DHKT

Báo chí đưa tin về Hội thảo khoa học Đổi mới phương pháp đào tạo, cập nhật giáo trình giảng dạy môn kế toán phù hợp với yêu cầu cải cách kế toán trong giai đoạn mới

01/07/2017

Báo Giáo dục & Thời đại: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/doi-moi-phuong-phap-dao-tao-giang-day-mon-ke-toan-trong-giai-doan-moi-3478416.html

Đổi mới phương pháp đào tạo, giảng dạy môn Kế toán trong giai đoạn mới

GD&TĐ - Ngày 29/6, tại Đà Nẵng, Bộ Tài chính, Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) phối hợp tổ chức hội thảo khoa học Đổi mới phương pháp đào tạo, cập nhật giáo trình giảng dạy môn kế toán phù hợp với yêu cầu cải cách kế toán trong giai đoạn mới. 
Có gần 300 đại biểu đến từ Bộ Tài chính, Ngân hàng Thế giới, tổ chức ICAEW, các công ty hoạt động trong lĩnh vực kế toán - kiểm toán, các đơn vị doanh nghiệp, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn khu vực miền Trung – Tây Nguyên.

 Việc tiếp cận đào tạo IFRS tại các trường Đại học Việt Nam hiện nay gặp phải nhiều khó khăn và thách thức. 

Việc tiếp cận đào tạo IFRS tại các trường Đại học Việt Nam hiện nay gặp phải nhiều khó khăn và thách thức.

Chuẩn mực kế toán quốc gia, thúc đẩy môi trường kinh doanh

Theo ông Vũ Đức Chính – Vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán và Kiểm toán (Bộ Tài chính), cùng với xu hướng toàn cầu hóa về hợp tác và phát triển kinh tế, phạm vi hoạt động của các nhà đầu tư trải rộng trên toàn thế giới, kế toán không còn là vấn đề mang tính nội tại của từng quốc gia.

Ngày nay, nhu cầu này đòi hỏi phải xúc tiến quá trình hài hòa, thống nhất chuẩn mực kế toán quốc gia với chuẩn mực kế toán quốc tế nhằm tạo ra một ngôn ngữ chung về kế toán, giúp thúc đẩy môi trường kinh doanh, tạo dựng niềm tin cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, cần hiểu rõ việc áp dụng IFRS tại Việt Nam không chỉ hoàn toàn thuận lợi.

Ông Vũ Đức Chính cho biết: “Thách thức, khó khăn nhất trong việc áp dụng IFRS là vấn đề nguồn nhân lực. Các trường đại học, nơi cung cấp nguồn nhân lực đầu ra cho xã hội chưa đưa vào chương trình đào tạo các nội dung của IFRS dẫn đến hầu hết sinh viên khi ra trường chưa được trang bị kiến thức về IFRS. Những người làm công tác kế toán tại các doanh nghiệp cũng chưa được đào tạo IFRS do thiếu các cơ sở đào tạo có đủ trình độ hiểu biết chuyên sâu về IFRS.

Hiện chỉ có một vài tổ chức nghề nghiệp quốc tế như ACCA, ICAEW, CPA Australia có chương trình đào tạo nhưng số lượng người tham dự chưa nhiều, phạm vi phổ biến chưa rộng.

Một khó khăn nữa là thị trường hoạt động (active market) của Việt Nam chưa đủ mạnh, các căn cứ phục vụ cho việc xác định giá trị hợp lý của một số tài sản và nợ phải trả chưa thực sự đáng tin cậy, nhất là trong bối cảnh tính tuân thủ luật pháp của một bộ phận doanh nghiệp chưa cao, dẫn đến tình trạng cố tình bóp méo các thông tin được công bố theo ý định chủ quan của người quản lý, điều hành phát sinh từ việc thực hiện các ước tính kế toán một cách không trung thực”.

Hướng đến việc thực hiện chiến lược kế toán, kiểm toán đến 2030, Bộ Tài chính đang xây dựng đề án và lộ trình cụ thể để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về kế toán, đảm bảo vừa mang tính hội nhập, vừa đáp ứng được yêu cầu quản lý và đặc thù của nền kinh tế.

