DHKT

Phòng công tác sinh viên

Báo Đà Nẵng: Ứng dụng di động cho người ăn chay

28/03/2021

Nhóm sinh viên Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) vừa giành giải Nhất cuộc thi khởi nghiệp cho sinh viên “Hult Prize” cấp cơ sở với phần mềm “CHAY’S” - ứng dụng di động dành riêng cho người ăn chay. Nhóm tác giả này cũng là một trong những đội tham gia vòng chung kết cuộc thi Hult Prize 2020 - 2021 khu vực Đông Nam Á dự kiến được tổ chức vào tháng 4 tới.

Tháng 10-2020, bốn sinh viên gồm Lê Thị Bích Thủy, Nguyễn Hà An (sinh viên ngành Kinh doanh quốc tế), Nguyễn Lê Nam Giang (ngành Ngân hàng) và Trần Huyền Trang (ngành Kinh doanh thương mại) đăng ký tham gia cuộc thi khởi nghiệp tại Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) với mục tiêu thử sức mình. Dựa trên chủ đề cuộc thi của năm nay là “Biến lương thực, thực phẩm thành động lực đổi mới sáng tạo”, nhóm đã thực hiện đề tài sản xuất sữa bắp với suy nghĩ đây là một loại thực phẩm vừa có chất dinh dưỡng, vừa dễ làm, giá rẻ. Nam Giang chia sẻ: “Đến khi tham gia vào các buổi huấn luyện, chúng em mới nhận ra những ưu điểm của sữa bắp cũng chính là những bất lợi cho nhóm bởi trên thị trường đã có rất nhiều nhãn hàng sữa bắp và “phủ sóng” tiêu thụ rộng khắp. Sản phẩm của chúng em “sinh sau đẻ muộn”, lại không có gì đặc biệt thì khó có thị phần. Đấy có lẽ là bài học kinh doanh khởi nghiệp đầu tiên của cả nhóm”.

Không nản chí, bốn nữ sinh viên chuyển hướng đề tài. Nhận thấy một trong sáu mục tiêu của Hult Prize năm nay là giảm gánh nặng về thịt, tức giảm gánh nặng chăn nuôi động vật - một trong những nguồn sản xuất CO2 chính trên toàn cầu, nhóm bạn lại nghĩ đến việc tạo ra sản phẩm khuyến khích, hỗ trợ người ăn chay. Trong nhóm cũng có hai thành viên vốn là người ăn chay trường nên có nhiều trải nghiệm về việc ăn chay. Sinh viên Hà An cho biết, khi làm khảo sát, nhóm nhận thấy xu hướng ăn chay ngày càng phổ biến, song một trong những rào cản chính đối với người mới bắt đầu chuyển chế độ ăn là nỗi e ngại ăn chay sẽ gây tình trạng thiếu dinh dưỡng. Nhiều người quan niệm ăn chay muốn ngon phải tẩm ướp nhiều gia vị, dùng nhiều dầu thực vật để chiên, rán…nên không tốt cho sức khỏe. Trước thực tế đó, nhóm bạn quyết định sẽ xây dựng ứng dụng CHAY’S để hỗ trợ những người muốn ăn chay nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu, tạo ra cộng đồng người ăn chay ở Việt Nam để mọi người hỗ trợ lẫn nhau, có sự tham gia của các chuyên gia dinh dưỡng.

Nhóm CHAY’S giành giải Nhất cuộc thi khởi nghiệp cho sinh viên “Hult Prize” Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) vào tháng 1-2021. Ảnh: P.LAN

Nhóm CHAY’S giành giải Nhất cuộc thi khởi nghiệp cho sinh viên “Hult Prize” Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) vào tháng 1-2021. Ảnh: P.LAN

Chỉ hơn một tháng, nhóm bắt tay vào xây dựng đề tài, phác thảo kế hoạch chi tiết, thiết kế ứng dụng thử nghiệm và chuẩn bị cho phần thi thuyết trình trước ban giám khảo. CHAY’S cung cấp lộ trình ăn chay cho từng đối tượng khác nhau tùy theo độ tuổi, tình trạng sức khỏe và nhu cầu ăn chay; đồng thời cung cấp thành phần dinh dưỡng của từng bữa ăn. Theo Hà An, thành viên trong nhóm, cái khó nhất là phải tìm hiểu, tổng hợp kiến thức bài bản về dinh dưỡng để làm nội dung cho ứng dụng. Các thành viên trong nhóm phải chia nhau đọc sách, tài liệu từ các trang web chính thống trong và ngoài nước, liên hệ với các chuyên gia dinh dưỡng để được hỗ trợ, tư vấn. Bên cạnh đó, vốn không phải là “dân” công nghệ, bốn nữ sinh viên phải nhờ bạn bè để hỗ trợ xây dựng phiên bản thử nghiệm của CHAY’S. Nhớ lại những ngày nước rút dự thi, sinh viên Bích Thủy chia sẻ: “Có những lúc rất vất vả vì phải cân đối với việc học ở trường nhưng thấy người cố vấn của nhóm vẫn cố thức khuya để họp trực tuyến, định hướng, hỗ trợ khiến chúng em cũng được truyền cảm hứng, quyết tâm theo đuổi dự án tới cùng”.

Với ý nghĩa thiết thực và hướng triển khai mới lạ, tháng 1 vừa qua, CHAY’S đã giành ngôi quán quân cuộc thi khởi nghiệp tại Trường Đại học Kinh tế. Nam Giang cho biết, cuộc thi đã mang lại cho em nhiều thứ. “Trước đây, em là một người rất ngại nói trước đám đông, đặc biệt là khi phải nói bằng tiếng Anh. Song vì cuộc thi yêu cầu phải thuyết trình bằng tiếng Anh, em đã cố gắng vượt qua được nỗi e dè của mình. Bên cạnh đó, chỉ trong thời gian ngắn, chúng em đã đốc thúc nhau học thêm kiến thức về dinh dưỡng, về cách làm ứng dụng. Chúng em học được cách giải quyết áp lực về thời gian, cân đối lịch làm việc. Em rút ra được một kinh nghiệm cho bản thân, mỗi ngày đều liệt kê danh mục những việc cần làm, trong ngày phải làm hết việc, không để đến ngày hôm sau”, Giang nói.

Xem trên Báo Đà Nẵng điện tử: https://baodanang.vn/khcn/202103/ung-dung-di-dong-cho-nguoi-an-chay-3878115/

Theo Phong Lan (Báo Đà Nẵng)