DHKT

Nhiều giải pháp đột phá phát triển ngành dịch vụ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

05/08/2022

Sáng ngày 5/8, Đại học Đà Nẵng phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và Thành ủy Đà Nẵng đồng tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Phát triển ngành dịch vụ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” tại Furama Resort Danang.

Đoàn chủ trì và Ban chỉ đạo Hội thảo gồm có: Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương; Đồng chí Nguyễn Văn Quảng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng; Đồng chí Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam; Đồng chí Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Đồng chí Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng.


Hội thảo có sự tham gia của 250 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, một số địa phương có ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng cao, các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế cùng đông đảo các cơ quan báo chí. Các đơn vị tham gia đồng hành và truyền thông cùng Hội thảo gồm có: Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB); Furama Resort Danang; Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (VNA); Công ty cô phần Hàng không (VIETJET); Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (PJICO); Công ty Alpha Asimov Robotics; Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương (thứ 2 từ phải sang) chủ trì Hội thảo

Hội thảo tập trung đi sâu, phân tích, làm rõ kết quả đóng góp của ngành dịch vụ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam trong 35 năm đổi mới, nhất là từ năm 2010 đến nay; đồng thời, nhận diện những xu thế phát triển và vận động chuyển dịch cơ cấu các ngành dịch vụ dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; phát triển các ngành dịch vụ trong đó bao gồm ngành dịch vụ mới trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phát triển hạ tầng và thúc đẩy chuyên đổi số cho phát triển các ngành dịch vụ.


Đồng chí Nguyễn Văn Quảng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng phát biểu khai mạc tại Hội thảo

Ban tổ chức Hội thảo nhận được 59 bài tham luận đăng Kỷ yếu Hội thảo, 05 báo cáo chính và ý kiến của 10 diễn giả tại các phiên thảo luận. Các báo cáo chính của Hội thảo được trình bày bởi các diễn giả là các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế và các tổ chức quốc tế tập trung vào các chủ đề: (1) Những xu hướng du lịch toàn cầu và ý nghĩa đối với Việt Nam; (2) Ngành công nghiệp văn hóa trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam: Thực trạng và kiến nghị, đề xuất; (3) Tương lai của sự phát triển dựa vào dịch vụ; (4) Cơ cấu lại các ngành dịch vụ dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo: Thực tiễn thành phố Đà Nẵng và các kiến nghị, đề xuất; (5) Một số đề xuất, kiến nghị phát triển dịch vụ logistics của Việt Nam trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; (6) Phát triển các dịch vụ ngân hàng hiện đại trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa - thực tiễn của VCB và các đề xuất, kiến nghị chính sách.


Đồng chí Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng trình bày báo cáo đề dẫn tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ - Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho biết: “Những khuyến nghị và gợi mở của các nhà khoa học và các nhà quản lý hôm nay chắc chắn sẽ là những luận cứ khoa học quan trọng để Trung ương Đảng và Chính phủ tham khảo đề ra các chủ trương, chính sách, chiến lược kịp thời nhằm phát triển ngành dịch vụ ở Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.



Các diễn giả trình bày tại phiên toàn thể

Sau phiên báo cáo chính, phiên thảo luận bàn tròn do TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Tổ trưởng Tổ Biên tập xây dựng Đề án điều phối cùng sự tham gia chia sẻ, đối thoại, phân tích và thảo luận của các đại điện lãnh đạo, chuyên gia các tổ chức quốc tế, lãnh đạo ban, bộ, ngành liên quan và đại diện các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, tập trung vào một số nội dung: (1) Cơ cấu lại các ngành dịch vụ dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; (2) Phát triển các ngành dịch vụ mới trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; (3) Phát triển hạ tầng và thúc đẩy chuyển đổi số cho phát triển các ngành dịch vụ; (4) Đề xuất các chủ trương, cơ chế, chính sách phát triển dịch vụ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.



Các đại biểu trao đổi, thảo luận tại Hội thảo

Phát biểu kết luận tại Hội thảo, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết: “Các báo cáo, tham luận đã phản ánh sát những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra về phát triển dịch vụ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần thiết thực, hữu ích phục vụ cho việc hoàn thiện Đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trình Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII. Đây là Đề án có quy mô lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nước ta để thực hiện thành công mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030, đó là đến năm 2025, nước ta là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước, trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Những trao đổi ngày hôm nay sẽ góp phần đề xuất những quan điểm mới, nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá, kiến nghị phù hợp về chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn 2030 - 2045”.


Hội thảo ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp từ các chuyên gia đầu ngành

Bên cạnh đó, Hội thảo nghe chia sẻ một số kinh nghiệm quốc tế cũng như khuyến nghị đề xuất về một số chủ trương, chính sách cùng với các nhiệm vụ, giải pháp phát triển các ngành dịch vụ trong bối cảnh và điều kiện mới; đặc biệt bài trình bày của đại diện Ngân hàng Thế giới đã nhấn mạnh đến những yếu tố tác động tích cực về quy mô, sự đổi mới và sức lan tỏa khi thúc đẩy phát triển dịch vụ sẽ mang lại việc làm và tăng năng suất. Đánh giá của Ngân hàng Thế giới cho thấy, cần nâng cao năng suất trong các dịch vụ có kỹ năng thấp hơn; đồng thời chuyển lao động sang các lĩnh vực năng suất cao hơn. Nếu các nước có thu nhập trung bình thấp có cùng thành phần việc làm trong lĩnh vực dịch vụ như những nước có thu nhập cao thì năng suất của họ sẽ tăng lên một phần ba. Các quốc gia có thể khai thác những cơ hội chuyển đổi này từ dịch vụ, bất kể mức độ công nghiệp hóa của mình.


Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Hội thảo cũng nhấn mạnh, mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời gian tới rõ ràng cần phải thay đổi để phù hợp với bối cảnh mới. Theo đó, công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với yêu cầu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và bao trùm, trọng tâm là chuyển đổi số toàn diện các ngành, các lĩnh vực; đặt con người vào vị trí trung tâm, xác định rõ nhân dân là đối tượng phục vụ, thụ hưởng đồng thời khẳng định rõ công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng là sự nghiệp toàn dân.

Xem thêm bài viết Ban Kinh tế Trung ương, Thành ủy Đà Nẵng và Đại học Đà Nẵng đồng tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc gia: Phát triển ngành dịch vụ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên website Đại học Đà Nẵng

Trung tâm CNTT&TT 

Hội thảo tập trung đi sâu, phân tích, làm rõ kết quả đóng góp của ngành dịch vụ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam trong 35 năm đổi mới, nhất là từ năm 2010 đến nay; đồng thời, nhận diện những xu thế phát triển và vận động chuyển dịch cơ cấu các ngành dịch vụ dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; phát triển các ngành dịch vụ trong đó bao gồm ngành dịch vụ mới trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phát triển hạ tầng và thúc đẩy chuyên đổi số cho phát triển các ngành dịch vụ.