DHKT

Hệ thống phổ biến

Văn bản

Biểu mẫu

Tin tức pháp luậtHỏi - ĐápLiên hệ

Một số điểm mới về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Một số điểm mới về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013- sau đây viết tắt là Hiến pháp 2013, được xây dựng trên cơ sở cách tiếp cận quyền con người. Đây là cách tiếp cận dựa vào các tiêu chuẩn về quyền con người để xác định kết quả và lấy các nguyên tắc về quyền con người làm điều kiện, khuôn khổ cho quá trình đạt được và duy trì kết quả đó một cách bền vững. Theo đó: 

a) Các chủ thể quyền có quyền đòi hỏi được đáp ứng các quyền của họ;

b) Nhà nước và các chủ thể chịu trách nhiệm bảo đảm quyền có nghĩa vụ phải tôn trọng, bảo vệ và thực hiện một cách công khai, minh bạch các quyền với sự tham gia của các chủ thể quyền theo nguyên tắc không phân biệt đối xử;

c) Mọi sự xao nhãng hoặc vi phạm các quyền con người đều gắn với những trách nhiệm như giải trình, bị phê phán hoặc những chế tài khác theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Cách tiếp cận này đã thấm khá sâu vào nội dung, hình thức diễn đạt trong Hiến pháp 2013.

1. Chủ quyền của Nhân dân trong xây dựng và thi hành Hiến pháp 2013

Lời nói đầu của Hiến pháp 2013 đã quy định một điểm mới quan trọng là: "Nhân dân Việt Nam xây dựng và thi hành Hiến pháp này vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Như vậy, Hiến pháp 2013 đã trang trọng khẳng định: Quyền lập hiến là quyền của Nhân dân. Điều 2 khẳng định “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”, Nhân dân là chủ nhân của đất nước, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân.

Để bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân, so với Hiến pháp 1992, Chương I Hiến pháp 2013 đã có những bổ sung sau:

- Bổ sung từ kiểm soát vào nguyên tắc: "Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp" (Điều 2). Nguyên tắc “kiểm soát” có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc hoàn thiện cơ chế hiến định để phòng, chống lạm dụng quyền lực của bộ máy nhà nước trong việc bảo đảm chủ quyền của “Nhân dân”. 

 - Bổ sung cụm từ “Ðảng gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình”, đồng thời khẳng định không chỉ các tổ chức của Ðảng mà cả các đảng viên cũng phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật (Ðiều 4). Những bổ sung này đã làm rõ hơn bản chất, vai trò và trách nhiệm của Ðảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội theo nguyên tắc: Gắn bó mật thiết, phục vụ, chịu sự giám sát và chịu trách nhiệm trước Nhân dân Việt Nam. 

- Hiến pháp 1992 chỉ quy định “Nhân dân sử dụng quyền lực nhà nước thông qua Quốc hội và Hội đồng Nhân dân”, tức là chỉ thông qua hình thức dân chủ đại diện. Hiến pháp năm 2013 bổ sung: “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước” (Ðiều 6).

- Bổ sung quy định “Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ” (Điều 8). Quy định bổ sung này làm rõ hơn và củng cố các nguyên tắc của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

- Bổ sung quy định về giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) (Ðiều 9). Quy định này thể chế tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, trong đó khẳng định vai trò giám sát và phản biện xã hội của MTTQVN, tạo cơ sở hiến định để bảo đảm thực hiện vai trò quan trọng này của hệ thống MTTQ.

2. Chủ thể và nội dung quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân

Một là, đã khắc phục được sự nhầm lẫn giữa quyền con người với quyền công dân

Hiến pháp 2013 không còn đồng nhất quyền con người và quyền công dân (như ở Điều 50 Hiến pháp 1992), mà đã phân biệt và sử dụng hai thuật ngữ mọi người và công dân cho việc chế định các quyền con người và quyền công dân.

Hai là, mở rộng nội hàm chủ thể quyền

Trong các bản Hiến pháp trước đây, đặc biệt là Hiến pháp 1992, nội hàm của quyền con người chỉ chủ yếu được dừng lại ở khái niệm chủ thể là “công dân”, mà không phải là “mọi người”. Trong Hiến pháp 2013, các chủ thể quyền được mở rộng, từ việc chỉ thuộc về “công dân” đến “mọi người”, “tổ chức” hay nhóm xã hội và cộng đồng, đặc biệt những nhóm dễ bị tổn thương (trẻ em, thanh niên, người cao tuổi).

Ba là, mở rộng nội dung quyền

Hiến pháp năm 2013 đã chính thức nâng tầm chế định quyền con người, quyền công dân thành một chương. So với hiến pháp của nhiều quốc gia, Hiến pháp 2013 thuộc vào những hiến pháp ghi nhận một số lượng cao về quyền con người. Hiến pháp mới giành 36/120 điều ở chương II cho việc chế định trực tiếp các quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Ngoài ra còn dành một số điều chế định sự bảo hộ hay bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp về tài sản hợp pháp, sử dụng đất, lao động và việc làm (các điều 51, 54, 57). Việc sắp xếp quyền con người phù hợp với việc sắp xếp các nhóm quyền của luật nhân quyền quốc tế là quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa.