Theo đó đang gấp rút triển khai nghiên cứu các nội dung của IFRS, xem xét sự khác biệt giữa VAS và IFRS và đánh giá các tác động, tính khả thi, lợi ích cũng như khó khăn, thách thức có thể gặp phải khi áp dụng IFRS, từ đó xây dựng lộ trình và định hướng cho Việt Nam trong việc áp dụng IFRS.

Các trường đại học chủ động đổi mới phương pháp, chương trình đào tạo kế toán​


  

Hội thảo khoa học Đổi mới phương pháp đào tạo, cập nhật giáo trình giảng dạy môn kế toán phù hợp với yêu cầu cải cách kế toán trong giai đoạn mới.

Tham gia bàn luận tại hội thảo, nhiều đại biểu nhìn nhận rằng, trong bối cảnh thời lượng đào tạo môn kế toán có hạn, lại bị chi phối bởi các môn học khác trong chương trình đào tạo tổng thể, việc xây dựng phương pháp đào tạo kế toán phù hợp vớiIFRScàng đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho xã hội.Tuy nhiên, việc tiếp cận đào tạo IFRS tại các trường Đại học Việt Nam hiện nay cũng gặp phải những khó khăn và thách thức nhất định.

Theo TS. Đường Thị Quỳnh Liên (Trường ĐH Vinh), thách thức cơ bản trong giảng dạy kế toán là việc người dạy kế toán có kiến thức tốt để giảng dạy IFRS bằng việc sử dụng phương pháp dựa trên các nguyên tắc. Theo đó, người dạy phải tự tích lũy các kiến thức về IFRS cũng như nhận được sự giúp đỡ của các cơ quan quản lý Nhà nước về kế toán và các hiệp hội kế toán.

Cũng nhân cơ hội này, các nhà đào tạo kế toán cần thay đổi chương trình đào tạo theo hướng giảng dạy, dựa trên chuẩn mực chung và sử dụng nguồn tài liệu đa dạng cho giảng dạy IFRS. Để đạt được mục tiêu này, người dạy kế toán cần phải tiếp cận đến các phương pháp giảng dạy sáng tạo như mô phỏng, đóng vai, học dựa trên giải quyết vấn đề, phân tích trường hợp điển hình với nhiều giải pháp thay thế, trình bày trên lớp…

“Ngoài việc giảng dạy theo phương pháp, tập trung vào sinh viên (student-centered) thì còn có thêm một số phương pháp giảng dạy trực tuyến. Tuy nhiên, cơ hội để tiếp cận đến nguồn tài liệu kế toán để tăng cường giảng dạy IFRS là hạn chế, trong các nước có nền kinh tế mới nổi và ở các quốc gia khi đòi hỏi tài liệu phải được dịch ra tiếng nước sở tại.

Cùng với đó, khi áp dụng IFRS thì vẫn còn sự khác biệt giữa các quốc gia về chất lượng kế toán. Theo đó, người dạy kế toán cần nhận biết sự khác biệt trong việc giảng IFRS và điều chỉnh cách giảng dạy để sự khác biệt quan trọng được nhận diện khi giải thích và áp dụng IFRS” TS. Đường Thị Quỳnh Liên cho hay.

PGS.TS. Nguyễn Công Phương (Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng) chia sẻ: Khi chuyển đổi áp dụng IFRS sẽ nảy sinh nhiều vấn đề về đào tạo kế toán tài chính như thái độ dạy và học, phương pháp dạy và học, và phương pháp đánh giá. Những khó khăn này có thể không được giải quyết một sớm một chiều do truyền thống về dạy và học các môn kế toán tài chính và những khác biệt về bối cảnh của nước ta so với bối cảnh các nước phát triển. Tuy nhiên, việc thay đổi này sẽ có những hệ quả tích cực nhất định đối với đào tạo kế toán.

