Đoàn thanh niên

Tin tứcGương mặt tiêu biểu

Giới thiệu

Thông báoTin tức hoạt độngHọc tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí MinhTuổi trẻ tình nguyệnTheo dấu chân NgườiHỗ trợ sinh viênHọc tập, NCKHVăn hóa, thể thaoKỹ năng, khởi nghiệp, hội nhậpTài liệu - Văn bảnLiên hệ

 Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

“BÔNG HUỆ THÉP” GIỮA VÙNG ĐẤT ĐA MẶN

19/05/2017

Hưởng ứng Chương trình Hành quân Trò chơi lớn - Tìm địa chỉ Đỏ “Theo bước chân những người anh hùng” năm 2017 do Đoàn Đại học Đà Nẵng tổ chức nhằm hướng đến tri ân 127 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/05/1980 - 19/05/2017) và 70 năm ngày Thương binh liệt sĩ (27/07/1947 - 27/07/2017); Tuổi trẻ Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng đã theo chân Anh hùng Lực Lượng Vũ Trang Nhân Dân (LLVTND) Huỳnh Thị Thơ. Trong ngày ý nghĩa kỉ niệm ngày sinh Bác Hồ, Đoàn viên thanh niên Trường Đại học Kinh tế đã được quay ngược trở lại trên dòng sông lịch sử hào hùng của quân và dân ta thời kì kháng chiến đầy máu lửa qua sự dẫn dắt của cô. Ngoài ra, điều đặc biệt là chúng tôi còn được cô dẫn đi thăm khu căn cứ địa Cách mạng K20. Chuyến đi này quả thực rất thú vị và bổ ích, còn đọng mãi những cảm xúc dư âm trong tâm khảm mỗi thành viên.

Cô Huỳnh Thị Thơ vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Danh hiệu Anh Hùng Lực Lượng Vũ Trang Nhân Dân

Bắt đầu chuyến viếng thăm, chúng tôi di chuyển đến ngôi nhà ở đường Phan Tứ - nơi có người Anh hùng LLVTND Huỳnh Thị Thơ đang sinh sống. Tại ngôi nhà này, dường như cả một kí ức về lịch sử vẻ vang của dân tộc đã sống lại thông qua lời kể rất chân tình mà cũng thắm thiết từ cô. Anh hùng LLVTND Huỳnh Thị Thơ (sinh năm 1952) hay được gọi với cái tên khác là Nguyễn Thị Hai, quê ở Đa Mặn - Ngũ Hành Sơn - Đà Nẵng, là chứng nhân lịch sử trong suốt cuộc kháng chiến trường kì của dân tộc. Cô là chị Hai của 7 người em - sinh ra trong một gia đình vốn nghèo khó nhưng có một bề dày về truyền thống Cách mạng. Mẹ mất sớm khi cô còn rất nhỏ, thế nhưng không vì thế mà ngăn cản ý chí làm Cách mạng được nung nấu rất sớm của cô. Cô Thơ chia sẻ cô có một lòng căm thù giặc sâu sắc, nhìn những tội ác mà giặc giày xéo lên nhân dân mình, lên đất nước mình mà cô càng nuôi ý chí trả thù giặc ngoại xâm có ý định cướp nước. Chính vì vậy, cô Thơ giác ngộ Cách mạng từ khi còn nhỏ (lúc cô 14 tuổi - năm 1966). Tuổi nhỏ nhưng chí không nhỏ, suốt quá trình hoạt động Cách mạng của mình, cô luôn tích cực trong nhiệm vụ giao liên, hay vai trò là một chiến sĩ biệt động hay du kích. Những hồi ức như một cuốn phim tua lại trong kí ức của cô khi cô chia sẻ về cuộc đời Cách mạng.

Các bạn ĐVTN chăm chú lắng nghe cô Thơ chia sẻ về con đường làm Cách mạng đầy gian nan của mình

Cô cùng tâm sự với chúng tôi về những lần trèo đèo, lội suối, vượt sông, vượt qua cả sự nghi ngờ của giặc ngụy để trao tận tay bức thư đến các căn cứ của ta. Không hiếm lần cô Thơ bị giặc bắt, rơi vào tay giặc, chúng tra tấn cô bằng những biện pháp khắc nghiệt và dã man. Chúng tôi như càng khâm phục cô hơn khi cô đưa bàn tay trái còn vết sẹo giăng kín vì bị đóng đinh vào ngay giữa lòng bàn tay, hay vết thương ở bụng mà cô bị đạn dí. Thế nhưng, thủ đoạn của chúng càng nham hiểm bao nhiêu thì sự kiên cường, bất khuất của cô càng dâng cao bấy nhiêu. Quyết không khuất phục trước họng súng của giặc, cô cương quyết không khai nửa lời về cộng sản, về việc nuôi giấu cán bộ trong thời kì Cách mạng. Cô nói rằng: “Thế chúng ta yếu, chúng ta nhỏ con hơn chúng, để có thể thắng được thì phải dùng mưu mẹo, mưu trí mới giành được thế chủ động”. Tuy cả cuộc đời cô gian khổ, nhiều lần bị chỉ điểm, số lần cô bị bắt là không đếm xuể trên đầu ngón tay, những lần chạy trốn sự truy đuổi của giặc hay những lần phải ngủ trên các thuyền đánh bắt cá ở bãi biển Thanh Khê suốt 2 tháng trời, mọi khổ nhọc đó nếu đổi lại được sự tự do của dân tộc thì cô sẵn sàng chấp nhận hi sinh mình thậm chí là đối điện với cái chết. Chúng tôi cứ chăm chú, lặng nghe lời cô kể mà không giấu nổi sự xúc động lẫn niềm tự hào về những con người anh hùng như thế. Hãy cho phép chúng tôi được gọi cô với một cái tên “Bông huệ thép”, bởi lẽ “cuộc đời Cách mạng thật là sang” của cô, vì tinh thần chiến đấu quả cảm và ý chí kiên định của cô.

