DHKT

Thương mại điện tử: Ngành học “hot” trong thời kỳ kinh tế số bùng nổ

07/07/2019

“Như các bạn đã biết, thị trường thương mại - dịch vụ ở Việt Nam đang phát triển rất mạnh, luôn nằm trong top các thị trường tăng trưởng cao nhất thế giới. Cùng với đó, ngành thương mại điện tử Việt Nam được đánh giá sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng vượt bậc trong 5 năm tới. Sinh viên theo học các ngành Kinh doanh thương mại và Thương mại điện tử được định hướng làm việc thành công trong nhiều vị trí công việc khác nhau, nhiều cấp bậc khác nhau từ chuyên viên tác nghiệp trong các doanh nghiệp thương mại, thương mại điện tử đến các nhà quản lý, điều hành cấp cao”, đó là chia sẻ của TS. Võ Quang Trí – Trưởng khoa Khoa Thương mại Điện tử, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) về ngành học Thương mại điện tử.

 

Thưa Thầy,

Thầy có thể cho biết sự ra đời của Khoa Thương mại điện tử thể hiện bước đột phá như thế nào trong thực hiện sứ mệnh của Nhà trường?

Trường ĐH Kinh tế nói riêng và ĐHĐN nói chung nhận thức rõ vai trò và sứ mệnh của mình trong việc khai phá tri thức, đào tạo nhân lực chất lượng cao và hỗ trợ cộng đồng, doanh nghiệp và địa phương khu vực miền Trung và cả nước. Chúng tôi thấu hiểu các vấn đề cấp bách hiện tại về nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực thương mại điện tử cũng như nhu cầu tiến nhanh và bắt kịp với các thay đổi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra. Từ các nhận thức đó, sự ra đời của Khoa Thương mại điện tử là quyết tâm thực hiện các cam kết trong tuyên bố sứ mệnh của Nhà trường đối với các bên hữu quan.

Thứ nhất, việc thành lập Khoa Thương mại điện tử đánh dấu sự tập trung đầu tư vào hoạt động nghiên cứu và đào tạo lĩnh vực kinh doanh hiện đại, tích hợp công nghệ vào kinh doanh, hòa nhập với xu thế đào tạo kinh doanh trên thế giới. Chúng tôi hướng tới các mục tiêu làm chủ và ứng dụng được các công nghệ tiên tiến vào kinh doanh ở Việt Nam, chuẩn bị cho các thách thức ngày càng lớn khi Việt Nam cần tiếp tục đột phá để tiếp tục duy trì sự tăng trưởng kinh tế cao trong những năm tới.

Thứ hai, cùng với việc ra đời một chuyên khoa mới, phù hợp với bối cảnh thực tiễn, Nhà trường đang thể hiện sự chuyển dịch đào tạo và nghiên cứu của mình theo hướng đáp ứng nhu cầu phát triển nền kinh tế, một thay đổi cần thiết trong tư duy đào tạo đại học. Đây sẽ là bước đi đầu tiên trong việc phát triển nhiều chương trình đào tạo mới, gắn khoa học hàn lâm với nhu cầu ứng dụng thực tiễn và phục vụ hiệu quả sự phát triển cộng đồng.

Thứ ba, Khoa Thương mại điện tử ra đời mở ra một khuôn khổ và các cơ hội mới cho việc phối hợp với các doanh nghiệp trong lĩnh vực, tiến tới các hoạt động hợp tác hỗ trợ cộng đồng kinh doanh, trong bối cảnh sự thay đổi công nghệ và hội nhập quốc tế của Việt Nam đang gia tăng áp lực cạnh tranh lên cộng đồng.

Chúng tôi mong muốn đóng góp nhiều hơn vào chiến lược gia tăng năng suất lao động của Việt Nam cũng như tăng cường năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, của tổng thể nền kinh tế. Tất cả các mục tiêu trên đều nằm trong định hướng phát triển Trường ĐH Kinh tế - ĐHĐN, xứng đáng với vai trò một trung tâm nghiên cứu, đào tạo về kinh tế và kinh doanh của cả nước, hướng đến tầm khu vực.  