“Khi chuyển qua áp dụng IFRS sẽ là cơ hội giúp làm phong phú thêm nội dung môn học kế toán tài chính; tạo ra động cơ để thực hiện đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy. Các giảng viên sẽ rà soát lại mục tiêu giảng dạy; soạn thảo, bổ sung, cập nhật các tài liệu, giáo trình, các bài tập tình huống phù hợp với IFRS. Qua đó giúp cho giảng viên cập nhật kiến thức và nâng cao chất lượng trình bày và nghiên cứu tình huống. Mặt khác, đổi mới chiến lược dạy và học trong bối cảnh IFRS sẽ giúp cho sinh viên “cởi mở” hơn về trao đổi chuyên môn với giáo viên. Thay đổi thái độ học theo hướng tăng cường xét đoán, phân tích sẽ giúp sinh viên “tích cực” hơn trong lớp học, tích lũy được những kỹ năng nhận diện, phân tích và giải quyết các vấn đề đặt ra trong kế toán tài chính. Học trong bối cảnh IFRS cũng sẽ giúp sinh viên có cơ hội làm việc trong môi trường quốc tế”, PGS.TS. Nguyễn Công Phương nhìn nhận.

Đại Khải


Theo Tạp chí ICT Đà Nẵng: http://www.ictdanang.vn/chi-tiet?articleId=31682

Nhiều thách thức và cơ hội đổi mới quant trọng cho Việt Nam từ APEC 2017

(ictdanang)- “Chúng ta đang ở trong 2 ngày cuối cùng của thời hạn cuối cùng mà Việt Nam còn được hưởng những ưu đãi (ODA *) khi vay vốn Ngân hàng Thế giới – World Bank (WB). Từ 1/7/2017, Việt Nam sẽ chuyển sang sử dụng chủ yếu là nguồn vay ưu đãi khác và tiến tới vay toàn bộ theo điều kiện thị trường. Tôi muốn các bạn hãy sẵn sàng về mặt thể chế để chúng ta đón nhận những dòng vốn khác, cũng rất tích cực và có lợi cho phát triển Việt Nam.

Để làm được điều đó, kể từ hôm nay chúng ta hãy đẩy mạnh sự chuẩn bị để có thể áp dụng rộng khắp chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) trên toàn Việt Nam. Tôi tin Việt Nam sẽ thành công trên lộ trình mới” – ông John Nyaga, Chuyên gia quản lý cấp cao WB tại Việt Nam nhấn mạnh.

Ông John Nyaga, Chuyên gia quản lý cấp cao WB tại Việt Nam.

 

Hôm nay 29/6, tại Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng đã diễn ra hội thảo “Đổi mới phương pháp đào tạo, cập nhật giáo trình giảng dạy môn kế toán phù hợp với yêu cầu cải cách kế toán trong giai đoạn mới” do Bộ Tài chính và UE-UD phối hợp tổ chức.

Hội thảo diễn ra trong bối cảnh mà giáo dục-đào tạo Việt Nam cần có những đổi thay toàn diện và căn bản ở những nội dung cấp thiết để hội nhập với toàn cầu.

Đặc biệt, trong khuôn khổ Năm APEC 2017, hội thảo quan trọng này diễn ra sau phiên “Đối thoại chính sách cao cấp về Phát triển nguồn nhân lực (từ 11 - 15/5/2017 ở TP Hạ Long; và là 1 trong 6 hội nghị có ý nghĩa quan trọng định hướng các kết quả của hợp tác của APEC trong năm 2017).

Chính vì vậy, nội dung đặc biệt quan trọng mà hội thảo tập trung thảo luận là sớm áp dụng IFRS vào hệ thống kế toán Việt Nam, quan trọng hơn, phải chuẩn bị nguồn nhân lực cho bối cảnh “chuẩn mực kế toán phải đạt được các yêu cầu như phân tích, xét đoán bản chất kinh tế của giao dịch; có khả năng trình bày và cung cấp thông tin….) chứ không đơn thuần “là ghi chép trên tài khoản, ghi sổ kế tóan, hạch toán, tuyệt đối hóa các quy định,…”. 

Và các chuyên gia trong nước và quốc tế khi bàn về vấn đề này đều có điểm chung: Đổi mới ngay từ nội dung và phương pháp đào tạo; phải chuẩn bị ngay nguồn lực con người.

