DHKT

Đổi mới các học phần tiếng Anh tại DUE - Hướng đi mới giúp sinh viên tiếp cận được với các tri thức khoa học

26/11/2021

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, mục tiêu chiến lược của Trường Đại học Kinh tế là trở thành một trong những đơn vị đào tạo quản lý, kinh tế và kinh doanh hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Nhà trường luôn đặt ra mục tiêu phải tiên phong trong việc xây dựng và cập nhật chương trình đào tạo gắn với kiến thức tiên tiến, hiện đại nhất về kinh doanh trong môi trường toàn cầu. Do đó người học cần phải có năng lực ngoại ngữ tốt ngay từ khi còn trên ghế nhà trường để có thể tiếp cận được với nguồn tri thức này. Đồng thời khi tốt nghiệp, được trang bị năng lực tiếng Anh phù hợp để ngay lập tức có thể hòa nhập vào môi trường làm việc toàn cầu.

Đổi mới chương trình giảng dạy tiếng Anh là phù hợp với chiến lược và mục tiêu phát triển của Trường Đại học Kinh tế. Thông qua chương trình đối mới theo hướng tích cực, hiện đại này, sinh viên nhà trường sẽ tiếp cận được với các tri thức khoa học cập nhật, tiên tiến của thế giới, giúp cho việc nghiên cứu khoa học của trường được nâng cao. Đồng thời, sẽ góp phần chuyển giao tri thức và công nghệ từ các đối tác nước ngoài, góp phần giải quyết một cách sáng tạo được các thách thức kinh tế - xã hội đặt ra, phục vụ sự phát triển thịnh vượng của cộng đồng đúng như sứ mệnh Nhà trường đã đặt ra. 


Đây là một việc làm cần thiết, một hướng đi đúng và tương thích với đối tượng sinh viên của nhà trường, gắn với nhu cầu sử dụng tiếng Anh như là một công cụ ngôn ngữ trong bối cảnh làm việc thực tiễn. Cô Trương Thị Phương Trang, giảng viên Tổ ngoại ngữ chuyên ngành cho biết: “Môn ngoại ngữ là môn đề cao rèn luyện kỹ năng. Kết quả việc học ngoại ngữ phụ thuộc nhiều vào nỗ lực tự rèn luyện của người học. Nhiệm vụ của người dạy là tạo môi trường cho người học có điều kiện rèn luyện sát với thực tế giao tiếp ngôn ngữ nhất. Với bối cảnh của nền công nghiệp 4.0, sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ, các phương tiện và điều kiện rèn luyện này phát triển rất nhanh. Người dạy cũng phải biết tận dụng những thành tựu này. Theo tôi, trong đổi mới các học phần tiếng Anh này, chúng tôi mạnh dạn sử dụng giáo trình dạy Keynote với nguồn Học liệu điện tử phong phú đi kèm sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người học: giúp đa dạng hóa các hoạt động rèn luyện kỹ năng dưới nhiều hình thức phong phú, hấp dẫn , gia tăng sự hứng thú và tính tự học của người học”.

Việc cải tiến, nâng cao chất lượng của chương trình đào tạo các học phần tiếng Anh là một trong những bước đi để phát triển góp phần hoàn thiện năng lực tiếng Anh của người học, giúp người học đáp ứng tốt hơn với đòi hỏi của môi trường công việc. Thầy Phạm Anh Tú, giảng viên Tổ Ngoại ngữ chuyên ngành cho biết: “Việc đổi mới học phần tiếng Anh là một quyết định rất đúng đắn trong bối cảnh hiện tại. Đặc thù của các ngành kinh tế là cần phải trao đổi nhiều trong môi trường làm việc sau này, cho nên việc chú trọng vào khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh là rất thiết thực và cần thiết. Chương trình mới sẽ giúp các bạn sinh viên tiếp cận với tiếng Anh một cách trực quan và hiệu quả nhờ vào các video TED Talks và hệ thống myELT được tích hợp”.


Chương trình đào tạo tiếng Anh là một bộ phận của Chương trình đào tạo trình độ đại học tại Trường Đại học Kinh tế, có mục tiêu đào tạo nguồn lao động có đủ nền tảng kiến thức chuyên sâu và đặc biệt có khả năng thích nghi và hội nhập với môi trường làm việc toàn cầu. “Là người trực tiếp tham gia cùng với các bộ phận trong nhà trường chắp bút cho Đề án đổi mới chương trình đào tạo ngoại ngữ tại trường. Chúng tôi trăn trở nhiều vào việc xây dựng chương trình sao cho đạt tính cân bằng giữa thời gian đào tạo cho phép, thiết kế các đề cương môn học sát với thực tiễn và chọn giáo trình phù hợp ưu việt nhất hướng đến tính hiệu quả nhất của chương trình -  giúp các em đạt được chuẩn đầu ra B1 theo khung tham chiếu Năng lực Ngoại ngữ châu Âu”, cô Phương Trang tâm sự.

Đánh giá về sự thành công của đổi mới chương trình đào tạo tiếng Anh, cô Phương Trang chia sẻ thêm: “Tôi cho rằng đổi mới chương trình tiếng Anh của DUE là một bước đi rất tham vọng nhưng vô cùng thiết thực. Qua thực tế giảng dạy ban đầu trong suốt mấy tuần qua, tôi nhận thấy khóa học, giáo trình và đặc biệt là việc áp dụng phương pháp giảng dạy mới, cách tổ chực lớp học của chính bản thân tôi và các đồng nghiệp, đã tạo được sự hứng thú của người học, tăng cường hoạt động học tích cực, tự lực của các em.  Tôi hy vọng với sự tận tâm sẵn có của đội ngũ giảng viên, với sự giúp đỡ tạo điều kiện của Nhà trường về cơ sở vật chất và học liệu cho sinh viên, cùng với sự hào hứng, chủ động, nỗ lực tự học của các em sinh viên, chương trình chắc chắn sẽ thành công mỹ mãn. Tôi xin khẳng định rằng sự đổi mới này hẳn sẽ là bàn đạp để ngay từ những tiết học tiếng Anh đầu tiên trong đời sinh viên tại DUE, sinh viên được học ngoại ngữ đúng nghĩa nhất”.

Theo nhận xét của thầy Anh Tú, điểm đột phá đổi mới chương trình này là “sẽ giúp ích rất nhiều cho sinh viên trong trường so với chương trình hiện tại. Các bạn sẽ không bị “học để thi” các chứng chỉ như IELTS hay TOEIC, mà sẽ được “học để làm” - rất quan trọng cho việc phát triển sự nghiệp sau này của từng sinh viên”.

Việc đổi mới công tác đào tạo tiếng Anh có ý nghĩa quan trọng, phù hợp với sự thay đổi của môi trường trong nước và quốc tế trên cơ sở các nguồn lực và lợi thế sẵn có nhằm đảm bảo cho sự phát triển ổn định, bền vững của nhà trường trong tương lai.

Trung tâm CNTT&TT