DHKT

Chuyên ngành THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ

CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO CỬ NHÂN
NGÀNH HỆ THỐNG THÔNG TIN QUẢN LÝ - CHUYÊN NGÀNH THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ

Thương mại điện tử là gì ?
     Thương mại điện tử, E-Commerce (TMĐT) là mô hình bán hàng thông qua các hình thái hoạt động kinh doanh bằng các phương pháp điện tử và Internet. Hoạt động kinh doanh bao gồm giao dịch, trao đổi thông tin kinh doanh, mua bán, thanh toán, đặt hàng, quảng cáo và giao hàng.
     Chương trình đào tạo cử nhân Hệ thống thông tin quản lý - Chuyên ngành TMĐT, nhằm trang bị cho người học các kiến thức toàn diện về lĩnh vực thương mại, kinh tế và quản trị kinh doanh, marketing, mua bán, phân phối và thanh toán thông qua các phương tiện điện tử; am hiểu về CNTT nhằm cung cấp nguồn nhân lực thương mại điện tử chất lượng cao; có kiến thức và kỹ năng chuyên sâu về TMĐT; có chuyên môn, năng lực và kỹ năng nghề nghiệp vững vàng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế và xã hội trong thời đại mới.

Sinh viên sẽ học được những gì?

  • Kiến thức

    Kiến thức cơ bản:

- Hiểu rõ những kiến thức cơ bản về lý luận chính trị;

- Am hiểu những kiến thức cơ bản về kinh tế - xã hội, kinh doanh và quản lý, tài chính;
- Am hiểu những kiến thức cơ bản về toán ứng dụng trong kinh tế và kinh doanh.

    Kiến thức nghề nghiệp:

- Hiểu rõ những hệ thống thông tin quản lý trong các tổ chức và doanh nghiệp;
- Am hiểu những nguyên lý cơ bản về lập trình, mạng và truyền thông dữ liệu;
- Nắm vững qui trình xây dựng và triển khai những dự án công nghệ thông tin;
- Vận dụng kiến thức công nghệ thông tin nhằm quản trị dữ liệu trong các tổ chức và doanh nghiệp đảm bảo chính xác, kịp thời, đầy đủ, an toàn và bảo mật;
- Xây dựng và quản trị những website phục vụ hoạt động kinh doanh;
- Vận dụng những mô hình kinh doanh phù hợp trong môi trường kinh doanh điện tử;
- Vận dụng công nghệ thông tin nhằm quản trị các giao dịch, quan hệ khách hàng, chuỗi cung ứng... một cách an toàn, hiệu quả;
- Xây dựng và quản trị các chiến lược marketing điện tử;
- Xây dựng và quản trị chiến lược phát triển thương mại điện tử;
- Thiết kế và thực hiện các nghiên cứu thương mại điện tử đáp ứng nhu cầu thông tin đa dạng của các cấp trong ra quyết định.

 

  • Kỹ năng

    Kỹ năng cơ bản

Kỹ năng truyền thông: Có khả năng thuyết trình, truyền đạt thông tin;
Kỹ năng làm việc nhóm: Có khả năng phác thảo, định hướng, xây dựng mối quan hệ như gắn kết, tạo động cơ, đồng cảm, chia sẻ trong công việc;
Kỹ năng quản lý và lãnh đạo: Có khả năng điều khiển, phân công, đánh giá, phát triển và duy trì mối quan hệ với đồng nghiệp và đối tác, khả năng ra quyết định, tạo và thực hiện sự thay đổi trong đơn vị;
Kỹ năng tự chủ: Có khả năng quản lý bản thân và quản lý công việc;
Kỹ năng về ngoại ngữ: Có khả năng giao tiếp, làm việc với trình độ tiếng Anh tương đương bậc 3/6 – Khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam.

