DHKT

HÀNH TRÌNH NƯỚC ĐỨC CỦA LƯƠNG NGUYÊN HOÀNG ANH - KỲ 2: TRẢI NGHIỆM HỌC TẬP TẠI CHLB ĐỨC

10/03/2019

Tiếp nối kỳ 1 về cuộc sống và trải nghiệm văn hóa của sinh viên Lương Nguyên Hoàng Anh, sinh viên lớp 43K01.2, kỳ này chúng ta sẽ cùng đến với những trải nghiệm học tập của Hoàng Anh tại Trường Đại học Khoa học và Ứng dụng Westphalian, Đức. 

Kỳ 2: Trải nghiệm học tập xứng đáng tại CHLB Đức

Trong học kì mùa đông 2018 – 2019, mình học tất cả 6 môn học: Báo cáo tài chính, Thống kê kinh doanh, Quản trị quốc tế, Chính sách kinh tế, Định chế Liên minh châu Âu, và tiếng Đức; và có 2 chuyến field trips đến thủ đô Berlin thăm Quốc hội Liên bang Đức và đến trung tâm tài chính Frankfurt thăm Ngân hàng Trung Ương châu Âu (ECB). Mỗi môn học, mỗi chuyên đi và mỗi vị giáo sư để lại cho mình những ấn tượng khác nhau và mang đến những giá trị riêng có tính định hướng chuyên môn rõ rệt. Hai môn học để lại cho mình ấn tượng sâu sắc nhất chính là Báo cáo tài chính – môn học cho mình cơ hội lần đầu tiên trong đời viết tiểu luận học thuật và bảo vệ nó trước giáo sư vào cuối học kì. Một môn học nữa là Chính sách Kinh tế - môn học đã mở mang hoàn toàn đầu óc của mình về hệ thống chính trị, kinh tế và pháp lý tại châu Âu và rèn luyện cho mình kĩ năng phân tích phản biện có hệ thống trong suốt quá trình học tập với giáo sư Walter – người từng làm việc tại Bộ Kinh Tế thống nhất Đức sau những năm 1990.

Hoàng Anh luôn vui tươi trong mọi góc hình

Với cá nhân mình, điều thử thách nhất khi học tập trong một môi trường quốc tế như thế này không phải là trình độ tiếng Anh cần cao đến đâu mà là kiến thức đại cương nền tảng của mình đã vững chắc hay chưa. Trong trường hợp của mình, mình đến Đức khi mới hoàn thành xong năm nhất đại học với chỉ 10 môn đại cương, trong khi 6 môn học mình đăng kí hầu hết dành cho sinh viên năm cuối tại Đức. Khoảng cách về kỹ năng nghiên cứu và nền tảng kiến thức học thuật khi ấy của mình với môn học mình cần học khá lớn, đặc biệt là kỹ năng tổng hợp các bài báo khoa học, đọc học thuật và viết một bài luận hoàn chỉnh. Tuy nhiên, nhờ đã quen với cường độ học tập và tinh thần tự học từ DUE nên mình thích nghi với môi trường học tập mới ở Đức rất nhanh. Các giáo sư cũng nắm được khó khăn của từng sinh viên và dành cho mình những buổi gặp riêng sau giờ học chính để hướng dẫn cụ thể hơn về kỹ năng nghiên cứu khoa học, từ đó giúp mình nhanh chóng vượt qua những khó khăn về mặt học tập ban đầu và bắt kịp các bạn cùng lớp.

Sinh viên bản địa rất chăm chỉ, thông minh, ham học hỏi, tính cạnh tranh cao, đọc rất nhiều sách, lại cực kỳ giỏi quản lý thời gian và quản lý áp lực vì đó là những đặc tính tiêu biểu của người Đức. Mình đã từng hoang mang khi tham gia vào giờ học Quản trị Quốc tế nhất là khi giáo sư luôn bắt đầu giờ học bằng việc tranh luận các quan điểm về những chủ đề toàn cầu rất thời sự. Giáo sư đặc biệt quan tâm đến các sinh viên quốc tế và vấn đề hòa hợp chủng tộc, vậy nên mình thậm chí còn từng nhận email phê bình vì ngồi trên một hàng ghế toàn sinh viên gốc Á từ ngay buổi học đầu tiên. Từ đó, giáo sư chỉ định luôn chúng mình vào các nhóm sinh viên bản địa khác nhau. Khi tham gia vào các nhóm sinh viên bản địa này mình mới phát hiện ra, chủng tộc của từng người rất đa dạng. Cũng nhờ tham gia vào những nhóm sinh viên đa dạng như vậy, mình không chỉ có thêm nhiều bạn bè quốc tế mà còn tự tin tham gia vào các cuộc tranh luận mỗi giờ học. Sự tự tin không chỉ để tranh luận cùng với sinh viên bản địa mà còn để nói lên quan điểm của mình, học được cách bày tỏ suy nghĩ của bản thân và thuyết phục người khác, đồng thời thu nhặt thêm tri thức cho mình.  

Lời kết

Sau khi kết thúc khóa học, Hoàng Anh chia sẻ: "Mình biết ơn vì sự hỗ trợ tài chính của chương trình Erasmus+, quan hệ hợp tác quốc tế giữa hai trường đại học, sự cổ vũ và tạo điều kiện của các thầy cô trong khoa Kinh Doanh Quốc Tế đối với những bước đi xa hơn của sinh viên, và biết ơn vì có cơ hội chia sẻ hành trình đặc biệt này của mình trước khi ra trường. Cả về khía cạnh trao đổi học thuật hay trao đổi văn hóa, hành trình này với mình là một trải nghiệm có thể làm thay đổi cuộc đời, tầm nhìn và định hướng tương lai của bất cứ bạn trẻ nào. Mỗi người trẻ rồi sẽ có cho riêng mình một chuyến đi xa: xa nhà, xa bạn bè, xa đất nước nơi mình lớn lên và đi xa khỏi những điều thân thuộc. Mình hy vọng rằng khi tình hình dịch bệnh qua đi, sẽ ngày càng có nhiều thế hệ sinh viên tiếp sau đây nắm lấy cơ hội hiếm có này để tạo nên dấu ấn thật khác biệt trong cuộc đời và sự nghiệp tương lai của bạn."



Mình biết ơn vì sự hỗ trợ tài chính của chương trình Erasmus+, quan hệ hợp tác quốc tế giữa hai trường đại học, sự cổ vũ và tạo điều kiện của các thầy cô trong khoa Kinh Doanh Quốc Tế đối với những bước đi xa hơn của sinh viên, và biết ơn vì có cơ hội chia sẻ hành trình đặc biệt này của mình trước khi ra trường. Cả về khía cạnh trao đổi học thuật hay trao đổi văn hóa, hành trình này với mình là một trải nghiệm có thể làm thay đổi cuộc đời, tầm nhìn và định hướng tương lai của bất cứ bạn trẻ nào. Mỗi người trẻ rồi sẽ có cho riêng mình một chuyến đi xa: xa nhà, xa bạn bè, xa đất nước nơi mình lớn lên và đi xa khỏi những điều thân thuộc. Mình hy vọng rằng khi tình hình dịch bệnh qua đi, sẽ ngày càng có nhiều thế hệ sinh viên tiếp sau đây nắm lấy cơ hội hiếm có này để tạo nên dấu ấn thật khác biệt trong cuộc đời và sự nghiệp tương lai của bạn.