DHKT

Tư vấn chính sách - Cầu nối hoạt động nghiên cứu khoa học của DUE

09/09/2020

Ngày nay, việc nâng cao năng lực chính sách công của bất cứ chính phủ nào đều không thể tách rời vai trò tư vấn, phản biện chính sách của các tổ chức nghiên cứu và tư vấn chính sách. Do đó, sự phát triển của các tổ chức nghiên cứu, tư vấn chính sách và việc phát huy đầy đủ chức năng có tác dụng quan trọng góp phần thúc đẩy hiện đại hóa và nâng cao chất lượng thể chế và chính sách. Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng luôn xem nghiên cứu khoa học là chìa khóa để nâng cao chất lượng đào tạo, là công cụ để thực hiện vai trò của Nhà trường trong việc tham gia giải quyết các vấn đề cấp bách của xã hội. Theo đuổi mục tiêu chiến lược về phát triển khoa học, nâng cao năng lực nghiên cứu của đội ngũ giảng viên, sinh viên, các cấp lãnh đạo Nhà trường luôn quan tâm và có chỉ đạo trực tiếp, hiệu quả. 

Những năm qua, đội ngũ giảng viên, chuyên gia của nhà trường đã hợp tác thực hiện các hoạt động nghiên cứu với các đề tài khoa học, tư vấn nghiên cứu chính sách và thực tế việc làm này đang được tiến hành một cách tích cực và nghiêm túc. Hoạt động tư vấn chính sách thể hiện trên nhiều phương diện, như làm việc với các cơ quan công quyền thì có sở ban ngành, quốc hội. Nhà trường đã tham gia góp ý các dự thảo các chuyên đề của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động Thương binh và Xã hội thành phố Đà Nẵng theo Nghị quyết 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị. Thông qua hoạt động nghiên cứu và phân tích chính sách, các đơn vị nhờ tham gia góp ý sẽ có căn cứ để để hình thành chủ trương, chính sách mới cho thành phố Đà Nẵng. Đồng thời, đội ngũ tư vấn chính sách của nhà trường luôn cố gắng để những góp ý của mình là một phần để những chủ trương, chính sách của các cơ quan nhà nước được sự ủng hộ của công chúng. Mục đích nghiên cứu của đội ngũ tư vấn chính sách nhà trường là làm cho chủ trương, chính sách của mình được cơ quan nhà nước tiếp nhận và vận dụng.


TS. Võ Quang trí tham gia tư vấn trên chương trình truyền hình Đài VTV8

(Ảnh chụp từ màn hình chương trình)

Ngoài ra, đội ngũ giảng viên nhà trường đã tham gia thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu địa phương với các tỉnh/thành phố: Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai, Quảng Trị… trên các lĩnh vực, ngành nghề như kinh tế, công nghiệp hỗ trợ, logictics, lao động, mô hình sản xuất, mô hình liên kết… Điều này được minh chứng qua các đề tài nghiên cứu khoa học, điển hình là đề tài cấp Bộ: “Phát triển thương hiệu thành phố Đà Nẵng đối với các nhà đầu tư thông qua chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI” do PGS.TS Lê Văn Huy làm chủ nhiệm đề tài. Đây là đề tài có ý nghĩa thiết thực trong việc thực hiện các cải cách hành chính và cải thiện chất lượng điều hành kinh tế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo được hình ảnh năng động, thân thiện, hấp dẫn về môi trường đầu tư kinh doanh cho các nhà đầu tư tại thành phố Đà Nẵng. Đề tài cũng là cơ sở thiết kế các yếu tố nhận diện thương hiệu, phát triển định vị thương hiệu thành phố Đà Nẵng - tạo ra giá trị phù hợp giữa nhận diện địa phương cần xây dựng và công chúng mục tiêu cần hướng đến về tính năng động, tiên phong. Hay đề tài cấp thành phố “Nghiên cứu xây dựng mô hình liên kết trong sản xuất cà phê và hồ tiêu tại tỉnh Gia Lai"do GS.TS Nguyễn Trường Sơn chủ nhiệm cũng có ý nghĩa phân tích việc phân phối lợi ích và liên kết giữa các tác nhân tham gia chuỗi giá trị các loại nông sản chủ yếu của tỉnh Gia Lai; đề xuất các giải pháp nhằm nâng cấp chuỗi, làm tăng giá trị tăng thêm các loại nông sản khi tham gia chuỗi giá trị nông sản toàn cầu.

