DHKT

Đại học Đà Nẵng ứng dụng công nghệ trực tuyến, gắn kết với các đối tác quốc tế trong bối cảnh phòng, chống Covid-19

04/09/2020

Trong điều kiện dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia trên thế giới, các hoạt động hợp tác quốc tế (HTQT) là một trong những lĩnh vực chịu tác động và ảnh hưởng đáng kể nhất. Để thích ứng với bối cảnh này, Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) đã ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối trực tuyến để duy trì gắn kết với các đối tác quốc tế.


Phó Giám đốc Lê Quang Sơn làm việc trực tuyến với GS. Matthew Sacco ĐH George Mason 

Vừa qua, PGS.TS. Lê Quang Sơn-Phó Giám đốc ĐHĐN đã làm việc trực tuyến với GS. Matthew Sacco-Giám đốc Quan hệ đối tác và Tuyển sinh quốc tế, ĐH George Mason (Hoa Kỳ), qua đó hai bên tìm hiểu nhu cầu, định hướng phát triển hợp tác phù hợp với tiềm năng và thế mạnh như: Trao đổi giảng viên, sinh viên (SV); liên kết đào tạo và nghiên cứu chung về khoa học tự nhiên, kỹ thuật-công nghệ, kinh tế-khởi nghiệp, truyền thông, giáo dục và dịch vụ xã hội…


Tham luận tại Hội thảo trực tuyến hợp tác giữa hai thành phố Đà Nẵng và Salo, Phần Lan 

Trước đó, kết hợp trình chiếu video và trao đổi trực tuyến, tham luận của Phó Giám đốc ĐHĐN Lê Quang Sơn đã được đánh giá cao khi đề xuất sáng kiến mở rộng hợp tác nhà trường-doanh nghiệp với ĐH Khoa học ứng dụng Turku và các đối tác của thành phố Salo tại hội thảo với sự tham dự của Thị trưởng Lauri Inna và Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh.

Sắp tới, ĐHĐN sẽ tiếp tục phối hợp với các đối tác Phần Lan tổ chức hội thảo trực tuyến với sự tham dự của tỉ phú Phần Lan Vesterbacka (nhà sáng lập thương hiệu Rovio và trò chơi nổi tiếng toàn cầu Angry Birds) và một số doanh nghiệp, trường ĐH cùng kết nối đổi mới sáng tạo.


Thị trưởng TP. Salo đánh giá cao tiềm năng hợp tác với TP. Đà Nẵng và ĐHĐN 

Trong giai đoạn cao điểm phòng, chống Covid-19 trên phạm vi toàn cầu, nhiều hoạt động HTQT kết nối theo phương thức trực tuyến cũng đã được triển khai phù hợp như:

(1) Chương trình hợp tác giữa ĐH Monash (Úc) với các đơn vị thành viên của ĐHĐN như: Liên kết đào tạo chuyển tiếp 2+2 với VNUK, hợp tác đào tạo và nghiên cứu khoa học với Khoa Y Dược, Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến;

(2) Tập huấn Kỹ năng lập dự án quốc tế do chuyên gia của Tổ chức các ĐH Pháp ngữ (AUF) hướng dẫn cho cán bộ ĐHĐN; 


Chuyên gia Hélène Dejoux-Phó Giám đốc VP AUF châu Á-TBD tập huấn lập dự án quốc tế 

(3) Khóa đào tạo về Quản trị quốc tế hóa (Management of internationalization)  do Cơ quan trao đổi hàn lâm Đức (DAAD) phối hợp với ĐH Leibniz Hannover tổ chức (dành cho cán bộ, giảng viên);

(4) Các chương trình kỳ hè và trao đổi SV trực tuyến: UMAP-COIL (Collaborative Online International Learning) miễn phí 100% đem đến nhiều cơ hội trải nghiệm và giao lưu quốc tế giữa SV các trường ĐH trong mạng lưới UMAP; Chương trình trao đổi SV ứng dụng công nghệ “tham quan ảo” tại ĐH Surabaya và các điểm du lịch Indonesia (02 SV Nguyễn Trần Thu Uyên, Hồ Lê Linh Đan, Viện Nghiên cứu và đào tạo Việt-Anh, viết tắt là VNUK tham dự)…


Thông điệp của ĐHĐN trong video gửi đối tác "Chúng ta luôn gần nhau ở khối óc và trái tim" 

Lãnh đạo ĐHĐN vẫn thường xuyên liên hệ, thăm hỏi trực tuyến với các đối tác như gửi video chúc mừng 60 năm thành lập Học viện Công nghệ King Mongkut Ladkrabang - KMITL (Thái Lan); họp trực tuyến với các ĐH đối tác (Lithuania, Tây Ban Nha, Hungary, Thổ Nhĩ Kỳ…) trong khuôn khổ dự án Eramus+…


Hướng đến hợp tác bền vững, thích ứng với bối cảnh phòng, chống Covid-19

Những điều chỉnh phù hợp theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trực tuyến trong hợp tác quốc tế thời gian qua thể hiện tính hiệu quả, năng động, thích ứng với bối cảnh phòng, chống Covid-19 như thông điệp của ĐHĐN: “Gắn kết các ĐH trên toàn cầu cùng hành động để phòng, chống Covid-19, dù giãn cách xã hội nhưng chúng ta luôn gần nhau ở khối óc và trái tim.”

Xem trên Đại học Đà Nẵng: http://www.udn.vn/tin-tuc/chi-tiet/dai-hoc-da-nang-ung-dung-cong-nghe-truc-tuyen-gan-ket-voi-cac-doi-tac-quoc-te-trong-boi-canh-phong-chong-covid-19