DHKT

Báo Giáo dục & Thời đại: Sinh viên chuẩn bị ra trường cần có gì?

15/08/2022

Bên cạnh Ngày hội việc làm để làm cầu nối cho sinh viên và các nhà tuyển dụng; trong một nỗ lực khác, nhiều trường đại học đã xây dựng dữ liệu về nhu cầu tìm kiếm việc làm của sinh viên, đào tạo có địa chỉ... để gắn kết quá trình đào tạo và sử dụng lao động. 

Ngày hội việc làm là một trong những cầu nối để nhà trường chuẩn bị 'đầu ra' cho sinh viên.

Ngày hội việc làm là một trong những cầu nối để nhà trường chuẩn bị "đầu ra" cho sinh viên

Đào tạo có địa chỉ
Trong các ngày cuối tháng 6, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật (ĐH Đà Nẵng) tổ chức cho sinh viên các ngành thuộc khoa Cơ khí bảo vệ đồ án tốt nghiệp. Tập đoàn Trường Hải cử cán bộ đến xem và thành lập các hội đồng tuyển dụng trực tiếp tại các buổi bảo vệ đồ án tốt nghiệp của các chuyên ngành Cơ khí ô tô, Cơ khí Chế tạo máy, Cơ điện tử, Điều khiển và Tự động hóa. Ngay sau khi hoàn thành bảo vệ luận văn, 40 sinh viên ưu tú đã được nhận vào làm việc.
Từ mô hình Học kỳ doanh nghiệp, nhiều sinh viên của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật đã được tuyển dụng sớm trước khi tốt nghiệp. Đây là mô hình giúp sinh viên tiếp cận sớm và thường xuyên với môi trường sản xuất, kinh doanh thực tế thông qua việc tham gia làm việc bán thời gian tại doanh nghiệp hay cùng với giảng viên giải quyết một vấn đề phát sinh trong dây chuyền sản xuất trên cơ sở đề cương hướng dẫn của giảng viên…
Thời gian tham gia Học kỳ doanh nghiệp vì vậy có thể kéo dài suốt cả một học kỳ chứ không chỉ khoảng 2 – 3 tuần như trong một đợt thực tập.
Mới đây, Tập đoàn Đầu tư Công nghệ Nam Long với thế mạnh vượt trội về IoT, Al, GIS Cloud đã ký kết hợp tác với Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật – ĐH Đà Nẵng. Doanh nghiệp và nhà trường hợp tác toàn diện bao gồm Đào tạo – Nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ - Tuyển dụng… Đặc biệt, tập đoàn đã cam kết tài trợ phòng thí nghiệm công nghệ cao phục vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học cho sinh viên – giảng viên với trị giá lên đến 10 tỷ đồng.

Từ năm học 2018, Khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng đã có nhiều thay đổi trong phương pháp, nội dung và thời gian đào tạo. “Với chương trình mới, doanh nghiệp càng có vai trò quan trọng đối với quá trình đào tạo. Muốn sinh viên của khoa khi ra trường là có thể bắt tay vào làm việc ngay, chúng tôi khẳng định phải xây dựng mối quan hệ thật chặt chẽ và thiết thực với doanh nghiệp” – PGS.TS Nguyễn Tấn Khôi, Trưởng khoa cho biết.

Kết nối doanh nghiệp trong tuyển dụng
Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng vừa phối hợp với Unilever tổ chức chương trình “1 giờ cùng Unilever” nhằm chia sẻ những kỹ năng, lựa chọn công việc tương lai cho sinh viên nhà trường, đặc biệt là lựa chọn Unilever cho con đường sự nghiệp của mình.
Võ Thị Diệu, sinh viên khoa Kế toán cho biết: “Ngoài được chia sẻ những kỹ năng tìm việc, kinh nghiệm cho ứng viên khi tham gia phỏng vấn tuyển dụng, sinh viên còn được biết thêm các kỹ năng đàm phán về mức lương, chế độ đãi ngộ, cơ hội phát triển. Những buổi tư vấn chuyên sâu, tuyển dụng như thế này, sinh viên sắp ra trường có cơ hội tìm hiểu kỹ hơn thông tin các vị trí việc làm tại một đơn vị cụ thể. Trong khi đó, Ngày hội việc làm thì quá nhiều thông tin mà trong một thời gian ngắn, chúng tôi khó mà tiếp cận hết được”.

Sinh viên chuẩn bị ra trường cần có gì? ảnh 2

Sinh viên Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng chọn lọc thông tin phù hợp với nhu cầu việc làm trong Ngày hội việc làm năm 2022.

Ngày hội việc làm được các trường ĐH, CĐ tổ chức định kỳ hàng năm không còn là điều quá mới mẻ. Các cơ sở giáo dục đại học đã tiến tới một bước chuyên nghiệp, chủ động hơn - thành lập Trung tâm hỗ trợ việc làm sinh viên và quan hệ doanh nghiệp. Ngoài việc đóng vai trò là cầu nối, tạo điều kiện cho hai bên có cơ hội tiếp xúc và giới thiệu về mình, trung tâm còn là nơi tư vấn cho sinh viên những vấn đề liên quan đến tuyển dụng.

Xem bài viết Sinh viên chuẩn bị ra trường cần có gì? trên báo Giáo dục & Thời đại

Theo Hà Nguyên (Báo Giáo dục & Thời đại)