CUỘC THI QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG – QCC COMPETITION 2019: Trải nghiệm thú vị của nhà quản trị doanh nghiệp tương lai.

22/11/2019

CUỘC THI QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG – QCC COMPETITION 2019: Trải nghiệm thú vị của nhà quản trị doanh nghiệp tương lai.

Cuộc thi Quản lí chất lượng (QCC Competition) - 2019 do Trung tâm Đào Tạo Quốc Tế (Trường Đại Học Kinh Tế - Đại học Đà Nẵng) tổ chức vừa diễn ra ngày 5/11/2019 với sự tham gia của 33 sinh viên lớp SUD17. Cuộc thi là hoạt động thường niên của Trung tâm, được thiết kế nhằm cung cấp cho sinh viên sự trải nghiệm trong việc áp dụng các khái niệm, lí thuyết, công cụ và nguyên tắc đã được học vào thực tế hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Ngày 05/11/2019 vừa qua, Trung tâm Đào Tạo Quốc Tế - viết tắt CIE (Trường Đại Học Kinh Tế - Đại học Đà Nẵng) đã tổ chức cuộc thi Quản lí chất lượng – QCC competition dành cho sinh viên lớp SUD17. Đây là cuộc thi thường niên của CIE, được thiết kế nhằm cung cấp cho sinh viên sự trải nghiệm thực tế tại các doanh nghiệp trong việc áp dụng các khái niệm, lý thuyết, công cụ và nguyên tắc đã được học trong môn Quản trị dự án (Operationas and Project Management), chuyên ngành Quản trị kinh doanh. Dự án các nhóm tập trung vào việc đánh giá các vấn đề đang tồn đọng trong việc sản xuất sản phẩm và dịch vụ của các doanh nghiệp nhỏ đang hoạt động tại Đà Nẵng và đưa ra các giải pháp cho các doanh nghiệp này dựa trên các kiến thức đã học.

Tham dự Cuộc thi QCC lần này có tất cả 33 sinh viên lớp SUD17, chia thành 6 nhóm. Mỗi nhóm từ 5-6 thành viên. Các nhóm tự chọn đề tài dưới sự hướng dẫn của giáo viên giảng dạy – thầy Ananta Kar. Tình huống thực tế mà các nhóm sẽ báo cáo là hiện trạng, các yếu tố bất cập, chưa hoàn thiện gắn với đề xuất giải pháp nâng cao hơn chất lượng dịch vụ, chất lượng sản phẩm của một doanh nghiệp cụ thể.

1.      Nhóm Kaban: báo cáo đề xuất giải pháp khắc phục sự cố thường gặp trong quy trình sản xuất nước đá tinh khiết của công ty Gia Lực.

2.      Nhóm Kyushishi: báo cáo đề xuất giải pháp khắc phục nhược điểm màu sắc không đồng đều trong quy trình sản xuất gốm thủ công Thanh Hà

3.      Nhóm Hoshi: giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ giặt sấy tại Khách sạn Tuấn Thọ

4.      Nhóm Poka-Yoke: giải pháp cải thiện thái độ phục vụ khách hàng trong chuỗi hệ thống cà phê Lion

5.      Nhóm Shinka: giải pháp xử lý chất thải dầu ăn trong quá trình sản xuất mì gói tại công ty Acecook

6.      Nhóm Kawaita: cải tiến quy trình đóng gói bao bì đá viên Công ty Tín Vũ

Với sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng trong việc thu thập thông tin thực tế cũng như bàn luận đưa ra giải pháp khắc phục, cải tiến đầy quyết tâm, các nhóm đã có những bài thuyết trình vô cùng đặc sắc, chủ đề hấp dẫn, nội dung thuyết phục, tạo nhiều hứng khởi cho tất cả các thành viên BGK cũng như sinh viên các lớp được mời tham dự. Ban giám khảo đã phải làm việc hết sức vất vả và công tâm để chọn ra đội ưu tú nhất.

Thành phần Ban Giám khảo QCC Competition năm 2019 gồm có:

1. (Ông) Nguyễn Vĩnh Phong - Giám đốc Công Ty Kiến Lửa Media, cựu sinh viên khóa SUD07

2. (Ông) Trần Công Hùng –  Trưởng Phòng Quản lý chất lượng, tổng công ty Dệt may Hòa Thọ

3. (Ông) Amir Ahmad Mohamad – Tổng giám đốc công ty Ritz International, Việt Nam

Tiến sĩ Đoàn Ngọc Phi Anh – Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo Quốc tế và Ban Giám khảo chụp ảnh lưu niệm cùng các Team

 

Các đội trình bày báo cáo của mình (trong 12 phút) theo trình tự:

- Sơ lược về Doanh nghiệp (kinh doanh trong các lĩnh vực sản xuất hoặc dịch vụ). Báo cáo khảo sát,ghi nhận này được trình bày qua một Clip do chính Nhóm quay và dựng.
- Phân tích, thảo luận về Quản lí chất lượng của doanh nghiệp theo lĩnh vực, với các bước:

- Xác định các vấn đề (thang điểm tối đa là 5)

- Lựa chọn một vấn đề cụ thể (thang điểm tối đa là 5)

- Định nghĩa vấn đề (thang điểm tối đa là 5)

- Nghiên cứu và đánh giá vấn đề (thang điểm tối đa là 8)

- Xác định các nguyên nhân (thang điểm tối đa là 8)

- Tìm ra nguyên nhân gốc (thang điểm tối đa là 8)

- Phân tích số liệu (thang điểm tối đa là 10)

- Đề xuất giải pháp (thang điểm tối đa là 8)

- Áp dụng thử các giải pháp, kiểm tra quá trình hoạt động và nhận xét (thang điểm tối đa là 8)

 

Các thành viên Team Shinka trình bày về ý tưởng thiết kế Banner và ý nghĩa dây đeo tay – đặc trưng nhận diện nhóm  

 

Các giám khảo sẽ đánh giá phần trình bày của sinh viên một cách độc lập. Tiêu chí đánh giá dựa trên 9 bước nói trên và đưa ra thang điểm 10 đánh giá phần Kỹ năng trình bày: Giao tiếp, Thứ tự trình bày và Quản lí thời gian. Phần trả lời câu hỏi của Giám khảo có thang điểm tối đa là 10.

Ngoài ra Ban Giám khảo sẽ chấm về phong cách, ấn tượng của từng nhóm thông qua: Hình ảnh thiết kế băng rôn, biểu tượng nhận diện của từng nhóm, video tự quay mỗi nhóm để giới thiệu về nhóm hoặc giới thiệu đề tài với thang điểm tối đa là 15. Đây là điểm khác biệt so với những năm trước.

Kết quả chung cuộc, giải Nhất đã được Ban Giám khảo quyết định trao cho Nhóm Kyushishi với đề án về “đề xuất giải pháp khắc phục nhược điểm màu sắc không đồng đều trong quy trình sản xuất gốm thủ công Thanh Hà”; Nhóm Kawaita với dự án “giải pháp cải tiến quy trình đóng gói bao bì đá viên Công ty Tín Vũ” giành giải Nhì. Và dự án “giải pháp khắc phục sự cố thường gặp trong quy trình sản xuất nước đá tinh khiết của công ty Gia Lực” của Nhóm Kaban về vị trí thứ Ba.

 

Team Kyushishi với niềm vui giành thành tích cao nhất.

 

Song song giải thưởng QCC lần này, các sinh viên CIE còn được nhận chứng chỉ Đai vàng Six Sigma. Đây là cuộc thi về lý thuyết được tiến hành tổ chức cho sinh viên thi trên máy về quản trị chất lượng vào tháng 9 vừa qua. Cùng ngày, đại diện CIE, thầy Annanta Kar đã trao tặng chứng chỉ cho tất cả các sinh viên đã vượt qua kì thi cấp chứng chỉ này.


Thầy Annanta Kar trao chứng chỉ Six Sigma cho các thành viên trong Team Kaban

 

Những trải nghiệm hết sức cần thiết

 

"Chúng em đã có cơ hội vận dụng kiến thức đã học vào thực tế hoạt động của một doanh nghiệp. Sau quá trình tiếp cận tìm hiểu, cả nhóm cùng tổng kết những vấn đề chưa đảm bảo về mặt quản lí chất lượng tại doanh nghiệp này. Sôi nổi nhất là đưa ra các giải pháp. Mỗi thành viên đều đề xuất một hướng mà mình nghĩ đến và đều bảo vệ quan điểm. Không khí tranh luận thực sự sôi nổi, dân chủ" - bạn Nguyễn Quang Hòa, Trưởng Nhóm Kyushishi chia sẻ.


Trưởng nhóm Kyushishi, Nguyễn Quang Hòa trình bày và lập luận vấn đề rành mạch, thuyết phục BGK

 

Còn theo bạn Ngô Diễm Linh, Trưởng Nhóm Shinka thì: Nhóm em là nhóm duy nhất chỉ toàn là con gái, bọn em lại chơi với nhau rất thân nên rất đoàn kết, không gặp khó khăn trong việc thống nhất đưa ra ý kiến chung. Khó khăn nhất của nhóm là khi tiếp cận doanh nghiệp, chúng em nhận ra hệ thống xử lý và bảo quản dầu ăn sau quá trình chiên mì tôm có vấn đề. Tuy nhiên tìm hiểu kỹ về vấn đề này thì doanh nghiệp chưa thật sự cởi mở và dường như họ lờ đi, không muốn chia sẻ.