Đón đầu “hậu” APEC 2017 ngay hôm nay

Trả lời câu hỏi của ICT Đà Nẵng, hội thảo ngày hôm nay có ý nghĩa gì trước thềm sự kiện lớn được cả thế giới quan tâm “Tuần lễ Diễn đàn cấp cao APEC” vào tháng 11/2017 đến; Phó GS.TS Đoàn Ngọc Phi Anh – Trưởng khoa Kế toán, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng nói ngay: “Đây là hội thảo đón đầu. Bởi sau Tuần lễ Diễn đàn cấp cao APEC diễn ra vào cuối năm nay, Việt Nam sẽ phải “chơi trên một sân chơi lớn hơn” và phải tuân thủ các định chế về báo cáo theo thông lệ quốc tế, trong đó có IFRS.

PGS.TS. Đoàn Ngọc Phi Anh - Trưởng khoa Kế toán - Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng


Chúng tôi tiên phong phối hợp cùng Bộ Tài chính tổ chức hội thảo này không ngoài mục đích “tìm kiếm tiếng nói chung” từ 3 Nhà. Đó là Nhà hoạch định chính sách (Bộ Tài chính) – Nhà tuyển dụng lao động (Cộng đồng doanh nghiệp) và Nhà đào tạo (các Trường, Học viện). Tầm nhìn về đào tạo nguồn nhân lực kể từ hội thảo này, sắp đến, sẽ phải khác trước rất nhiều. Không chỉ là nguồn lực làm việc ở các doanh nghiệp vừa, nhỏ trong nước mà phải hướng đến làm việc cho các Công ty, Tập đoàn liên quốc đa quốc gia.

Ngay cả doanh nghiệp trong nước, người học cũng phải được chuẩn bị kỹ năng để làm việc theo những nguyên tắc, tiêu chuẩn, đòi hỏi mới theo IFRS. Chúng tôi cho rằng đây là bước đột phá rất lớn, đổi mới toàn bộ cục diện đào tạo kế toán ở Việt Nam. 

Chúng ta muốn hội nhập với kinh tế toàn cầu, chúng ta phải chấp nhận những nguyên tắc chung. Và IFRS là một trong những nguyên tắc đó!”.

APEC ra đời cách đây gần 3 thập kỷ và có 21 nền kinh tế thành viên. Việt Nam chúng ta gia nhập diễn đàn này được gần 20 năm, nhưng đây đã là lần thứ hai Việt Nam được chọn là quốc gia tổ chức các sự kiện APEC.

Điều này cho thấy sự tín nhiệm cao của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam. Và cũng chính sự tín nhiệm này, Việt Nam càng phải thể hiện rõ hơn “bản lĩnh thích nghi và hội nhập”.

Việc tổ chức thành công hội nghị APEC 2017 được kỳ vọng sẽ không chỉ đem lại cho Việt Nam những đánh giá cao trong công tác tổ chức, mà còn thể hiện vai trò người dẫn đường của Việt Nam trong diễn đàn vào một thời điểm thế giới đối mặt nhiều thách thức.

Xét riêng trên các khía cạnh kinh tế, với trách nhiệm “người dẫn đường”, Việt Nam chúng ta đã xây dựng hoàn chỉnh nội dung 4 ưu tiên hợp tác của Năm APEC 2017, gồm: Thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm. Thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực sâu rộng. Nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu. Và 4 đề xuất này đều được các thành viên đồng thuận.

APEC 2017 được giới quan sát nhìn nhận “mang lại cơ hội tốt cho doanh nghiệp Việt Nam để tác động tích cực vào việc thay đổi thể chế, chính sách”.

Trước Tuần lễ Diễn đàn cấp cao APEC tại Đà Nẵng (tháng 11/2017), có hơn 200 sự kiện lớn nhỏ, 8 hội nghị bộ trưởng, cấp bộ trưởng, tương đương bộ trưởng (SOM) diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước (Nha Trang, Hà Nội, Hạ Long, TP.Hồ Chí Minh) và sự kiên được mong chờ nhất đối với với phía doanh nghiệp (cũng trong thời gian Tuần lễ Diễn đàn cấp cao APEC tại Đà Nẵng) là “Hội nghị thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC” (ước tính có hơn 1.000 doanh nghiệp quốc tế thuộc các quốc gia thành viên APEC đến Việt Nam trong dịp diễn ra sự kiện APEC 2017).

