DHKT

Các cơ quan thông tấn báo chí đưa tin về Lễ kí kết thỏa thuận hợp tác hỗ trợ sinh viên nghèo giữa Ngân hàng chính sách xã hội và Trường Đại học Kinh tế

20/09/2017

ICT Đà Nẵng: Nhà trường trả lãi giúp sinh viên vay vốn từ Ngân hàng để đầu tư cho việc học
Một mô hình “an sinh từ giảng đường” của Đà Nẵng, hiện thực hóa sinh động và sáng tạo, thiết thực hưởng ứng chương trình hành động xuyên suốt năm năm 2017 “Xây dựng Đà Nẵng-Thành phố 4 AN” đã và đang có sức lan tỏa.
Với biên bản thỏa thuận được ký kết cùng Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH); Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng trở thành đại học đầu tiên trên cả nước “trả lãi” giúp sinh viên, khi sinh viên (là con gia đình hộ nghèo, sinh viên mồ côi cả cha, lẫn mẹ) vay vốn chương trình tín dụng (dành cho học sinh, sinh viên) tại NHCSXH (theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ).
“Chúng tôi sẽ nhanh chóng nhân rộng mô hình này đến cả nước, giúp các bạn học sinh-sinh viên nghèo, có điều kiện đi hết con đường học vấn; không em nào bỏ học giữa chừng vì thiếu chi phí cho việc học” – ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng giám đốc NHCSXH chia sẻ.


Ông Nguyễn Văn Lý - Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam (bên phải) trao đổi văn bản thỏa thuận hợp tác vừa được ký kết với PGS.TS Nguyễn Mạnh Toàn - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng

Theo thỏa thuận được ký kết, bắt đầu từ khóa 43K, khóa tuyển sinh năm 2017, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng sẽ thực hiện hỗ trợ trả lãi tiền vay tín dụng cho các em sinh viên sinh sống ở mọi miền đất nước đang theo học tại Trường (thuộc đối tượng đã nêu ở trên). Khi các em đã được vay vốn từ chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên (vay từ NHCSXH),  thời gian Trường hỗ trợ cho các em là không quá 4 năm.
Được biết, năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động, thực hiện tự chủ tài chính của Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng. Theo đó học phí của sinh viên từ khóa tuyển sinh năm 2017 - khóa 43 của Nhà trường - có sự điều chỉnh tăng lên, so với các khóa trước đó  (học phí của các khóa trước được Nhà trường áp dụng đúng theo quy định chung đối với các trường chưa tự chủ).
Đây là điều kiện rất quan trọng để các trường đại học tập trung nguồn lực, đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, đổi mới chương trình và phương pháp giảng dạy theo hướng hội nhập, hiện đại; phát triển đội ngũ giảng viên và nghiên cứu viên; nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học để tiến tới hội nhập và cạnh tranh với thị trường lao động khu vực Đông Nam Á, thế giới. Đặc biệt, các em phải thích nghi với những biến động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ IV.

 

PGS.TS Nguyễn Mạnh Toàn (bên trái) ký kết văn bản thỏa thuận hợp tác

với đại diện lãnh đạo NHCSXH Việt Nam.-Ảnh: T.N.


Tuy vậy, theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Toàn, để việc điều chỉnh tăng học phí từ khóa 43 không có những tác động lớn đến các sinh viên thuộc gia đình chính sách, gia đình hộ nghèo và các em mồ côi cha mẹ, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, Trường Đại học Kinh tế đã xây dựng và thực thi các chính sách cụ thể: Học phí đối với các sinh viên thuộc diện gia đình chính sách được giữ nguyên như các khóa trước và giống như học phí của sinh viên các trường chưa thực hiện thí điểm tự chủ. Đồng thời, Trường tiếp tục hỗ trợ cho các sinh viên thuộc diện chính sách này theo các hình thức miễn, giảm 100%, 70% và 50% học phí theo quy định.

Đối với các em sinh viên thuộc gia đình hộ nghèo và các em mồ côi cha mẹ, ngoài các học bổng khuyến khích học tập và các nguồn học bổng tài trợ của các cơ quan, doanh nghiệp, các cựu sinh viên, từ năm 2017, Nhà trường hỗ trợ toàn bộ lãi vay cho các em khi các em phải vay tiền để trang trải chi phí học tập tại NHCSXH. Mức hỗ trợ tối đa lên đến 8.910.000 đồng/ sinh viên/ khóa học. 
“Đây là một nỗ lực rất lớn của Nhà trường để thực hiện mục tiêu: Không để sinh viên nghèo phải từ bỏ ước mơ theo đuổi việc học. Có thể nói, Trường chúng tôi là đại học đầu tiên trên cả nước thực hiện hỗ trợ toàn bộ tiền lãi vay cho sinh viên vay vốn tại NHCSXH” – PGS.TS Nguyễn Mạnh Toàn nhấn mạnh.
Được biết, tại nhiều quốc gia trên thế giới, sinh viên vay tiền để trang trải chi phí học tập và hoàn trả lại cho ngân hàng sau khi tốt nghiệp, có việc làm, là một hoạt động bình thường. Xã hội đánh giá cao nỗ lực này của chính người học và cơ quan quản lý luôn khuyến khích, ủng hộ.
Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam, ông Nguyễn Văn Lý đánh giá rất cao ý tưởng của Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) và quyết tâm rất “nhân văn” của Ban Lãnh đạo Nhà trường để đưa đến một nội dung hợp tác mới giữa Nhà trường – Nhà đào tạo với NHCSXH Việt Nam. Ngay sau lễ ký kết thỏa thuận tại Đà Nẵng, ông sẽ có chỉ đạo nhân rộng trên toàn quốc trong hệ thống NHCSXH.
Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam cũng công bố tại lễ ký kết sáng nay, từ nay, NHCSXH Việt Nam cũng sẽ không thu bất kỳ một khỏan phí nào của các doanh nghiệp, tổ chức, hay nhà hảo tâm nếu thông qua NHCSXH Việt Nam, sử dụng kênh giao dịch chuyển/nhận của NHCSXH Việt Nam để chuyển tiền cho nhà trường, với mục đích tặng học bổng, tặng cho quỹ khuyến học, hay giúp đỡ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
“Trường chúng tôi tin tưởng rằng, đây là một mô hình tốt, nếu được nhân rộng và phát triển mạnh mẽ sẽ có nhiều sinh viên thuộc diện gia đình nghèo vững tin để vay vốn trang trải chi phí học tập, xem đây là một cơ hội lớn để quyết tâm theo đuổi ước mơ, hoài bão của đời mình, vượt qua mọi khó khăn, thách thức của cuộc sống. Cộng đồng hãy chung tay giúp các em điều kiện và môi trường lập thân, lập nghiệp, tự giúp cho bản thân và gia đình thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng và góp phần thực hiện trách nhiệm của mình đối với xã hội, với quê hương, đất nước” - PGS.TS Nguyễn Mạnh Toàn gửi gắm.

Trần Ngọc


Báo điện tử Giáo dục Việt Nam: "Không để sinh viên nghèo từ bỏ ước mơ lên giảng đường"

Mục tiêu của nhà trường là không để một sinh viên nào phải bỏ học giữa chừng vì không có tiền đóng học phí, không đủ khả năng trang trãi chi phí sinh hoạt. Đó là khẳng định của PGS.TS. Nguyễn Mạnh Toàn – Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà nẵng tại buổi ký kết thỏa thuận hợp tác với Ngân hàng Chính sách xã hội về việc “hỗ trợ tiền lãi cho, sinh viên thuộc đối tượng hộ nghèo, sinh viên mồ côi vay vốn để đi học” ngày 18/9.


Đại diện Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng và Ngân hàng chính sách xã hội ký kết thỏa thuận về việc hỗ trợ sinh viên nghèo

 

Theo thỏa thuận này, nhà trường sẽ hỗ trợ trả lãi tiền vay tín dụng cho các sinh viên thuộc diện chính sách như trên đang theo học tại Trường Đại học Kinh tế bắt đầu từ khóa 43K (tuyển sinh năm 2017). Thời gian hỗ trợ theo chương trình đào tạo nhưng không quá bốn năm. Thỏa thuận này sẽ có hiệu lực kể từ hôm nay (18/9) và các tân sinh viên sẽ là những đối tượng đầu tiên được hưởng chính sách hỗ trợ ưu việt này. Đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết, đây là trường đại học đầu tiên trong cả nước thực hiện hỗ trợ toàn bộ tiền lãi vay cho sinh viên vay vốn tại ngân hàng. “Mô hình này nếu được phát triển mạnh mẽ sẽ có nhiều sinh viên thuộc diện khó khăn vững tin để vay vốn trang trãi chi phí học tập, xem đây là cơ hội lớn để theo đuổi ước mơ, hoài bão của đời mình”, vị này nói. Chia sẻ thêm về những hoạt động của trường, thầy Toàn nói, nhằm động viên và chia sẻ với các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, thời gian qua, nhà trường đã quan tâm, giúp đỡ các em bằng nhiều chính sách. Như trích từ nguồn kinh phí của nhà trường và huy động tài trợ của cộng đồng doanh nghiệp, các thế hệ cựu sinh viên để cấp học bổng, nơi ở, điều kiện học tập, sinh hoạt và việc làm cho sinh viên, .v.v..

“Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động, thực hiện tự chủ tài chính của trường. Theo đó, học phí của sinh viên từ khóa tuyển sinh năm 2017 (khóa 43) của nhà trường có sự điều chỉnh tăng lên so với các khóa trước đó. Đây là điều kiện rất quan trọng để các trường đại học tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, đổi mới chương trình giảng dạy theo hướng hội nhập”, thầy Toàn cho biết. Tuy vậy, để việc điều chỉnh tăng học phí từ khóa 43 không có những tác động lớn đến các sinh viên thuộc gia đình chính sách, hộ nghèo và các em mồ côi cha mẹ thì nhà trường đã xây dựng và thực thi nhiều chính sách hỗ trợ. Cụ thể như: học phí đối với sinh viên thuộc diện gia đình chính sách được giữ nguyên như các khóa trước (như các trường chưa thực hiện thí điểm tự chủ). Đồng thời, hỗ trợ miễn giảm 100%, 70% và 50% học phí theo quy định. Đối với các sinh viên nghèo, mồ côi cha mẹ, ngoài các học bổng khuyến khích học tập và các nguồn học bổng tài trợ của các cơ quan, doanh nghiệp và cựu sinh viên.

Từ năm 2017, nhà trường hỗ trợ toàn bộ lãi vay cho sinh viên khi các em vay tiền để trang trãi chi phí học tập tại Ngân hàng Chính sách xã hội trong bốn năm học tập. Với mức hỗ trợ tối đa lên đến hơn 8,9 triệu đồng/sinh viên/khóa học. “Đây là nỗ lực rất lớn của nhà trường nhằm thực hiện mục tiêu không để sinh viên nghèo phải từ bỏ ước mơ theo đuổi việc học tại Trường Đại học kinh tế Đà Nẵng do mức học phí của trường cao hơn so với các trường đại học công lập khác trong khu vực khi thực hiện đề án thí điểm tự chủ đại học. Việc hỗ trợ trả lãi suất vay vốn tín dụng sẽ giúp sinh viên và gia đình giảm bớt phần nào ghánh nặng, yên tâm hơn trong học tập”, thầy Toàn cam kết.

Tấn Tài

Báo Đà Nẵng điện tử: Hỗ trợ tiền lãi vay cho gần 150 sinh viên nghèo

Ngày 18-9, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng ký kết thỏa thuận hợp tác với Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) về việc hỗ trợ tiền lãi cho học sinh, sinh viên (HS-SV) thuộc đối tượng hộ gia đình nghèo, SV mồ côi cha mẹ có vay vốn chương trình tín dụng đối với HS-SV theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ tại NHCSXH.

Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động, thực hiện tự chủ tài chính của Trường Đại học Kinh tế và học phí của SV từ khóa tuyển sinh năm 2017 - khóa 43 của nhà trường có sự điều chỉnh so với trước đó (học phí của các khóa trước vẫn theo quy định chung như đối với trường chưa tự chủ).

Bởi vậy, để việc điều chỉnh này không ảnh hưởng lớn đến các SV thuộc gia đình chính sách, gia đình hộ nghèo và các em mồ côi cha mẹ, có hoàn cảnh khó khăn, nhà trường đã ký kết với NHCSXH trong việc hỗ trợ trả lãi vay vốn học tập cho SV. Theo thỏa thuận, Trường Đại học Kinh tế hỗ trợ trả lãi tiền vay tín dụng cho hộ gia đình nghèo, SV mồ côi trên toàn quốc đang theo học tại Trường Đại học Kinh tế có vay vốn chương trình tín dụng đối với HS-SV trong thời gian học tại nhà trường. Đối tượng hỗ trợ là tất cả các đối tượng trên bắt đầu từ khóa 43K, tuyển sinh năm 2017. Thời gian hỗ trợ theo chương trình đào tạo (không quá 4 năm). Dự kiến có khoảng 150 SV khóa 43K được nhận hỗ trợ này.

Ngoài ra, học phí với các SV thuộc diện gia đình chính sách được giữ nguyên như các khóa trước và giống như học phí của SV các trường chưa thực hiện thí điểm tự chủ. Đồng thời, nhà trường tiếp tục hỗ trợ cho các SV thuộc diện chính sách theo các hình thức: miễn, giảm 100%, 70% và 50% học phí theo quy định. Song song với đó, nhà trường sẽ tiếp tục giúp đỡ các SV bằng các chính sách như trích từ nguồn kinh phí của nhà trường và huy động tài trợ của cộng đồng doanh nghiệp, các thế hệ cựu SV để cấp học bổng..v.v..

Kim Ngân