DHKT

HỘI THẢO COMB 2018: SỰ PHÁT TRIỂN CỦA DOANH NGHIỆP TRONG “HỆ SINH THÁI KINH DOANH”

Ngày 12/1/2019, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng phối hợp với Trường Đại học Kinh tế - Đại học Huế và Trường Đại học Nha Trang tổ chức Hội thảo COMB 2018 với chủ đề “Hệ sinh thái kinh doanh”. Hội thảo vinh dự có sự tham dự của các đại diện lãnh đạo sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng và các đơn vị thành viên của Đại học Đà Nẵng, đại diện cộng đồng doanh nghiệp và các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các giảng viên, nhà quản lý đến từ các trường Đại học, Cao đẳng, Học viện trên khắp cả nước.



PGS.TS. Võ Thị Thúy Anh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng phát biểu chào mừng các nhà khoa học đén tham dư hội thảo

 

Phát biểu chào mừng tại hội thảo, PGS.TS. Võ Thị Thúy Anh – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng khẳng định trong bối cảnh hiện tại, các doanh nghiệp không chỉ phải quan tâm tới việc tối ưu hóa hệ thống quản trị nội bộ mà cần phải mở rộng sự quan tâm sang các chủ thể nằm ngoài doanh nghiệp bao gồm: các nhà cung ứng, nhà phân phối, khách hàng, đối thủ cạnh tranh, chính quyền và các tổ chức xã hội khác. Những chủ thể này kết hợp tạo thành “hệ sinh thái kinh doanh” nơi mà các hoạt động của bất kì một chủ thể nào không chỉ ảnh hưởng lên chính chủ thể đó mà còn ảnh hưởng đến các chủ thể khác, qua đó thúc đẩy sự phát triển không chỉ của doanh nghiệp mà còn của các thành phần trong hệ sinh thái và toàn xã hội. Điều này tạo nên một mối quan hệ không nhừng phát triển và không thể tách rời, trong đó mỗi thực thể phải linh hoạt và thích nghi để tồn tại giống như “hệ sinh thái sinh học”.

 


 

Hội thảo khoa học quản trị và kinh doanh COMB là diễn đàn trao đổi học thuật và chia sẻ kinh nghiệm giữa các nhà khoa học, các doanh nhân và các nhà quản lý chính sách về các cơ hội và thách thức trong đổi mới kinh doanh. Với sứ mệnh là đơn vị tiên phong trong nghiên cứu và chuyển giao tri thức khoa học về quản trị và kinh doanh cho Doanh nghiệp địa phương, Trường Đại học Kinh tế tiếp tục là đơn vị uy tín trong việc tổ chức các hội thảo quốc tế, quốc gia, góp phần chuyển giao tri thức vào thực tế, hướng đến xây dựng trường đại học định hướng nghiên cứu hàng đầu cả nước.

Với chủ đề “Hệ sinh thái kinh doanh”, Hội thảo COMB 2018 đã nhận được 54 bài báo khoa học, trong số đó có 38 bài được Ban biên tập đánh giá, lựa chọn đăng trong kỷ yếu hội thảo, và trình bày tại 5 tiểu ban chính: Hệ Sinh thái kinh doanh, Hệ Sinh thái khởi nghiệp, Quản trị và điều hành, Nghiên cứu chuỗi giá trị và Quản lý ngành, Văn hóa doanh nghiệp và trách nhiệm xã hội. Các nội dung mà hội thảo tập trung thảo luận, gồm:

- Hệ sinh thái kinh doanh: nội dung, thành tố, các phân hệ cấu thành, các mô hình, bài học kinh nghiệm trong tạo lập, nuôi dưỡng và phát triển hệ sinh thái kinh doanh;

- Tinh thần kinh doanh và tư duy chiến lược trong hệ sinh thái kinh doanh, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hệ sinh thái kinh doanh số, hợp tác và cạnh tranh trong hệ sinh thái kinh doanh, tạo lập giá trị trong hệ sinh thái;