GS.TS Nguyễn Trường Sơn tại vườn thực nghiệm

Hoạt động tư vấn chính sách không chỉ diễn ra ở các cuộc họp, báo cáo, văn bản chính thức mà còn ở các kênh truyền thông đại chúng, như việc viết báo và trả lời ý kiến trên truyền hình của đội ngũ giảng viên nhà trường. PGS.TS. Lê Văn Huy đã có bài viết “Xây dựng thương hiệu Đà Nẵng ‘thành phố tiên phong’” đăng trên báo Đà Nẵng điện tử đã có những ý kiến đóng góp vào việc xây dựng và phát triển thương hiệu thành phố Đà Nẵng đối với các nhà đầu tư góp phần hoàn thành mục tiêu của Nghị quyết số 43-NQ/TW, nhằm phát triển hình ảnh thành phố, thực hiện các cam kết đồng nhất đối với công chúng trong tương lai.

Hoạt động nghiên cứu khoa học là chìa khóa để nâng cao chất lượng đào tạo

Phân tích, phản biện chính sách là một trong những mắt xích cơ bản của hoạch định chính sách. Xác định được đúng vấn đề của chính sách là tiền đề và cơ sở để có thể đề xuất được các phương án chính sách hợp lý. Nhờ phân tích, phản biện chính sách mà các chuyên gia, nhà khoa học của nhà trường có thể chỉ ra được các những vấn đề phức tạp, còn vướng mắc của chính sách ngày nay. Do đó, nếu chỉ dựa vào năng lực của cơ quan hoạch định chính sách trong bộ máy nhà nước sẽ là chưa đủ khi xác định các vấn đề về chính sách. Chính vì vậy, việc tham gia phân tích, phản biện các vấn đề về chính sách của đội ngũ tư vấn chính sách nhà trường có vai trò quan trọng góp phần nâng cao chất lượng chính sách mà nhà nước ban hành.

Ngoài hoạt động tư vấn, phản biện chính sách, đội ngũ tư vấn chính sách của nhà trường còn tham gia xây dựng chính sách với các đơn vị nhà nước. Điều này giúp giảng viên có điều kiện đào sâu hơn, nắm bắt chặt chẽ hơn kiến thức chuyên môn mà mình đang trực tiếp giảng dạy, kịp thời điều chỉnh, bổ sung thêm những kiến thức mới. Quá trình thực hiện các hoạt động xây dựng chính sách là cơ hội tốt để giảng viên có môi trường, cơ hội bồi dưỡng năng lực nghiên cứu khoa học. Đây cũng là cơ sở cần thiết để tiến hành đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy và góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.


Các chuyên gia thảo luận trong một buổi hội thảo

Những nỗ lực tham gia nhiệt tình các hoạt động tư vấn chính sách của Trường Đại học Kinh tế, ĐHĐN đã được các đơn vị, tổ chức nhà nước ghi nhận, đánh giá cao tinh thần trách nhiệm và kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học và chuyên gia khi tham gia xây dựng các báo cáo.

Để đạt được mục tiêu phát huy nguồn lực của đội ngũ tư vấn chính sách, nhà trường luôn chú trọng tập trung đầu tư nguồn lực về con người, cơ sở vật chất cho nghiên cứu khoa học; tăng cường hợp tác giữa các trường cao đẳng, đại học trong nước và nước ngoài; phát triển liên kết với các sở, ban, ngành và các hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp; phát triển đội ngũ nghiên cứu viên và các trung tâm nghiên cứu. Đây sẽ là cầu nối cho các hoạt động nghiên cứu khoa học của nhà trường, đồng thời là mục tiêu để xây dựng và phát triển Trường Đại học Kinh tế, ĐHĐN theo định hướng nghiên cứu, tạo môi trường học thuật tiên tiến, nuôi dưỡng và phát triển tài năng, giải quyết các thách thức kinh tế - xã hội phục vụ sự phát triển thịnh vượng của cộng đồng.

Trung tâm CNTT&TT