DHKT

Công nghiệp CNTT và nhân lực chất lượng cao là chìa khóa thành công của CNH-HĐH tại Việt Nam

13/02/2017

GS.TS Trần Văn Thọ - GS chuyên ngành Kinh tế học của Trường Đại học Waseda (Nhật Bản) - đã kết luận như trên tại buổi nói chuyện chuyên đề "Công nghiệp hóa Việt Nam trong giai đoạn mới" diễn tại tại trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) sáng ngày 11/2. Ông khẳng định: Việt Nam chúng ta còn rất nhiều dư địa để tiến sâu vào sản phẩm trung gian ở 2 ngành may mặc và công nghiệp điện tử - một lĩnh vực quan trọng của công nghiệp công nghệ thông tin.


Bên cạnh đó, nếu xét về diện rộng, có 2 lĩnh vực có thị trường lớn và Việt Nam cũng hoàn toàn có lợi thế, nếu thành công, sẽ thu hút nhiều lao động, giải được bài toán dôi dư quá lớn nguồn lực. Đó là các loại thiết bị, máy móc (của ngành công nghiệp điện tử) và công nghiệp thực phẩm.
Còn nếu xét về chiều sâu, thì rõ ràng quá trình công nghiệp hóa của đất nước những năm qua, nếu chúng ta đã có xuất phát từ lắp ráp, thì hoàn toàn có thể tiến sâu vào sản phẩm trung gian để tăng giá trị tính thêm.
Công nghiệp điện tử, công nghiệp thực phẩm và may mặc là những lợi thế mà Việt Nam cần nỗ lực đẩy mạnh để quá trình công nghiệp hóa diễn ra cả diện rộng và bề sâu, tránh nguy cơ chuyển sang thời đại hậu công nghiệp quá sớm.


Giáo sư Trần Văn  Thọ cũng thẳng thắn phân tích: Những năm qua, công nghiệp hóa của Việt Nam chúng ta không tiến triển mạnh mẽ như các nước đi trước trong giai đoạn dân số vàng. Công nghiệp hóa Việt Nam lại phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI): với 50% giá trị sản lượng công nghiệp và đến 70% giá trị xuất khẩu.

Nhưng bản thân các doanh nghiệp FDI lại ít liên doanh và ít liên kết với doanh nghiệp trong nước, khiến nền kinh tế bị phân thành cơ cấu 2 tầng với 2 khu vực FDI và tư bản trong nước.

Trong khi đó, có hơn 50% FDI lại xuất phát từ những nước thuộc thế hệ công nghiệp hóa thứ IV và thứ V. Hệ quả, là chúng ta đã chấp nhận những dự án FDI chất lượng thấp (gây ô nhiễm môi trường, xung đột quan hệ lao động,…). Các dự án này đều thuộc những nước đã và đang ở thế hệ công nghiệp hóa thứ IV và thứ V ấy.


“Không thể thành công trong công nghiệp hóa nếu chúng ta không tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Cái trước mắt, là chính nguồn nhân lực này mới đáp ứng những nhu cầu trong trào lưu công nghệ mới, và về lâu dài có khả năng thích ứng với sự thay đổi của thị trường, của công nghệ.
Trong lịch sử cận đương đại, Việt Nam thuộc thế hệ công nghiệp hóa thứ VI của thế giới và 2 kênh chủ yếu để chúng ta du nhập các nguồn lực cho quá trình công nghiệp hóa những năm qua là hợp đồng công nghệ và đầu tư FDI.
Nhưng ở kênh 1, chúng ta lại chưa đủ khả năng về lựa chọn công nghệ và điều tra thị trường, kể cả thiếu năng lực kinh doanh. Các doanh nghiệp bản xứ - theo cách gọi kinh tế học – trong bối cảnh Việt Nam đã chưa thể chọn được những hợp đồng công nghệ phù hợp. Và cuối cùng thì chỉ có kênh 2, nổi trội hơn. Nhưng tôi cho rằng, đã đến lúc chúng ta chỉ nên chọn lựa FDI theo hướng: Khuyến khích những dự án công nghệ cao, thân thiện môi trường và chỉ khuyến khích ở những lĩnh vực mà doanh nghiệp trong nước chưa có khả năng.

Trăn trở và tâm nguyện của tôi, đề xuất này của tôi, vừa rồi, tôi cũng có trao đổi với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hà Nội, đó là: “đẩy mạnh du nhập nguồn lực nước ngoài bằng các hình thái ngoài FDI (hợp đồng công nghệ, sản xuất theo ủy thác của doanh nghiệp đa quốc gia,…).
Chính phủ phải xác định lại chiến lược chọn lựa FDI, ưu tiên FDI từ các doanh nghiệp đa quốc gia có uy tín về công nghệ và thanh danh, và có hình thức khuyến khích liên doanh với doanh nghiệp trong nước
” – Giáo sư Trần Văn Thọ nói.


T.Ngọc (ghi) (ictdanang)