DHKT

Buổi nói chuyện chuyên đề về Việc làm - Công nghiệp hóa - Toàn cầu hóa của TS. Đinh Trường Hinh

14/02/2017

Chiều 13/2, TS. Đinh Trường Hinh (nguyên là chuyên gia kinh tế cấp cao của Ngân hàng thế giới - hiện là Giám đốc Công ty Tư vấn EGAT, Hoa Kỳ) đã có buổi nói chuyện chuyên đề về vấn đề Việc làm - Công nghiệp hóa - Toàn cầu hóa với giảng viên, sinh viên Trường ĐH Kinh tế. Đến dự có PGS.TS Võ Thị Thúy Anh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế, đại diện Phòng Công tác sinh viên, Phòng Đào tạo và các giảng viên, sinh viên Khoa Ngân hàng – Trường ĐH Kinh tế.


Tại buổi nói chuyện, TS. Đinh Trường Hinh đã trình bày về mục tiêu, bối cảnh việc làm của các nước có thu nhập thấp và thu nhập trung bình trên thế giới. Các nghiên cứu của TS. Đinh Trường Hinh đã chỉ ra những hạn chế cơ bản đã ràng buộc sự phát triển của công nghiệp nhẹ như: chi phí và chất lượng đầu vào, đất công nghiệp, tài chính, hậu cần thương mại, kĩ năng khởi nghiệp và kĩ năng của người lao động. Để phát triển nền kinh tế theo hướng bền vững, các nước có thu nhập thấp cần tạo ra môi trường thuận lợi cho sản xuất, tập trung vào bổ sung kiến thức và nguồn tài chính thông qua đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và các mạng lưới, đặc biệt chú trọng xây dựng nền tảng thành công thông qua lựa chọn các chính sách phù hợp với điều kiện của mỗi quốc gia.


Đối với các nước có thu nhập trung bình, TS. Đinh Trường Hinh đã dẫn chứng bài học kinh nghiệm của 4 nền kinh tế: Hồng Kông, Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan. Đây là những quốc gia chỉ cần khoảng 32 năm để đi từ các nước có thu nhập trung bình thấp đến nhóm nước có thu nhập trung bình cao, trong khi các quốc gia Châu Âu cần trung bình 71 năm. Bên cạnh đó, trong thế kỷ XX, đã có nhiều quốc gia rơi vào bẫy thu nhập trung bình khiến thu nhập bình quân đầu người không tăng trong thời gian dài. Đây cũng là bài học kinh nghiệm dành cho các nước đang phát triển như Việt Nam.


Nghiên cứu tình hình thực tế tại Việt Nam, TS. Đinh Trường Hinh cho rằng nước ta có nhiều thuận lợi để tăng trưởng kinh tế. Để cải cách và thúc đẩy sự phát triển kinh tế, Việt Nam cần ổn định kinh tế vĩ mô, giải quyết vấn đề việc làm và nâng cao chất lượng lao động. Chính quyền cũng đóng vai trò quan trọng trong cải cách và thúc đẩy phát triển nền kinh tế theo hướng hiện đại hóa, TS. Đinh Trường Hinh cho rằng chính quyền không còn là nhà cung cấp tăng trưởng mà đảm nhiệm vai trò như người hỗ trợ các doanh nghiệp.


Cũng tại buổi nói chuyện, các giảng viên, sinh viên cũng tham gia thảo luận với TS. Đinh Trường Hinh về vấn đề hội nhập kinh tế của Việt Nam trong tương lai, các giải pháp tháo gỡ rào cản phát triển thương mại, kinh tế và vai trò của chính quyền trong thúc đẩy phát triển công nghiệp, xây dựng nền kinh tế cạnh tranh, công bằng.

*TS. Đinh Trường Hinh hiện là Chủ tịch công ty Tư vấn EGAT có trụ sở tại Washington, D.C (Hoa Kỳ). TS Hinh đồng thời  nghiên cứu viên cao cấp của nhiều trung tâm nghiên cứu và trường đại học như Trung tâm nghiên cứu chính sách (OPC Policy Center) tại Rabat, Ma-rốc, Đại học Indiana ở Bloomington, bang Indiana (Hoa Kỳ) v.v. TS Hinh từng có 36 năm là chuyên viên kinh tế hàng đầu của Ngân hàng Thế giới, chuyên nghiên cứu về nền kinh tế của các nước Châu Á, Châu Mỹ la-tinh, Châu Phi, Bắc Trung Phi và Nam Phi. TS. Đinh Trường Hinh là tác giả và đồng tác giả của 6 cuốn sách được xuất bản bởi Ngân hàng thế giới, tham gia biên soạn nhiều cuốn sách của Nhà xuất bản Đại học Oxford, và là tác giả của nhiều bài báo trên các tạp chí chuyên ngành về lĩnh vực tài chính công, kinh tế thế giới, công nghiệp hóa và phát triển kinh tế.  

Một số sách, tài liệu tham khảo về lĩnh vực kinh tế của TS. Đinh Trường Hinh:

- Tales from the Development Frontier: How China and Other Countries Harness Light Manufacturing to Create Jobs and Prosperity:

http://issuu.com/world.bank.publications/docs/9780821399880

http://issuu.com/world.bank.publications/docs/9780821399880_part2

- Light Manufacturing in Vietnam: Creating Jobs and Prosperity in a Middle Income Economy: http://issuu.com/world.bank.publications/docs/9781464800344

 

Trung tâm CNTT & TT