DHKT

Hội thảo: Định hướng và giải pháp liên kết vùng trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

01/09/2015

“FDI đầu tư vào vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của vùng”, “Liên kết vùng nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực từ cạnh tranh và cùng nhau khai thác tốt nguồn vốn FDI là hướng đi đúng”, đó là những nhận định mà các chuyên gia, học giả tham dự Hội thảo đưa ra trong các phiên thảo luận diễn ra trong ngày 28/8/2015 tại Hội trường E Trường Đại học Kinh tế.

Bản tin video:


Hội thảo “Định hướng và giải pháp liên kết vùng trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung” là một phần của đề tài NCKH cấp bộ B2013-04-13 do Trường ĐH Kinh tế phối hợp với Ban chủ nhiệm đề tài tổ chức với sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học, giảng viên, các đại biểu đến từ các Sở ban ngành, Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế xã hội, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và các doanh nghiệp đóng trên địa bàn thành phố và tại khu vực miền Trung.


PGS.TS Võ Thị Thúy Anh - Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu khai mạc

TS Nguyễn Trung Kiên - Trưởng Khoa Thương mại phát biểu đề dẫn Hội thảo

Trong lời phát biểu đề dẫn, TS Nguyễn Trung Kiên – Trưởng Khoa Thương mại, Trường ĐH Kinh tế nhấn mạnh: “Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (KTTĐMT), gồm 5 địa phương là Thành phố Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định, được biết đến với các lợi thế đặc thù về vị trí chiến lược, hệ thống cơ sở hạ tầng như cảng biển nước sâu, sân bay, xa lộ xuyên Việt và quốc tế, các khu kinh tế, khu công nghiệp và các di sản văn hóa thế giới. Tuy được nhìn nhận là khu vực khá năng động với sức bật lớn, FDI vào Vùng KTTĐMT vẫn được xem là chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của vùng, chẳng hạn số dự án FDI đang còn hiệu lực của cả Vùng năm chỉ mới chiếm khoảng dưới 3% tổng số dự án trong cả nước. Theo nhiều nhà nghiên cứu, điều này do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là các địa phương trong Vùng chưa tìm ra được tiếng nói chung trong việc phối hợp, liên kết phát huy sức mạnh tổng hợp của các tỉnh trong Vùng. Hơn nữa, nhiều ý kiến khác lại cho rằng những liên kết ở Vùng này còn sơ khai, chưa có chiều sâu và chưa phát huy hết các lợi ích mong đợi vốn có.

Hội thảo này là dịp để các nhà khoa học, các nhà quản lý và những nhà hoạch định, điều hành chính sách trao đổi các quan điểm khác nhau, theo những cách tiếp cận khác nhau nhằm chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm thu hút vốn FDI và liên kết trong việc thu hút vốn FDI trong Vùng Kinh tế trọng điểm Miền Trung.


Hội thảo đã nghe 4 báo cáo trong số 20 bài tham luận gửi về cho Ban tổ chức là:

1.     Tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài và biện pháp liên kết vùng trong thu hút vùng – PGS.TS Bùi Quang Bình, Trường ĐH Kinh tế

2.     Lợi ích, chi phí, rủi ro, niềm tin và sự hợp tác giữa các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đối với hoạt động thu hút FDI - TS Đặng Thị Thu Trang, Trường ĐH Kinh tế

3.     Nghiên cứu liên kết vùng trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cho Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - TS Nguyễn Hiệp , Chủ nhiệm đề tài B2013-04-13

4.     Nhận diện các yếu tố ảnh hưởng đến thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài ở vùng kinh tế trọng điêm miền Trung – Tiếp cận từ lý thuyết lợi thế so sánh – TS Nguyễn Ngọc Anh, Trường ĐH Kinh tế


Các đại biểu tham dự đã dành nhiều thời gian để trao đổi các vấn đề trọng tâm như: đánh giá thực trạng nguồn vốn FDI ở địa phương trong Vùng KTTĐMT; phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến việc thu hút nguồn vốn; các hình thức liên kết vùng, phân tích lợi ích – chi phí – rủi ro – niềm tin và sự hợp tác giữa các bên; tổ chức ma trận không gian Vùng KTTĐ nhằm thu hút vốn FDI…


Đa số các đại biểu nhất trí rằng, cần phải nâng cao nhận thức tầm quan trọng của việc tổ chức liên kết vùng, làm rõ các mục tiêu liên kết; tập trung đẩy mạnh cơ sở hạ tầng giao thông giữa các tỉnh thành để hệ thống liên kết được liền mạch; tạo lập một cơ sở dữ liệu vùng thống nhất; thường xuyên tổ chức các Hội thảo chuyên đề định kỳ để trao đổi ý kiến, đúc rút kinh nghiệm để việc thu hút FDI thật sự đạt hiệu quả cao.

Hội thảo khép lại thành công tốt đẹp với nhiều ý kiến đề xuất phong phú, mới mẻ  được Ban chủ nhiệm đề tài ghi nhận và đánh giá cao. Đây sẽ là cơ sở để Ban chủ nhiệm hoàn thành đề tài NCKH cấp Bộ, sớm ứng dụng kết quả vào thực tiễn góp phần đánh thức tiềm năng thu hút FDI của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.


“Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia và mỗi địa phương, đặc biệt là các nước đang phát triển. Không những các quốc gia mà các địa phương của mỗi quốc gia đều có các nỗ lực khác nhau nhằm thu hút nguồn vốn này về địa phương mình càng nhiều càng tốt. Tuy vậy, do cầu về vốn luôn lớn hơn cung trong thị trường vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, lợi thế thuộc về phía các nhà đầu tư nước ngoài và vì thế cạnh tranh giữa các quốc gia/địa phương là hiện tượng phổ biến. Và cũng do vị thế cạnh tranh này, các bên tham gia thu hút rất có thể sẽ tự để mình ở vị thế gây thiệt hại lẫn nhau. Liên kết nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực từ cạnh tranh và cùng nhau khai thác tốt nguồn vốn này là hướng đi đúng.

Xuân Tân