 

Trên cơ sở sáp nhập 2 chuyên ngành là Quản trị kinh doanh thương mại và chuyên ngành Thương mại điện tử, ngày 05/4/2018, Trường ĐH Kinh tế - ĐHĐN công bố quyết định thành lập Khoa Thương mại điện tử. Trong hình, PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ – Phó Giám đốc ĐHĐN (bên trái hình) và PGS.TS Nguyễn Mạnh Toàn – Hiệu trưởng Nhà trường (bên phải hình) trao quyết định và tặng hoa chúc mừng cho Ban Chủ nhiệm Khoa Thương mại điện tử. TS. Võ Quang Trí – Trưởng khoa, Khoa Thương mại điện tử (chính giữa hình).

 

Trên cơ sở sáp nhập 2 chuyên ngành là Quản trị kinh doanh thương mại và chuyên ngành Thương mại điện tử, ngày 05/4/2018, Trường ĐH Kinh tế - ĐHĐN công bố quyết định thành lập Khoa Thương mại điện tử. Trong hình, PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ – Phó Giám đốc ĐHĐN (bên trái hình) và PGS.TS Nguyễn Mạnh Toàn – Hiệu trưởng Nhà trường (bên phải hình) trao quyết định và tặng hoa chúc mừng cho Ban Chủ nhiệm Khoa Thương mại điện tử. TS. Võ Quang Trí – Trưởng khoa, Khoa Thương mại điện tử (chính giữa hình).

Trong đào tạo ngành Thương mại điện tử, sinh viên/người học sẽ được trang bị những kiến thức gì để đáp ứng yêu cầu công việc của tương lai?

Điểm mới trong đào tạo ngành Thương mại điện tử của Trường ĐH Kinh tế chính là tính hữu dụng. Chúng tôi đã tiến hành các bước đi cần thiết và cẩn trọng trong việc xây dựng chương trình đào tạo và chuẩn bị các điều kiện phục vụ cho hoạt động nghiên cứu khoa học và đào tạo sinh viên. Trên cơ sở phân tích môi trường làm việc trong 5-10 năm tiếp theo, tham khảo ý kiến của nhiều bên hữu quan, đặc biệt là các doanh nghiệp liên quan và các bài học từ các chương trình đào tạo thương mại điện tử trên thế giới, chúng tôi chọn lựa định hướng đào tạo tích hợp kinh doanh và công nghệ cho chương trình thương mại điện tử của mình. Người học sẽ được đào tạo chuyên sâu về kinh doanh - là thế mạnh của Trường, đồng thời tích hợp các kiến thức và đặc biệt là kỹ năng sử dụng CNTT để hoàn thiện các quá trình kinh doanh theo phương thức hiệu quả và hiện đại.

Cụ thể, sinh viên sẽ được trang bị kiến thức về kinh tế và quản trị kinh doanh, đồng thời chuyên sâu về các năng lực thực hành đặc thù của các hoạt động thương mại điện tử như thanh toán điện tử, quản trị hệ thống thương mại điện tử, logistics điện tử cũng như các hoạt động marketing và giao tiếp khách hàng, dựa trên các kênh trực tuyến.

Đặc biệt, chương trình còn thiết kế nhiều nội dung tích hợp theo các dự án thực tế có kết hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp. Sinh viên sẽ có cơ hội trải nghiệm các tiến bộ công nghệ và kinh doanh trong doanh nghiệp, rèn luyện kỹ năng tư duy và hành động hiệu quả thông qua các dự án thực tế. Chúng tôi chú trọng nhiều vào kỹ năng tư duy hệ thống, kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm và kỹ năng giải quyết vấn đề chuyên sâu. Đây là các kỹ năng không thể thiếu trong môi trường làm việc hiện đại và hội nhập.

Trong giảng dạy và đào tạo, Khoa kết hợp với yếu tố công nghệ như thế nào? Sinh viên sẽ được thực hành ra sao để phù hợp với tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0?

