DHKT

Mở rộng hệ thống đào tạo của DUE sang nước bạn Lào

11/02/2018

Chiều ngày 9/2, Đoàn đại biểu Hội hữu nghị Việt – Lào thủ đô Viêng Chăn (CHDCND Lào) do Ngài Anouphap Tounalom - Chủ tịch Hội đồng nhân dân - Chủ tịch Hội hữu nghị Việt – Lào thủ đô Viêng chăn - dẫn đầu đã có chuyến thăm và làm việc tại Trường Đại học Kinh tế. Tiếp đoàn có đại diện Ban Giám hiệu: PGS.TS. Đào Hữu Hòa - Phó Hiệu trưởng Nhà trường cùng đại diện lãnh đạo các Phòng Đào tạo, Phòng Tổ chức – Hành chính, Phòng Công tác sinh viên, Phòng Khoa học & Hợp tác quốc tế.


Tại buổi gặp, PGS.TS. Đào Hữu Hòa bày tỏ niềm vinh dự khi Ngài Tounalom cùng các thành viên trong đoàn đã đến thăm và làm việc tại Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng. Đại diện Trường Đại học Kinh tế cũng đã giới thiệu tổng quan về quy mô, cơ cấu, thành tựu trong đào tạo, giảng dạy của Nhà trường trong những năm qua. Hiện nay, Trường Đại học Kinh tế có số lượng lưu học sinh Lào lớn nhất ở miền Trung với khoảng 300 lưu học sinh, trong đó có 230 sinh viên hệ chính quy, còn lại là học viên và nghiên cứu sinh sau đại học. PGS.TS. Đào Hữu Hòa vui mừng thông báo vào tháng 10/2017 và tháng 2/2018 vừa qua, có 1 tân tiến sỹ người Lào và 11 sinh viên Lào hoàn thành sớm chương trình học đã được Nhà trường khen thưởng. Đây là minh chứng cho nỗ lực không ngừng nghỉ trong học tập, giảng dạy của thầy và trò Trường Đại học Kinh tế, đặc biệt là của lưu học sinh Lào.

Ngài Tounalom rất ấn tượng trước thành tích đạt được của Trường Đại học Kinh tế cũng như cộng đồng lưu học sinh Lào tại đây. Hội Hữu nghị Việt – Lào Thủ đô Viêng Chăn luôn đánh giá cao chất lượng đào tạo của Trường và cũng gởi lời cám ơn đến tập thể cán bộ, giảng viên Trường Đại học Kinh tế đã góp sức vào công cuộc đào tạo nhân tài cho đất nước Lào, đồng thời hy vọng sẽ càng có nhiều học sinh Viêng Chăn sẽ chọn nơi đây làm nơi học tập.

 

Với mong muốn mở rộng quy mô và hệ thống đào tạo quốc tế ngay tại đất nước bạn Lào, dịp này, Trường Đại học Kinh tế cũng đề xuất xây dựng văn phòng đại diện hoặc trung tâm đào tạo tại Viêng Chăn. Việc đặt hệ thống đào tạo tại nước bạn sẽ mang lại lợi ích cho nhà trường và người học, góp phần tiết kiệm chi phí, thời gian học tập, đi lại. Đồng thời, Trường Đại học Kinh tế mong muốn đây sẽ là cầu nối cho tình hữu nghị - đoàn kết giữa 2 dân tộc và là biểu tượng giáo dục cho 2 đất nước.

Trước đề xuất của Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng, Ngài Tounalom rất ủng hộ chủ trương của Nhà trường và khẳng định sẽ hỗ trợ tối đa về mọi mặt để chủ trương sớm được hoàn thành. Giới chức thủ đô Viêng Chăn luôn hoan nghênh và chào đón cán bộ, giảng viên Trường Đại học Kinh tế sang Lào đề đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho địa phương. Hội Hữu nghị Việt – Lào cũng sẽ cử chuyên gia sang Việt Nam để tiếp tục xúc tiến dự án, đồng thời hỗ trợ tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn.

 

Hai bên trao tặng nhau những món quà ý nghĩa

Tiếp tục buổi làm việc, hai bên đã bàn bạc, thảo luận về cách thức triển khai dự án, phương pháp đào tạo, kế hoạch bồi dưỡng tiếng Việt cho sinh viên Lào, các thủ tục pháp lý… Sau khi thống nhất các nội dung, hai bên sẽ tiếp tục có những buổi gặp gỡ, bàn thảo và hướng tới một thỏa thuận hợp tác nhằm hiện thực hóa chủ trương ý nghĩa này. Đây sẽ là bước phát triển mới trong hợp tác đào tạo quốc tế của Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng, đồng thời phát huy truyền thống tốt đẹp của mối quan hệ hữu nghị 2 nước Việt – Lào anh em.


Nhân dịp Tết cổ truyền dân tộc Việt Nam, Ngài Tounalom đã thay mặt đoàn gởi lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công đến tập thể cán bộ, viên chức Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng, đồng thời mong muốn Nhà trường sẽ đào tạo nên nhiều thế hệ lưu học sinh Lào xuất sắc để trở về xây dựng quê hương Lào ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Trung tâm CNTT & TT