DHKT

Rào cản về thể chế kinh tế đối với sự phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam thời kỳ đổi mới và giải pháp khắc phục

30/08/2017

Sáng ngày 28/08/2017 tại Trường Đại Học Kinh Tế - Đại Học Đà Nẵng đã diễn ra buổi tọa đàm “Các rào cản về thể chế kinh tế đối với phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam thời kì đổi mới và giải pháp khắc phục” do Nhà trường và Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp thực hiện. Tọa đàm là một trong những hoạt động của đề tài cấp Nhà nước nhằm lấy ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà doanh nghiệp.

Buổi tọa đàm có sự góp mặt của Ban chủ nhiệm đề tài; đại diện lãnh đạo các Sở, Ban ngành; Ban giám hiệu Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng; lãnh đạo các Phòng, Khoa và đông đảo giảng viên, sinh viên quan tâm.

Trong lời phát biểu chào mừng, PGS.TS. Nguyễn Mạnh Toàn - Hiệu trưởng Trường Đại Học Kinh Tế - Đại Học Đà Nẵng cho biết: “Rào cản về thể chế kinh tế có ảnh hưởng mạnh mẽ và quan trọng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương nói riêng và của Việt Nam nói chung trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế. Rào cản thể chế rất đa dạng, không chỉ liên quan tới việc phát triển nguồn lực mà quan trọng hơn liên quan tới cơ chế vận hành phân bổ nguồn lực của nền kinh tế. Buổi tọa đàm ngày hôm nay chính là cơ hội cho các nhà khoa học, nhà quản lý, các tổ chức kinh doanh có cơ hội đánh giá cơ hội phát triển kinh tế - xã hội của miền Trung trong những năm qua, nhận diện những ảnh hưởng của rào cản thể chế về kinh tế - xã hội, đồng thời tìm ra các giải pháp khắc phục.”

PGS.TS. Nguyễn Mạnh Toàn - Hiệu trưởng Trường Đại Học Kinh Tế - Đại Học Đà Nẵng phát biểu khai mạc tọa đàm

Ở phần đề dẫn, GS.TSKH Lê Du Phong – Chủ nhiệm đề tài nêu rõ: Trong 30 năm, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vận hành một cách thuận lợi, ngày càng có hiệu quả. Đảng và Nhà nước ngày càng có nhiều chính sách phù hợp, pháp luật, chính sách kinh tế ngày càng đầy đủ, đồng bộ, tạo ra môi trường thuận lợi cho các hoạt động sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp cũng như người dân; Tạo dựng một bộ máy quản lí nhà nước về kinh tế ngày càng phù hợp, từng bước đi vào công khai, minh bạch và có hiệu quả. Cơ chế kinh tế đó đã tạo ra động lực khá mạnh mẽ giúp Việt Nam từng bước khai thác được các lợi thế về các nguồn lực trong và ngoài nước, phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội nước nhà. Do đó nền kinh tế Việt Nam nhanh chóng thoát ra khỏi khủng hoảng trầm trọng và đạt được nhiều thành quả trong suốt 30 năm vừa qua. Tuy vậy, nhìn ra bên ngoài thì Việt Nam còn phát triển chậm. Nhiều nhà khoa học dự báo nếu trong những năm tới, Việt Nam không có sự phát triển đột biến, mạnh mẽ và bền vững thì sẽ còn thua các nước lân cận trong ASEAN. Có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan để nền kinh tế Việt Nam hiện nay phát triển chậm. Trong đó rào cản về thế chế kinh tế được xác định là một trong số các nguyên nhân hàng đầu.

GS.TSKH Lê Du Phong – Chủ nhiệm đề tài phát biểu đề dẫn

Chủ nhiệm đề tài cũng gợi ý những chủ đề để các đại biểu nghiên cứu và thảo luận như: Các rào cản đến từ luật pháp Nhà nước; các rào cản đến từ hệ thống chức trách của Chính phủ; các rào cản từ cơ chế quản lý; sự nhũng nhiễu của đội ngũ công chức trong bộ máy thực thi công vụ của Nhà Nước; Hậu quả của rào cản gây ra cho việc phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam; các nguyên nhân và giải pháp khắc phục những rào cản đó…

Sau phần phát biểu đề dẫn của GS.TSKH Lê Du Phong, các đại biểu tiếp tục nghe các tham luận:   

-          Thể chế và tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam: Trường hợp của các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Tây Nguyên – PGS.TS Bùi Quang Bình, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng.

-          Rào cản đối với các doanh nghiệp trẻ thành phố Đà Nẵng – TS Nguyễn Phú Thái, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng. 
Phiên trao đổi thảo luận thu hút sự góp ý sôi nổi từ các đại biểu xoay quanh các vấn đề: quyền tự do kinh doanh; những kiến nghị cách làm luật tại Việt Nam; đổi mới công tác cán bộ; hạn chế sự nhũng nhiễu bằng cách đưa công nghệ thông tin vào ứng dụng trong tác nghiệp, quản lý…Đồng thời các đại biểu cũng nêu lên những trăn trở trong việc đưa kết quả những buổi tọa đàm như thế này đến các cơ quan chức năng nhằm áp dụng nhanh các giải pháp vào thực tiễn.
 
Buổi tọa đàm khép lại thành công, Ban chủ nhiệm đánh giá rất cao sự tham gia và đóng góp ý kiến sôi nổi từ phía các đại biểu. GS.TSKH Lê Du Phong cho rằng, đó là những ý kiến sâu sắc, có nghiên cứu và đầy tính tư duy, Ban chủ nhiệm sẽ ghi nhận và đưa vào hoàn thiện phần kiến nghị của đề tài để những rào cản về thể chế kinh tế đối với sự phát triển kinh tế - xã hội sớm được phá bỏ, để nền kinh tế Việt Nam ngày một đi lên mạnh mẽ.

Thanh Điệp (CTV) – Trung tâm CNTT & Truyền thông