DHKT

Báo Đà Nẵng: Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xanh tại Đà Nẵng

12/09/2022

Tác động của dịch bệnh, biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên… đã hướng cộng đồng trong nước nói chung và người dân Đà Nẵng nói riêng nhìn nhận rõ hơn về các mối đe dọa tiềm tàng, hệ lụy to lớn và lâu dài liên quan các vấn đề sức khỏe và môi trường. Điều này thu hút sự quan tâm sâu sắc của các cấp quản lý đối với các chiến lược tăng trưởng kinh tế xanh, bảo đảm cân bằng giữa các hoạt động phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, tạo sự cân đối, hài hòa giữa con người và thiên nhiên.


Nhu cầu về thực phẩm sạch, hữu cơ ngày càng gia tăng thúc đẩy việc thực hiện các cải tiến trong hoạt động sản xuất nông nghiệp để 

phục vụ cộng đồng. TRONG ẢNH: Mô hình trồng rau thủy canh ở phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ. Ảnh: P.V

Với quyết tâm chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, Đà Nẵng đã hưởng ứng “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011- 2020 và tầm nhìn đến năm 2050”, “Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh cho giai đoạn 2014-2020” của Chính phủ, bắt đầu xây dựng kế hoạch và triển khai áp dụng tăng trưởng xanh trên địa bàn.

Theo Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) cùng một số tiêu chí đánh giá tăng trưởng kinh tế xanh của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), tăng trưởng kinh tế xanh bao gồm 5 nội dung chủ yếu: quản lý chất thải bền vững cho tăng trưởng kinh tế xanh; giao thông xanh công cộng cho tăng trưởng kinh tế xanh; quản lý và phát triển công nghiệp xanh cho tăng trưởng kinh tế xanh; quản lý tài nguyên nước tổng hợp cho tăng trưởng kinh tế xanh; nông nghiệp xanh gắn với sản xuất xanh và du lịch sinh thái.

Quản lý chất thải bền vững

Song song với tốc độ tăng trưởng kinh tế, lượng chất thải rắn trên địa bàn thành phố không ngừng gia tăng trong giai đoạn 2016-2020 với mức tăng trung bình 15-16%. Lượng phát sinh chất thải rắn trung bình mỗi ngày khoảng 1.100 tấn, chủ yếu là rác thải nhựa có nguy cơ gây ô nhiễm cao. Kết quả nghiên cứu của Dự án Khép kín vòng lặp về ô nhiễm rác thải nhựa tại Đà Nẵng cho thấy đường đi rác thải nhựa trên địa bàn thành phố bị thất thoát ra ngoài môi trường 6.752 tấn (8%), chủ yếu do vứt rác bừa bãi. Bên cạnh đó, mỗi năm có khoảng 1.568 tấn rác thải nhựa không được thu gom. Chỉ duy nhất bãi rác Khánh Sơn xử lý khoảng 95% lượng chất thải rắn đô thị với hình thức chủ yếu là chôn lấp.

Nghị quyết số 204/NQ-HĐND về việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt đến năm 2025 đã được HĐND thành phố Đà Nẵng ban hành. Nhiều dự án quốc tế liên quan đến công tác bảo vệ môi trường cũng đã được ký kết như Dự án Thúc đẩy phân loại rác tại nguồn và tái chế rác thải tại Đà Nẵng do Cơ quan Phát triển Quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ với sự hỗ trợ của Viện Chiến lược Môi trường toàn cầu (IGES); Dự án Xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn bền vững cho rác thải nhựa tại Việt Nam do Cơ quan Phát triển Quốc tế Đan Mạch (DANIDA) tài trợ được triển khai tại 3 quận Thanh Khê, Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn.

Các tiêu chí phân loại rác tại nguồn, đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải, phương tiện thu gom rác thải… giúp Đà Nẵng nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, thu hồi nguồn năng lượng sạch từ lượng rác thải và thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm nhựa tái chế. Nhìn chung, Đà Nẵng được đánh giá tương đối tốt về năng lực quản lý chất thải rắn với điểm số 86/100 theo bộ chỉ số do CCBO đề xuất và đạt 100% tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt (Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2019).