Và điểm “hội tụ Đà Nẵng của Năm APEC 2017” sẽ là nơi diễn ra các hoạt động tương tác gần gũi, thiết thực giữa doanh nghiệp với các quan chức cao cấp, các nhà hoạch định chính sách.

Chính sự tương tác này và cùng với sự quan tâm, lắng nghe của các nhà hoạch định chính sách sẽ chuyển hóa thành những chính sách, những cam kết của APEC đem lại tác động thuận lợi cho quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Việc áp dụng IFRS trong một tương lai sớm và rất gần của Việt Nam – mà hội thảo “Đổi mới phương pháp đào tạo, cập nhật giáo trình giảng dạy môn kế toán phù hợp với yêu cầu cải cách kế toán trong giai đoạn mới” do Bộ Tài chính và DUE phối hợp tổ chức (diễn ra hôm nay 29/6/2017, cũng tại Đà Nẵng), được xem là bước khởi động rất quan trọng để sẵn sàng hơn trong thực hiện 2/4 mục tiêu hợp tác APEC do chính Việt Nam đề xuất, đó là “Thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực sâu rộng. Nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa...”.

Loại bỏ bớt bất hợp lý theo lộ trình từ IFRS hướng đến APEC

Theo ông Trịnh Đức Vinh – Phó Vụ trưởng, Vụ Chế độ Kế toán và Kiểm toán, Bộ Tài chính – từ nay đến 2020, Bộ Tài chính sẽ lần lượt sửa đổi 26 điểm đã ban hành của Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) và bổ sung thêm những điều khoản mới cho VAS, để bảo đảm rằng VAS là sự hội tụ, tích hợp của IFRS, nói cách khác phải bảo đảm rằng VAS tương thích đến 90% với IFRS.



Từ bên phải sang:ông Trịnh Đức Vinh – Phó Vụ trưởng, Vụ Chế độ Kế toán và Kiểm toán, Bộ Tài chính ;Ông John Nyaga - Chuyên gia quản lý cấp cao WB tại Việt Nam và bà Đặng Mai Trang- Đại diện Viện Kiểm toán Công chứng Vương quốc Anh và xứ Wales.


Báo cáo của Vụ Chế độ Kế toán và Kiểm toán (Bộ Tài chính) tại Hội thảo, phân tích rõ hơn:


Trong những năm 2001 đến 2005, Việt Nam đã nghiên cứu, xây dựng và ban hành 26 Chuẩn mực kế toán dựa trên hệ thống Chuẩn mực kế toán quốc tế tại thời điểm đó. Sau hơn 10 năm áp dụng, không thể phủ nhận những đóng góp to lớn của Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) trong việc nâng cao tính minh bạch và độ trung thực của báo cáo tài chính, cung cấp những thông tin có chất lượng, phù hợp với trình độ quản lý và đặc thù của nền kinh tế.

Tuy nhiên trong giai đoạn hiện nay, do sức ép từ việc cải cách thể chế cũng như yêu cầu của nền kinh tế, VAS ngày càng bộc lộ nhiều hạn chế, một số nội dung chưa theo kịp với các thay đổi giao dịch của nền kinh tế thị trường, nhất là trong bối cảnh hoạt động tái cấu trúc doanh nghiệp, tổ chức tài chính và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước đang diễn ra mạnh mẽ, xuất hiện ngày càng nhiều các loại công cụ tài chính phức tạp.