- Hệ sinh thái khởi nghiệp (startup ecosystems), hệ sinh thái đổi mới (innovation ecosystems): sự hình thành và phát triển, vai trò của Nhà nước và giới Khoa học, các mô hình phát triển, hệ sinh thái đổi mới;

- Phát triển nền tảng quản trị (platform management): những thay đổi, xu hướng trong quản trị doanh nghiệp thích ứng với hệ sinh thái kinh doanh;

- Phát triển liên minh các doanh nghiệp (Consortiums), phát triển mạng lưới kinh doanh (Business network), vốn xã hội trong mạng lưới kinh doanh, sự an toàn thông tin trong mạng lưới kinh doanh;

- Hiệu quả hoạt động/hiệu suất của mạng lưới cung ứng, phát triển hệ sinh thái công nghiệp (Industrial ecology), phát triển chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.

- Văn hóa doanh nghiệp, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp: thương hiệu nội bộ, văn hóa tổ chức, giá trị văn hóa, cân bằng cuộc sống của người lao động.

 


 

 

Các tham luận tại hội thảo COMB được Ban tổ chức đánh giá cao về nội dung cũng như hàm lượng khoa học, bên cạnh đó là những kinh nghiệm thực tiễn, đề xuất, giải pháp mới của các nhà khoa học nhằm tập trung nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, hỗ trợ một cách tích cực vào sự phát triển của doanh nghiệp trong “Hệ sinh thái kinh doanh”.

 

Các phiên trình bày tại các tiểu ban thu hút sự chú ý của nhiều nhà khoa học, các tác giả đã nhận được rất nhiều những trao đổi đóng góp và phản biện cho các nghiên cứu của mình, qua đó có thể nhìn nhận những ưu và nhược điểm của nghiên cứu. Ngoài ra, rất nhiều nhà nghiên cứu là nghiên cứu sinh, khi tham gia trình bày tại hội thảo đã nhận được những ý kiến đóng góp cho đề tài luận án, cũng như gợi mở những hướng nghiên cứu khác cho công trình của mình.

 

 



Những đề tài xuất sắc nhất cũng được Ban tổ chức vinh danh thông qua giải Best Paper tại hội thảo gồm: “Vai trò của trường đại học trong hệ sinh thái khởi nghiệp trong bối cảnh Việt Nam” (nhóm tác giả: Mai Thị Thảo Chi, Nguyễn Lê Đình Quý, Lê Văn Huy); “Ảnh hưởng của đào tạo khởi nghiệp trong các trường đại học đến ý định khởi nghiệp – tình huống nghiên cứu tại Đại học Đà Nẵng” (tác giả Nguyễn Sơn Tùng); “Các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp sản xuất hoa trên địa bàn thành phố Đà Lạt” (tác giả Nguyễn Ngọc Duy), “Ảnh hưởng của tiêu chuẩn chất lượng & an toàn thực phẩm đến chuỗi giá trị thủy sản xuất khẩu của Việt Nam – Trường hợp ngành cá tra” (tác giả Nguyễn Thị Trâm Anh), “Văn hóa tổ chức của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế theo mô hình của Denison” (Nhóm tác giả: Trương Thị Hương Xuân, Nguyễn Đăng Hào, Nguyễn Tài Phúc).


Ban tổ chức trao Best Paper cho các đề tài xuất sắc

Hội thảo COMB 2018 đã khép lại thành công tốt đẹp với những ấn tượng về công tác tổ chức cũng như chất lượng của các đề tài tham luận. Tiếp tục thành công trong việc tổ chức các hội thảo, năm 2019, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng hướng đến các diễn đàn trao đổi tri thức khoa học đẳng cấp quốc tế như Hội thảo Quốc tế về Kế toán và Tài chính (ICOAF), Hội thảo Quốc tề Tài chính tại Việt Nam (VICIF).


Các nhà khoa học tại Hội thảo COMB 2018

Trung tâm CNTT & TT