DHKT

Hành trang cho tân sinh viên

11/10/2017

Với các tân sinh viên (SV), thử thách đầu đời khi bước vào giảng đường không chỉ là sách vở, trường lớp, mà đó còn là sự va chạm cuộc sống. Trong hoàn cảnh đó, điều mà các bạn cần nhất chính là sự giúp đỡ, những lời khuyên đúng đắn từ thầy cô, các anh chị khóa trên… để rèn luyện cách sống ngay từ những ngày đầu.

Tham gia hoạt động xã hội là cách để sinh viên rèn luyện kỹ năng sống. (Ảnh chụp tại Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng) Ảnh: Q.T 

Tham gia hoạt động xã hội là cách để sinh viên rèn luyện kỹ năng sống (Ảnh chụp tại Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng). Ảnh: Q.T

Cuộc sống sinh viên không chỉ màu hồng

Bước vào môi trường mới, một thế giới hoàn toàn mới mở ra ít nhiều gây xáo trộn không nhỏ đến đời sống tâm lý của các bạn SV. Một bộ phận tân SV, đặc biệt là SV đến từ các vùng quê nghèo không biết thích ứng ra sao với môi trường mới. Vì thế, nảy sinh nhiều vấn đề tâm lý khiến các bạn lo lắng, ngại giao tiếp, dần dần không tìm được niềm vui ở giảng đường mà mình từng mong ước.

Trần Thị Sâm (SV năm 3, ngành Sư phạm tiếng Anh, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng) tâm sự: “Năm nhất với em là những kỷ niệm khó quên về một cô bé… nói gì người ta cũng không hiểu. Thời gian đầu, em chỉ biết mỗi đường đến trường và chợ. Đến chợ nói mua gì cũng phải nói đi nói lại 3, 4 lần. Em mặc cảm lắm. Em sinh ra ở Hà Tĩnh nên phát âm tiếng Việt và tiếng Anh khác biệt so với các bạn cùng lớp. Ở quê, em cũng chỉ học chủ yếu là ngữ pháp chứ chưa từng nói tiếng Anh. Đến lớp, cô nói em cũng không nghe được mà ngược lại, em nói cô cũng không hiểu. Lúc đó, thực sự em rất buồn và thấy bản thân thật vô dụng”.

Sự khác biệt về hoàn cảnh gia đình, quê quán… là những nguyên nhân khiến các bạn SV khó hòa nhập với nhau về tính cách ở trường học hoặc với người ở ghép cùng phòng trọ/ký túc xá. Hồ Thị Lê (SV năm nhất, khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư Phạm - Đại học Đà Nẵng) chia sẻ, từ Gia Lai về Đà Nẵng học, cảm giác nhớ nhà chưa dứt thì em đã phải đối diện với khá nhiều khó khăn trong cuộc sống, nhất là vấn đề tài chính. Vừa đến Đà Nẵng, nhận phòng ở KTX của trường ở 459 Tôn Đức Thắng là em lập tức đi tìm việc làm.

Hiện tại, em vừa đi học vừa phụ giúp bán cơm tại căn tin của KTX. “Ở ký túc xá chật hẹp, mặc dù có không gian yên tĩnh để học, nhưng vì chưa quen sống trong môi trường tập thể nên em thấy việc sinh hoạt không được thoải mái cho lắm. Giá cả đồ dùng sinh hoạt, đồ ăn ở căn tin khá đắt so với túi tiền SV. Tuy nhiên ngoài những vấn đề đó thì nhờ ở gần trường mà em dễ dàng tham gia sinh hoạt trong các câu lạc bộ của trường lớp, một số anh chị khóa trước cũng nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm và giúp đỡ nên em cũng thấy ấm áp hơn”, Lê nói.

Không ít SV cho rằng, sau 12 năm miệt mài đèn sách trên ghế nhà trường phổ thông, thì đại học là đích đến và khi đến rồi thì tự cho mình được quyền thoát ra khuôn phép. Sự quản lí của gia đình được nới lỏng, tự do mở rộng, nhiều tân SV sa ngay vào những trò tiêu khiển xấu như: game, cá độ, bài bạc, sống thử, nhậu nhẹt, tập tành hút thuốc… thậm chí là ma túy, mại dâm.Trao đổi với chúng tôi, thầy Bùi Trung Hiệp (Phó Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng) đánh giá: “Trong những năm gần đây, nhờ sự phát triển của công nghệ, tân SV dễ dàng tìm hiểu về thành phố mà mình sẽ trọ học 4 năm ròng nên số sinh viên rơi vào tình trạng hụt hẫng, choáng ngợp đã giảm nhiều. Chỉ một số ít các em ở vùng sâu, vùng xa do thiếu thông tin về môi trường học tập, trường học, lần đầu tiên phải sống xa nhà, áp lực về tài chính, vừa xa bạn cũ, bạn mới chưa nhiều, ít người chia sẻ giúp đỡ nên tâm lý các bạn bị xáo trộn. Trong tuần gặp mặt đầu tiên, chúng tôi luôn chia sẻ với SV rằng, đậu đại học chỉ là bước khởi đầu cho việc học và rèn một nghề chuyên môn trong tương lai. Việc học ở đại học khác xa với phổ thông, nó buộc ta phải nỗ lực hơn nhiều so với thời phổ thông”.

