, chia sẻ kiến thức và kết nối con người lại với nhau có thể được thực hiện dễ dàng hơn rất nhiều. Các lớp học vẫn được tiến hành bình thường trong bối cảnh đại dịch Covid-19 là một ví dụ rõ nét. Với công nghệ, giờ đây sinh viên có thể học tập liên tục dù ở bất cứ đâu chỉ với một thiết bị được kết nối Internet.

Thầy có những khó khăn gì khi mới bước chân vào nghề không? Kỷ niệm đáng nhớ nhất của thầy khi công tác tại khoa Kinh doanh quốc tế là gì?

 Khó khăn lớn nhất khi bước vào nghề đó là thầy rất sợ nói trước đám đông. Thời sinh viên, những lần thuyết trình trước lớp luôn khiến thầy cảm thấy rất căng thẳng và lúng túng. Và điều trớ trêu là, thầy lại chọn một nghề đòi hỏi chính ở cái sở đoản của mình.

Việc khắc phục khó khăn thì thật ra rất đơn giản, thầy không có lựa chọn nào khác ngoài việc vẫn phải nói trước sinh viên hàng tuần, hàng kỳ. Áp lực phải trình bày cho sinh viên hiểu, cho sinh viên chịu nghe khiến thầy phải xem lại bài giảng của mình mỗi kỳ, bổ sung thêm kiến thức để làm cho bài giảng hay hơn, từ đó khiến mình tự tin hơn. Thầy nhận thấy rằng, để nâng cao kiến thức thì chúng ta cần phải học, còn để nâng cao kỹ năng thì chúng ta phải làm.

Đối với thầy, kỷ niệm đáng nhớ nhất có lẽ là lời nhận xét theo hướng tích cực của thầy Đỗ Minh Sơn sau bài giảng thử đầu tiên của thầy. Điều đó đã giúp thầy tin tưởng ở bản thân và cố gắng vượt qua những khó khăn ban đầu của nghề dạy học. Thầy luôn biết ơn vì điều đó. Những lời động viên đối với người nói thì không mất gì, nhưng với người nghe nó có thể có giá trị rất lớn.

Điều gì ở công việc này thôi thúc và truyền cảm hứng cho thầy luôn tiếp tục cố gắng, nỗ lực trong công việc? Triết lý giáo dục của thầy là gì?

Điều luôn thôi thúc và truyền cảm hứng cho thầy tiếp tục nỗ lực trong công việc đó là có những sinh viên đam mê học hỏi, thỉnh thoảng vẫn liên lạc để hỏi thêm hoặc chia sẻ những suy nghĩ của các bạn với thầy về những vấn đề liên quan đến bài học ở ngoài thực tiễn. Sinh viên của mình muốn biết nhiều hơn phạm vi sách vở và các bài kiểm tra, đó là điều làm cho người thầy cảm thấy hạnh phúc nhất trong nghề này. Và những câu hỏi, những chia sẻ của các bạn cũng là một áp lực khiến thầy phải đọc nhiều hơn, phải tìm kiếm nhiều thông tin hơn.

Nói triết lý giáo dục có vẻ to tát quá, thầy tạm gọi là quan niệm về giáo dục. Quan niệm của thầy là người thầy cần phải truyền được cảm hứng tự học cho sinh viên. Tự học vừa là một kỹ năng, một trách nhiệm của sinh viên ở bậc đại học, nhưng nó cũng cần được khơi gợi bởi người đi dạy. Truyền được cảm hứng tự học cho sinh viên - tự chiếm lĩnh kiến thức trong phạm vi môn học, mở rộng tìm hiểu kiến thức bên ngoài - là một quá trình dài đối với người dạy.

Câu nói/câu châm ngôn ưa thích của thầy là gì?

“Bạn sẽ không thể biết mình mạnh mẽ nhường nào cho đến khi mạnh mẽ là lựa chọn duy nhất của bạn”. Câu nói này trở thành châm ngôn ưa thích của thầy trong thời gian thầy đi học ở nước ngoài. Ở Việt Nam trước đó, thầy có một cuộc sống tương đối dễ chịu. Tuy nhiên, khi đi học nước ngoài, thầy buộc phải đi làm thêm nhiều việc để trang trải thêm cho chi phí sinh hoạt, và cả để dành đi du lịch. Có công việc đòi hỏi phải thức dậy từ rất sớm, công việc đòi hỏi phải lao động chân tay nhiều. Tuy nhiên, thầy đã vượt qua được và sau đó dần dần thấy hoàn toàn yêu thích các công việc đó, cái mà chắc chắn nếu ở Việt Nam thầy sẽ không bao giờ làm. Thế nên những khó khăn sẽ giúp chúng ta biết được hoặc mở rộng được những giới hạn của mình. Có sinh viên hỏi thầy rằng làm sao để vừa học tốt, lại vừa làm việc được, vì bạn có một cơ hội làm việc rất tốt. Câu trả lời của thầy cho bạn đơn giản là bạn cứ làm hết, rồi bạn sẽ thấy bạn có khả năng làm việc nhiều hơn bạn nghĩ. Còn nếu không làm được, bạn chỉ cần xin thôi việc, và bạn vẫn biết được một điều quý giá, đó là khả năng chịu đựng của bạn đến đâu.

Thầy thường giới thiệu rất nhiều cuốn sách hay, vậy thầy thể có chia sẻ niềm đam mê đọc sách của thầy xuất phát từ đâu không ạ? Đọc sách đem lại điều gì cho thầy trong công việc và cuộc sống?

Sở thích đọc sách của thầy xuất phát từ việc ngày bé, thầy thường xuyên phải ở nhà một mình với tủ sách của ba mẹ. Lúc bấy giờ học sinh tiểu học chỉ học có một buổi, không học thêm gì nên buổi còn lại, khi ba mẹ đi làm, thầy phải ở nhà một mình. Ngày đó, trẻ con hầu như chẳng có phương tiện giải trí nào cả, các chương trình truyền hình rất ngắn và chán, Internet không có, đồ chơi và truyện tranh cũng không có nhiều tiền để mua. Việc ở nhà mà không có việc gì làm khiến một đứa trẻ phải tìm cái gì đó để lục lọi, và đối tượng khả dĩ nhất là tủ sách của ba mẹ. Ba mẹ thầy có rất nhiều sách khoa học, do Liên Xô cũ in viện trợ, nội dung rất lôi cuốn, phù hợp với trẻ con. Thế là thầy lôi hết ra những gì có thể đọc được. Những cuốn sách đầu tiên thầy đọc là sách về thế giới sinh vật (ba mẹ đều học mảng này), khoa học thường thức và một vài chủ đề khác. Có thể nói rằng nhờ thiếu vắng các phương tiện giải trí, thầy đã xây dựng được thói quen đọc sách từ nhỏ.

Thầy thấy rằng việc đọc cho mình rất nhiều thứ. Điều đầu tiên là công việc giảng dạy sử dụng rất nhiều những kiến thức mà thầy đã đọc được, như vậy việc đọc sách phục vụ trực tiếp cho công việc. Thứ hai là thầy đã có cơ hội tham gia một vài cuộc thi, chương trình truyền hình nhờ những kiến thức mà mình đọc được và đó là những kỷ niệm rất thú vị. Thứ ba, việc đọc sách giúp thầy có thêm được nhiều bạn mới, những người chia sẻ sở thích đọc sách và trao đổi những vấn đề cùng quan tâm. Cuối cùng là, kiến thức từ sách vở có thể giúp thầy hiểu được nhiều vấn đề trong thực tiễn dễ dàng hơn.

Tin từ Khoa Kinh doanh quốc tế