DHKT

TRẢI NGHIỆM VĂN HÓA NHẬT VỚI KIMONO – BẠN ĐÃ THỬ CHƯA?


TRẢI NGHIỆM VĂN HÓA NHẬT VỚI KIMONO – BẠN ĐÃ THỬ CHƯA?

Với các sinh viên kinh tế, hẳn các bạn sẽ không khỏi tò mò khi học ở khu giảng đường G, thấy một căn phòng Visiting Professor khiêm tốn ở tầng 2. Đó chính là nơi vợ chồng ngài Mori - ông Junichi Mori và bà Michie Mori đến từ Kyoto, Nhật Bản gửi gắm 2 năm làm việc tại Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng. 

Bên cạnh việc dạy tiếng Nhật cho sinh viên Trường Đại học Kinh tế, bà Michie Mori còn mang đến niềm vui khi chia sẻ văn hóa Nhật đến Việt Nam. Và tất nhiên, với người được cấp chứng chỉ chuyên nghiệp về một số nét văn hóa đặc trưng của quê hương mình, KIMONO là hành trang không thể thiếu của bà Michie. Chính vì vậy, trải nghiệm mặc thử Kimono đã thu hút không chỉ riêng sinh viên mà cả các cán bộ, giảng viên… Trường Đại học Kinh tế, ĐH Đà Nẵng.

TS. Trịnh Thúy Hường, người đã có 10 năm học tập và làm việc tại Nhật Bản cho biết: “Tôi ở Nhật từng ấy năm nhưng cũng chưa bao giờ được mặc Kimono một cách bài bản. Bộ Kimono mà tôi sở hữu cũng hết sức đơn giản, dễ mặc. Qua buổi trải nghiệm tôi mới biết để mặc được chiếc Kimono truyền thống thật vô cùng cầu kỳ. Nhìn các lớp trang phục Kimono, các nguyên tắc khi sử dụng mà tôi thấy hổ thẹn bởi chiếc Kimono mình có đã bị lược giản quá nhiều.” ThS. Trần Lê Yên Hà từng du lịch ở Nhật nhưng chưa bao giờ được khoác lên mình chiếc Kimono truyền thống như thế này. Cô rất phấn khởi với trải nghiệm Kimono bởi như được sống lại quãng thời gian đáng nhớ khi hóa thân thành cô gái Nhật. ThS. Trương Thị Vân Anh với dự định Nghiên cứu sinh tại Nhật cũng bày tỏ niềm vui khi tiến gần hơn văn hóa nước bạn. 

“Kimono” là một từ tiếng Nhật mang nghĩa “quần áo”, sau được hiểu là y phục truyền thống của Nhật Bản. Kimono còn được xem là tác phẩm nghệ thuật bởi sự tinh tế trong cách mặc, chất liệu vải, phụ kiện… Tại buổi trải nghiệm, mỗi bộ Kimono bà Michie mất khoảng nửa tiếng để mặc xong. Tối đa mỗi buổi bà chỉ hoàn thành 3 chiếc bởi việc mặc khiến bà tốn sức rất nhiều. Tại Nhật, nhiều người làm nghề mặc Kimono còn là đàn ông vì công việc cần sức vóc khỏe, dẻo dai. Tùy theo sự kiện, thời tiết mà người mặc chọn Kimono chất liệu nào, màu sắc gì. Với người lớn tuổi như bà Michie, họ thường chọn trang phục nền đen khi đi đám cưới. Khi ăn uống cũng phải hết sức cẩn trọng, nếu không cẩn thận làm vấy bẩn Kimono thì sẽ làm giảm đi hình tượng hiền thục của người phụ nữ. Tuy nhiên, với người kinh nghiệm nhiều năm như bà Michie vẫn không tránh khỏi có lúc sơ suất để vấy lên trang phục. Ấy thế mới biết người phụ nữ Nhật xưa phải chỉn chu, khép nép như thế nào.

Bà Michie chia sẻ: “Nhiều người nước ngoài rất muốn ghi hình lại cả quá trình mặc Kimono để làm tư liệu, nhưng tôi chỉ có thể cho phép sau khi đã hoàn thành những lớp cơ bản (nếu không sẽ thiếu tế nhị với hình ảnh người phụ nữ). Mặc Kimono cũng khiến phụ nữ đi đứng chuẩn mực hơn, lưng thẳng, bước đi nhỏ, ngồi xuống cũng cần ý tứ.” Có thể thấy, tuy có sự khác biệt văn hóa nhất định, nhưng nét truyền thống đặc trưng của phụ nữ châu Á vẫn là dịu dàng, thùy mị, mang lại cảm giác nhẹ nhàng cho người đối diện phải không các bạn?!

Nếu bạn muốn trải nghiệm văn hóa Nhật, hãy đăng ký với cô Michie Mori tại phòng G201 nhé!

Thực hiện: Trung tâm CNTT & Truyền thông