Như đã nói ở trên, chương trình đào tạo thương mại điện tử của chúng tôi xây dựng theo hướng tích hợp và phát triển các khối năng lực, kết hợp kinh doanh và công nghệ. Khác với nhiều chương trình đào tạo thiên về CNTT, chúng tôi đặt trọng tâm vào năng lực ứng dụng công nghệ trong kinh doanh. Chúng tôi chọn lựa các nền tảng kiến thức và phát triển các năng lực chuyên sâu về CNTT có chọn lọc, trong đó tập trung vào việc ứng dụng và khai thác các tiến bộ công nghệ cần thiết cho kinh doanh tại Việt Nam trong bối cảnh hiện tại và phù hợp xu thế phát triển.

Chẳng hạn, một trong những hướng củng cố chuyên sâu về mặt công nghệ là khả năng khai thác dữ liệu phục vụ kinh doanh. Sinh viên của chúng tôi sẽ được đào tạo chuyên sâu hơn về khả năng quản trị dữ liệu, khai thác dữ liệu và hỗ trợ ra quyết định kinh doanh dựa trên dữ liệu, một trong những nhu cầu thiết yếu của các doanh nghiệp hiện đại. Từ đó, giúp gia tăng năng lực quản trị các hoạt động kinh doanh trong môi trường trực tuyến, từ bán hàng đến quản trị khách hàng.

Chúng tôi có nhiều định hướng cho việc gia tăng năng lực thực hành của sinh viên và đây là một trong những trọng tâm cơ bản của chương trình đào tạo đặc thù. Sinh viên của chúng tôi sẽ được tiếp cận với công nghệ từ rất sớm và trong môi trường thực tiễn.    

Thầy có thể cho biết rõ hơn về việc đào tạo ngành Thương mại điện tử theo cơ chế đặc thù? Theo đó, người học được hưởng những lợi ích gì?

Việc đào tạo ngành Thương mại điện tử theo cơ chế đặc thù là một lựa chọn chiến lược của Nhà trường, hướng tới việc gia tăng giá trị cho người học và giải quyết các vấn đề về nhu cầu nguồn nhân lực thương mại điện tử cho các doanh nghiệp hiện tại. Ngành thương mại điện tử được đào tạo theo cơ chế đặc thù theo Thông tư 5444/BGDĐT-GDĐH, ngày 16/11/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong tổng thể chiến lược phát triển năng lực CNTT quốc gia. Theo cơ chế này, ngành thương mại điện tử sẽ được đào tạo với sự kết hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp, theo nhiều hình thức khác nhau, trên nhiều nội dung khác nhau.

Điểm nổi bật của cơ chế đặc thù này là chương trình đào tạo sẽ có ít nhất 30% thời gian đào tạo kết hợp với doanh nghiệp, tăng cường sử dụng các công nghệ đào tạo mới (trực tuyến, dự án thực hành, đào tạo kết hợp làm việc,...) và có thể sử dụng các chứng chỉ nghề nghiệp có uy tín để thay thế một số học phần. Chúng tôi đã nghiên cứu xây dựng đề án hướng tới việc kết hợp thế mạnh thực tiễn của doanh nghiệp với khả năng nghiên cứu ứng dụng của nhà trường nhằm phát huy năng lực tự học, năng lực thực hành và các kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên.

Một ví dụ điển hình trong chương trình là sinh viên sẽ tiến hành một dự án tích hợp (capstone project) trên một tình huống thực tiễn kinh doanh. Thông qua dự án này, sinh viên sẽ được trải nghiệm các hoạt động thực tế như phân tích tình huống, lập kế hoạch, giải quyết vấn đề và xây dựng các giải pháp thương mại điện tử, dưới sự hướng dẫn và hỗ trợ của các chuyên gia tại doanh nghiệp. Với các dự án này, sinh viên được hỗ trợ tối đa để theo đuổi và hiện thực hoá các ý tưởng kinh doanh của mình hoặc của doanh nghiệp.  

Theo cơ chế đặc thù này, người học có được nhiều lợi ích rõ nét.

Thứ nhất, sinh viên lần đầu tiên có được cơ hội tiếp xúc với môi trường làm việc thực tế từ rất sớm. Qua đó, sinh viên sẽ hiểu được các yêu cầu công việc, các năng lực cần trang bị, từ đó xác định hướng phát triển và có kế hoạch rèn luyện, hoàn thiện bản thân mình sớm.

