DHKT

Tăng cường năng lực ứng phó rủi ro, khủng hoảng trong nền kinh tế thành phố Đà Nẵng

27/10/2022

Sáng 26/10, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc gia về “Thực trạng và giải pháp nhằm tăng cường năng lực ứng phó rủi ro, khủng hoảng trong nền kinh tế thành phố Đà Nẵng”. Đồng phối hợp tổ chức Hội thảo có sự tham gia của các đơn vị: Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Thành phố Đà Nẵng và Hội Khoa học Kinh tế thành phố Đà Nẵng, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Thành phố Đà Nẵng, Viện Khoa học xã hội vùng Trung Trung Bộ, Học viện chính trị Khu vực III, Trường Đại học Đông Á, Trường Đại học Duy Tân, Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng.


Hội thảo khoa học quốc gia về “Thực trạng và giải pháp nhằm tăng cường năng lực ứng phó rủi ro, khủng hoảng trong nền kinh tế thành phố Đà Nẵng” tập trung làm rõ các khía cạnh lý thuyết và kết quả phân tích thực trạng năng lực ứng phó rủi ro, khủng hoảng của nền kinh tế thành phố trong những năm qua (đặc biệt là trong đại dịch Covid-19 vừa qua). Từ đó đề xuất những định hướng lớn và các giải pháp cụ thể nhằm tăng cường năng lực ứng phó với rủi ro, khủng hoảng của nền kinh tế thành phố trong tương lai. Bên cạnh đó, Hội thảo là dịp để kết nối các nhà khoa học, các nhà quản lý kinh tế đang sinh sống, làm việc tại Đà Nẵng, trong cả nước và quốc tế giao lưu, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về quản lý và kiểm soát khủng hoảng nói riêng và các vấn đề quản lý kinh tế khác được quan tâm.


PGS.TS. Võ Thị Thúy Anh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, ĐHĐN phát biểu khai mạc Hội thảo DANEC-2022

PGS.TS. Lê Văn Huy - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, ĐHĐN trao hoa cảm ơn các Đơn vị đồng tổ chức

Tháo gỡ những vướng mắc

Đại dịch Covid-19 cũng như những diễn biến bất thường của thiên tai thời gian vừa qua khiến nền kinh tế thành phố Đà Nẵng suy giảm tăng trưởng chưa từng có. Năm 2020, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thành phố Đà Nẵng chỉ đạt 61,67 nghìn tỷ đồng và lần đầu tiên tăng trưởng xuống mức âm 8,2% (so với năm 2019) sau hơn 25 năm xây dựng và phát triển. Đến năm 2021, GRDP thành phố có cải thiện, tăng 0,18% so với năm 2020; quy mô GRDP của thành phố năm 2021 chỉ tương đương khoảng 91,98% của năm 2019. Nếu kinh tế thành phố không bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, với tốc độ tăng trưởng dự kiến 7,71% thì GRDP năm 2021 lớn hơn GRDP năm 2019 là 15,42%. Những số liệu trên có thể thấy rằng thành phố Đà Nẵng nằm trong nhóm địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất và dễ bị tổn thương nhất bởi các biến cố thiên tai, dịch bệnh.

PGS.TS. Đào Hữu Hòa, Phó chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Đà Nẵng trình bày báo cáo đề dẫn 

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, PGS.TS. Võ Thị Thúy Anh nhấn mạnh: “Một câu hỏi quan trọng cần giải quyết là làm thế nào để quản trị khủng hoảng, ứng phó rủi ro ở gốc độ kinh tế địa phương, doanh nghiệp? Làm thế nào để xây dựng được các kịch bản để nâng cao năng lực cảnh báo sớm cho thành phố Đà Nẵng? Tôi tin tưởng rằng các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách và các nhà nghiên cứu tham dự Hội thảo hôm nay sẽ đề xuất được các giải pháp nhằm nâng cao những năng lực ứng phó với rủi ro, xử lý khủng hoảng cho kinh tế thành phố Đà Nẵng”.

Con người đang đứng trước hàng loạt vấn đề gay gắt mang tính toàn cầu là sự thật. Những vấn đề đó đã, đang tồn tại và có xu hướng gia tăng về số lượng, quy mô và mức độ. Tổng thể các vấn đề toàn cầu bao gồm nhiều dạng thức khác nhau: từ những mâu thuẫn trong các quan hệ quốc gia, dân tộc cũng như các vấn đề lợi ích kinh tế, vấn đề lãnh thổ, quân sự, chính trị; những mâu thuẫn giữa các hành vi của con người đối với tự nhiên, môi trường sinh thái... Từ những vấn đề đó, báo cáo đề dẫn “Năng lực ứng phó với rủi ro, khủng hoảng và những vấn đề đặt ra” của PGS.TS. Đào Hữu Hòa - Tổng thư ký Hội Khoa học Kinh tế thành phố Đà Nẵng đã đặt ra những câu hỏi lớn: Các nguy cơ nào làm khởi phát rủi ro, khủng hoảng  và những tác động của nó đến nền kinh tế trong điều kiện toàn cầu hóa và biến đổi khí hậu? Cộng cụ và phương pháp nào có thể sử dụng để đo lường “Năng lực ứng phó rủi ro, khủng hoảng”? Các yếu tố nào có ảnh hưởng đến “Năng lực ứng phó rủi ro, khủng hoảng” của nền kinh tế? Các chiến lược, các công cụ và giải pháp nào có thể sử dụng để ứng phó khi xuất hiện rủi ro, khủng hoảng? Những bài học ứng phó với rủi ro, khủng hoảng về kinh tế  của các quốc gia, địa phương trong và ngoài nước? Năng lực ứng phó rủi ro, khủng hoảng của nền kinh tế thành phố Đà Nẵng? Phương hướng và giải pháp nào cần thực hiện nhằm tăng cường năng lực ứng phó rủi ro, khủng hoảng cho nền kinh tế thành phố Đà Nẵng trong tương lai?



Các đại biểu trình bày báo cáo tham luận

Giải pháp bám sát thực tiễn

Ban tổ chức Hội thảo Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng vinh dự nhận được 30 bài tham luận từ các nhà khoa học trên cả nước. Các đại biểu tại các phiên thảo luận Hội thảo đã đặt ra nhiều vấn đề cấp thiết, đề xuất những giải pháp bám sát với thực tiễn tại thành phố Đà Nẵng.

Qua việc phân tích các tác động của các cú sốc, áp lực của các vấn đề an ninh phi truyền thống (ANPTT) đến các khu vực kinh tế thành phố Đà Nẵng, nhóm tác giả TS. Hoàng Văn Long - Đoàn Thị Ngọc Hà, Trần Phương Thảo đã đặt ra những vấn đề trong báo cáo tham luận “Đánh giá tác động từ cú sốc, áp lực các vấn đề an ninh phi truyền thống (ANPTT) đến phát triển kinh tế bền vững trên địa bàn thành phố đà nẵng: nghiên cứu trường hợp của đại dịch Covid-19”: thông qua nghiên cứu điển hình Covid-19 đến các khu vực kinh tế của thành phố là nghiêm trọng và không đồng đều giữa các khu vực kinh tế. Sự phụ thuộc vào thị trường bên ngoài là khá lớn, đặc biệt là khu vực Công nghiệp và xây dựng, dẫn đến sự đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu chủ động về nguồn cung cũng như ảnh hưởng nặng nề đến việc xuất khẩu. Với cơ cấu kinh tế thiên về khu vực dịch vụ (Dịch vụ - Công nghiệp và xây dựng - Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm - Nông, lâm nghiệp và thủy sản), đây lại là lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 và sự hồi phục phụ thuộc rất lớn vào thị trường bên ngoài (đặc biệt là lĩnh vực du lịch).



Các đại biểu trao luận thảo luận tại Hội thảo

Từ đó, nhóm tác giả trên đã đưa ra các giải pháp để giảm thiểu những tác động tiêu cực và nâng cao khả năng chống chịu cho các khu vực kinh tế những vấn đề đặt ra cho thành phố Đà Nẵng là: Thu hút nhân lực trở lại làm việc sau covid-19, Chuyển đổi cơ cấu kinh tế sang các ngành kinh tế mũi nhọn, Chuyển đổi số nền kinh tế và tăng cường phòng chống những nguy cơ, hiểm họa về y tế, sức khỏe.

Vấn đề “Khai thác du lịch tâm linh tại Đà Nẵng sau tác động của Covid-19” là chủ đề nóng tại Hội thảo. Theo báo cáo tham luận: Trong đại dịch Covid-19, các quốc gia đều áp dụng biện pháp hạn chế đi lại, để phòng ngừa sự lây lan của dịch bệnh. Theo thống kê của UNESCO, trong số 167 quốc gia thành viên có di sản văn hoá, khu du lịch, thì 119 quốc gia (chiếm 71%) đã đóng cửa hoàn toàn, 30 quốc gia đã đóng cửa một phần và chỉ có 18 quốc gia tiếp tục mở cửa các di sản, di tích văn hoá du lịch . Đại dịch Covid-19 đã dẫn đến nhiều hậu quả tiêu cực về kinh tế, xã hội và ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của dân số trên toàn thế giới, trong đó không ít người mắc rối loạn lo âu hậu Covid-19.

