DHKT

Tự chủ đại học: Nâng cao ý thức về cạnh tranh và tăng trách nhiệm

19/01/2017

GD&TĐ - Tự chủ đại học được xem là chủ trương lớn có nhiều triển vọng nhằm giúp đổi mới quản trị đại học theo hướng năng động và hiệu quả theo xu thế của thế giới.
Đến nay, có 16 cơ sở giáo dục ĐH đang thực hiện thí điểm tự chủ. Chủ trương của Bộ GD&ĐT là tất cả các trường ĐH sẽ thực hiện tự chủ theo lộ trình; cơ quan quản lý Nhà nước vẫn cùng đồng hành với các trường thực hiện tự chủ và cấp kinh phí theo nhiệm vụ và chất lượng đào tạo, không phân biệt công lập hay tư thục.


Không chỉ là tự chủ tài chính
Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) là đơn vị mới nhất tham gia nhóm các trường được Chính phủ phê duyệt đề án Đổi mới hoạt động theo hướng tự chủ đại học. Mức độ thực hiện quyền tự chủ của 16 cơ sở giáo dục ĐH phụ thuộc vào năng lực tự chủ, bao gồm năng lực quản lý và các nguồn lực của nhà trường. Nội dung thí điểm tự chủ tại các trường ĐH mặc dù có nhiều điểm khác nhau nhưng về cơ bản đã bao trùm mọi khía cạnh, gồm đào tạo, nghiên cứu khoa học (NCKH), hợp tác quốc tế, tổ chức nhân sự, tài chính và đầu tư.
Theo như nhận xét của PGS.TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương thì “các trường tự chủ đều tập trung tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng, thực hiện kiểm định trường và kiểm định chương trình. Tự chủ làm nâng cao ý thức về “cạnh tranh”, tăng “trách nhiệm” của lãnh đạo và đội ngũ cán bộ quản lý tại các trường”. Phân tích về điều này, PGS.TS Bùi Anh Tuấn cho biết: “Tự chủ về nguồn kinh phí đặt ra bài toán về việc lựa chọn mô hình phát triển theo quy mô với chi phí, học phí thấp hay theo chất lượng với chi phí, học phí cao. Tự chủ học thuật đòi hỏi các trường phải lựa chọn các ngành đào tạo đáp ứng nhu cầu thị trường, lựa chọn phát triển đa ngành, đa lĩnh vực hay phát triển tập trung chuyên sâu. Tự chủ về tổ chức đặt ra bài toán về thu hút và đào tạo nhân tài trong bối cảnh cơ chế chính sách còn cứng nhắc, tâm lý ngại thay đổi, va chạm và văn hóa “trình tự trước sau” dẫn đến sức ỳ lớn. Tự chủ về NCKH đặt ra bài toán về từng bước nâng cao năng lực nghiên cứu hay chú trọng đến công bố sản phẩm đầu ra của nghiên cứu”.
Quyền tự chủ của các trường ĐH càng lớn thì trách nhiệm xã hội càng cao, không chỉ trong chất lượng đào tạo mà còn với cả sinh viên, người sử dụng lao động, với cơ quan quản lý Nhà nước và với xã hội. Theo PGS.TS Đoàn Quang Vinh - Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng thì tự chủ không phải chỉ là tăng học phí mà là tăng nặng lực quản trị để tăng chất lượng đào tạo, cơ hội việc làm và khả năng phát triển nghề nghiệp của SV. Thế nhưng, PGS.TS Đoàn Quang Vinh cho rằng, “hiện các trường ĐH tự chủ đều bị khống chế mức thu học phí theo nội dung đề án của từng trường và theo Quyết định 86/CP về quản lý trần học phí của Chính phủ trong giai đoạn 2016 - 2020. Đây là thử thách của tất cả các cơ sở giáo dục ĐH đang thực hiện tự chủ ĐH và cũng lý giải tại sao nhiều cơ sở giáo dục ĐH vẫn ngần ngại tiến tới tự chủ ĐH”.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ thì “các trường hiện nay gần như không có vướng mắc gì nhiều về tự chủ học thuật, tự chủ tài chính. Các trường có thể liên kết với các trường đối tác để nhập khẩu chương trình đào tạo, công nghệ giảng dạy, thậm chí là thu hút giảng viên. Riêng tự chủ tài chính, phải đảm bảo nguyên tắc cân đối với chất lượng đào tạo, tránh đội giá chất lượng và không minh bạch; mỗi trường có thể chọn khoảng 1/4 ngành nghề đào tạo để đầu tư theo hướng chất lượng cao. Đây là cơ hội để các trường đa dạng hóa nguồn thu”. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng khẳng định: “Cơ quan quản lý Nhà nước vẫn cùng đồng hành với các trường thực hiện tự chủ và cấp kinh phí theo nhiệm vụ và chất lượng đào tạo, không phân biệt công lập hay tư thục”.
Có thể chứng minh điều này từ thực tế thực hiện tự chủ đại học tại một số cơ sở giáo dục như Học viện Nông nghiệp Việt Nam, ĐH Bách khoa Hà Nội hay ĐH Kinh tế Quốc dân thời gian qua. Dù được trao cơ chế tự chủ ĐH nhưng Nhà nước vẫn đứng ra vay vốn để hỗ trợ đầu tư phát triển. Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: “Tự chủ không phải là Nhà nước không đầu tư, chỉ có điều là thay đổi cách đầu tư. Thay vì Nhà nước cấp tiền trả lương giảng viên thì giờ dùng tiền đó để cấp học bổng cho SV thuộc các đối tượng chính sách, gia đình khó khăn; hoặc Nhà nước tiếp tục đầu tư tăng nguồn cho NCKH, chứ Nhà nước không cắt ngay nguồn đầu tư cho khối ĐH”.