Lời khuyên cho tân SV

Trước đây, nói đến hoạt động xã hội, tình nguyện của SV là nói đến việc làm đường, làm nhà, công trình vệ sinh… ở các vùng quê nghèo, vùng sâu vùng xa. Những năm gần đây, xu hướng hoạt động xã hội của SV đã thay đổi, hướng đến việc phát huy lợi thế của việc dùng kiến thức được đào tạo trong nhà trường. Ví dụ, tại Trường Đại học Kinh tế, 2 năm nay, vào mùa hè tình nguyện, SV nhà trường đến đảo Lý Sơn để làm website, quay video clip, khảo sát về du lịch homestay… để quảng bá du lịch địa phương.

Hay tại Đại học Kiến trúc, SV đến làng biển Tam Thanh (Tam Kỳ) để hỗ trợ người dân sơn vẽ tường, thuyền thúng… Thầy Bùi Trung Hiệp cho biết, Trường Đại học Kinh tế là trường đầu tiên trên cả nước ban hành chuẩn đầu ra hoạt động ngoại khóa của SV. Tức là, ngoài các tiêu chuẩn cũ về điểm học bạ, tiếng Anh, Tin học, nay SV phải có chứng chỉ đã tham gia các hoạt động ngoại khóa. Thay vì chỉ tập trung hoàn toàn vào việc học, bây giờ các em phải tìm các kênh thông tin để tham gia vào các câu lạc bộ phù hợp với năng lực, sở thích.

Với đặc thù là trường đại học có số lượng SV nam nhiều hơn nữ, tính cách SV lại mạnh mẽ nên việc quản lý, giáo dục SV của Trường Đại học Thể dục Thể thao Đà Nẵng (ĐH TDTT) có phần khác biệt hơn so với các trường khác trên địa bàn. Thầy Lê Minh Tuấn, Trưởng phòng Công tác SV của trường cho biết, từ tháng 3 năm 2016, dựa trên bộ quy tắc ứng xử học đường do Bộ Giáo dục ban hành, ĐH TDTT đã ban hành các quy tắc ứng xử cụ thể, chi tiết, phù hợp với SV của trường và thông báo rộng rãi đến SV vào mỗi thứ 2 đầu tuần.

Trường ĐH TDTT cũng là 1 trong 12 trường đại học trên toàn quốc duy trì được việc chào cờ đầu tuần trong gần 40 năm qua. Trong các buổi sinh hoạt chào cờ, nhà trường thường xuyên giáo dục SV về tư tưởng, nền nếp ứng xử… nhằm giúp SV định hướng đúng đắn về lối sống ngay từ những năm đầu. Nhà trường cũng phối hợp chặt chẽ với cảnh sát khu vực, tổ trưởng dân phố để lấy địa chỉ SV trọ học.Nhờ quán triệt ngay từ đầu mà những năm gần đây, tình trạng SV ẩu đả, nhậu nhẹt, đề đóm… của trường hầu như không còn.

“Đặc thù của SV ĐH TDTT là các em phải đến lớp sớm, 6 giờ 30 là vào tiết học, điểm danh thường xuyên. Các em phải từ bỏ việc dễ dãi với bản thân, ngủ nướng, “chuồn” tiết… thì mới theo đuổi được việc học. Ngay từ những ngày đầu đến nhận lớp, SV mỗi khoa sẽ được hướng dẫn hình thức học nhằm giúp SV dễ dàng tiếp cận. Chúng tôi luôn giáo dục SV phải có thái độ tích cực, rèn luyện bản thân ngay từ những năm đầu ngồi trên ghế nhà trường để có thái độ đúng đắn, ứng xử phù hợp với nghề nghiệp tương lai”, thầy Tuấn nói thêm.

Đã từng trải qua những ngày đầu khó khăn, SV Trần Thị Sâm cho rằng: “Chặng đường đại học là chặng bước đệm để chúng ta rèn luyện, chuẩn bị hành trang bước vào cuộc sống. Chúng ta không có cách nào khác ngoài suy nghĩ tích cực là “mình sẽ làm được”. Ngày đó, dù nói chẳng ai hiểu nhưng em gạt bỏ tự ti, tham gia nhiều hoạt động của trường, đi làm thêm, chăm chỉ học tiếng Anh. Dần dần, em có thêm nhiều bạn mới, các kỹ năng cũng tốt hơn, trình độ nghe-nói tiếng Anh cải thiện. Em chỉ muốn nhắn gửi các bạn tân SV rằng điều quan trọng là ta phải biết cách nhìn nhận đúng vấn đề và tìm cách để vượt qua nó. Bản thân mình sẽ trưởng thành lên sau những vấp váp”.

Xem trên báo Đà Nẵng điện tử: http://baodanang.vn/channel/5433/201710/hanh-trang-cho-tan-sinh-vien-2573696/

Quỳnh Trang - Báo Đà Nẵng điện tử