    Kỹ năng nghề nghiệp

Kỹ năng công nghệ thông tin: Sử dụng thành thạo các công cụ công nghệ thông tin để quản trị dữ liệu, phát triển các ứng dụng web phục vụ hoạt động thương mại;

Kỹ năng Marketing và kinh doanh điện tử: Vận dụng thành thạo các công cụ Marketing trong môi trường kinh doanh điện tử.
Kỹ năng phân tích kinh doanh: Có khả năng phân tích, đánh giá kết quả kinh doanh với những công cụ và phương pháp thích hợp, từ đó đề xuất những chính sách kinh doanh phù hợp;
Tư duy chiến lược và giải quyết vấn đề: Có khả năng nhận thức và đo lường ảnh hưởng của những yếu tố chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội đến sự phát triển thương mại điện tử và đề xuất những giải pháp thích hợp;


  • Thái độ

Chính trực và tôn trọng cá nhân: đề cao sự đa dạng, tôn trọng quyền lợi và sự khác biệt giữa các cá nhân;
Tự tin, thân thiện và hợp tác: phải tin tưởng vào chính năng lực chuyên môn của mình, đồng thời phải thân thiện và sẵn sàng hợp tác với đồng nghiệp và đối tác;
Tích cực đổi mới trong công việc, sẵn sàng trải nghiệm, học tập suốt đời: luôn nhận thức rằng hoạt động thương mại điện tử biến động không ngừng và đòi hỏi sẵn sàng trải nghiệm, tích cực học tập, học tập suốt đời để thích nghi và phát triển nghề nghiệp;
Tuân thủ quy định pháp luật và hành vi phù hợp: am hiểu và thực hiện mọi hành vi phù hợp với yêu cầu của pháp luật và những qui định, qui chế của tổ chức và doanh nghiệp;
Quyết định dựa trên nền tảng đạo lý: ra quyết định trên cơ sở cân nhắc các yếu tố đạo đức cá nhân, đạo đức xã hội và đạo đức nghề nghiệp.


Tại sao sinh viên nên chọn học ngành này?
     Khi công nghệ số lên ngôi, xu hướng kinh doanh đang dần chuyển sang trực tuyến và chiếm phần lớn doanh thu cũng như thị phần của các ngành nghề kinh doanh hiện nay. Việc trao đổi, mua - bán sẽ hoàn toàn thông qua mạng, và một người hoàn toàn có thể làm việc và kinh doanh tại nhà thông qua Internet. Đây chính là xu hướng của thế giới trong thế kỷ 21 và nó sẽ tạo ra vô số cơ hội việc làm.

     Sự sẵn sàng từ phía người tiêu dùng, tâm lý và hành vi mua sắm của người Việt Nam đã thay đổi rất lớn trong việc mua - bán trực tuyến, vì vậy những người gia nhập ngành càng sớm, sẽ có nhiều cơ hội học hỏi và phát triển với nghề hơn bao giờ hết.
Vì vậy, nếu bạn nắm bắt và làm tốt ngay từ bây giờ thì sẽ có cơ hội thăng tiến rất cao. Vì thực tế TMĐT là ngành mới ở Việt Nam, nếu bạn rành rẽ và hiểu biết tốt về nó, bạn có khả năng sở hữu công việc với mức lương cao hơn các công việc khác.
 
Học xong sinh viên có thể làm gì?

  • Làm việc ở đâu ?

- Doanh nghiệp thương mại dịch vụ, đầu tư có ứng dụng TMĐT;
- Bộ phận purchasing, logistic tại các công ty liên doanh, công ty nước ngoài;
- Các bộ phận Nghiên cứu và Phát triển (R&D) TMĐT ở các tổ chức kinh tế, tổ chức phi lợi nhuận, các viện nghiên cứu, các trường trung học, trung cấp, cao đẳng, đại học, các viện nghiên cứu;
- Bộ phận CNTT, Cổng thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị Nhà nước;
- Các trang báo điện tử;
- Các Trung tâm, Viện nghiên cứu;
- Các trường Trung học, Trung cấp, Cao đẳng, Đại học;
- Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp khác,…

  • Các công việc có thể đảm nhận:

- Chuyên viên Kinh doanh và kinh doanh điện tử;
- Chuyên viên Marketing trực tuyến;
- Chuyên viên Quản trị cung ứng, kho hàng;
- Chuyên viên tại Bộ phận thanh toán điện tử, kế toán, tài chính, ngân hàng, … liên quan tới TMĐT;
- Chuyên viên Quản trị dự án, Trưởng nhóm TMĐT;
- Chuyên viên Phân tích, thiết kế, triển khai và quản trị website TMĐT;
- Chuyên viên tại các Trung tâm TMĐT, Trung tâm xúc tiến thương mại và Công nghệ thông tin các tỉnh thành phố, các cơ quan hành chính Nhà nước;
- Chuyên viên nghiên cứu tại các Viện nghiên cứu về kinh tế và công nghệ thông tin;
- Cán bộ, giảng viên, giáo viên tại các trường Trung học, Trung cấp, Cao đẳng, Đại học.