Tiếp nối hành trình chúng tôi được cô dẫn đi đến chứng nhân sống của di tích lịch sử căn cứ địa Cách mạng K20. Tại khu căn cứ này, chúng tôi có một cuộc trải nghiệm đầy thú vị mà cũng không thiếu đi những bài học sâu sắc. Căn cứ địa K20 được gọi vùng “thánh” của kháng chiến ở Đà Nẵng. K20 - nhân chứng của thời gian, mang trong mình biết bao câu chuyện về một thời mưa bom bão đạn, về những ngày tháng chiến đấu kiên trung của dân tộc. Chúng tôi có cơ hội được đến thăm nhà bảo tàng truyền thống và được xem lại một bộ phim tài liệu về lịch sử chống giặc và giữ nước của quân dân vùng đất Đa Mặn, Mỹ Thị, Bà Đa. Tại nhà truyền thống K20, chúng tôi đượ giới thiệu về các vật dụng thời kháng chiến đã sử dụng: đó là những cây súng AK đã bắn rơi được máy bay của giặc, là chiếc áo quần, đôi dép đơn sơ, giản dị đi cùng năm tháng lịch sử. Là các mô hình về sa bàn và mặt cắt hầm địa đạo - nơi nuôi giấu cán bộ Cách mạng và trốn tránh sự truy quét tàn bạo của địch. Vùng căn cứ K20 mang một vai trò quan trọng trong hành lang bảo vệ trung tâm thành phố, là căn cứ kháng chiến nằm sâu trong lòng địch với hơn 150 công sự mật dưới lòng đất tạo thành hệ thống đường hầm hoàn thiện và kết nối giữa nhiều hộ gia đình.

Cô Thơ giới thiệu mô hình sa bàn về các Căn cứ Cách mạng của ta trong thời kỳ kháng chiến

Điều đặc biệt là chúng tôi có dịp được trải nghiệm thực tế với công sự mật dưới lòng đất ở nhà của ông Huỳnh Trưng. Tại ngôi nhà này đã làm hầm bí mật để nuôi giấu cán bộ thương binh trong suốt thời gian từ năm 1968 đến năm 1975. Đây thực sự là trải nghiệm đặc biệt mà hiếm khi nào có dịp trải nghiệm của tuổi trẻ Kinh tế. Bởi lẽ, chúng tôi chỉ biết đến các địa đạo dưới lòng đất qua những hỉnh ảnh ở các bộ phim, hình ảnh trên cổng thông tin mạng và còn qua những lời kể của cô Thơ. Việc được trải nghiệm thực tế, được luồn lách dưới hệ thống đường hầm chỉ vừa bằng thân mình, đúng là một kỉ niệm khó quên trong mỗi chúng tôi. Nhờ đó mà chúng tôi lại càng được biết rõ hơn về hoạt động dưới hầm, cách chiến đấu và đào hầm của nhân dân ta khi có sự càn quét của địch bằng những trận mưa bom bão đạn. Đồng thời, chúng tôi còn đồng cảm hơn với sự cực khổ của nhân dân ta khi sống một cuộc sống dưới lòng đất - nơi mà thiếu hẳn không khí và độ ẩm rất cao.

