DHKT

Thảo luận về hợp tác liên trường trong công bố quốc tế: Những thay đổi từ chính sách, nhận thức và tổ chức liên kết trong khoa học!

31/10/2017

Trong khuôn khổ Hội thảo quốc tế dành cho các nhà khoa học trẻ (ICYREB 2017), các Trường thuộc khối ngành kinh tế và quản trị kinh doanh đã cùng tham dự phiên hội nghị bàn tròn để trao đổi kinh nghiệm tổ chức ICYREB, đồng thời thảo luận hướng hợp tác liên trường trong công bố quốc tế. Tham dự phiên thảo luận bàn tròn có sự tham gia của: PGS. TS Nguyễn Mạnh Toàn – Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng, PGS. TS. Võ Thị Thúy Anh – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng, GS. TS. Đinh Văn Sơn – Hiệu trưởng Trường Đại học Thương mại, PGS. TS. Nguyễn Tiến Dũng – Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế-Luật, GS.TS. Nguyễn Trọng Hoài – Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh tế HCM, PGS. TS. Trần Thị Vân Hoa – ĐH Kinh tế Quốc dân, PGS. TS. Nguyễn Thị Bích Loan – Phó Hiệu trưởng Đại học Thương Mại, TS. Nguyễn Anh Thu – Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế, ĐHQG, PGS. TS. Phan Văn Liên – Phó GĐ Học viện Tài chính, PGS. TS. Đỗ Thị Kim Hảo – Phó Hiệu trưởng Học viện Ngân hàng, PGS. TS. Nguyễn Thu Thủy – Phó Hiệu trưởng Đại học Ngoại thương, các thầy cô giảng viên đến từ các Trường.


Tiến sĩ Đặng Hữu Mẫn đang trình bày tham luận

Mở đầu phiên làm việc, các đại biểu đã nghe bài tham luận từ Phòng Khoa học & Hợp tác quốc tế của Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng (UE-UD) do Tiến sĩ Đặng Hữu Mẫn trình bày. Tham luận tập trung vào bối cảnh, tình hình nghiên cứu và công bố quốc tế hiện tại, những chính sách hỗ trợ công bố quốc tế tại một số trường và tại UE-UD. Bên cạnh đó tham luận cũng nêu ra những kinh nghiệm của trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng trong việc khuyến khích nghiên cứu và công bố quốc tế và những đề xuất giải pháp nhằm năng cao năng lực nghiên cứu của trường. Trong phiên thảo luận, các đại biểu tham dự đã nhấn mạnh tầm quan trọng của công bố quốc tế bởi đây là một trong những tiêu chí quan trọng để xếp hạng các trường Đại học và thảo luận một số vấn đề liên quan như sau:

Thứ nhất, phân bổ kinh phí cho hoạt động nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế cần phải được chú trọng. Các trường cần có quy định cụ thể về ngân sách hàng năm cho các hoạt động nghiên cứu cũng nhưng chính sách khen thưởng phù hợp nhằm khuyến khích giảng viên, nghiên cứu viên có những công bố mang tính đột phá trong khoa học. Thực tế cho thấy, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chính Minh, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng và một số trường đã công bố công khai quy chế và mức thưởng cho từng bài báo quốc tế được công bố từ giảng viên và nhân viên của các trường. Việc công bố này nhận được phản hồi tích cực của các giảng viên, nghiên cứu viên.

Thứ hai, tay đổi nhận thức, coi việc nghiên cứu là một phần trong việc bên cạnh việc giảng dạy. Hiện tại, một số giảng viên cho rằng họ phải dạy quá nhiều, không có thời gian cho nghiên cứu. Các đại biểu cho rằng, phải thay đổi nhận thức của giảng viên trước, phải giúp các giảng viên nhận thấy tầm quan trọng của nghiên cứu lên chất lượng bài giảng, danh tiếng của trường, xếp hạng của trường từ đó ảnh hưởng trực tiếp lên khả năng tuyển sinh của trường.

