DHKT

Hội thảo khoa học Định hướng và giải pháp liên kết vùng trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (08h ngày 28/08/2015) thành công tốt đẹp

28/08/2015

Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng rất vinh dự phối hợp với Chủ nhiệm đề tài cấp Bộ B2013-03 “Nghiên cứu liên kết vùng trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài cho Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung” tổ chức Hội thảo với chủ đề “ Định hướng và giải pháp liên kết vùng trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung” ngày 28/08/2015. 

Chủ đề chính của Hội thảo là “Liên kết trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài”. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia và mỗi địa phương, đặc biệt là các nước đang phát triển. Không những các quốc gia mà các địa phương của mỗi quốc gia đều có các nỗ lực khác nhau nhằm thu hút nguồn vốn này về địa phương mình càng nhiều càng tốt. Tuy vậy, do cầu về vốn luôn lớn hơn cung trong thị trường vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, lợi thế thuộc về phía các nhà đầu tư nước ngoài và vì thế cạnh tranh giữa các quốc gia/địa phương là hiện tượng phổ biến. Và cũng do vị thế cạnh tranh này, các bên tham gia thu hút rất có thể sẽ tự để mình ở vị thế gây thiệt hại lẫn nhau. Liên kết nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực từ cạnh tranh và cùng nhau khai thác tốt nguồn vốn này là hướng đi đúng. Mặc dù có ý nghĩa như vậy, các nghiên cứu về liên kết trong thu hút đầu tư trực tiếp chủ yếu tập trung ở giác độ giữa các quốc gia trong khi liên kết giữa các địa phương trong cùng một quốc gia chưa được nhiều.

Với mô hình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong các thập niên gần đây, các vùng kinh tế trọng điểm được Nhà nước xem là các hạt nhân tăng trưởng nhanh đồng thời là đầu mối tạo động lực tích cực cho sự phát triển của toàn nền kinh tế. Để phục vụ cho phát triển, nguồn vốn từ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) luôn được các địa phương trong các vùng kinh tế trọng điểm tập trung thu hút với mục tiêu gia tăng nguồn vốn, nâng tiềm lực công nghệ và quản lý cũng như tận dụng các cơ hội hội nhập sâu hơn vào thị trường khu vực và thế giới.

Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (KTTĐMT), gồm 5 địa phương là Thành phố Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định, được biết đến với các lợi thế đặc thù về vị trí chiến lược, hệ thống cơ sở hạ tầng như cảng biển nước sâu, sân bay, xa lộ xuyên Việt và quốc tế, các khu kinh tế, khu công nghiệp và các di sản văn hóa thế giới. Với vị thế của mình, Vùng KTTĐMT không những được xem như là một động lực chính cho sự phát triển kinh tế - xã hội của cả khu vực miền Trung và Tây Nguyên mà còn là hạt nhân quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Tuy nhiên, dù có tỷ lệ tăng trưởng thời gian qua khá ấn tượng, Vùng KTTĐMT vẫn là vùng có quy mô kinh tế rất nhỏ, chỉ chiếm khoảng 5% GDP của cả nước năm 2014, thua xa các vùng kinh tế trọng điểm khác ở phía Nam và phía Bắc. Về thu hút FDI, tuy được nhìn nhận là khu vực khá năng động với sức bật lớn, FDI vào Vùng KTTĐMT vẫn được xem là chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của vùng, chẳng hạn số dự án FDI đang còn hiệu lực của cả Vùng năm chỉ mới chiếm khoảng dưới 3% tổng số dự án trong cả nước. Về đóng góp của FDI đối với phát triển kinh tế vùng, mặc dù có nhiều nhận định định tính cho rằng FDI có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế địa phương, một số nghiên cứu định lượng cho thấy không có tương quan tích cực giữa tăng trưởng kinh tế và FDI tại khu vực miền Trung trong đó có Vùng KTTĐMT như ở các vùng Đồng bằng Sông Hồng, Đông Bắc và Đông Nam Bộ, Đồng bằng Sông Cửu Long.

Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có nhiều tiềm năng và lợi thế trong thu hút FDI, nhưng chưa được phát huy đúng mức. Theo nhiều nhà nghiên cứu, điều này do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là các địa phương trong Vùng chưa tìm ra được tiếng nói chung trong việc phối hợp, liên kết phát huy sức mạnh tổng hợp của các tỉnh trong Vùng. Hơn nữa, nhiều ý kiến khác lại cho rằng những liên kết ở Vùng này còn sơ khai, chưa có chiều sâu và chưa phát huy hết các lợi ích mong đợi vốn có. Mặt khác, nghiên cứu về FDI ở các nước trên thế giới cũng như nhiều nghiên cứu khác nhau về FDI tại Việt Nam cho thấy, muốn phát triển nhanh hơn, đặc biệt muốn thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI thì biện pháp rất quan trọng mà vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung cần thực hiện là liên kết hợp tác kinh tế giữa các địa phương trong Vùng. Do đó cần phải nghiên cứu nghiêm túc về mặt thực tiễn để tìm ra các nhân tố chính ảnh hưởng đến sự sẵn sàng tham gia hợp tác của các chính quyền địa phương trong hoạt động thu hút FDI của Vùng. Có như vậy, Vùng mới xây dựng được cơ chế hợp tác nhằm phát huy sức mạnh bên trong, tận dụng triệt để cơ hội từ bên ngoài Vùng, nhằm phát huy mạnh mẽ tiềm năng to lớn của Vùng trong thu hút FDI.

Hội thảo này là dịp để các nhà khoa học, các nhà quản lý và những nhà hoạch định, điều hành chính sách trao đổi các quan điểm khác nhau, theo những cách tiếp cận khác nhau nhằm chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm thu hút vốn FDI và liên kết trong việc thu hút vốn FDI trong Vùng Kinh tế trọng điểm Miền Trung.

Trong thời gian vừa qua, Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được hơn 20 bài nghiên cứu và tham luận cả lý thuyết và thực tiễn tập trung các chủ điểm khác nhau như: thực trạng  hoạt động đầu tư nước ngoài ở các địa phương thuộc Vùng Kinh tế trọng điểm Miền Trung, phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài, các hình thức liên kết vùng và phân tích lợi ích-chi phí, rủi ro-niềm tin trong liên kết nhằm thu hút vốn FDI. Trong hội thảo này chúng ta dành nhiều thời gian để thảo luận và trao đổi các vấn đề sau:

-         Đánh giá thực trạng thu hút vốn FDI ở địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung.

-         Nhận diện các yếu tố ảnh hưởng đến thu hút vốn FDI.

-         Lợi ích, chi phí, rủi ro, niềm tin và sự hợp tác giữa các bên trong liên kết thu hút vốn FDI

-         Tổ chức liên kết ma trận không gian Vùng Kinh tế trọng điểm Miền Trung nhằm thu hút vốn FDI.

 

 

Trích Báo cáo đề dẫn Hội thảo, TS. Nguyễn Trung Kiên

Trưởng Khoa Thương Mại - Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng