DHKT

GS.TS Trần Văn Thọ (ĐH Waseda, Nhật Bản) và buổi nói chuyện chuyên đề “Công nghiệp hóa Việt Nam trong giai đoạn mới”

13/02/2017

Cuối tuần qua, đông đảo cán bộ giảng viên, sinh viên Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng đã có mặt tại Hội trường E để tham gia buổi nói chuyện chuyên đề khoa học của GS.TS Trần Văn Thọ (Đại học Waseda, Nhật Bản). Buổi nói chuyện xoay quanh chủ đề: “Công nghiệp hóa Việt Nam trong giai đoạn mới”. Chương trình còn có sự tham dự của lãnh đạo Đại học Đà Nẵng, đại diện các Sở, ban ngành, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội thành phố Đà Nẵng, các nhà khoa học, nghiên cứu sinh có quan tâm.

IMG_07258d361.jpg

Trong lời phát biểu chào đón GS.TS Trần Văn Thọ, PGS.TS Nguyễn Mạnh Toàn – Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: “Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII khẳng định “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Tuy nhiên, như Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII của Đảng đã đánh giá: “Một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội chưa đạt kế hoạch; nhiều chỉ tiêu, tiêu chí trong mục tiêu phấn đấu để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại không đạt được”. Những hạn chế, khuyết điểm nêu trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, đặc biệt là xu thế công nghiệp hóa thế giới hiện nay đang đặt ra những yêu cầu cấp bách trong đổi mới thể chế, chính sách, môi trường đầu tư của Việt Nam.

Chuyên đề khoa học này là cơ hội để các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, nhà nghiên cứu, giảng viên và sinh viên bàn luận, trao đổi, và nhìn nhận lại thành quả công nghiệp hóa của Việt Nam trong 20 năm qua; đánh giá xu thế công nghiệp hóa thế giới hiện nay và thách thức đối với Việt Nam, cũng như những chiến lược, chính sách mà Việt Nam cần tiến hành cho giai đoạn tới.”

IMG_0760f713b.jpg

PGS.TS Nguyễn Mạnh Toàn - Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế (phải) tặng hoa cảm ơn GS.TS Trần Văn Thọ

Trong bài nghiên cứu của mình, GS.TS Trần Văn Thọ đã nêu lên những vấn đề về đánh giá quá trình công nghiệp hóa, những thách thức hiện nay và chiến lược cho giai đoạn mới. Theo ông, Việt Nam thuộc thế hệ công nghiệp hóa thứ sáu của thế giới. Các nước đi sau sẽ có lợi thế trong việc sử dụng các nguồn lực của các thế hệ đi trước như công nghệ, tư bản, tri thức kinh doanh. Tuy nhiên, không phải nước nào đi sau cũng tận dụng được các lợi thế đó mà cần một điều kiện nữa là nội lực, là năng lực xã hội. Xét về tính khu vực, Việt Nam nằm giữa vùng Đông Nam Á năng động, chung quanh là những nước thế hệ công nghiệp hóa thứ ba và thứ năm nên dễ dàng tiếp cận các nguồn lực nước ngoài như tư bản, công nghệ, tri thức kinh doanh. Tuy nhiên, công nghiệp hóa của nước ta phát triển không mạnh mẽ như các nước đi trước trong giai đoạn dân số vàng vì phụ thuộc khá nhiều vào FDI (50% sản lượng công nghiệp, 70% xuất khẩu). Hơn nữa ít liên doanh và ít liên kết với doanh nghiệp trong nước.

IMG_0729c889c.jpg

GS.TS Trần Văn Thọ nhấn mạnh nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố hàng đầu trong chiến lược phát triển Công nghiệp hóa Việt Nam trong giai đoạn mới

IMG_07011267e.jpg

IMG_0708aebaf.jpg IMG_073729373.jpg

Các nhà khoa học, giảng viên đã có phiên trao đổi sôi nổi với Giáo sư Đại học Waseda về vấn đề công nghiệp hóa hiện nay

IMG_071273be6.jpg

Theo Giáo sư, công nghiệp trên thế giới có khuynh hướng tăng chậm vì nhu cầu giảm, vì sản xuất thừa nên việc cạnh tranh giữa các nước sẽ rất gay gắt. Đồng thời, do cách mạng công nghệ mới (tự động hóa, mạng hóa) nên sản xuất công nghiệp dùng ít lao động hơn.

Để phát triển công nghiệp hóa, Việt Nam cần đẩy mạnh trong một diện vừa rộng vừa sâu. Hai lĩnh vực có thị trường lớn và Việt Nam có lợi thế và thu hút nhiều lao động là các loại máy móc và công nghiệp thực phẩm. Quá trình công nghiệp hóa xuất phát từ lắp ráp, chế biến tiến sâu vào sản phẩm trung gian để tăng giá trị tính thêm. Bên cạnh đó cần kết nối doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu và từng bước tạo thương hiệu riêng. Phải có chiến lược chọn lựa FDI, ưu tiên từ các doanh nghiệp đa quốc gia có uy tín về công nghệ, khuyến khích liên doanh với các doanh nghiệp trong nước. Quan trọng nhất là củng cố nội lực, trong đó đầu tư mạnh vào việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trước mắt đáp ứng nhu cầu trong trào lưu công nghệ mới và về lâu dài có khả năng thích ứng với sự thay đổi của thị trường.

 IMG_0762424b0.jpg

Trung tâm CNTT & TT

Vài dòng về GS.TS Trần Văn Thọ:  

Quê ở Quảng Nam, sang Nhật du học năm 1968, lấy bằng Tiến sĩ kinh tế học tại Đại học Hitotsubashi (Tokyo). Sau một thời gian làm việc tại Trung tâm nghiên cứu kinh tế Nhật (JCER) và giảng dạy ở Đại học Obirin (Tokyo), từ năm 2000 là giáo sư dạy kinh tế học tại Đại học Waseda (Tokyo).

Ngoài việc giảng dạy, đã và đang tích cực trong các hoạt động nghiên cứu, ngôn luận và đề xuất ý kiến về mặt chính sách tại Nhật Bản và Việt Nam.

Tại Nhật Bản, từng là thành viên chuyên môn trong Hội đồng tư vấn kinh tế của nhiều đời Thủ tướng Nhật, làm cố vấn cho nhiều cơ quan của chính phủ Nhật như Viện nghiên cứu đầu tư quốc tế và phát triển kinh tế thuộc Ngân hàng xuất nhập khẩu nhà nước, Viện nghiên cứu tài chánh và phát triển kinh tế thuộc Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC), v.v... Từ năm 1998 được mời làm uỷ viên nghiên cứu chính sách của Diễn đàn Nhật Bản về quan hệ quốc tế, và được bầu làm chủ nhiệm nhóm nghiên cứu chính sách cho năm 1999 của Diễn đàn nầy. Bản báo cáo kết quả của nhóm nghiên cứu nầy đã được trình Thủ tướng Mori Yoshiro tháng 5 năm 2000 (Kiến nghị về sự chọn lựa chiến lược tại Á châu trong thời đại toàn cầu hoá). Năm 2003, được JBIC mời làm chủ nhiệm uỷ ban đánh giá dự án viện trợ của Nhật (ODA) xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông khu Bắc bộ Việt Nam.

Tại Việt Nam, là thành viên Tổ tư vấn cải cách kinh tế của Thủ tướng Võ Văn Kiệt (1993-1997), cộng tác trong Ban nghiên cứu chính sách của Thủ tướng Phan Văn Khải (1997-2006), khởi xướng và vận động thành lập Trung tâm kinh tế châu Á Thái bình dương (VAPEC) đặt tại Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố HCM (hiện là Chủ tịch Hội đồng điều hành trung ương của tổ chức nầy), thường xuyên viết cho tạp chí Thời báo kinh tế Saigon và nhiều báo khác, và nhiều lần được mời làm giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Đà Nẵng.

Xem thêm bài viết tại:

Tạp chí Thông tin & Truyền thông ICTdanang: http://ictdanang.vn/chi-tiet?articleId=30110