Giao thông xanh công cộng

Giao thông xanh công cộng là một trong những xu hướng mới, đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển các mô hình tăng trưởng kinh tế xanh. Làn gió mới này đang được đón nhận và ủng hộ tích cực ở Đà Nẵng với mục đích giúp người dân chuyển hướng sang sử dụng các loại hình giao thông công cộng thay cho thói quen sử dụng phương tiện giao thông cá nhân để giảm tình trạng quá tải cho hệ thống hạ tầng giao thông, hạn chế tình trạng tắc đường, tiết kiệm nhiên liệu, giảm sự phát thải khí gây ô nhiễm ra môi trường.

Các dự án xe buýt nhanh, đi xe chung, trạm dịch vụ xe đạp công cộng… đang được triển khai, thí điểm và nhân rộng. Kế hoạch tổ chức chương trình Ngày hội giao thông xanh thành phố Đà Nẵng đã được Sở Giao thông vận tải xây dựng nhằm đẩy mạnh công tác truyền thông về ý thức cũng như trách nhiệm của cộng đồng dân cư với giao thông xanh và thay đổi thói quen khi tham gia giao thông.

Tuy nhiên, phương thức tiếp cận quy hoạch giao thông đô thị xanh trên địa bàn vẫn còn nhiều hạn chế như: thiếu tầm nhìn chiến lược, giải pháp và thiết kế quy hoạch chưa tạo được bản sắc riêng, chưa chú trọng các loại hình giao thông thân thiện với môi trường, hệ thống hạ tầng chưa thực sự tương thích…

Phát triển công nghiệp xanh

Trước những ảnh hưởng của hoạt động sản xuất công nghiệp đến môi trường, Đà Nẵng chú trọng xu hướng phát triển các ngành công nghiệp xanh, thân thiện với môi trường và lựa chọn những lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao ít phát thải, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên.

Đề án phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố đến năm 2030 đã tạo điều kiện thúc đẩy cụm công nghiệp Cẩm Lệ, cụm công nghiệp Hòa Nhơn, cụm công nghiệp Hòa Hiệp Bắc, cụm công nghiệp Hòa Khánh Nam phát triển theo chiều sâu một cách đồng bộ, hiện đại, kết hợp với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm phát triển bền vững theo hướng tăng trưởng xanh.

Các cụm công nghiệp làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước, làng đá chẻ Hòa Sơn… được định hướng phát triển liên kết với các dịch vụ du lịch nhằm lan tỏa các giá trị văn hóa địa phương đến các bạn bè quốc tế. Bên cạnh đó, chương trình Một triệu cây xanh đô thị của Trung tâm GreenViet đã góp phần tạo nên các “bức tường xanh” cho các khu công nghiệp, đem lại cảnh quan sinh thái tươi mát, thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài khi đến tham quan.

Quản lý, bảo tồn tài nguyên nước tổng hợp

Đà Nẵng sử dụng nguồn tài nguyên nước chủ yếu từ Cầu Đỏ (hạ lưu sông Vu Gia) và sông Cu Đê để phục vụ các mục đích sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt. Tuy nhiên, hiện tượng xâm nhập mặn vào mùa khô, quá trình đô thị hóa và phát triển thủy điện đã ảnh hướng đáng kể đến chất lượng nước ở các con sông này.

Để quản lý tài nguyên nước tổng hợp, thành phố đã thực hiện quy hoạch hệ thống cấp thoát nước nội tỉnh, hướng đến việc hoàn thiện quy hoạch hệ thống thủy lợi cho nông nghiệp, nâng cao chất lượng nước mặt trong khu vực; nguồn nước từ sông Cu Đê được cấp chủ yếu cho khu công nghiệp Hòa Khánh, Liên Chiểu và khu vực phía Bắc thành phố trong khi nguồn nước sông Nam, sông Bắc tập trung phục vụ cho mục đích thủy điện và du lịch sinh thái.

Để ổn định trữ lượng nước ngầm, Đà Nẵng hạn chế khai thác tài nguyên nước dưới đất, xây dựng mạng lưới quan trắc tài nguyên nước trên các lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, khuyến khích trồng rừng giữ nước, bảo đảm cân bằng hệ sinh thái thủy sinh. Mặc dù những giải pháp này không liên quan nhiều đến quản lý nhu cầu nguồn nước nhưng đã góp phần thúc đẩy quá trình tái sử dụng nước, bảo tồn tài nguyên nước vốn có và gián tiếp tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế xanh.

