DHKT

Để thư viện trường học cuốn hút học sinh

09/09/2015
Học sinh ít có thói quen đến thư viện

Có con đang học tại Trường THCS Lê Quý Đôn (Hà Nội), anh Trung cho biết: “Con trai tôi năm nay học lớp 7 nhưng khi hỏi con có hay xuống thư viện đọc sách không, cháu trả lời rất thật: Từ khi vào trường học lớp 6 đến nay con mới đến thư viện một lần. Cháu tâm sự: Thư viện ở trường mới chán lắm, không có nhiều sách, truyện hấp dẫn như của Trường Đoàn Thị Điểm con học trước đây. Thì ra, 5 năm con học ở trường cũ, anh Trung ngày nào cũng đến chiều muộn mới đón con về nhà bởi anh phải chiều theo sở thích vào thư viện đọc sách của con. Thậm chí, mặc dù nhà trường phân lịch đọc theo từng khối lớp nhưng bé Bin ngày nào cũng tìm cách xin cô thư viện để vào đọc sách truyện.

Một tình trạng chung hiện nay đó là học sinh các lớp lớn hơn, thói quen đến thư viện của các em gần như không còn. Đặc biệt, với các em cuối cấp, lịch học dày đặc đã khiến cho con trẻ không còn thời gian đọc và càng không còn thói quen đến thư viện trường. Đây là chia sẻ của nhiều thầy cô cũng như các bậc phụ huynh. Còn với Thùy Linh, đang học lớp 12 Trường THPT Lê Quý Đôn- (Hà Nội) thì: Ngoài buổi học chính, em tham gia các lớp luyện thi đại học, có hôm gần 10 giờ đêm mới tan học. Lịch học kín cả ngày nghỉ thứ 7 và chủ nhật. Dù có muốn đến thư viện tìm sách cùng không còn thời gian.

Coi trọng công tác thư viện

Cả nước hiện có gần 3 vạn trường học. Nếu tính mỗi trường có một thư viện thì số thư viện trường học cũng xấp xỉ 3 vạn. Việc phát triển, đầu tư thư viện trường học các cấp đã được ngành GD&ĐT cũng như các địa phương quan tâm trong những năm trở lại đây song thực tế, hệ thống thư viện trường học vẫn chưa có đủ về số lượng và chất lượng.


Góc thư viện Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) Ảnh: K.K
Thống kê của Bộ GD& ĐT năm học 2009 - 2010: Trong tổng số 24.746 trường có thư viện, chỉ có một nửa số này đạt chuẩn (khoảng 13.580 trường). Đội ngũ cán bộ thư viện có 26.578 người, nhưng chỉ có hơn 49% là cán bộ chuyên trách (13.110 người). Kinh phí đầu tư cho thư viện trường học năm 2009 - 2010 là hơn 202 tỷ đồng, bình quân một trường học được đầu tư 7,4 triệu đồng.. Với số tiền này, chắc chắn, dù có mua bổ sung tài liệu cho thư viện thì cũng chỉ là muối bỏ bể bởi giá cả sách, truyện in ấn tăng giá đến chóng mặt.

Đấy là chưa kể, đến thời điểm này, cả nước vẫn còn tới 3.859 trường học chưa có thư viện trường học. Hệ thống thư viện trường học chậm phát triển cả số lượng và chất lượng. Nhiều trường nếu có thư viện chỉ là hình thức, không phát huy được hiệu quả. Trong tổng số 23.344 trường có thư viện, số thư viện đạt chuẩn mới chỉ có 10.595 (tỷ lệ hơn 45%). Số cán bộ thư viện chuyên trách mới có 9.171 người (tỷ lệ 35,7%). Đáng chú ý, con số bình quân cán bộ thư viện mỗi năm một giảm sút.

Tuy nhiên, chất lượng đội ngũ cán bộ thư viện vẫn chưa đồng bộ, còn kiêm nhiệm, một số chưa đạt yêu cầu chuyên môn đề ra. Theo con số thống kê của NXB Giáo dục, cách đây 3 năm, cả nước có 27.280 trường học nhưng mới chỉ có 23.251 trường có thư viện, chỉ đạt mức 85,2%. Hiện nay, đội ngũ cán bộ thư viện các trường học phổ thông là gần 27.000 người, trong đó cán bộ chuyên trách chiếm 41,7%, cán bộ thư viện kiêm nhiệm là 58,3%.

Nhìn vào đội ngũ cán bộ quản lý thư viện trường học hiện nay cho thấy còn yếu về chuyên môn nghiệp vụ. Đây là một thực tế, bởi đa số cán bộ trông coi thư viện được ban giám hiệu nhà trường thuyên chuyển từ đội ngũ giáo viên yếu kém năng lực sư phạm, hoặc tình trạng sức khỏe yếu, thậm chí bị kỉ luật. Bên cạnh đó còn có cả lực lượng giáo viên kiêm nhiệm làm công tác thư viện. Vì vậy, đa số cán bộ thư viên trường học chưa qua trường lớp nghiệp vụ đào tạo chuyên môn. Mặc dù, một số ít đã được Công ty sách- thiết bị trường học tổ chức tập huấn nhưng cũng chỉ dừng ở phần việc quản lý, bảo quản, cho mượn sách báo, ít quan tâm tới nâng cao nghiệp vụ phục vụ tốt hơn nhu cầu của giáo viên và học sinh tại thư viện trường.

Trường học không thể không có thư viện, đó là tất yếu. Tuy nhiên, để thư viện thật sự thu hút được học sinh thì hệ thống thư viện trường học cần được đầu tư thỏa đáng.