Hiến pháp 2013 quy định rõ hơn  tách thành điều riêng hầu hết các quyền đã được ghi nhận trong Hiến pháp 1992, bao gồm: bình đẳng trước pháp luật (Điều 16); cấm tra tấn, đối xử tàn bạo, vô nhân đạo và hạ nhục (Điều 20 khoản 1); bảo vệ đời tư (Điều 21, 22); tiếp cận thông tin (Điều 25); tham gia quản lý nhà nước và xã hội (Điều 28); bình đẳng giới (Điều 26); bỏ phiếu trong trưng cầu dân ý (Điều 29); xét xử công bằng (Điều 31); tư hữu tài sản (Điều 32); an sinh xã hội (Điều 34); việc làm (Điều 35).

Đặc biệt, Điều 20 và 21 của Hiến pháp 2013 quy định rõ đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác; do đó đã mở rộng chủ thể và nội dung quyền được bảo vệ về đời tư so với Điều 73 của Hiến pháp 1992 chỉ quy định về quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín. Nếu Hiến pháp 1992, Điều 63 chỉ quy định nghiêm cấm mọi hành vi phân biệt đối xử với phụ nữ, xúc phạm nhân phẩm phụ nữ, thì Hiến pháp 2013 quy định “nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới” (Điều 26). Tức là đã thay đổi quan niệm và cách tiếp cận về bình đẳng giới, từ chỉ bình đẳng với giới nữ sang bình đẳng với cả giới nam và giới nữ. Chủ thể và nội dung quyền bình đẳng về giới, do vậy, được mở rộng và làm sâu sắc hơn.

Không chỉ củng cố các quyền đã được hiến định trong Hiến pháp 1992, Hiến pháp 2013 còn chế định một số quyền mới, như: quyền sống (Điều 19); Các quyền về khoa học, văn hóa (Điều 40 và 41); quyền xác định dân tộc, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp (Điều 42); quyền sống trong môi trường trong lành (Điều 43); quyền của công dân không bị trục xuất, giao nộp cho nước khác (Điều 17 khoản 2).

Bốn là, quy định về hạn chế quyền

Hiến pháp 2013, Khoản 2 Điều 14 quy định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng” Việc quy định về hạn chế quyền là cần thiết để đảm bảo quyền con người, quyền công dân một cách minh bạch theo luật định, nhất là phòng ngừa sự cắt xén hay hạn chế các quyền này một cách tùy tiện từ phía các cơ quan nhà nước.

Năm là, quy định nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người, mỗi công dân     

Hiến pháp 2013 khẳng định: “Mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khácViệc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác” (Điều 15).

3. Thể chế Hiến pháp và pháp luật bảo đảm quyền con người, quyền công dân

Một là, công dân và mọi người được hưởng các quyền con người một cách mặc nhiên và nhà nước có nghĩa vụ công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm thực hiện các quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp và pháp luật

Trong Hiến pháp 1992, chẳng hạn, Điều 51 Hiến pháp 1992: "Quyền và nghĩa vụ của công dân do Hiến pháp và luật quy định". Đúng là để được bảo vệ và thúc đẩy, các quyền con người cần phải được ghi nhận trong hiến pháp và pháp luật; nhưng quy định kể trên đã gây hiểu nhầm là: Hiến pháp và pháp luật (hay nhà nước) là những chủ thể sản sinh ra các quyền con người. Quyền con người phải do và chỉ có thể do Hiến pháp và pháp luật (hay nhà nước) xác định thì mới có ý nghĩa thực chất, nếu không sẽ không được thừa nhận và áp dụng. Cách hiểu như thế không phù hợp với nhận thức chung về quyền con người trên thế giới. Theo quan điểm của cộng đồng quốc tế, mọi thành viên của nhân loại khi sinh ra đã mặc nhiên có tư cách chủ thể của các quyền con người. Các nhà nước chỉ có thể thừa nhận (bằng Hiến pháp và pháp luật) các quyền đó là những giá trị vốn có của mọi cá nhân mà Nhà nước có nghĩa vụ công nhân, tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy.

Kế thừa Hiến pháp 1946 và tinh hoa tư tưởng nhân loại, trong Hiến pháp 2013, khoản 1 Điều 14 quy định: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quyền con người, quyền công dân ... được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”. Quy định này đánh dấu bước phát triển mới về địa vị pháp lý của con người, của công dân trong tiến trình lập hiến ở Việt Nam.

Hai là, việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân gắn bó mật thiết với việc bảo đảm chế độ chính trị

Trong Hiến pháp 2013, chương chế định về quyền con người, quyền công dân được đưa lên chương II, ngay sau chương chế định về chế độ chính trị (so với vị trí thứ 5 trong Hiến pháp 1992). Đây không chỉ đơn thuần là kỹ thuật lập hiến, mà phản ánh sự thay đổi trong nhận thức lý luận về nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Bằng cách đó đã khẳng định: nhà nước được lập ra để bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người, quyền công dân. Và việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân gắn bó mật thiết với việc bảo đảm chế độ chính trị (ở chương I).

