DHKT

PGS.TS. Đường Nguyễn Hưng - Truyền đạt kiến thức cho sinh viên luôn là động lực

19/11/2016

  Tháng 10 vừa qua, Trường Đại học Kinh tế -  Đại học Đà Nẵng vinh dự có 5 tiến sĩ được phong hàm Phó Giáo sư, một trong số đó là PGS.TS. Đường Nguyễn Hưng – người thầy nổi tiếng với cách dạy học tích cực, đồng thời cũng là thành viên của dự án USAID lần này.

Được sinh viên nhận xét là người hài hước nhưng cũng khá nghiêm khắc trong các giờ giảng, thầy chia sẻ đó chính là bí quyết “giữ lửa” cho lớp học - “Quan điểm lên lớp của tôi là làm cho sinh viên hứng thú, nghiêm túc nhưng vẫn thoải mái, không tạo cảm giác gò bó, ép buộc.” Các môn học PGS.TS Đường Nguyễn Hưng đang giảng dạy về chuyên ngành kế toán – kiểm toán có đặc thù là hơi khô khan và “khó ngấm” theo quan điểm của nhiều sinh viên. Vì vậy, thầy luôn tìm cách khuấy động sự hào hứng của sinh viên như đưa ra những ví dụ thực tế, vui đùa ý nhị, tạo ra sự thoải mái và hứng khởi cho lớp học. Đây cũng có thể coi là một phương pháp giảng dạy tích cực.

Chia sẻ thêm về dự án USAID, PGS.TS Đường Nguyễn Hưng cho biết các bộ toolkit đã phát huy tác dụng khá tốt ở bước đầu khi giúp thầy có thêm nhiều kỹ năng thiết kế các hoạt động giảng dạy, tương tác với sinh viên hay giảm sự căng thẳng trong các giờ học. Tuy nhiên, vì các bộ toolkit này đều là những phương pháp giảng dạy từ các nước tiên tiến có nền giáo dục khá khác so với Việt Nam, nên việc áp dụng cũng cần thay đổi để phù hợp hơn với nội dung của dự án. Dễ thấy nhất là tần suất các môn học của sinh viên Nhà trường khá cao, khoảng 6-7 môn/kì học, trong khi ở nước ngoài con số này tầm 3-4 môn. Vì vậy, cần áp dụng một cách linh hoạt, chủ yếu cho các môn nền tảng, môn chuyên ngành để tránh tạo gánh nặng cho sinh viên và đảm bảo hiệu quả của dự án.

Áp dụng vào các lớp học khá thành công, nhưng khi tiếp xúc thực tế, tương tác với các doanh nghiệp, sinh viên lại gặp nhiều khó khăn. PGS.TS Đường Nguyên Hưng cho biết lý do ở đây là doanh nghiệp chưa thấy được nhiều lợi ích mà sinh viên đem lại cho mình. Vì vậy, để sự án USAID thành công cũng cần nhiều hơn sự liên kết giữa các khoa, các ngành với nhiều doanh nghiệp, để doanh nghiệp sẵn sàng hỗ trợ cũng như áp dụng được các nghiên cứu của sinh viên vào thực tiễn công việc.

Thầy chia sẻ: “Nghề dạy học vốn đã rất bận rộn, phải bỏ nhiều công sức. Nay tham gia dự án mới còn mới còn vất vả, tốn nhiều thời gian hơn.Tuy nhiên niềm vui được giảng dạy, truyền đạt kiến thức cho sinh viên luôn là động lực để tôi ngày càng hoàn thiện thêm các phương pháp giảng dạy tích cực.”

Mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, xin kính chúc thầy ngày càng thành công trong sự nghiệp “trồng người” của mình!


Trung tâm CNTT & Truyền thông