Nhiều vấn đề sôi nổi được đưa ra thảo luận tại Hội thảo

Đối với Đà Nẵng, ngay từ giữa tháng 3/2022 hoạt động du lịch đã có nhiều khởi sắc. Từ đầu năm đến nay, nhiều khu, điểm du lịch đón được lượng khách lớn như Khu du lịch Sun World Bà Nà Hills đón được hơn 350 nghìn lượt khách, tăng 95% so với cùng kỳ năm 2021; Danh thắng Ngũ Hành Sơn đón gần 135.000 lượt khách…; công suất buồng phòng bình quân vào dịp cuối tuần với các chính sách khuyến mại tại một số khách sạn ven biển đạt 70 - 75% (cao hơn so với trước khi mở cửa lại du lịch). Từ ngày 21/02 - 21/5/2022, khi bắt đầu áp dụng Chính sách M.I.C.E Đà Nẵng năm 2022, Sở Du lịch đã tiếp nhận tư vấn và thực hiện đón 18 đoàn khách M.I.C.E với hơn 7.200 lượt khách (trong đó có 04 đoàn từ 700 khách trở lên, 4 đoàn từ 300-700 khách và 10 đoàn trên 100 khách), tăng gấp 8 lần so với cùng kỳ năm 2021. Lũy kế 8 tháng đầu năm 2022, tổng lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt gần 2,4 triệu lượt, tăng 125,7% so với cùng kỳ. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 221 nghìn lượt, tăng 144,9% so với cùng kỳ năm 2021; khách nội địa ước đạt 2,14 triệu lượt, tăng 123,9% so với cùng kỳ năm 2021. Doanh thu dịch vụ lưu trú và lữ hành ước đạt 4.939,3 tỷ đồng, tăng 2,4 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Qua những thống kê trên, hậu Covid-19, du khách đến Đà Nẵng rất đông. Tuy nhiên, các tour du lịch về tâm linh chưa được chú trọng. Từ đó, nhóm tác giả đã đưa ra các giải pháp khai thác du lịch tâm linh tại Đà Nẵng hậu Covid -19 như sau: Những cơ quan có thẩm quyền cần định hướng, xây dựng các phương án, thống nhất lựa chọn các điểm đến có thể khai thác du lịch. Sau đó cần phối hợp với các công ty du lịch  để đưa kế hoạch đầu tư, phát triển sản phẩm du lịch tâm linh bao gồm xây dựng các tuyến điểm nhất định. Xây dựng sản phẩm du lịch tâm linh cần theo quy hoạch không gian phát triển các khu, điểm du lịch tâm linh, hướng đến độ tinh tế đáp ứng đúng các nhu cầu về tâm linh của du khách. Tập trung nguồn lực, tạo cơ chế huy động nguồn lực đầu tư vào các khu, điểm du lịch tâm linh dựa trên quy hoạch các khu, điểm du lịch tâm linh đó. Đồng thời, phát huy vai trò của cộng đồng dân cư, mang lại sự hưởng lợi tối đa cho cộng đồng dân cư tại điểm du lịch tâm linh.

Bên cạnh đó, Hội thảo cũng dành thời gian trao đổi các vấn đề nổi bật khác như quản trị nguồn nhân lực, mô hình ứng phó rủi ro tại Hòa Xuân thông qua mô hình….

Với tinh thần khoa học, sự khách quan và trách nhiệm đối với cộng đồng, các nhà khoa học, các nhà quản lý cùng tất cả các chuyên gia đã cùng nhau thảo luận, trao đổi và góp sức để có được tiếng nói chung cùng đưa ra các giải pháp nhằm tăng cường năng lực ứng phó rủi ro, khủng hoảng trong nền kinh tế thành phố Đà Nẵng.



Trung tâm CNTT&TT


Nghiên cứu khoa học

Giới thiệu

Chiến lược Khoa học & Công nghệ

Công trình khoa học

Tư vấn chính sách

Hội nghị - Hội thảo

Tạp chí khoa học kinh tế

Sinh viên Nghiên cứu khoa học

Lý lịch nhà khoa học

Nhóm nghiên cứu

Nhóm đọc (Reading group)

Định mức giờ khoa học

Mạng lưới hợp tác KH&CNTin tức - sự kiệnThông báo

Cơ sở dữ liệu KHCN

Văn bản

Liên hệ

Liên hệ

Phòng Khoa học & Hợp tác quốc tế, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng

71 Ngũ Hành Sơn, Tp. Đà Nẵng

(0236) 395-4243

khoahoc@due.edu.vn