Nông nghiệp xanh gắn với sản xuất xanh và du lịch sinh thái

Nhu cầu về các thực phẩm sạch, hữu cơ ngày càng gia tăng đã thúc đẩy Đà Nẵng thực hiện các cải tiến trong hoạt động sản xuất nông nghiệp để phục vụ cộng đồng. Nhiều khu vực nông thôn như Túy Loan, Hòa Vang… đã được tập huấn, hướng dẫn quy trình sản xuất nông nghiệp bảo đảm tiêu chuẩn Vietgap và ứng dụng thực tiễn trong sản xuất nông sản an toàn.

Đà Nẵng đã triển khai kế hoạch phát triển du lịch văn hóa sinh thái ở huyện Hòa Vang kết hợp với mô hình “làng không rác” và làng trồng rau sạch; các tuyến du lịch kết hợp tham quan các mô hình nông nghiệp ở Hòa Ninh, Hòa Phú và Bà Nà. Tuy nhiên, chưa có một mô hình liên kết giữa du lịch sinh thái với nông nghiệp xanh thật sự đặc sắc do những hạn chế về cơ sở hạ tầng du lịch và các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng còn nhỏ lẻ.

Các giải pháp tăng trưởng xanh và bền vững

Để đạt được các mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững, Đà Nẵng cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Một là, cần đưa vào triển khai hệ thống xử lý rác thải rắn ứng dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường nhằm nâng cấp quy trình tái chế; có kế hoạch đầu tư bãi rác Khánh Sơn thành Khu liên hợp xử lý chất thải rắn của thành phố; thực hiện quy hoạch hợp lý các trạm trung chuyển rác hiện đại, bảo đảm hiệu suất trung chuyển; áp dụng hiệu quả nguyên lý thị trường đối với việc phân loại rác thải để tái sử dụng và tái chế.

Hai là, chủ động nghiên cứu, dự báo và xây dựng chiến lược lâu dài đối với quy hoạch phát triển giao thông xanh công cộng. Đặc biệt, quy hoạch giao thông phải có sự liên kết chặt chẽ với quy hoạch sử dụng đất nhằm phát triển hệ thống giao thông đô thị xanh, bền vững với không gian đô thị hài hòa, khoáng đạt, nâng cao năng lực lưu thông, góp phần cải thiện môi trường đô thị. Có định hướng sử dụng các phương tiện và nhiên liệu sạch trong quá trình lưu thông nhằm hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến môi trường sống.

Ba là, đầu tư phát triển các lĩnh vực công nghệ cao sử dụng nguyên liệu và năng lượng sạch theo hướng đồng bộ và hiện đại, tạo ra sản phẩm thân thiện với môi trường. Có kế hoạch hình thành các mô hình công nghiệp sinh thái bền vững từ sự chuyển đổi dần các khu công nghiệp hiện nay. Tiếp tục phủ xanh các khu công nghiệp bằng hệ thống cây xanh được chọn lựa kỹ càng, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của Đà Nẵng để giảm khí thải, bụi bẩn.

Bốn là, chủ động đầu tư nâng cấp, cải tạo hệ thống xử lý nước thải tại các khu công nghiệp hiện có nhằm bảo đảm nước thải phát sinh từ các dự án công nghiệp trên địa bàn được xử lý và không bị tràn ra môi trường sống. Chủ động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về vai trò quan trọng của tài nguyên nước và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên này đối với việc duy trì cân bằng hệ sinh thái, giảm thiếu biến đổi khí hậu.

Năm là, thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, thực hiện quy hoạch, hình thành các khu vực nông nghiệp phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao, tiết kiệm nguyên liệu đầu vào; nhân rộng các mô hình nông nghiệp hữu cơ với các sản phẩm địa phương chủ lực có chất lượng tốt và giá trị gia tăng cao để phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu; tiếp tục hỗ trợ bà con nắm vững các quy trình sản xuất sạch; hỗ trợ các thủ tục xuất khẩu thông qua việc truy xuất nguồn gốc và chất lượng sản phẩm với các đối tác thương mại quốc tế.

TS. LÊ BẢO - TS. NGUYỄN HỮU NGUYÊN XUÂN - NGUYỄN THẾ PHÚ
Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng

Xem bài viết Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xanh tại Đà Nẵng trên Báo Đà Nẵng