Theo đánh giá của các định chế tài chính quốc tế và giới chuyên môn, sự khác biệt giữa VAS và IFRS hiện nay còn tương đối lớn, thậm chí khác biệt lớn giữa 2 hệ thống, do vậy, đã tạo ra một số rào cản và làm giảm niềm tin cho các Nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Việc chưa ban hành một số Chuẩn mực quan trọng như công cụ tài chính, tổn thất tài sản,… khiến các doanh nghiệp chưa có căn cứ pháp lý để ghi nhận các khoản tổn thất một cách kịp thời, các công cụ tài chính phái sinh chưa được sử dụng rộng rãi để phòng ngừa rủi ro cho hoạt động kinh doanh.

Và một đất nước có tỷ trọng nông nghiệp còn chiếm phần lớn trong nền kinh tế như Việt Nam lại chưa có Chuẩn mực kế toán cho lĩnh vực nông nghiệp.

Rõ ràng, đây là những bất hợp lý mà chúng ta phải loại bỏ để hội nhập sâu rộng hậu APEC 2017.

Đón những dòng vốn mát lành mới cho phát triển "không nợ công"

từ trái ảnh sang: PGS.TS Trần Đình Khôi Nguyên- Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế (Đai học Đà Nẵng) ; ông Phan Xuân Vạn - Tổng Giám đốc Công ty Kiểm toán AAC.
Trở lại với ý kiến phân tích của chuyên gia quản lý cấp cao WB tại Việt Nam, ông John Nyaga, thì khi các dòng vốn ODA từ WB ngưng chảy (từ 1/7/2017) vào Việt Nam. Việt Nam sẽ đón các dòng vốn mới.

Đó là vốn của các nhà đầu tư lớn, các doanh nhân nổi tiếng trên toàn cầu. Và IFRS là công cụ để giúp các bạn biết nhà đầu tư đó là ai, có bảo đảm không ? Còn ở chiều ngược lại, nhà đầu tư ấy cũng cần biết doanh nghiệp Việt Nam mà họ sẽ liên doanh, hợp tác lâu dài ngay tại Việt Nam như thế nào qua IFRS.

Ở góc nhìn này, IFRS như một công cụ minh bạch và tin cậy để cả hai phía biết tiềm lực và uy tín của nhau.

Được biết, hiện nay chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) đang ngày càng được thừa nhận rộng rãi. Theo tài liệu của Ủy ban chuẩn mực kế toán quốc tế, đến năm 2016 đã có 131/143 quốc gia và vùng lãnh thổ (chiếm tỷ lệ 93%) đã tuyên bố chính thức về việc áp dụng với các hình thức khác nhau. 

Trong đó, có 119/143 (chiếm tỷ lệ 83,2%) quốc gia và vùng lãnh thổ đã yêu cầu bắt buộc sử dụng các chuẩn mực của IFRS đối với tất cả hoặc hầu hết các công ty đại chúng trong nước. Ngay cả Hoa Kỳ, quốc gia có truyền thống áp dụng riêng các nguyên tắc kế toán được chấp nhận (US GAAP) cũng đang trong quá trình hợp nhất US GAAP và IFRS.

Còn theo tài liệu của Ủy ban quốc gia APEC Việt Nam, hiện 13 trong tổng số 15 các hiệp định thương mại tự do của Việt Nam là với 18 nền kinh tế thành viên APEC. 7 nền kinh tế thành viên APEC hiện nằm trong top 10 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Malaysia, và Singapore.

Vì vậy, ngoài việc đóng góp vào thành công chung của hợp tác đa phương APEC 2017, Việt Nam còn có cơ hội đưa mối quan hệ song phương với các nền kinh tế thành viên APEC lên một tầm cao mới với chiều sâu và hiệu quả hơn nữa.

Và một khi vị thế của đất nước được nâng cao trên trường quốc tế, quan hệ song phương với các đối tác cấp quốc gia ngày càng mở rộng, thì đó cũng là cơ hội vàng để các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm đối tác kinh doanh, có nhiều môi trường mới để kết nối với các doanh nghiệp hàng đầu thế giới. Nhất là các nền kinh tế năng động hàng đầu khu vực và thế giới.

APEC 2017 với sự chủ trì và dẫn dắt của Việt Nam dự kiến sẽ đưa ra những sáng kiến, biện pháp và chính sách cụ thể, thiết thực nhằm tạo ra những lợi ích gắn liền với người dân và doanh nghiệp trong khu vực. Thực thi IFRS là một trong những nền tảng tài chính vô cùng có ý nghĩa để tạo ra lợi ích đó.

