DHKT

Công khai luận án tiến sĩ của NCS Lê Thuỳ Dung

21/06/2022

 Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng công khai luận án tiến sĩ của NCS Lê Thuỳ Dung.

Tên đề tài luận án

Nghiên cứu ảnh hưởng của môi trường thông tin và cơ chế quản trị công ty đến hoạt động sáp nhập và mua bán tại Việt Nam

 

Chuyên ngành:

Tài chính ngân hàng

Mã số:

62.34.02.01

Họ và tên nghiên cứu sinh:

Lê Thùy Dung

Khóa:

32

Người hướng dẫn khoa học:

1. PGS.TS. Nguyễn Hòa Nhân

 

2. PGS.TS. Đặng Hữu Mẫn

Cơ sở đào tạo:

Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng

 

1. Những đóng góp của luận án

Về mặt học thuật

Thứ nhất: Kết quả nghiên cứu của Luận án đã làm rõ vai trò của môi trường thông tin xét từ lăng kính công ty mục tiêu đối với việc thực hiện các quyết định chiến lược của các công ty đi thâu tóm. Trong các nghiên cứu hiện tại, theo hiểu biết của tác giả, chưa có nghiên cứu nào xem xét ảnh hưởng của môi trường thông tin đến quyết định tỷ lệ nắm giữ cổ phần của các công ty đi thâu tóm xét từ lăng kính môi trường thông tin của công ty mục tiêu. Do đó, kết quả từ nghiên cứu này đã bổ sung thêm bằng chứng thực nghiệm về mối tương quan giữa môi trường thông tin công ty và quá trình tái cấu trúc công ty cũng như xác nhận tầm quan trọng của việc minh bạch hóa thông tin đối với việc thực hiện các quyết định chiến lược M&A ở một thị trường M&A mới nổi và đầy năng động.

Thứ hai: Mặc dù nội dung về M&A đã được quy định và điều chỉnh ở các luật khác nhau nhưng đến thời điểm hiện tại ở Việt Nam vẫn chưa có khung pháp lý hoàn thiện giúp định hướng, điều chỉnh và giám sát hoạt động M&A. Trong bối cảnh đó, năng lực quản trị yếu kém là một trong những nguyên nhân khiến cho các công ty trở thành mục tiêu được tìm kiếm hoặc đối tượng bị thâu tóm trong các thương vụ M&A. Nghiên cứu này cung cấp bằng chứng xác nhận tầm quan trọng của cơ chế quản trị công ty đối với các quyết định chiến lược của các công ty đi thâu tóm trong quá trình lập và thực hiện kế hoạch M&A một thị trường mới nổi điển hình chưa có các quy định hoàn chỉnh về chống thâu tóm. Kết quả nghiên cứu của Luận án bổ sung tri thức mới về hành vi của các bên tham gia trong thương vụ M&A. Cụ thể, các công ty đi thâu tóm có khả năng xem xét cơ chế quản trị của công ty mục tiêu như là một trong những động cơ để xây dựng kế hoạch M&A; trong khi đó, các công ty mục tiêu hướng nỗ lực trong vấn đề hoàn thiện tính độc lập và năng lực giám sát của hội đồng quản trị, ban điều hành và cổ đông lớn để có khả năng tìm kiếm đối tác đầu tư thân thiện cũng như nâng cao khả năng phòng vệ và hạn chế tối thiểu tình huống bị thâu tóm.

 

Về mặt thực tiễn

Dựa trên cơ sở khảo sát tất cả các thương vụ M&A Việt Nam tính đến năm 2020, các kết quả nghiên cứu của Luận án giúp đánh giá mức độ tác động của môi trường thông tin nội bộ và cơ chế quản trị công ty đối với quyết định tỷ lệ sở hữu cổ phần và quyết định thâu tóm xuyên biên giới tại thị trường M&A Việt Nam. Những phát hiện từ nghiên cứu có ý nghĩa quan trọng và thiết thực đối với các công ty đi thâu tóm và các công ty mục tiêu khi tham gia vào quá trình M&A, cũng như các bên liên quan khác chẳng hạn như các cơ quan quản lý nhà nước.