Minh bạch thông tin và trách nhiệm giải trình
PGS.TS Bùi Anh Tuấn cho rằng, từ thực tiễn triển khai thí điểm tự chủ ĐH tại Việt Nam những năm qua cho thấy, minh bạch thông tin là một trong ba vấn đề lớn của tự chủ ĐH. “Các trường mới chỉ cung cấp thông tin cho người học theo 3 công khai chứ chưa theo các bộ tiêu chí đánh giá chất lượng giáo dục ĐH”. Nhận xét về 3 công khai, GS.TS Đặng Kim Vui - Giám đốc ĐH Thái Nguyên - cho rằng, con số công khai trên website của nhiều trường rất lung linh nhưng trên thực tế thì không phải như vậy.
Trong khi đó, Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng xác định việc công khai, minh bạch thông tin là một kênh để giới thiệu nhà trường và tăng tính cạnh tranh trong tuyển sinh. PGS.TS Trần Đình Khôi Nguyên - Phó Hiệu trưởng nhà trường - cho biết: Với 3 công khai, ngoài các nội dung như công bố về chuẩn đầu ra qua chương trình đào tạo của từng chuyên ngành, các khoa phải công bố về đội ngũ giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng cũng lý lịch khoa học để người học có điều kiện đánh giá về chất lượng đội ngũ giảng viên thông qua các hoạt động giảng dạy và NCKH. Trong thời gian tới, nhà trường sẽ công bố về tình hình có việc làm theo từng chuyên ngành trên cổng thông tin điện tử. Nói chung, tất cả các thông tin đó là cơ sở để các bên có liên quan giám sát các cam kết của nhà trường về chất lượng đào tạo; người học và phụ huynh có quyền xem xét và chọn lựa cơ sở đào tạo đáp ứng các mục tiêu phát triển của mỗi cá nhân.
Một vấn đề nữa đối với tự chủ đại học là hiện nay, các tổ chức đoàn thể, các viên chức và người học chưa có ý thức về tầm quan trọng của giám sát hoạt động. PGS.TS Bùi Anh Tuấn nhận xét: “Trong các trường đã thành lập Hội đồng trường bước đầu xuất hiện một số vấn đề trong phối hợp giữa Hội đồng trường, Ban giám hiệu và Đảng ủy. Hội đồng trường chưa phát huy được vai trò trong tự chủ ĐH do chưa có quy định rõ ràng về quyền gắn liền với trách nhiệm của Hội đồng trường cũng như còn nhiều bất cập trong quy định về tổ chức của Hội đồng trường”.
PGS.TS Trần Đình Khôi Nguyên kiến nghị, để Hội đồng trường phát huy tác dụng trong thời gian tới thì bản thân mỗi thành viên của Hội đồng trường cũng phải thay đổi nhận thức về vị trí của mình trong sự nghiệp phát triển của trường. “Trong Hội đồng trường nên có một tổ giám sát độc lập để kiểm tra việc thực hiện các cam kết của nhà trường, việc thực thi các quyết nghị mà Hội đồng trường đã ban hành. Nên có một kênh thông tin để Hội đồng trường biết được những việc đang triển khai tại trường thay vì định kỳ 6 tháng một lần. Nói cách khác, Bộ GD&ĐT cần có những thay đổi căn bản về mặt pháp lí và cơ chế hoạt động để Hội đồng trường thật sự phát huy tác dụng”.

Xem trên Báo Giáo dục & Thời đại: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/tu-chu-dai-hoc-nang-cao-y-thuc-ve-canh-tranh-va-tang-trach-nhiem-2836534-b.html

Theo Báo Giáo dục & Thời đại