DHKT

Hội thảo quốc tế “Kế toán trong kỷ nguyên mới”

23/05/2015

Lần đầu tiên, ĐH Kinh tế-ĐH Đà Nẵng phối hợp ĐH Quốc gia Yokohama (Nhật bản) và Đại học Aston (Vương quốc Anh) tổ chức Hội thảo quốc tế chuyên đề Kế toán.

(ictdanang) – Trong khuôn khổ hợp tác giữa Đại học (ĐH) Kinh tế-ĐH Đà Nẵng với ĐH Quốc gia Yokohama (Nhật bản) và Đại học Aston (Vương quốc Anh), hôm nay (22/5), đã diễn ra Hội thảo quốc tế “Kế toán trong kỷ nguyên mới” với sự tham dự của giới quản lý, các nhà khoa học đầu ngành, các giảng viên Anh, Nhật bản, Indonesia, Việt Nam…; đại diện Kiểm toán Nhà nước, Kho bạc Nhà nước; các Công ty Kiểm toán độc lập của Việt Nam; các tổ chức-hiệp hội Kế toán trong và ngoài nước…

Đây cũng là hội thảo quốc tế đầu tiên trong lĩnh vực Kế toán mà ĐH Kinh tế-ĐH Đà Nẵng phối hợp với 2 ĐH uy tín trên thế giới tổ chức tại Đà Nẵng.

 

PGS.TS Nguyễn Mạnh Toàn- Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng đọc diễn văn khai mạc.

 

Có 21 báo cáo, tham luận đã được Hội đồng khoa học 3 bên chọn trình bày tại Hội thảo, trong đó có nhiều vấn đề “nóng” luôn được sự quan tâm của dư luận rộng rãi như: “Gian lận trong kiểm toán và kế toán: Bằng chứng tại Việt Nam” (Đoàn Nguyễn Trang Phương-ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng); “Ảnh hưởng của quản trị doanh nghiệp về sai sót trọng yếu trong báo cáo tài chính của các công ty niêm yết tại Việt Nam” (Đường Nguyên Hưng- ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng); “Những yếu tố ảnh hưởng đến sự tự nguyện công bố thông tin của những công ty niêm yết tại Việt Nam (Phạm Đức Hiếu- ĐH Kinh tế TP.Hồ Chí Minh); ”Định hướng phát triển các chuẩn mực báo cáo tài chính Việt Nam cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ phù hợp với các chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế cho loại hình doanh nghiệp này” (Nguyễn Xuân Hùng- ĐH Kinh tế TP.Hồ Chí Minh); …

Các phiên hội thảo theo chủ đề được ghi nhận là khá phong phú với các chủ đề: Kế toán quản trị; Kiểm toán; Quản trị công ty; Kiểm toán; Công bố thông tin; Đào tạo Kế toán; Kế toán tài chính; Kế toán môi trường …

 

PGS.TS Nguyễn Mạnh Toàn tặng quà lưu niệm đến 2 vị đại diện ĐH Quốc gia Yokohama (Nhật bản) và Đại học Aston (Vương quốc Anh).

 

Nhiều vấn đề lần đầu tiên được đặt lên bàn nghị sự của một Hội thảo quốc tế chuyên ngành, thu hút sự quan tâm của giới chuyên môn, do góc nhìn của vấn đề là từ thực tiễn hoạt động kinh tế Việt Nam, đơn cử như báo cáo khoa học “Kế toán phát triển bền vững: Kiểm tra môi trường doanh nghiệp các công ty niêm yết Việt Nam” của Lê Ngọc Mỹ Hằng (CĐ Kinh tế Huế). Trong khi đó, về vấn đề đào tạo, tác giả Angela Lorenz (ĐH Aston-Vương Quốc Anh) đã đóng góp một tham luận khá thú vị: “Thách thức và khả năng thiết kế chương trình giảng dạy kế toán Quản trị tại Anh và Việt Nam”, hay tham luận “Giảng dạy và học tập đạo đức nghề nghiệp trong kế toán: Một nghiên cứu của giảng viên và sinh viên kế toán tại trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh”; …

ictdanang đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Mạnh Toàn- Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng, đại diện đơn vị đăng cai; đồng Trưởng Ban tổ chức Hội thảo:

1/ Thưa PGS.TS Nguyễn Mạnh Toàn, Hội thảo là thành quả hợp tác của Nhà trường cùng các bên liên quan nào ? Hội thảo nằm trong Chương trình hành động nào của Nhà trường trong năm học 2014-2015 ? Hội thảo này là Hội thảo lần thứ mấy do trường chúng ta tổ chức và về quy mô, có gì khác với các Hội thảo cùng chủ đề ? Vì sao chúng ta chọn chủ đề Kế toán thay vì các chuyên ngành khác?

Trường ĐH Kinh tế xác định mục tiêu chiến lược là phát triển thành trường ĐH theo định hướng nghiên cứu, là Trung tâm hàng đầu trong đào tạo và nghiên cứu (NCKH) chuyên ngành tại khu vực, từng bước đạt các tiêu chuẩn quốc tế để được xếp hạng trong nhóm các trường ĐH thuộc lĩnh vực kinh tế và quản trị kinh doanh của cả khu vực Đông Nam Á. Hoạt động NCKH và hợp tác quốc tế, vì vậy, luôn được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhà trường.

Trong những năm qua, trường ĐH Kinh tế đã xây dựng và phát triển mối quan hệ hợp tác với nhiều trường ĐH có uy tín trên thế giới. Hội thảo lần này là một minh chứng cho sự hợp tác giữa Nhà trường với ĐH Quốc gia Yokohama (Nhật bản) và Đại học Aston (Vương quốc Anh).

Việc tổ chức các hội thảo khoa học, đặc biệt là các hội thảo quốc tế luôn nằm trong kế hoạch hoạt động hàng năm nhằm từng bước khẳng định vị thế của Nhà trường trong NCKH cũng như hợp tác quốc tế.

Trường ĐH Kinh tế cũng đã phối hợp với đối tác nước ngoài để tổ chức các hội thảo quốc tế như Hội thảo "Phát triển địa phương thông qua mô hình Hợp tác xã và Doanh nghiệp xã hội – Một số mô hình điển hình của Việt Nam và Hàn Quốc", phối hợp với trường ĐH Sungkonghoe – Hàn Quốc; hay hội thảo" Quan hệ Việt Nam-Hàn quốc, 20 năm qua và triển vọng" phối hợp cùng KIEP (Hàn Quốc).

Tuy nhiên, đây là hội thảo quốc tế đầu tiên trong lĩnh vực Kế toán được Nhà trường phối hợp với hai trường đại học uy tín trên thế giới tổ chức. Việc tổ chức hội thảo quốc tế về kế toán lần này là cơ hội để các nhà khoa học trong nước có cơ hội và điều kiện trao đổi, học hỏi với các nhà khoa học đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, góp phần đẩy nhanh quá trình hội nhập trong lĩnh vực kế toán ở Việt Nam.

Các Giảng viên trẻ đến từ Đại học Semarang State ( Indonesia) thảo luận nhóm về một báo cáo.

2/ Ông có thể cho biết những chuyên gia đầu ngành, học giả tên tuổi hay các gương mặt tiêu biểu nào trong giới Hiệp hội Nghề nghiệp sẽ có mặt tại Hội thảo ? Và đâu là các báo cáo khoa học, tham luận đáng chú ý (hoặc thiết thực, gần gũi với thực tiễn hoạt động quản lý kinh tế và lĩnh vực kế toán) tại Hội thảo ?

Trong Hội thảo lần này, có sự tham gia của các nhà khoa học hàng đầu như GS. Nakamura, GS. Kimura đến từ ĐH Quốc gia Yokohama, GS. Margaret Woods đến từ ĐH Aston. Những báo cáo của các GS tại Hội thảo là cơ hội để các nhà khoa học trong nước nghiên cứu, ứng dụng vào điều kiện cụ thể của Việt Nam.