Nhóm Shinka được gọi “Nhà có 5 nàng tiên” bởi duy nhất là nhóm chỉ toàn các bạn nữ

 

Các số liệu thống kê còn hạn chế - là khó khăn của nhóm Kaiwaita gặp phải khi tiếp cận doanh nghiệp. Đối với một doanh nghiệp nhỏ sản xuất nước đá viên thì hầu hết các số liệu thống kê ít được ghi chép lại. Vì thế để thu thập được nguồn số liệu chính xác và đầy đủ, chúng em phải “thường trực” ở cơ sở sản xuất, theo dõi quy trình, ghi chép, đánh giá và dựa trên những công cụ tính toán đã được học suy ra số liệu tương đương – theo chia sẻ của bạn Mai Nguyễn Minh Đức, Trưởng nhóm Kaiwaita. Tuy nhiên, lợi thế của nhóm em là khi tiếp cận với doanh nghiệp, anh chủ doanh nghiệp cũng như nhân viên ở đây tạo điều kiện hết sức thuận lợi, thậm chí còn rất hứng thú về đề tài nhóm em thực hiện.

Team Kaiwaita đạt giải Nhì trong cuộc thi

 

Để tìm ra những điểm yếu trong các khâu quản lý chất lượng dịch vụ giặt sấy của khách sạn, 6 thành viên Hoshi đã tìm hiểu vấn đề từ máy móc, công nghệ cho đến nhân sự từng khâu quyết định đến chất lượng dịch vụ. “Có những điểm hạn chế tồn tại khá lâu, ảnh hưởng rất nhiều đến quy trình bảo đảm chất lượng. Chẳng hạn máy móc và công nghệ quá cũ để giúp việc giặt sấy được thực hiện nhanh hơn và đảm bảo tốt hơn. Không phải Chủ Doanh nghiệp không nhận biết nhưng để thay mới toàn bộ thì mất rất nhiều chi phí.

Team Hoshi bên cạnh Banner của nhóm

 

Đoàn Thị Ngọc Nga – trưởng nhóm Kanban: Cuộc thi lần này tạo được sự hứng khởi, kích thích động cơ học tập, đào sâu kiến thức của SV. Ngoài kỹ năng tiếng Anh (nhất là tiếng Anh trong thương mại, kinh doanh) được nâng cao (phần thuyết trình và trả lời trước Ban Giám khảo đều bằng tiếng Anh), chúng em học được cách biết lắng nghe, tôn trọng ý kiến của người khác; nhưng cũng phải biết cách thể hiện và bảo vệ quan điểm, chính kiến của mình trước một vấn đề. Chúng em học được cách tư duy, đặt vấn để của nhau; nhận biết điểm yếu - mạnh của mình trong làm việc chung. Đây là những kỹ năng thật sự cần thiết giúp SV chúng em sau khi ra trường, dễ dàng tìm việc.

Đối với bạn Đoàn Khánh Linh – trưởng nhóm Poka-Yoke lại nhìn nhận cuộc thi ở một khía cạnh khác, bạn Linh cho rằng Cuộc thi như thế này là sân chơi bổ ích cho sinh viên. Không chỉ dừng lại ở việc nỗ lực để đạt giải cao mà đó là cơ hội để cọ sát, trải nghiệm thực tế. Bài học kinh nghiệm sau mỗi đề án như thế này thật sự rất cần thiết trong công việc sau ra trường.

Team Poka-Yoke đã có những trải nghiệm thú vị sau cuộc thi

 

Hầu hết sinh viên trong các nhóm đều bày tỏ sự thích thú, hài lòng khi tham gia QCC Competition lần này. Bởi ngoài chứng chỉ Đai vàng Six Sigma về quản trị chất lượng, thành viên của mỗi nhóm đều nhận được một Giấy Chứng nhận tham gia Cuộc thi do Lãnh đạo Trung tâm Đào Tạo Quốc Tế (Trường Đại Học Kinh Tế - Đại học Đà Nẵng) trao tặng. Đây là một bằng chứng thuyết phục các nhà tuyển dụng không chỉ bằng cấp về trình độ chuyên môn mà còn là bằng chứng về “kinh nghiệm, trải nghiệm thực tế” của sinh viên. Khép lại cuộc thi với những cảm xúc vui mừng tự hào chiến thắng hay một chút tiếc nuối của các đội tham gia nhưng hơn hết đây sẽ là kỷ niệm đáng nhớ, bởi các bạn đã nỗ lực hết sức và thể hiện hết mình trong thực hiện dự án.

 

 Trung tâm Đào tạo Quốc tế