Thứ hai, với việc gia tăng các hoạt động học tập trong các tình huống thực tế, sinh viên sẽ rèn luyện được khả năng ứng dụng các kiến thức khoa học vào cụ thể công việc, tránh bỡ ngỡ và thời gian thích ứng với môi trường làm việc trong tương lai.

Thứ ba, sinh viên có thể rút ngắn được thời gian học tập thông qua việc tích luỹ các chứng chỉ nghề nghiệp từ bên ngoài. Điều này cũng giúp cho sinh viên được theo đuổi các đam mê cá nhân và phát huy tiềm năng của mình, vốn là điều khó trong việc đào tạo tập trung hiện tại.

Thứ tư, tiếp xúc sớm với môi trường kinh doanh, đặc biệt là môi trường thương mại điện tử đang phát triển nhanh, sinh viên có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp hoặc phát triển các hướng khởi nghiệp cho riêng mình.

Theo ý kiến cá nhân, tôi nghĩ rằng, việc Bộ GĐ&ĐT cho phép đào tạo đặc thù là một bước đi phù hợp và kịp thời trong bối cảnh hiện nay. Các doanh nghiệp cũng có được nhiều lợi ích khi tham gia vào các chương trình đào tạo này như có được nguồn nhân lực tốt ngay khi mới ra trường, không mất thời gian đào tạo thích ứng ban đầu, có thể giải quyết ngay các vấn đề kinh doanh của mình với sự phối hợp của nhà trường, v.v…

 

Cơ sở vật chất cùng trang thiết bị phục vụ nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực thương mại điện tử (Ảnh: Trường ĐH Kinh tế - ĐHĐN)

 

Về định hướng đào tạo của Khoa Thương mại điện tử (vừa được thành lập), xin hỏi Thầy, sẽ là đào tạo phục vụ nhu cầu nhân lực của xã hội hay là nghiên cứu chuyên sâu? Nội dung Luật (kinh tế và những luật khác có liên quan đến thương mại điện tử) sẽ được đưa vào nội dung đào tạo như thế nào, thưa Thầy?

Khát vọng của Khoa Thương mại điện tử chúng tôi là xây dựng một nền kinh doanh thương mại Việt Nam hiện đại và hoà nhập với thế giới, với những con người giàu tài năng và tâm huyết, trên nền tảng khoa học và công nghệ kinh doanh tiên tiến cho một Việt Nam thịnh vượng. Với khát vọng đó, chúng tôi nỗ lực đóng góp, cả về khoa học chuyên sâu thương mại điện tử cũng như đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này, hai mục tiêu không tách rời.

Để thực hiện cùng một lúc hai mục tiêu này, chúng tôi xác định chiến lược phát triển của Khoa Thương mại điện tử trong giai đoạn đầu là tập trung xây dựng năng lực nghiên cứu ứng dụng và hợp tác với doanh nghiệp trong đào tạo. Chúng tôi cho rằng, chỉ khi nào chúng ta thực sự làm chủ công nghệ, sử dụng được công nghệ một cách hiệu quả trong thực tế, thì chúng ta mới tạo ra được nhiều giá trị cho sinh viên, doanh nghiệp và toàn xã hội. Với đặc thù của ngành thương mại điện tử là kinh doanh gắn liền với công nghệ, nên khả năng ứng dụng công nghệ và chinh phục công nghệ mới là yêu cầu bắt buộc đối với cả giảng viên lẫn sinh viên. Do đó, chúng tôi xác định nghiên cứu ứng dụng là cốt lõi của quá trình đào tạo mà chúng tôi hướng tới, là công việc của cả giảng viên và sinh viên.

Ngoài ra, theo định hướng phát triển, chúng tôi cũng hướng tới các nghiên cứu khoa học theo chuẩn mực quốc tế, đó cũng là một trong những ưu tiên chiến lược của Khoa.

