DHKT

Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng phải trở thành địa chỉ đào tạo chứng khoán cho cả khu vực

25/07/2016

(ictdanang) – Ngày 22/7, tại Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng đã diễn ra Hội thảo “Thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam - Sản phẩm và cơ chế vận hành”. Đây là lần đầu tiên trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu khoa học và đào tạo chứng khoán (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) – Chi nhánh TP Hồ Chí Minh và Khoa Ngân hàng (trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh) tổ chức thành công một hội thảo chuyên đề, mà theo TS Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ phát triển thị trường chứng khoán, là hết sức cần thiết.

 

Vụ phát triển thị trường chứng khoán đã bắt tay xây dựng thế hệ Luật Chứng khoán thứ II thay thế toàn bộ Luật Chứng khoán thế hệ thứ I.

Đây sẽ là những yếu tố pháp lý quan trọng để phát huy những giá trị và chức năng của thị trường chứng khoán như thu hút vốn nhàn rỗi vào đầu tư phát triển, điều tiết các nguồn vốn, hoà nhập nền kinh tế thế giới. Quan trọng nhất là sử dụng công cụ chứng khoán để điều tiết vĩ mô và tạo vốn cho nền kinh tế quốc dân.

TS Nguyễn Sơn - Vụ trưởng.

(ảnh chỉ mang tính minh họa)

 

“Không bao lâu nữa, cụ thể là đầu năm 2017, thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam sẽ vận hành với 2 sản phẩm mới là “Hợp đồng giao dịch tương lai dựa trên chỉ số chứng khoán” và “Hợp đồng giao dịch tương lai dựa trên trái phiếu Chính phủ”; chúng ta rất cần đội ngũ những người am hiểu để tư vấn cho nhà đầu tư tham gia thị trường lẫn cung ứng nguồn lực cho các sàn giao dịch. Trong đó, vai trò tư vấn là hết sức quan trọng, tư vấn không chỉ để đầu tư sinh lợi mà còn tư vấn và quản trị để phòng ngừa rủi ro.

Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng phải tham gia vào quy trình đào tạo này và trở thành địa chỉ đào tạo chứng khoán cho cả khu vực miền Trung-Tây Nguyên” - TS Nguyễn Sơn nhấn mạnh.

Được biết, một trong những sự kiện nổi bật và được chờ đợi nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2015 là việc xác lập lộ trình và định hình khung pháp lý cho thị trường chứng khoán phái sinh, cụ thể hóa “Đề án xây dựng và phát triển thị trường thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam” tại Quyết định số 336/QĐ-TTg đã được Thủ tướng Chính phủ ký ngày 11 tháng 03 năm 2015.

TS Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ phát triển thị trường chứng khoán.

-Ảnh: T.Ngọc

Theo đó, ngày 5/5/2015 Thủ tướng đã ban hành Nghị định Số 42/2015/NĐ-CP quy định về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh. Mới đây nhất, ngày 19 tháng 01 năm 2016, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư Số 11/2016/TT-BTC hướng dẫn một số điều của Nghị định Số 42/2015/NĐ-CP và có hiệu lực từ ngày 1/7/ 2016.

“Thị trường chứng khoán phái sinh là cấp độ phát triển cao nhất của thị trường chứng khoán.

Việc xây dựng thị trường chứng khoán phái sinh là điều cần thiết, là xu thế tất yếu nhằm hoàn thiện thị trường vốn Việt Nam, qua đó giúp đẩy mạnh quá trình huy động vốn và khơi thông các nguồn vốn cho đầu tư phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Thực tế phát triển thị trường chứng khoán phái sinh cho thấy vai trò ngày càng quan trọng trong việc quản trị rủi ro của nhà đầu tư cũng như các trung gian tài chính mà thông thường không tạo ra được chỉ với bằng những tài sản cơ sở.


Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán phái sinh cũng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo hiểm, ngăn ngừa rủi ro cho các hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng, đặc biệt là hệ thống các ngân hàng thương mại. Kinh doanh nghiệp vụ phái sinh sẽ làm sản phẩm kinh doanh của ngân hàng thêm đa dạng, phong phú, từ đó làm tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh của các ngân hàng” - Phó GS.TS Võ Thị Thúy Anh - Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) chia sẻ.


