DHKT

Từ đại dịch Covid-19: Thách thức và cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp miền Trung

23/10/2021

Những khó khăn nào mà các doanh nghiệp ở miền Trung- Tây Nguyên đã và đang đối phó trong dịch Covid-19? Các doanh nghiệp đã linh hoạt, ứng biến như thế nào để vượt qua các thách thức đó? Hướng đi mới trong sản xuất và kinh doanh sau đại dịch sẽ quyết định như thế nào đến sự tồn tại của doanh nghiệp?.v.v… Tất cả các vấn đề nóng hổi đó đều đã được đề cập và thảo luận sôi nổi tại tọa đàm khoa học quốc gia “Tác động của Covid-19 đến các Doanh nghiệp – Góc nhìn từ doanh nghiệp khu vực miền Trung” được diễn ra vào sáng 23/10 tại Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng. Tọa đàm được phối hợp tổ chức bằng hình thức trực tuyến bởi Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Nha Trang và Hội Khoa học Kinh tế Tp. Đà Nẵng.


Tham dự tọa đàm là đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp, công ty, tổ chức trong nhiều lĩnh vực ở miền Trung như: ThS. Nguyễn Đức Trị, Chủ tịch HĐQT Tổng CTCP Dệt may Hòa Thọ, TS. Vương Vĩnh Hiệp, Tổng giám đốc Công ty Long Sinh (Nha Trang), ThS. Trần Như Thiên Mỵ - Tổng Giám đốc CTCP XNK Thủy sản miền Trung, TS. Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội du lịch thành phố Đà Nẵng và đại diện của gần 100 doanh nghiệp, các giảng viên, nhà khoa học, sinh viên Trường Đại học Kinh tế. Về phía đơn vị tổ chức có sự hiện diện của GS.TS. Trương Bá Thanh, Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế TP Đà Nẵng, đại diện lãnh đạo khoa Kinh tế, khoa Du lịch – Đại học Nha Trang, PGS.TS. Lê Quang Sơn – Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng, PGS.TS. Võ Thị Thúy Anh – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, GS.TS. Nguyễn Trường Sơn – Trưởng khoa Quản trị kinh doanh – Trường Đại học Kinh tế - Chủ trì tọa đàm. PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ – Giám đốc Đại học Đà Nẵng cũng đã gửi lời chào mừng đến đại biểu tại tọa đàm và mong rằng Đại học Đà Nẵng sẽ tiếp tục nhận được sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian tới.


PGS.TS. Võ Thị Thúy Anh phát biểu khai mạc buổi tọa đàm

Phát biểu khai mạc tọa đàm, PGS.TS. Võ Thị Thúy Anh nhấn mạnh đại dịch đã làm thay đổi chính sách chiến lược của doanh nghiệp theo hướng chưa từng có tiền lệ. “Khó khăn” và “Thách thức” là hai từ được nhắc nhiều nhất trong tất cả các diễn đàn thảo luận về thực trạng của các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp trên địa bàn miền Trung – Tây nguyên nói riêng trong hơn một năm trở lại đây. Trường Đại học Kinh tế và các đơn vị tổ chức tin rằng tọa đàm sẽ là một diễn đàn để chia sẻ ý kiến, trao đổi thẳng thắn giữa các nhà quản trị doanh nghiệp và nhà khoa học, từ đó gợi mở những hướng đi, những biện pháp đột phá ngắn và dài hạn, như một cú hích để các doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng. Trên tinh thần đồng cảm, lãnh đạo Nhà trường cũng mong muốn tiếp tục đồng hành cùng với doanh nghiệp, nhằm trao đổi, phân tích, dự báo xu hướng thị trường trong bối cảnh hậu COVID -19, đồng thời, đưa ra các khuyến nghị nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh, giúp các doanh nghiệp hoạch định chính sách, chiến lược trong sản xuất kinh doanh.

Tác động của đại dịch đến sản xuất & kinh doanh

Doanh nghiệp một mặt phải tiếp tục cân bằng chiến lược, cắt giảm chi phí mà không gây ảnh hưởng tới hoạt động, đồng thời phải chuyển hướng đầu tư, bên cạnh những khó khăn về chuỗi cung ứng, nhân lực, đầu ra cho sản phẩm, nguồn vốn cho hoạt động sản xuất và kinh doanh.v.v… là những tác động dễ dàng nhận thấy nhất mà dịch Covid-19 đã đem đến các doanh nghiệp miền Trung.

Tại phiên thứ Nhất của tọa đàm, đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp đã đưa ra những dẫn chứng thiết thực nhất về sự ảnh hưởng to lớn của đại dịch đến sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Đó là câu chuyện về sự “đứt gãy” chuỗi cung ứng của Tổng CTCP Dệt may Hòa Thọ; bất cập trong tổ chức sản xuất 3 tại chỗ của Công ty Long Sinh hay áp lực về nguồn nhân lực sản xuất trong đại dịch của Công ty CP XNK Thủy sản miền Trung.


ThS. Nguyễn Đức Trị, Chủ tịch HĐQT Tổng CTCP Dệt may Hòa Thọ chỉ ra những ảnh hưởng của đại dịch đến doanh nghiệp

Đối với lĩnh vực du lịch, TS. Cao Trí Dũng cũng dẫn ra nhiều số liệu cụ thể để thấy được ngành du lịch của Đà Nẵng đang đối phó với thách thức chưa từng có như: 90-98% doanh nghiệp du lịch phải đóng cửa, hơn 80% lao động ngành du lịch phải chuyển đổi ngành nghề và thất nghiệp. Tất cả đều đặt ra thử thách cho cộng đồng doanh nghiệp du lịch phải có hướng đi đúng đắn để phục hồi và phát triển sau dịch.