Ba là, thể chế kinh tế, xã hội và văn hóa để bảo đảm quyền con người, quyền công dân

Về thể chế kinh tế, xã hội và văn hóa, Hiến pháp 2013 tiếp tục khẳng định trách nhiệm của nhà nước và xã hội trong lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội, y tế, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, phát triển con người (các Điều từ 57- 60); đồng thời bổ sung quy định về trách nhiệm của nhà nước trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động và tạo điều kiện xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định (Điều 57).

- Về giáo dục và khoa học, công nghệ, cùng với việc chế định quyền trong lĩnh vực này, Hiến pháp 2013 tiếp tục khẳng định phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, đồng thời xác định những mục tiêu và định hướng chính trong việc phát triển giáo dục và khoa học, công nghệ (các Điều 61,62).

- Về môi trường, cùng với việc chế định quyền trong lĩnh vực này, Hiến pháp 2013 nêu rõ nhà nước có chính sách để bảo vệ môi trường; quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học; chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bốn là, thể chế tư pháp để bảo đảm quyền con người, quyền công dân

 Hiến pháp 1992, Điều 71 chỉ quy định về cấm truy bức, nhục hình, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của công dân. Đến Hiến pháp 2013, ở Điều 20, lần đầu tiên trong lịch sử hiến pháp nước ta, đã chế định về cấm chống tra tấn nói riêng và cấm bất kỳ hình thức bạo lực, đối xử, xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của tất cả mọi người. Quy định này cụ thể, rõ ràng và rộng hơn so với quy định cũ, cả về hành vi bị cấm, cả về chủ thế được bảo vệ.

Hiến pháp 1992, Điều 72 quy định quyền công dân trong hoạt động tố tụng  chỉ gồm: suy đoán vô tội; bồi thường thiệt hại vật chất và phục hồi danh dự cho người bị oan sai trong tố tụng; xử lý nghiêm minh người thi hành tố tụng gây oan sai. Trong khi Hiến pháp 2013 bổ sung: xét xử kịp thời, công bằng, công khai; không bị kết án hai lần vì một tội phạm; quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa (Điều 30, 31). Quy định mới này đã mở rộng chủ thể và phạm vi quyền đòi bồi thường thiệt hại; đồng thời buộc các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ phải công bằng và khách quan trong việc tìm chứng cứ, và coi trọng cả chứng cử buộc tội, cả chứng cứ gỡ tội.

Trong khi Hiến pháp 1992 chỉ quy định “công dân có quyền được thông tin” (Điều 69), thì Hiến pháp 2013, Điều 25, thay chữ “được” bằng cụm từ “tiếp cận”. Nhờ  quyền tiếp cận thông tin, mọi công dân có thể tiếp cận thông tin, cả về các quyền thực định cũng như về hoạt động tư pháp, để thụ hưởng đầy đủ và bảo vệ các quyền của mình theo Hiến pháp và pháp luật.

Năm là, xác định đầy đủ nghĩa vụ của nhà nước trong việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân

Trong khi Điều 50 Hiến pháp 1992 mới chỉ ghi nhận nghĩa vụ tôn trọng thì Hiến pháp 2013 ghi nhận cả bốn nghĩa vụ của nhà nước về công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm (thực hiện) quyền con người (trong các Điều 3 và 14) tương tự như sự xác định ở Lời mở đầu của Tuyên ngôn thế giới về quyền con người (năm 1948).

Hiến pháp 2013, tiếp tục tái khẳng định quyền tham gia quản lý nhà nước, và bổ sung: Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch  trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân. Việc bổ sung này đã ràng buộc nghĩa vụ của các cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội của người dân. Qua đó, bảo đảm quyền này của người dân được thực hiện trong thực tế.

Sáu là, chế định những công cụ hữu hiệu và quy định việc thiết lập cơ chế bảo vệ Hiến pháp, trong đó có các quyền con người đã được hiến định

Hiến pháp 2013 đã chế định những công cụ hữu hiệu cho việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Đó là Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Kiểm toán Nhà nước, và sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan tư pháp. Khoản 2 Điều 119 khẳng định: “Cơ chế bảo vệ Hiến pháp do luật định”. Đây là quy định có tính nguyên tắc nhằm  thiết lập cơ chế bảo vệ Hiến pháp, trong đó có các quyền con người, quyền công dân, đã được hiến định, một cách hiệu quả và ở mức cao nhất .

Yêu cầu đặt ra hiện nay là thể chế hóa các quyền hiến định đồng thời rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật hiện hành để thống nhất hệ thống pháp luật Việt Nam theo và trên cơ sở Hiến pháp 2013.

PGS. TS Nguyễn Thanh Tuấn Viện Nghiên cứu quyền con người