DHKT

Đại học Đà Nẵng là một trong những lựa chọn hàng đầu của lưu học sinh Lào

16/10/2017

Năm học 2017-2018, có 153 lưu học sinh (LHS) Lào theo học tại Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN). Như vậy, tổng cộng hiện có hơn 600 LHS Lào đang học tập tại các cơ sở giáo dục đại học thành viên và đơn vị trực thuộc ĐHĐN. Con số này tương đương với số LHS Lào đang du học tại Trung Quốc.

Thông tin trên được GS.TS. Khamluesa Nuanvanh - Vụ trưởng Vụ Công tác Sinh viên (CTSV), Bộ Giáo dục và Thể thao (GD&TT), Cộng hòa Dân chủ Nhân dân (CHDCND) Lào chia sẻ với GS.TS. Trần Văn Nam – Giám đốc ĐHĐN nhân chuyến công tác của Đoàn tại ĐHĐN vào ngày 09/10/2017. Buổi làm việc còn có sự tham dự của TS. Vongphachanh Vilayhom - Phó Vụ trưởng; ông Intha Vongphachanh - Lãnh sự và ông Lonphanh Phaodavanh - Bí thứ thứ 3, Tổng Lãnh sự quán Lào tại Đà Nẵng, cùng đại diện lãnh đạo phụ trách công tác học sinh, sinh viên của ĐHĐN và các đơn vị thành viên trực thuộc.

Giám đốc ĐHĐN và Vụ trưởng Vụ CTSV tại buổi làm việc 

Chia sẻ với GS.TS. Trần Văn Nam, Vụ trưởng Vụ CTSV cho biết, mục đích của chuyến công tác lần này là nhằm tìm hiểu tình hình du học sinh Lào đang học tập tại Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung, cũng như các nước khác. Thông qua đó, Đoàn thu thập, xây dựng và phân tích số liệu của LHS Lào ở các nước, làm cơ sở để báo cáo với Bộ GD&TT và xây dựng website Trung tâm Dịch vụ Học sinh Lào. Đây sẽ là đầu mối cung cấp thông tin về các ngành nghề đào tạo, chương trình học bổng của các nước dành cho học sinh Lào. Nhân dịp này, Đoàn công tác cũng muốn lắng nghe những đề xuất của lãnh đạo ĐHĐN để phát triển hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa 2 bên.

“Tại Lào, tiếng Việt là 1 trong 4 ngoại ngữ chính được giảng dạy cho học sinh, sinh viên Lào. Trước chuyến công tác này, chúng tôi cũng đã nhận được sự phản hồi từ các du học sinh đang học tập tại đây. Theo nhận xét của các em, ĐHĐH với chương trình đào tạo đa dạng, chất lượng và đang ngày càng phát triển, thực sự là một trong những lựa chọn hàng đầu của LHS Lào” - GS.TS Khamluesa Nuanvanh - Vụ trưởng nhấn mạnh.

“Trong những năm qua, mối quan hệ hợp tác giữa ĐHĐN nói chung cũng như của các cơ sở giáo dục thành viên và đơn vị trực thuộc nói riêng với nước bạn Lào là rất tốt đẹp. Chúng tôi rất vinh dự khi là một trong những đại học lớn được đón tiếp LHS Lào sang học tập. Nhờ hoạt động hợp tác quốc tế ngày càng mở rộng nên Hiện ĐHĐN nhiều sinh viên quốc tế đến học tập. Chúng tôi có Khoa Tiếng Việt phụ trách đào tạo tiếng Việt cho các du học sinh đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Lào” – GS.TS Trần Văn Nam chia sẻ.

Ký túc xá dành cho lưu học sinh Lào tại Trường ĐH Kinh tế - ĐHĐN dự kiến hoàn thành và được đưa vào hoạt động đầu năm 2018 

Được biết, trong 2 dự án Hub4Growth và HR4Asia do Cộng đồng châu Âu tài trợ và ĐHĐN làm điều phối chính, 1 trong 12 thành viên dự án có ĐH Quốc gia Lào. “Thông qua 2 dự án này, chúng tôi đã thiết lập và xây dựng mối quan hệ với ĐH Quốc gia Lào. Hiện ĐHĐN, ĐH Quốc gia Lào và Viện Công nghệ quốc tế Đà Nẵng – DNIIT (đơn vị thành viên trực thuộc ĐHĐN) đang xúc tiến việc ký kết hợp tác đào tạo sau đại học Công nghệ Thông tin” – GS.TS Trần Văn Nam thông tin thêm.

Đề xuất những hướng hợp tác mới, GS.TS. Trần Văn Nam gợi ý: Hai bên có thể hợp tác nghiên cứu chung để gia tăng tỷ lệ công bố các bài báo khoa học trong nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ cao. Ngoài ra, hai bên có thể phối hợp tìm kiếm dự án đầu tư từ các nước, đặc biệt là Nhật Bản.

