DHKT

Chia sẻ kinh nghiệm học tập

05/04/2016

CHIA SẺ KINH NGHIỆM HỌC TẬP

1/ Phương pháp học tập:

    Các bạn cần phải hiểu rõ về chuyên ngành của mình đang theo học và về quá trình học tập của chuyên ngành ấy. Đại học áp dụng quy chế học Tín chỉ, tức là các bạn sẽ tự quyết định Thời khoá biểu của mình và thầy cô giảng viên dạy mình. Điều này đồng nghĩa với việc các bạn phải hiểu rõ Lộ trình học của mình. Lộ trình học sẽ có bốn khối kiến thức bao gồm: khối kiến thức đại cương, khối kiến thức cơ sở ngành, khối kiến thức chuyên ngành chính và khối kiến thức bổ trợ. Đặc biệt, phải nắm vững những môn cơ sở ngành vì đây chính là cơ sở, nền tảng cần thiết để chúng ta có thể học tốt những môn chuyên ngành sau này.

2/ Đặt mục tiêu học tập:

    Đặt mục tiêu trong học tập là vô cùng quan trọng. Các bạn học là “Để thi” hay học “Để ứng dụng”?

    Đúng vậy! Học là để lấy kiến thức phục vụ trực tiếp cho nghề nghiệp sau này của mình. Mình có thể làm tốt công việc hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc tích luỹ kiến thức trong trường đại học, vì vậy cần phải học thật, phải chủ động trong học tập. Trước tiên, hãy xác định cho mình một mục tiêu tổng quát về việc học tập tại trường. Với sinh viên năm nhất còn nhiều bỡ ngỡ, các bạn có thể tham vấn từ thầy cô và các anh chị đi trước để hiểu rõ hơn về môi trường đại học, con đường mà mình đã chọn cũng như tương lai của việc học. Từ đó xây dựng những mục tiêu cụ thể, các nhiệm vụ phải hoàn thành. Mục tiêu càng cụ thể hoá thì tính hiệu quả càng cao.

3/ Luôn chủ động:

    Học Đại học, đòi hỏi các bạn phải luôn luôn chủ động rất nhiều. Bởi các bạn phải luôn tự tìm tòi, tự trang bị kiến thức, nếu không biết hay thắc mặc một điều gì, đừng ngần ngại hỏi thầy cô của mình, bạn bè hay những anh chị tiền bối.

    Và sẽ chẳng có ai nhắc nhở bạn học bài cả, bạn sẽ được “tự do” với suy nghĩ nào là “Đại học rồi, sao phải học bài làm gì?” hay “Thôi! Gần thi rồi học”. Hoàn toàn sai lầm! Hãy tưởng tượng đến giây phút phải “vắt chân lên cổ” mà vẫn chạy không kịp khi tuần sau đi thi mà giờ vẫn chưa có chữ gì trong đầu. Đã “Mệt bở hơi tai” lại còn mắc “Chứng bệnh hồi hộp – hay lo lắng” vì sợ thi bị điểm kém! Cho nên, một lời khuyên chân thành từ “một người đầy trải nghiệm như tôi” là “Luôn luôn tự nhắc nhở bản thân mình, học hành cho nghiêm túc!”.

Nhớ đấy, vì một tương lai rực rỡ! Phải chủ động!

4/ Tham gia học nhóm:

    Đây là một hình thức học tập không còn xa lạ với gì với sinh viên chúng ta nữa. Làm việc theo nhóm có rất nhiều ưu điểm: cùng nhau trao đổi, tranh luận, đặt ra câu hỏi rồi cùng nhau giải quyết sẽ giúp mình hiểu vấn đề sâu sắc hơn, thu thập được nhiều thông tin, kiến thức từ các thành viên khác trong nhóm. Ngoài ra làm việc theo nhóm còn giúp ta tạo được mối quan hệ tốt đẹp với bạn bè, với đồng nghiệp, giúp nâng cao khả năng giao tiếp.

5/ Tìm thêm các tài liệu để đọc:

   Không nên chỉ học những gì có trong giáo trình và những kiến thưc mà thầy cô truyền đạt, phải đọc thêm sách có liên quan đến môn học đó, để mở rộng kiến thức, giải thích bổ sung cho những vấn đề mà chúng ta chưa hiểu rõ. Bạn có thể tìm thêm tài liệu ở thư viện, trên internet hay từ chính thầy cô, bạn bè của mình. Bên cạnh đó, kỹ năng tìm kiếm và chắt lọc thông tin là một kỹ năng cực kì quan trọng mà các bạn cần phát triển.

6/ Lĩnh hội thông tin từ cuộc sống:

   Ngoài việc học thì cần nắm được những thông tin đang diễn ra xung quanh, vì không những phải biết kiến thức chuyên ngành, chúng ta cần phải biết những kiến thức xã hội, thông tin ở các lĩnh vực khác nhau. Sinh viên là tầng lớp trí thức những lại rất dễ bị mù thông tin vì cứ vùi đầu vào sách vở, học và học. Như các bạn đã biết những người nắm quyền là những người nắm thông tin, điều đó chính xác! Vì vậy, bên cạnh việc học thì nên dành thời gian để cập nhập thông tin.

7/ Học ngoại ngữ:

   Ngoại ngữ là một trong những yếu tố quyết định trong quá trình hội nhập quốc tế, đồng thời cũng là lợi thế cho các bạn trong học tập và công việc tương lai, đặc biệt là đối với sinh viên kinh tế.

   Bên cạnh đó, Nhà trường cũng có những yêu cầu trong việc học ngoại ngữ: mỗi hội đủ điều kiện xét tốt nghiệp thì bạn phải có trình độ ngoại ngữ tương đương TOEIC 500 hoặc chứng chỉ tương đương cấp độ B1 – Khung Châu Âu.

Nguồn: Vitamin DUE - Dành cho Tân Sinh viên khoá 41K