Tuy nhiên, bên cạnh những tích cực trên, thị trường chứng khoán phái sinh với cơ chế đòn bẩy cao và các sản phẩm phức tạp cũng tiềm ẩn những rủi ro rất lớn tới thị trường tài chính, do đó việc xây dựng và phát triển thị trường này cũng hết sức nhạy cảm, phức tạp đòi hỏi phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ phía cơ quan quản lý nhà nước cũng như sự chuẩn bị sẵn sàng của các Hội thảo khoa học

Thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam: Sản phẩm và cơ chế vận hành” thực sự là diễn đàn để cơ quan quản lý, các nhà khoa học, các chuyên gia tài chính, nhà đầu tư, đại diện các công ty chứng khoán, các giảng viên cùng nhau trao đổi những kinh nghiệm phát triển thị trường chứng khoán phái sinh các nước, các sản phẩm phái sinh, pháp luật điều chỉnh hoạt động thị trường để từ đó đưa ra những góp ý để xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam. Nhất là góc nhìn có tính đặc thù từ miền Trung Việt Nam.

 

Hội thảo đã chính thức thiết lập cột mốc mới trong quan hệ giữa Đại học Kinh tế-Đại học vùng Đà Nẵng và Trung tâm Nghiên cứu khoa học và đào tạo chứng khoán (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) – Chi nhánh TP Hồ Chí Minh trong liên kết-hợp tác đào tạo và tổ chức các hội thảo chuyên đề.

Trong ảnh: Phó GS.TS Võ Thị Thúy Anh-Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế (Đại học vùng Đà Nẵng) và đại diện lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu khoa học và đào tạo chứng khoán (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) – Chi nhánh TP Hồ Chí Minh trao đổi tặng phẩm lưu niệm, ghi nhớ lần phối hợp và tổ chức thành công hội thảo.

-Ảnh: T.N

 

“Thị trường Việt Nam chứng khoán phái sinh ra đời mang lại những lợi ích, phù hợp với tâm lý của người Việt Nam nói riêng và Á đông nói chung. Đơn cử như lợi thế đòn bẫy.

Đặc trưng của sản phẩm phái sinh là chi phí để sở hữu chúng thường thấp hơn giá trị của tài sản cơ sở rất nhiều, nhưng sản phẩm phái sinh lại cho phép người dùng ghi nhận lợi nhuận hệt như đang nắm giữ tài sản cơ sở. Nói nôm na là số vốn bỏ ra nhỏ nhưng lợi nhuận thu về lại rất lớn. Bên cạnh dó là tăng sức hấp dẫn cho thị trường chứng khoán, thu hút dòng vốn đầu tư từ nhà đầu tư nước ngoài, mở rộng các kênh hợp tác và quan hệ giữa các đối tác … 
Tuy nhiên bên cạnh đó, thị trường này phải luôn được quản lý và vận hành tốt nhất để không hình thành tự phát, không ảnh hưởng lên thị trường chính. Các sản phẩm từ chứng khoán phái sinh luôn được ghi nhận là mang tính phát triển năng động và rất hiệu quả nhưng đi kèm theo đó cũng rất rủi ro.
Từ nay đến đầu năm 2017 không còn nhiều và chúng ta phải chuẩn bị rất kỹ để thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam đi vào hoạt động. Truyền thông, tác động nhận thức, vừa chỉ ra lợi ích vừa có những khuyến cáo thận trọng là rất cần thiết để quyết định sự thành công cho thị trường này. Hội thảo hôm nay rất có ý nghĩa vì đúng thời điểm và lần đầu tiên ở khu vực miền Trung, có được hội thảo này. Nếu lan tỏa tốt sự kiện, như đã nói, sẽ tác động tích cục đến nhận thức của giới đầu tư”  - TS Nguyễn Sơn nói.

Cũng theo TS Nguyễn Sơn, Vụ phát triển thị trường chứng khoán đã bắt tay xây dựng thế hệ Luật Chứng khoán thứ II thay thế toàn bộ Luật Chứng khoán thế hệ thứ I. Đây sẽ là những yếu tố pháp lý quan trọng để phát huy những giá trị và chức năng của thị trường chứng khoán như thu hút vốn nhàn rỗi vào đầu tư phát triển, điều tiết các nguồn vốn, hoà nhập nền kinh tế thế giới. Quan trọng nhất là sử dụng công cụ chứng khoán để điều tiết vĩ mô và tạo vốn cho nền kinh tế quốc dân.

T.Ngọc


Theo Tạp chí điện tử của Sở thông tin và Truyền thông TP. Đà Nẵng:

http://ictdanang.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=10632:dai-hoc-kinh-te-dai-hoc-vung-da-nang-phai-tro-thanh-dia-chi-dao-tao-chung-khoan-cho-ca-khu-vuc&catid=89:dao-tao-nguon-nhan-luc&Itemid=61