“Qua một số buổi làm việc với các đối tác Nhật, chúng tôi có đề xuất với các đối tác về việc liên kết hợp tác với ĐH Quốc gia Lào, bởi tôi tin rằng sự liên kết giữa các trường ĐH trong cùng khu vực sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi để các trường có khả năng đón nhận nhiều hơn nữa cơ hội hợp tác và đầu tư từ các nước phát triển” – Giám đốc ĐHĐN cho biết.

Theo Phó Vụ trưởng, phần lớn các sinh viên Lào có xu hướng chọn ngành học về kinh tế - xã hội, dẫn đến tình trạng thừa nguồn nhân lực. Trong khi đó, một số ngành nghề còn thiếu nguồn lực lao động như giao thông… Hiện Bộ GD&TT Lào đang tìm kiếm chương trình quản lý phân môn phù hợp với nhu cầu xã hội cũng như nguyện vọng của người học để vận động sinh viên học tập đúng chuyên ngành hơn.

Từ phải qua: TS. Vongphachanh Vilayhom - Phó Vụ trưởng; ông Intha Vongphachanh - Lãnh sự và ông Lonphanh Phaodavanh - Bí thứ thứ 3, Tổng Lãnh sự quán Lào tại Đà Nẵng; ThS. Trần Quốc Hùng – Trưởng Phòng CTSV, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng 

Thông tin với Vụ trưởng, GS.TS. Trần Văn Nam chia sẻ, sinh viên Lào có thể theo học các khối ngành về giao thông tại Trường Đại học Bách khoa – ĐHĐN như Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, Công nghệ kỹ thuật vật liệu xây dựng. Bên cạnh đó, còn có một số ngành liên quan đến xây dựng như Kỹ thuật xây dựng, Kỹ thuật công trình thủy lợi, Xây dựng dân dụng và công nghiệp. Ngoài ra, ngành Quản lý Dự án cũng giúp đào tạo cán bộ quản lý các dự án về xây dựng, công trình.

Giám đốc ĐHĐN cũng cho biết thêm, kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn AUN-QA đang là đích đến của các cơ sở giáo dục ĐH thành viên của ĐHĐN. Và ĐHĐN cũng dự định phát triển các chính sách học bổng dành cho sinh viên Lào. Song song với việc lưu học sinh Lào học tập tại Đà Nẵng, GS.TS. Trần Văn Nam đề xuất gửi du học sinh Đà Nẵng sang Lào học tập, đồng thời mở Trung tâm tiếng Lào tại ĐHĐN, bởi hoạt động giao thương Việt – Lào trong những năm gần đây rất phát triển.

 

Nhân chuyến công tác, Đoàn đã gặp gỡ LHS Lào đang học tập tại ĐHĐN. Trong hình, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ – Phó Giám đốc ĐHĐN (ảnh phải) phát biểu và cam kết hỗ trợ, tạo mọi điều kiện để SV Lào học tập và nghiên cứu tại ĐHĐN 

Chia sẻ tình hình lưu học sinh Lào đang học tập tại Trường Đại học Kinh tế - ĐHĐN, ThS. Trần Quốc Hùng – Trưởng Phòng Công tác Sinh viên cho biết, do chỉ có 1 năm học tiếng Việt nên các em cũng còn gặp khó khăn trong giao tiếp và học tập. Tuy nhiên, các sinh viên Việt luôn đồng hành và hỗ trợ các bạn Lào trong học tập cũng như tham gia các hoạt động ngoại khóa.

Được biết, trong nhiều lưu học sinh Lào đã và đang học tập tại Trường Đại học Kinh tế, có những em đạt thành tích học tập xuất sắc, đã hoàn thành sớm chương trình đào tạo và về nước đảm nhận các vị trí quản lý tại tổ chức, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, một số lưu học sinh còn quyết định tiếp tục theo học các chương trình sau đại học tại ĐHĐN.

Nữ sinh Lào tự tin trình diễn trang phục truyền thống trong Cuộc thi Nét đẹp Sinh viên Kinh tế lần IV

Thông qua buổi làm việc, Vụ trưởng mong muốn phát triển mối quan hệ giữa 2 nước nói chung và giữa ĐHĐN với Tổng Lãnh sự quán Lào nói riêng ngày càng tốt đẹp hơn nữa, để phối hợp tốt hơn trong công tác quản lý lưu học sinh Lào. GS.TS. Trần Văn Nam cũng gửi gắm với Vụ trưởng, mong Bộ GD&TT Lào tiếp tục quan tâm để ngày càng đẩy mạnh hơn nữa hoạt động hợp tác giữa hai bên.

Đại học Đà Nẵng – http://udn.vn