Việc nghiên cứu ảnh hưởng của môi trường thông tin nội bộ và cơ chế quản trị của công ty mục tiêu giúp các công ty đi thâu tóm có thể xác định cụ thể động cơ theo đuổi trong các thương vụ M&A, cũng như xác định được đối tác đầu tư chiến lược. Các công ty đi thâu tóm cần đặc biệt lưu ý vấn đề cấu trúc hội đồng quản trị, tính kiêm nhiệm của CEO, và sở hữu của cổ đông lớn trước khi đưa ra các thỏa thuận đàm phán, bởi lẽ các yếu tố nội tại này chi phối trực tiếp đến quyết định tham gia thương vụ của các công ty mục tiêu. Thêm vào đó, các công ty đi thâu tóm cần phải có một đội ngũ định giá chuyên nghiệp hỗ trợ trong việc xác định đúng giá trị của các công ty mục tiêu tiềm năng. Đây là một trong những biện pháp giúp họ đánh giá được tính minh bạch thông tin của các công ty mục tiêu, từ đó có thể tiết kiệm chi phí trong quá trình giao dịch M&A, cũng như đánh giá đúng tiềm năng tăng trưởng của cổ phiếu công ty mục tiêu trên thị trường chứng khoán.

Đối với các công ty mục tiêu, kết quả nghiên cứu của Luận án cho thấy cần thiết phải đưa ra quyết sách cụ thể trong việc tìm kiếm và lựa chọn các thành viên, số lượng thành viên độc lập trong hội đồng quản trị, đưa ra quy định nội bộ khống chế mức độ sở hữu cổ phần tối đa đối với cổ đông lớn cũng như xác định giới hạn quyền lực của CEO trong công ty. Đồng thời, công ty cũng cần quy định chi tiết về trách nhiệm, nghĩa vụ của những cá nhân, tổ chức có liên quan với những thành viên nội bộ trong công ty để có thể hạn chế tình trạng chuyển nhượng cổ phần không minh bạch. Ngoài ra, các công ty mục tiêu cần thực hiện các biện pháp tăng cường khả năng giám sát hoạt động của hội đồng quản trịthông qua thành lập các tiểu ban giám sát, quy định tỷ lệ số lượng thành viên độc lập bên ngoài tham gia hội đồng quản trị cũng như tăng cường nỗ lực minh bạch hóa thông tin công bố ra thị trường. Kết quả nghiên cứu của Luận án cũng đề nghị rằng các công ty mục tiêu cần sớm đưa ra những chính sách và hành động phù hợp nhằm gia tăng khả năng kiểm soát hành vi quản trị lợi nhuận của ban điều hành trong công ty, cải thiện chất lượng thông tin công bố ra bên ngoài, góp phần thu hút đầu tư thông qua việc chào mua cổ phiếu công khai từ các đối tác tiềm năng. Trong trường hợp các công ty mục tiêu muốn ngăn cản các thương vụ thâu tóm mang tính chất thù địch, các công ty cần đưa ra một số biện pháp nhằm hạn chế việc gia tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần của các cổ đông lớn, tăng cường mức độ giám sát của hội đồng quản trị cũng như xây dựng các cơ chế phòng vệ phù hợp.

Đối với cơ quan quản lý, kết quả nghiên cứu của Luận án cho thấy các nhà hoạch định chính sách cần sớm hoàn thiện và tạo ra các hệ thống chính sách, quy định M&A gắn liền với các quy định về quản trị công ty và công bố thông tin nhằm định hướng và kiểm soát các hoạt động M&A, đặc biệt là các hoạt động đầu tư có yếu tố nước ngoài; tăng cường giám sát việc công bố thông tin, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm trong công bố thông tin, thao túng giá chứng khoán trên thị trường. Đây cũng là một trong những cách giúp bảo vệ các nhà đầu tư nội địa, hạn chế các thương vụ thâu tóm không mong muốn. Hơn nữa, các nhà hoạch định chính sách cũng cần sớm xây dựng cơ chế giám sát thông tin hiệu quả, đồng bộ và thống nhất đối với tất cả các loại hình doanh nghiệp ở Việt Nam. Bởi lẽ, sự thiên lệch về thông tin được tiếp cận sẽ ảnh hưởng tâm lý nhà đầu tư, gây biến động giá cổ phiếu trên thị trường cũng như ảnh hưởng đến sự vận hành của thị trường chứng khoán quyền lợi nhà đầu tư khi tham gia vào thị trường.

2. Nội dung luận án: xem tại đây https://drive.google.com/file/d/1ZbL_B1PXXTzn3beoT1oUOi0GQHKu3dPc/view?usp=sharing 

3. Thời gian bảo vệ: Công bố sau.

Trân trọng!