Thứ ba, cần tăng cường tổ chức đào tạo và huấn luyện giảng viên và nghiên cứu viên về nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế. Các trường cần tổ chức những buổi đào tạo, huấn luyện chia sẻ kinh nghiệm từ các giảng viên có thành tích tốt trong công bố quốc tế trong nội bộ trường và giữa các trường với nhau. Bên cạnh đó cần duy trì và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh. Các nhóm này sẽ là nòng cốt để gia tăng các công bố quốc tế. Tùy từng tình huống cụ thể mà các nhóm nghiên cứu có thể được hình thành từ các đề tài cấp bộ, cấp quốc gia, NAFOSTED … theo chia sẻ từ Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Thứ tư, cần có sự liên kết giữa các trường trong việc chia sẻ nguồn lực nghiên cứu từ con người, cơ sở dữ liệu, nguồn thông tin, hợp tác quốc tế. Các trường có thể tổ chức các buổi seminar chung khi mời chuyên gia nước ngoài để san sẻ gánh nặng kinh phí. Bên cạnh đó, các trường cần có một hệ thống chung để chia sẻ cơ sở dữ liệu, đồng tổ chức các hội thảo quốc tế, xây dựng website chung giữa các trường trong nhóm…


Thay mặt đơn vị đăng cai, PGS.TS Võ Thị Thúy Anh (Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng) đã tổng kết lại các trao đổi giữa các trường và đề xuất một số nhiệm vụ mà UE-UD có thể làm trước, đó là sẽ chia sẻ thông tin về các chuyên gia có công bố quốc tế hoặc có tiềm năng cho các trường, chia sẻ các nguồn cơ sở dữ liệu đã mua bản quyền của trường, liên kết trong việc tổ chức các hội thảo quốc gia và quốc tế để giao lưu chia sẻ học thuật, UE-UD cũng sẽ xây dựng website chung dựa trên góp ý của các trường và khuyến khích các nhà khoa học gửi bài báo cho các tạp chí của các trường thành viên. Trong đó, đáng chú ý là tất cả đại biểu nhất quán với việc xây dựng một cổng thông tin điện tử để các Trường cùng chia sẻ cơ sở dữ liệu, mạng lưới kết nối quốc tế … từ đó dễ dàng trao đổi và thảo luận các vấn đề liên quan đến công tác tổ chức hội thảo cũng như phối hợp liên trường, việc quản lý website sẽ được trao luân phiên cho đơn vị tổ chức ICYREB năm đó.

Phiên bàn tròn cũng ghi nhận nhiều ý kiến tích cực về công tác tổ chức ICYREB 2017 của đơn vị đăng cai - Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng. Với nhiều nét mới, hướng đến chuẩn hội thảo quốc tế, Hội thảo năm nay thật sự đã tạo ra một môi trường trao đổi học thuật chuyên nghiệp, thỏa mãn niềm đam mê nghiên cứu và chia sẻ tri thức từ các nhà khoa học trẻ ở khắp mọi nơi.

 Trung tâm CNTT & TT


Nghiên cứu khoa học

Giới thiệu

Chiến lược Khoa học & Công nghệ

Công trình khoa học

Tư vấn chính sách

Hội nghị - Hội thảo

Tạp chí khoa học kinh tế

Sinh viên Nghiên cứu khoa học

Lý lịch nhà khoa học

Nhóm nghiên cứu

Nhóm đọc (Reading group)

Định mức giờ khoa học

Mạng lưới hợp tác KH&CNTin tức - sự kiệnThông báo

Cơ sở dữ liệu KHCN

Văn bản

Liên hệ

Liên hệ

Phòng Khoa học & Hợp tác quốc tế, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng

71 Ngũ Hành Sơn, Tp. Đà Nẵng

(0236) 395-4243

khoahoc@due.edu.vn