Ngoài ra, đại diện các hiệp hội nghề nghiệp lớn như ICAEW (Tổ chức nghề nghiệp Kế toán của Anh và xứ Wales) cũng chia sẻ những kinh nghiệm liên quan đến hoạt động nghề nghiệp. Các báo cáo trong hội thảo rất đa dạng, phong phú từ những định hướng trong nghiên cứu kế toán hiện đại đến thực tiễn của công tác thực hành kế toán, kiểm toán và đào tạo kế toán ở Việt Nam.

3/ Thưa ông, vậy Hội thảo sẽ đóng góp cụ thể những gì trong lĩnh vực chuyên ngành (Kế toán) nói riêng và tái cấu trúc kinh tế Việt Nam ?. Đặc biệt, vấn đề báo cáo tài chính thường niên của doanh nghiệp Việt Nam – thước đo sức khoẻ của hoạt động kinh tế theo lĩnh vực -, với hội thảo này, được chia sẻ những kinh nghiệm gì ?

Trong hội thảo này, có một số chủ đề liên quan đến phát triển bền vững, việc công bố thông tin trên các báo cáo tài chính, vấn đề về quản trị lợi nhuận, chất lượng kiểm toán…Đây là những vấn đề “nóng” không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước trên thế giới.

Những kinh nghiệm chia sẻ về những chủ đề này từ các nhà khoa học sẽ tạo ra một hiệu ứng tích cực, góp phần cho sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp.

Toàn cảnh phiên khai mạc.

4/ Chúng ta đang thực hiện đổi mới căn bản về Giáo dục Đại học, những Hội thảo học thuật sâu sắc và tầm nhìn vấn đề được trải trên một diện rộng – dù chỉ ở một chuyên ngành thôi - như thế này, sẽ đi vào bài giảng, giáo trình ra sao ? Nói cách khác, làm sao để một phần lượng thông tin bổ ích này trong phạm vi một Hội thảo, đến được với các em sinh viên, các NCS ?

Hội thảo này là dịp để các nhà nghiên cứu, các giảng viên cũng như nghiên cứu sinh trong và ngoài nước trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, giúp cho các nhà nghiên cứu trong nước theo kịp được các xu hướng nghiên cứu trên thế giới. Kết quả hội thảo là những tài liệu quí giá, phục vụ trực tiếp cho công tác giảng dạy và NCKH của Trường chúng tôi.

5/ Ngoài vai trò là nhà tổ chức chính sự kiện, Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng có đóng góp gì về lĩnh vực học thuật cho Hội thảo lần này, thưa Ông ?

Việc đăng cai tổ chức Hội thảo quốc tế là cơ hội để trường ĐH kinh tế-ĐH Đà Nẵng khẳng định được vai trò, vị trí của mình trong hoạt động học thuật, NCKH. Giảng viên của Trường cũng đã có nhiều bài viết tham gia Hội thảo bàn về các khía cạnh khác nhau trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán, một trong những yếu tố không nhỏ góp phần tạo nên sự thành công của Hội thảo.

6/ Và những hội thảo quốc tế như thế này, sẽ đóng góp gì về mặt uy tín cho học hiệu và góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của Trường chúng ta ?

Như đã trình bày, Trường ĐH Kinh tế là ĐH phát triển theo định hướng nghiên cứu, việc tổ chức các hội thảo mang tầm quốc tế là một trong những nỗ lực để thực thi mục tiêu chiến lược này, góp phần tạo ra môi trường sinh hoạt học thuật tiên tiến không chỉ cho trường ĐH Kinh tế mà cho cả nước, cũng như các trường ĐH trong khu vực. Qua hội thảo, những trao đổi kinh nghiệm về học thuật góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu, giảng dạy của giảng viên và qua đó sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của nhà Trường.

Trân trọng cảm ơn PGS.TS Nguyễn Mạnh Toàn ./.

Trần Ngọc thực hiện

Theo ictdanang


Liên hệ

Phòng công tác sinh viên- Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng

71 Ngũ Hành Sơn, Tp. Đà Nẵng

(0511) 3-954-243

sdh@due.edu.vn