Về nội dung Luật, chúng tôi đã tiến hành cải tiến chương trình, thay thế học phần Luật kinh doanh bằng học phần Pháp luật về Thương mại điện tử nhằm mục tiêu đưa những kiến thức luật pháp hữu dụng và cập nhật nhất vào trong chương trình đào tạo cho sinh viên, trang bị cơ sở cho việc thực hành nghề nghiệp trong môi trường kinh doanh ngày càng hoàn thiện ở Việt Nam.  

Thưa Thầy, về công việc trong tương lai, sinh viên sau khi tốt nghiệp 2 chuyên ngành Quản trị Kinh doanh thương mại và Thương mại điện tử sẽ đảm nhận những vị trí việc làm (chức danh) cụ thể nào?

Chương trình đào tạo cử nhân các ngành Kinh doanh thương mại (chuyên ngành Quản trị Kinh doanh thương mại) và Thương mại điện tử của Trường ĐH Kinh tế, ĐHĐN được thiết kế hướng đến mục tiêu phát triển các năng lực thiết yếu cho các nhà quản trị kinh doanh và thương mại của tương lai, có khả năng thích ứng và hoạt động tốt trong môi trường kinh doanh hiện đại, năng động và hội nhập quốc tế.

Như các bạn đã biết, thị trường thương mại - dịch vụ ở Việt Nam đang phát triển rất mạnh, luôn nằm trong top các thị trường tăng trưởng cao nhất thế giới. Cùng với đó, thương mại điện tử Việt Nam được đánh giá sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng vượt bậc trong 5 năm tới. Sinh viên theo học các ngành Kinh doanh thương mại và Thương mại điện tử được định hướng làm việc thành công trong nhiều vị trí công việc khác nhau, nhiều cấp bậc khác nhau từ chuyên viên tác nghiệp trong các doanh nghiệp thương mại, thương mại điện tử đến các nhà quản lý, điều hành cấp cao. Đặc biệt, với định hướng trang bị khả năng tự học, tự rèn luyện và tinh thần kinh doanh, sinh viên của chúng tôi được kỳ vọng sẽ nắm bắt được các cơ hội khởi nghiệp trong lĩnh vực đang rất tiềm năng này.

 

Cơ hội nghề nghiệp ngành Kinh doanh thương mại

 

Cơ hội nghề nghiệp ngành Thương mại điện tử

 

Tham khảo thêm thông tin chi tiết về cơ hội nghề nghiệp trên website của Trường ĐH Kinh tế hoặc website Khoa Thương mại điện tử

Với chương trình đào tạo kết hợp kiến thức nền tảng, rèn luyện năng lực thực hành chuyên sâu, chúng tôi nhắm đến việc phát triển cá nhân trong tương lai. Cử nhân ngành Kinh doanh thương mại và Thương mại điện tử sau một thời gian tích luỹ kinh nghiệm và trải nghiệm, hoàn toàn có khả năng vươn lên nắm giữ các chức vụ quản lý các doanh nghiệp, tổ chức hoặc tự khởi nghiệp trong lĩnh vực này.

Thưa Thầy, Thầy có thể vui lòng cho biết kế hoạch kiểm định chất lượng của 2 ngành mà Khoa đào tạo?

Chúng tôi luôn coi chất lượng đào tạo là mối quan tâm hàng đầu và kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế là nhiệm vụ phải hoàn thành. Khoa đã có kế hoạch hoàn chỉnh các yêu cầu kiểm định trong nước và quốc tế.

Trước mắt, ngành Kinh doanh thương mại đang xây dựng kế hoạch kiểm định ngành theo tiêu chuẩn AUN-QA trong một vài năm sắp tới. Đối với ngành Thương mại điện tử, chúng tôi cũng lập kế hoạch kiểm định cho các năm tiếp theo, khi thời gian đào tạo sinh viên của ngành đạt đến yêu cầu của tiêu chuẩn AUN-QA. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang từng bước điều chỉnh để chuyển đổi hệ thống đảm bảo chất lượng của mình thích ứng với các tiêu chuẩn quốc tế khác, phục vụ cho việc đăng ký kiểm định vào thời điểm thích hợp.

Cảm ơn Thầy.

Đại học Đà Nẵng - www.udn.vn

*Ảnh đại diện: Internet