DHKT

[SEMINAR] ẢNH HƯỞNG CỦA CƠ CHẾ QUẢN TRỊ CÔNG TY ĐẾN QUYẾT ĐỊNH SỞ HỮU VỐN CỦA CÔNG TY THÂU TÓM: BẰNG CHỨNG THỰC NGHIỆM TỪ THỊ TRƯỜNG M&A VIỆT NAM

Trong khuôn khổ hoạt động nhóm TRT Khoa Tài chính, chiều ngày 07/03/2017, TS. Đặng Hữu Mẫn (Phó Trưởng phòng Khoa học & Hợp tác quốc tế - ĐHKT) đại diện cho nhóm nghiên cứu gồm TS. Đặng Hữu Mẫn, PGS.TS Nguyễn Hoà Nhân và NCS Lê Thuỳ Dung đã có buổi seminar về chủ đề "Ảnh hưởng của cơ chế quản trị công ty đến quyết định sở hữu vốn của công ty thâu tóm. Bằng chứng thực nghiệm từ thị trường M&A Việt Nam" đến các Giảng viên, Nghiên cứu sinh, Học viên cao học, và sinh viên.




Bài báo đã phân tích ảnh hưởng của cơ chế quản trị công ty đến quyết định và mức độ sở hữu cổ phần tại các công ty mục tiêu của các công ty thôn tính ở thị trường Việt Nam, một trong những thị trường mới nổi điển hình chịu ảnh hưởng mạnh của làn sóng cải cách thể chế. Trong nghiên cứu này, các tác giả đã xem xét sử dụng một mẫu gồm 449 thương vụ M&A đã hoàn thành ở Việt nam giai đoạn từ tháng 1/2005 đến tháng 12/2015. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra: (1) Các công ty đi thâu tóm có xu hướng tìm kiếm tỷ lệ sở hữu cổ phần cao hơn ở các công ty mục tiêu có cấu trúc hội đồng quản trị mạnh, vai trò của CEO yếu, và tỷ lệ nắm giữ cổ phần cao của các cổ đông lớn; (2) Ở các công ty mục tiêu có các đặc điểm quản trị như trên thì tỷ lệ sở hữu cổ phần của các công ty thôn tính “trong” và “sau” giao dịch càng lớn.


Kết quả nghiên cứu từ đó cho thấy các công ty đi thâu tóm có xu hướng đánh giá đặc điểm cơ chế quản trị của các công ty mục tiêu như là một phần trong kế hoạch mua lại của họ. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu mở rộng sự hiểu biết về các động cơ và tầm quan trọng của cơ chế quản trị công ty của các công ty mục tiêu trong các thương vụ mua lại ở Việt nam, từ đó nhấn mạnh đến vai trò của sự thay đổi cơ chế quản trị công ty ở Việt Nam trước xu hướng sử dụng các nguồn vốn “ngoại” ngày càng nhiều của các công ty niêm yết trên các sàn chứng khoán Việt Nam.


Xin cảm ơn TS. Đặng Hữu Mẫn cùng tập thể nhóm nghiên cứu và chúc cho tập thể nhóm nghiên cứu sẽ gặt hái được nhiều thành công.