Một báo cáo của Vụ nhìn nhận “Vào khoảng 10 năm trước đây, ý tưởng về việc áp dụng nguyên mẫu IFRS tại Việt Nam đã được đề cập, nhưng còn khá xa vời vì những hạn chế trong nhận thức và cách tiếp cận. Trong bối cảnh trên, nhu cầu này đòi hỏi phải xúc tiến sớm quá trình hài hòa, thống nhất chuẩn mực kế toán quốc gia với chuẩn mực kế toán quốc tế, như vậy mới tạo ra một ngôn ngữ chung về kế toán, giúp thúc đẩy môi trường kinh doanh, tạo dựng niềm tin cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế”.

Như vậy, Việt Nam phải tranh thủ tốt nhất những cơ hội của 2017, nhất là các sự kiện của Diễn đàn cấp SOM APEC đã và đang diễn ra và điểm hội tụ sẽ là Tuần lễ Diễn đàn cấp cao; Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp diễn ra ở Đà Nẵng.


TP Đà Nẵng là nơi diễn ra Tuần lễ diễn đàn cấp cao và Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC 2017. Là địa phương đại diện Việt Nam đăng cai, Đà Nẵng sẽ tranh thủ lợi thế này, phát triển Kinh tế biển đúng với vị trí cửa ngõ phía Đông hành lang kinh tế Đông-Tây (East-West Economic Corridor - EWEC) -Ảnh:Cảng Tiên Sa Đà Nẵng

“Hội  nhập quốc tế rõ ràng là một xu hướng đúng đắn và trong quá trình đó, việc xây dựng một môi trường thông tin minh bạch, có tính thống nhất so với các thông lệ quốc tế có ý nghĩa rất lớn, làm giảm chi phí xã hội và tạo điều kiện giao thương quốc tế.

Trong bối cảnh Bộ tài chính đang có kế hoạch vận dụng đầy đủ chuẩn mực trình bày báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) vào năm 2020, công tác đào tạo có ý nghĩa vô cùng quan trọng để có thể cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng trong thời gian tới. 
Tôi cho rằng, cũng cần phải tính tới những thay đổi của IFRS trong thời gian tới để khi triển khai ở Việt Nam sẽ không bị lạc hậu như trong thời gian vừa qua. Bản chất của Chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS)/IFRS là một bộ các nguyên tắc kế toán chứ không phải là một chế độ kế toán. Do vậy, nó có tính linh hoạt rất cao, mang dáng dấp của hệ thống thông luật ở các Nước. Đặc điểm này đòi hỏi người làm kế toán phải linh hoạt, có tư duy phân tích, liên hệ để lựa chọn một phương pháp hạch toán phù hợp. Chính điều này sẽ phải thay đổi đáng kể phương pháp giảng dạy và đào tạo. Theo tôi cần đổi mới sớm ở 3 nội dung : Phương pháp giảng dạy; Tài liệu học tập và Chương trình đào tạo” - PGS.TS Trần Đình Khôi Nguyên - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế (Đai học Đà Nẵng) nhấn mạnh.

Bài và ảnh: Trần Ngọc

 



 


Nghiên cứu khoa học

Giới thiệu

Chiến lược Khoa học & Công nghệ

Công trình khoa học

Tư vấn chính sách

Hội nghị - Hội thảo

Tạp chí khoa học kinh tế

Sinh viên Nghiên cứu khoa học

Lý lịch nhà khoa học

Nhóm nghiên cứu

Nhóm đọc (Reading group)

Định mức giờ khoa học

Mạng lưới hợp tác KH&CNTin tức - sự kiệnThông báo

Cơ sở dữ liệu KHCN

Văn bản

Liên hệ

Liên hệ

Phòng Khoa học & Hợp tác quốc tế, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng

71 Ngũ Hành Sơn, Tp. Đà Nẵng

(0236) 395-4243

khoahoc@due.edu.vn