DHKT

Hội thảo “Thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam – sản phẩm và cơ chế vận hành”

25/07/2016

Ngày 22/7, Trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Đào tạo chứng khoán (Ủy ban chứng khoán Nhà nước – chi nhánh TP Hồ Chí Minh) và Khoa Ngân hàng (Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh) tổ chức Hội thảo “Thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam – Sản phẩm và cơ chế vận hành”.

Hội thảo có sự tham dự của Vụ trưởng Vụ phát triển thị trường chứng khoán, lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Đào tạo chứng khoán, đại diện Sở Khoa học Công nghệ thành phố Đà Nẵng, đại diện Ban giám hiệu Trường ĐH Kinh tế cùng đông đảo nhà khoa học, giảng viên, sinh viên.

Thị trường chứng khoán phái sinh là cấp độ phát triển cao nhất của thị trường chứng khoán. Việc xây dựng thị trường chứng khoán phái sinh là điều cần thiết, xu thế tất yếu nhằm hoàn thiện thị trường vốn Việt Nam, qua đó giúp đẩy mạnh quá trình huy động vốn và khơi thông các nguồn vốn cho đầu tư phát triển kinh tế, văn hóa xã hội.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của Hội thảo lần này, đại diện Trường ĐH Kinh tế - PGS.TS Võ Thị Thúy Anh – Phó Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: “Việt Nam đã có bước chuẩn bị cho sự phát triển của thị trường chứng khoán phái sinh, đây là một lĩnh vực còn mới mẻ tại nước ta, do đó việc nhận thức đầy đủ và toàn diện về thị trường này là vô cùng cần thiết. Hội thảo lần này là cơ hội để các nhà khoa học, các chuyên gia, nhà đầu tư, nhà quản lý, các tổ chức tài chính chứng khoán tìm hiểu các sản phẩm, cơ chế vận hành của thị trường chứng khoán phái sinh cũng như trao đổi những quan điểm khoa học về việc xây dựng và phát triển thị trường này một cách bền vững tại Việt Nam. Bên cạnh việc thảo luận về thị trường chứng khoán phái sinh, Hội thảo cũng mở ra cơ hội để các bên cùng hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu trong tương lai.”

Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế (trái) tặng hoa cho lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu khoa học và đào tạo chứng khoán ghi nhớ sự hợp tác trong việc tổ chức Hội thảo và nghiên cứu sau này

Hội thảo xoay quanh những vấn đề chính như: xây dựng khung pháp lý, sản phẩm – cơ chế vận hành, những rủi ro có thể phát sinh trong giai đoạn đầu vận hành trị trường chứng khoán phái sinh ở Việt Nam, các nhân tố ảnh hưởng đến sự thành công trong thị trường này. Các đại biểu đã nghe 3 tham luận:

- Những nhân tố ảnh hưởng đến sự thành công của sản phẩm phái sinh niêm yết trên các sàn giao dịch: Lý thuyết và minh chứng thực tiễn – ThS Lê Đắc Anh Khiêm – Trường ĐH Kinh tế - ĐHĐN. Dựa trên thực tế triển khai tại các thị trường phái sinh phát triển trên thế giới, tham luận này cung cấp sự hiểu biết chuyên sâu về các yếu tố ảnh hưởng cũng như cách thức mà chúng tác động đến sự thành công của các sản phẩm phái sinh.

- Thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam: Sản phẩm và cơ chế vận hành – ThS Nguyễn Văn Quý - Chi nhánh Trung tâm NCKH&ĐT chứng khoán tại TP HCM. Trong nghiên cứu của mình, tác giả cho biết: thị trường chứng khoán phái sinh ngoài cơ chế phòng vệ rủi ro còn được xem là một thị trường có hiệu ứng đòn bẩy tài chính cao và phức tạp, do đó việc vận hành thị trường phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ cơ quan quản lý nhà nước cũng như sự chuẩn bị sẵn sàng của các thành viên thị trường.

- Rủi ro của thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam – TS Đinh Bảo Ngọc – Trường ĐH Kinh tế - ĐHĐN. Nghiên cứu tập trung khảo sát những rủi ro có thể phát sinh trong chứng khoán phái sinh như: rủi ro giá, rủi ro tín dụng, rủi ro thanh khoản, rủi ro hoạt động, rủi ro chiến lược … và đề xuất những giải pháp để việc vận hành thị trường này tại Việt Nam được diễn ra thuận lợi trong giai đoạn đầu.

Diễn ra trong thời điểm chuẩn bị vận hành thị trường chứng khoán phái sinh, Hội thảo đã thực sự tạo ra một diễn đàn hữu ích để các nhà nghiên cứu trao đổi quan điểm, kinh nghiệm và đưa ra góp ý để xây dựng và phát triển thị trường này. “Đây là lần đầu tiên Hội thảo tổ chức tại miền Trung, nếu lan tỏa tốt sự kiện thì sẽ tạo được một sự tác động tích cực đến nhận thức của giới đầu tư” - TS Nguyễn Sơn – Vụ trưởng Vụ phát triển thị trường chứng khoán nhận định.

XT