STARTUP PITCH DECK COMPETITION 2020: Dấn thân để trưởng thành

07/01/2020

Ngọn lửa khởi nghiệp

Khởi nghiệp khi còn là sinh viên có thể không phải là sự lựa chọn của nhiều bạn trẻ, tuy nhiên có những lý do để khẳng định rằng trường học là nơi tuyệt vời để bắt đầu kinh doanh. Việc thổi bùng ngọn lửa sáng tạo khởi nghiệp và trang bị những kiến thức nền tảng cần thiết về khởi sự kinh doanh là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của các trường đại học, trong đó có trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng.

Hòa chung với không khí sôi nổi của sinh viên trường ĐH Kinh tế về các hoạt động khởi nghiệp, sáng ngày 03/01/2020, Trung tâm Đào tạo Quốc tế (CIE) tổ chức cuộc thi Startup Pitch Deck dành cho sinh viên chương trình liên kết Quốc tế - lớp SUD18.


GS.TS. Trương Bá Thanh - Giám đốc CIE phát biểu khai mạc cuộc thi

Cuộc thi là cơ hội để phát hiện và phát triển những ý tưởng khởi nghiệp kinh doanh; đồng thời hỗ trợ sinh viên hoàn thiện ý tưởng của mình trước khi tham gia vào các cuộc thi sáng tạo, khoa học, kỹ thuật mang tầm cỡ lớn.

Đặc biệt, ở cuộc thi năm nay, lần đầu tiên có sự kết hợp giữa sinh viên Đại học Sư phạm Kỹ thuật (UTE) và sinh viên CIE - Đại học Kinh tế. Các nhóm sinh viên UTE đã tiến hành thiết kế, chế tạo các thiết bị kỹ thuật hiện đại, có các tính năng vượt trội, cải tiến, dựa trên các thiết kế từ những mẫu vật dụng đơn giản. Dựa trên các sản phẩm sáng chế đó, sinh viên CIE tiến hành lập nhóm, trình bày ý tưởng kinh doanh, với mục tiêu đưa sản phẩm tiếp cận khách hàng, vươn ra thị trường.


Sinh viên UTE và CIE kết hợp trong dự án "Robot quản gia"

Tham dự cuộc thi, về phía nhà trường có sự góp mặt của GS.TS Trương Bá Thanh – Giám đốc Trung tâm Đào tạo Quốc tế -  trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng. PGS.TS. Đoàn Ngọc Phi Anh – Phó giám đốc Trung tâm Đào tạo Quốc tế, về phía Ban giám khảo, vinh dự chào đón sự hiện diện của cô Lê Mỹ Nga, tổng giám đốc quỹ khởi nghiệp HERMES, ngoài ra cô còn là chủ tịch công ty ICM, Giám đốc chiếc lược của công ty AI Make; PGS.TS. Phan Quí Trà – trưởng phòng Quản lý Khoa học và Hợp tác quốc tế - Đại học Sư phạm Kỹ thuật – ĐH Đà Nẵng; Ông Trần Hữu Hoàng Minh – quản lý dự án Vườn ươm Khởi nghiệp, Sông Hàn Incubator; cùng toàn thể các sinh viên trường Đại học Kinh tế và sinh viên trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật có sản phẩm dự thi.

Trong cuộc thi, 24 sinh viên SUD18 được chia làm 5 nhóm, trình bày ý tưởng kinh doanh cho các sản phẩm thông minh đã được thiết kế, chế tạo từ các sinh viên trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật:

Team Eden: Xe lăn thông minh

Team Alfred01: Robot quản gia

Team Ican: Thùng rác thông minh

Team Vivian: Gậy thông minh

Team Spoth: Hệ thống bảo vệ an toàn cho căn nhà

Mỗi nhóm có 15 phút trình bày ý tưởng kinh doanh và 10 phút trả lời các câu hỏi của BGK.

Sau thời gian trình bày lưu loát và trả lời những câu hỏi hết sức thuyết phục, team Vivian đạt giải nhất, được BGK đánh giá cao về tính khả thi, khi xác định đúng thị trường tiềm năng và đánh giá đầy đủ về cơ hội kinh doanh cho sản phẩm “Gậy thông minh”.


Giải nhất chung cuộc thuộc về Team Vivian - SUD18

Tiếp theo sau đó, giải nhì thuộc về Team Alfred No.1 với kỹ năng lập luận, trình bày ý tưởng sắc sảo, được BGK đồng tình khen ngợi.

Ý tưởng kinh doanh “Thùng phân loại rác thông minh” của team Ican về vị trí thứ ba với những tiềm năng hứa hẹn sẽ vươn xa ra thế giới và mục tiêu nhắm đến môi trường sạch, xanh và đẹp ở một ngày gần nhất.

Dấn thân để trưởng thành

Ông Trần Hữu Hoàng Minh, quản lý dự án Vườn ươm Khởi nghiệp, Sông Hàn Incubator cho biết “Các bạn trẻ Việt Nam khởi nghiệp không có nhiều lợi thế so với các bạn trẻ ở nước ngoài. Ở các quốc gia khác, người khởi nghiệp được sự hỗ trợ của nhiều doanh nghiệp lớn, nhà đầu tư và các chuyên gia, cố vấn... Còn ở Việt Nam, các bạn trẻ khởi nghiệp chỉ với nhiệt huyết và máu lửa của tuổi trẻ, chứ chưa có sự hỗ trợ từ nhiều bên và cũng chưa tự lên kế hoạch tốt cho việc khởi nghiệp. Chính vì vậy, các cuộc thi như thế này là sự cọ sát thực tế, trải nghiệm hết sức bổ ích cho sinh viên. Đặc biệt là sinh viên chương trình đào tạo liên kết Quốc tế


Ban giám khảo có nhiều kinh nghiệm về Khởi nghiệp

Trong chương trình đào tạo liên kết quốc tế của CIE, dễ dàng nhận thấy các cuộc thi như thế này được lồng ghép trong các môn học. Khác với các năm trước, môn Khởi sự Kinh doanh – “Entrepreneurship and Small Business Management” thay vì sinh viên CIE sẽ phải nghĩ ra cho nhóm mình ý tưởng kinh doanh khởi sự (ý tưởng kinh doanh hoàn toàn mới), đôi khi ý tưởng/ sản phẩm còn thiếu tính thực tế hay không có tính đại chúng, tính khả thi chưa cao. Thì đặc biệt năm nay, dựa trên các sản phẩm đã được chế tạo của sinh viên trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, sinh viên CIE tiến hành đi sâu phát triển dự án kinh doanh của nhóm dựa trên các các công cụ lý thuyết đã được học. Sự kết hợp này mang tính chuyên môn hóa cao, giữa một bên là phụ trách khâu sản xuất và một bên phụ trách khâu kinh doanh. Đây là sự kết hợp được lãnh đạo hai trường đánh giá cao và mang tính tiền đề cho các dự án hợp tác tiếp theo giữa sinh viên hai trường.

 

Trung tâm Đào tạo Quốc tế