Ngành Du lịch được kì vọng sẽ phục hồi sau khi dịch Covid-19, TS. Cao Trí Dũng chia sẻ

Nỗ lực vượt qua thử thách của đại dịch

Không chỉ duy trì sản xuất và kinh doanh, doanh nghiệp phải đặc biệt chú trọng đến sức khỏe của người lao động cũng như các biện pháp phòng chống dịch. Đây cũng là thách thức không nhỏ đòi hỏi lãnh đạo doanh nghiệp phải thực sự quyết đoán và đưa ra định hướng chiến lược đúng đắn để cùng người lao động vượt qua đại dịch.

Chia sẻ kinh nghiệm từ thực tiễn, TS. Vương Vĩnh Hiệp cho biết tập thể lãnh đạo công ty Long Sinh đã đặt ra mục tiêu phải liên tục tìm kiếm các thị trường tiềm năng ngay khi đại dịch bùng phát. Và thực tế là các thị trường tiềm năng đó đã giúp công ty vững vàng trong đại dịch, duy trì hoạt động sản xuất cũng như đảm bảo việc làm cho người lao động. Đây cũng là dịp để công ty có thể đánh giá lại cấu trúc, hệ thống quản lý, vận hành từ khâu sản xuất đến kinh doanh, nhằm định hướng việc tái cấu trúc sau đại dịch, góp phần tiết kiệm chi phí và quản lý hiệu quả nguồn nhân lực.


TS. Vương Vĩnh Hiệp chia sẻ kinh nghiệm từ thực tiễn của công ty Long Sinh

Cũng với cách làm quyết đoán, sáng tạo, Công ty CP XNK Thủy sản miền Trung đã từng bước vượt qua khó khăn dù gặp rất nhiều thách thức trong đại dịch. Hiện nay, thị trường tiêu thụ đã mang nhiều tín hiệu khả quan góp phần tăng doanh thu, duy trì và mở rộng sản xuất, tạo sự phấn khởi và tin tưởng trong toàn thể cán bộ, nhân viên công ty.


ThS. Trần Như Thiên Mỵ cho biết đã có tín hiệu khả quan về mặt doanh thu, tăng trưởng 

Phát huy truyền thông nội bộ để quản trị hiệu quả và nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, tăng cường đảm bảo sức khỏe cho cán bộ, nhân viên cũng là giải pháp của Công ty Giày BQ Đà Nẵng. Nói thêm về định hướng trong đại dịch, ông Phan Hải – Giám đốc công ty nhấn mạnh đến 3 trụ cột: nhân sự, khách hàng và tài chính. Sự cân đối trong 3 trụ cột này sẽ góp phần giúp doanh nghiệp tồn tại và là nền tảng cho sự phát triển trong tương lai.


Ông Phan Hải nhấn mạnh tầm quan trọng của các kênh truyền thông nội bộ trong quản trị nhân sự, đặc biệt là trong thời gian giãn cách xã hội

Đối với Tổng CTCP Dệt may Hòa Thọ, sự chuyển dịch cơ cấu của doanh nghiệp trong đại dịch sẽ là bài học kinh nghiệm rất lớn để doanh nghiệp có thể đương đầu với nhiều thử thách lớn trong tương lai. ThS. Nguyễn Đức Trị cho rằng lãnh đạo nên xây dựng các kịch bản để ứng phó với những khó khăn bất ngờ để không bị động và sẵn sàng với nhiều tình huống xảy ra. Từ đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp cần quyết liệt chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong vận hành, sản xuất, sẵn sàng “hòa mình” cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Ông Trị cho rằng đó chính là cơ hội được tạo ra từ thách thử mà doanh nghiệp cần nắm lấy.

Doanh nghiệp cần sự hỗ trợ từ chính quyền

Tại phiên thảo luận thứ 3, hầu hết lãnh đạo các doanh nghiệp đều rất tán thành và ủng hộ những biện pháp, chủ trưởng phòng chống dịch của Chính phủ và chính quyền địa phương trong thời gian qua. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần sự quan tâm hơn nữa của Chính phủ trong các quyết sách lớn về kinh tế, trong đó có hỗ trợ về mặt cơ chế, chính sách, tiếp cận các nguồn vốn kinh doanh, sản xuất hay tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ có cơ hội phát triển.

Kết luận tại hội nghị, GS.TS. Nguyễn Trường Sơn đánh giá cao các ý kiến, giải pháp của cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm với cương vị là nhà quản lý, tư vấn chính sách. Thông qua tọa đàm, Ban tổ chức mong rằng những thông tin chính xác, những trao đổi, phản hồi cụ thể từ các đại biểu cũng như các nhà khoa học sẽ là bài học kinh nghiệm rất thiết thực để cộng đồng doanh nghiệp có những phân tích, đánh giá một cách khoa học, làm cơ sở cho các giải pháp, chính sách hiệu quả, phù hợp với chiến lược phát triển trong bối cảnh mới. 


GS.TS. Nguyễn Trường Sơn phát biểu kết luận buổi tọa đàm

Trung tâm CNTT & TT