“Công sự bí mật tại nhà ông Huỳnh Trưng”

Dưới sự chỉ dẫn tận tình của cô Thơ, chúng tôi lại được hiểu rõ hơn về công cuộc đấu tranh giữ nước và giữ nước của nhân dân ta. Với khẩu hiệu: “Thừa thắng xốc tới - Quét sạch hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược”, phong trào kháng chiến của quân dân K20 phát triển liên tục, rộng khắp và thu được nhiều thắng lợi quan trọng như: Tiêu diệt 251 tên địch (trong đó có 13 tên Mỹ, 43 tên ác ôn, 2 tên CIA, 3 tên thăm báo) trên 34 mặt trận lớn nhỏ; thu được 12 súng ống các loại, 150 lựu đạn, phá hủy 1 xe quân sự, 1 xe ủi và hàng ngàn đạn dược; Đã đào được 150 hầm bí mật để nuôi giấu cán bộ, bộ đội; Đóng góp vào quỹ nuôi quân 2 triệu đồng (bằng 200 lượng vàng) và hơn 4000kg gạo + 87kg thuốc chữa bệnh; Qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhân dân K20 được nhà nước tuyên dương danh hiệu đơn vị Anh Hùng Lực Lượng Vũ Trang Nhân Dân và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Kết thúc chuyến đi tham quan, mỗi chúng tôi đều có những cảm nhận, những bài học cho riêng mình. Bạn Đức Anh chia sẻ: “Lần trải nghiệm này thực sự rất có ý nghĩa với mình. Mình ấn tượng nhất vẫn là trải nghiệm luồn hầm dưới lòng đất. Mình nghĩ, có lẽ ông cha ta phải có một trí tuệ xuất chúng thì mới đào ra một hệ thống công sự bí mật có thể qua mắt được kẻ thù như vậy”.

Còn bạn Tiết tâm sự: “Qua chuyến đi vừa qua đọng lại trong mình không phải là những trận chiến mà là hình ảnh một cô bé nhỏ nhắn khi vừa mới 12 tuổi đã tham gia vào Cách Mạng, độ tuổi đó phải được chăm sóc bởi gia đình, người thân, mà không cô bé đó đã giác ngộ Cách mạng từ rất sớm lại vừa phải chăm lo cho những đứa em. Mình nghĩ rằng mình cũng như thanh niênViệt Nam cần phải cố gắng và hoàn thiện mình hơn nữa để đền đáp những gì mà những thế hệ đi trước đã gây dựng để chúng mình có được cuộc sống như bây giờ”.

Một cảm nhận khác từ bạn Mạnh Hùng: “Tôi rất khâm phục sự bất khuất của cô. Dù trong hoàn cảnh khó khăn, phải bị tù đày, nhưng cô vẫn giữ vững tinh thần lạc quan và nhất quyết không khai báo cho địch, giữ an toàn cho đồng đội, một lòng vì sự nghiệp giải phóng dân tộc”.

“Sau chuyến trải nghiệm này, mình thực sự rất tự hào bởi chúng ta có một trang sử hào hùng được tạo dựng nên từ máu và nước mắt của những người anh hùng. Không những thế, tôi còn tự hào vì mang dòng máu con rồng cháu tiên, dòng máu của những người con đất Việt. Chính vì thế, tôi rất biết ơn sự hi sinh và nhủ lòng càng phải cố gắng hơn nữa để không phụ lòng sự đóng góp của cha ông ta”. Chia sẻ của bạn Hoàng Linh.

Nhưng có lẽ thứ chung nhất mà chúng tôi góp nhặt được, đó chính là một niềm tự hào về truyền thống Cách mạng hào hùng, về mảnh đất Tổ quốc thân yêu - nơi sinh ra và nuôi dưỡng những con người anh hùng, “bạo gan” như cô Thơ. Qua đó thức tỉnh trong chúng tôi một tinh thần yêu nước nồng nàn bất diệt. Những người anh hùng đã ngã xuống, hi sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì nền độc lập tự do cho chúng ta như ngày hôm nay. Chính vì vậy lòng biết ơn và trân trọng thành kính chính là dòng cảm xúc đọng lại mãi trong chúng tôi sau chuyến đi này.

Chúng tôi còn nhớ hai câu thơ mà cô Thơ kể rằng:

“Nhà tan cửa nát cũng ừ

Đánh cho Mĩ cút cực chừ sướng sau”

Hai câu thơ trên đã gói gọn tâm tư của những người dân thời kì kháng chiến. Dù bao nhiêu gian khổ, bao nhiêu uất ức nhưng chỉ cần đuổi được dấu chân của thực dân Pháp, của Đế quốc Mĩ, quét sạch bóng dáng quân thù trên mảnh đất Việt Nam ta thì niềm vui tự do luôn trọn vẹn. Trong không khí kỉ niệm, tri ân về những người có công với Cách mạng như hôm nay, chúng tôi lại mang một tâm trạng bồi hồi hơn, xúc động hơn. Bởi lẽ niềm hi vọng về một sự tự do luôn thường trực trong nhân dân ta. Vì thế, bản thân là những Đoàn viên Thanh niên mang trong mình lửa nhiệt huyết của tuổi trẻ, chúng tôi ý thức được bản thân phải cố gắng hơn rất nhiều về cả học tập và rèn luyện sao cho xứng đáng với công lao hi sinh của cha ông ta, góp công vào kiến thiết đất nước.


“Tuổi trẻ Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng bày tỏ lòng tri ân đến Anh hùng LLVTNN Huỳnh Thị Thơ”


Một số hình ảnh trong chuyến đi:


Đội tuyển Trò chơi lớn Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng