DHKT

Sống ở Đà Nẵng, làm việc cho các công ty dịch vụ tài chính toàn cầu, p.2

Phân tích xu thế hình thành các trung tâm tài chính, các chuyên gia cho rằng, so với hai trung tâm ở hai đầu đất nước (Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội), Đà Nẵng có những điểm “chưa bằng, chưa thể được như thế”, nhưng ngược lại Đà Nẵng cũng có những thế mạnh, không phải địa phương nào cũng có được.

Tận dụng các lợi thể sẵn có của Đà Nẵng để “cấu hình” phù hợp trung tâm tài chính quốc tế

“Đà Nẵng chúng tôi là đô thị trẻ với cơ cấu dân số trẻ (thế hệ gen Z), tốc độ tăng dân số cao nhưng chất lượng môi trường sống và các nhu cầu phát triển cơ bản lại không ngừng được cải thiện” – Tiến sỹ Huỳnh Huy Hòa cho hay.

Ông Nguyễn Long – Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam – cho rằng, Đà Nẵng cần tận dụng tối đa lợi thế của một “thành phố đáng sống”, thu hút các chuyên gia, nhà đầu tư tài chính, giới công nghệ (fintech) đến sống ở Đà Nẵng nhưng làm việc cho toàn cầu.

 

 

Biển góp phần làm nên giá trị đáng sống của Đà Nẵng. -Ảnh trong bài: T.Ngọc.

“Đây chính là cơ hội cho Đà Nẵng. Đà Nẵng sẽ là nơi thu hút các chuyên gia, các tỷ phú đến sống ở Đà Nẵng, đặt bản doanh tại Đà Nẵng, nhưng làm việc thì đáp ứng cho toàn cầu.

Bãi biển đẹp tuyệt vời, không khí trong lành, Đà Nẵng không xa lắm với Hội An, Huế, rất rõ là một không gian sống và làm việc thật lý tưởng …

Trong đại dịch COVID-19 vừa qua, nhiều chuyên gia hay nhân sự cấp cao trong lĩnh vực fintech đã chọn phương án quay về Việt Nam sống và vẫn làm việc online. Đà Nẵng xứng đáng là nơi chọn để sống và làm việc như thế !” – ông Trần Hữu Đức, Giám đốc Quỹ tăng tốc khởi nghiệp Việt Nam làm rõ thêm.

Trong phiên tọa đàm với chủ đề “Đà Nẵng – Điểm đến hấp dẫn của Fintech”, các chuyên gia còn chia sẻ những “nhìn nhận và am tường” của mình về lợi thế của thành phố. Đó là giá cả không đắt đỏ, an ninh trật tự tốt, con người hài hòa và thân thiện. Đảng bộ và chính quyền, người dân thành phố đồng thuận cao và luôn hành động để quê hương mình, thực sự là một nơi “đáng sống – đáng đến”.

“Một khi đã hình thành cộng đồng chuyên gia fintech như thế, Đà Nẵng phải nghĩ đến việc sản xuất những dịch vụ, những sản phẩm cho môi trường fintech. Đà Nẵng phải hướng đến công nghệ blockchaint, kể cả không gian tương tác mới cho môi trường tài chính là Meta verse.

Và tôi vẫn cho tính cách của con người Đà Nẵng trong làm việc, trong lao động là cái vốn quý nhất mà Đà Nẵng phải biết phát huy” – Ông Nguyễn Long kết luận.


Công viên Phần mềm số 2 của thành phố Đà Nẵng.

Đồng tình quan điểm này, ông Trần Hữu Đức – Giám đốc Quỹ tăng tốc khởi nghiệp Việt Nam – chia sẻ câu chuyện “những ngày đi tuyển quân” để hình thành trung tâm phần mềm đầu tiên của FPT Sofware tại Đà Nẵng. Từng được làm việc với những “con người Đà Nẵng”, ông Đức nhấn mạnh “họ là những con người chịu khó, đầy trách nhiệm. Khách hàng chưa vừa lòng, họ sửa đến khi nào khách gật đầu với sản phẩm. Một đức tính đáng quý”.

Một khảo sát và nhìn nhận từ cơ quan quản lý nhà nước cho biết thêm: Nguồn nhân lực IT đang được nhiều trường đại học trên địa bàn Đà Nẵng đào tạo, có sự ổn định về số lượng, và bắt đầu đi vào những chuyên ngành hẹp mà thị trường lao động của ngành công nghiệp phần mềm đã và đang rất cần. Việc mở những ngành này, mang ý nghĩa đón đầu các cơ hội”.

Trong chủ đề “Chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính ngân hàng”, có các báo cáo kỹ thuật chuyên sâu (bàn về khung pháp lý trong chuyển đổi số đối với lĩnh vực; các xu thế công nghệ; những bài học kinh nghiệm đầu tiên):
Ngân hàng số và Fintech Việt Nam – diễn giả Đào Minh Tuấn, nguyên Phó Tổng giám đốc Vietcombank.
Xu hướng Fintech – Mục đích, hiện trạng và các bài học kinh nghiệm – diễn giả Trần Hữu Đức, Giám đốc Quỹ tăng tốc khởi nghiệp Việt Nam
Chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng từ góc nhìn công nghệ – diễn giả Vũ Minh Tuấn, Giám đốc Trung tâm tư vấn công nghệ ngân hàng – tài chính (Công ty hệ thống thông tin FPT)

Theo ông Trần Ngọc Thạch – Phó Giám đốc thường trực Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng, sau nhiều quyết định, nghị quyết “định hình bộ khung chuyển đổi số tại Đà Nẵng”, kinh tế số của Đà Nẵng được nhận thức và tiếp cận theo khái niệm “Kinh tế số phạm vi rộng – Broad scope”, nghĩa là bao gồm cả ngành công nghiệp ICT, thương mại điện tử, kinh doanh số, kinh tế nền tảng, kinh tế chia sẻ,…

Đặc biệt, vận dụng từ Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Đà Nẵng đã bổ sung thêm lĩnh vực du lịch, thương mại điện tử, tài chính số (Fintech) và an toàn vệ sinh thực phẩm (lồng ghép trong lĩnh vực y tế). Tương tự, ngoài Công dân số, Đà Nẵng đã bổ sung Văn hóa số …

Liên quan đến sự ra đời của một “Trung tâm tài chính của khu vực và từng bước đạt được tầm vóc của một trung tâm tài chính quốc tế” tại Đà Nẵng, lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng khẳng định rằng “chuyển đối số chính là cơ hội giúp thành phố thực hiện được mục tiêu: Qua chuyển đổi mô hình phát triển lĩnh vực tài chính, từ chiều rộng sang chiều sâu dựa trên công nghệ số để đạt được các mục tiêu”.

Theo đó, Đà Nẵng sẽ thực hiện chuyển đổi số ngành tài chính để (trước mắt) nâng tầm quản lý và cấp phát ngân sách. Song song, các ngân hàng thương mại hoạt động trên địa bàn sẽ cung cấp “dịch vụ ngân hàng số” theo hướng phát triển đa dạng các kênh phân phối, đổi mới sáng tạo, tự động hóa quy trình.

Đây là nền tảng số quan trọng để đưa dịch vụ tài chính – ngân hàng đến gần hơn những đối tượng chưa có khả năng tiếp cận hoặc chưa được ngân hàng phục vụ, dựa vào sự đổi mới sáng tạo của công nghệ như thanh toán di động, cho vay.


Ông Trần Ngọc Thạch – Phó Giám đốc thường trực Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng cho biết Đà Nẵng
bổ sung thêm nhiều tiêu chí, mục tiêu phấn đấu trong chương trình hành động chuyển đổi số.

“Một yếu tố quan trọng nữa, là Đà Nẵng sẽ phải thúc đẩy hợp tác với các công ty công nghệ tài chính (fintech) và trung gian thanh toán trong xây dựng hệ sinh thái hệ thống dịch vụ tài chính ngân hàng” – ông Trần Ngọc Thạch nhấn mạnh thêm.

Được biết đề án “Chuyển đổi số trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã được chính quyền Đà Nẵng xác định là “một trong các dự án mang tính “động lực” cho sự phát triển của thành phố”.

“Trong đó, chúng tôi đã đề ra các mục tiêu rất cụ thể ở lĩnh vực tài chính – ngân hàng, thương mại điện tử.

Đơn cử, đến năm 2025, tối thiểu 90% doanh nghiệp có tài khoản thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, tối thiểu 50% dân số tham gia các hoạt động mua sắm trực tuyến; doanh số thương mại điện tử B2C (doanh nghiệp – khách hàng) chiếm ít nhất 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của thành phố” – ông Trần Phước Sơn, Phó Chủ tịch UBND thành phố phân tích.


Ông Trần Phước Sơn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng.

Phiên hội thảo diễn ra ngày 10/5/2022, được nhìn nhận là hoạt động cần thiết và có ý nghĩa, những tham vấn từ các chuyên gia, nhà quản lý sẽ giúp Đà Nẵng cụ thể hóa lộ trình qua các chủ trương, chính sách lớn, kèm theo biện pháp và giải pháp trong giai đoạn sắp đến.

Một mục tiêu được định hướng rất rõ trong Nghị quyết 43-NQ/TW (ngày 29/01/2019) của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, là “Xây dựng trung tâm tài chính khu vực” đã và đang được hoàn thiện để bắt tay vào những hạng mục có tính thực thi cao.

Đà Nẵng đã khẳng định” Sẽ xây dựng thành phố theo hướng bền vững (mọi quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế và các lĩnh vực nhạy cảm khác đều không được tác động đến chủ trương xây dựng Thành phố Môi trường). Vì vậy, kịch bản chuyển đổi số của Đà Nẵng, chính là kết gắn mật thiết hơn với mục tiêu “kinh tế xanh”. Đà Nẵng sẽ trở thành trung tâm (đảm nhận các dịch vụ) tài chính (như ý kiến các chuyên gia) cho cả khu vực, vừa là khát vọng, vừa là cái đích đến mà thành phố phải khẳng định sẽ sớm phải đặt chân đến.

Xem bài viết Sống ở Đà Nẵng, làm việc cho các công ty dịch vụ tài chính toàn cầu, bài 2 trên dsa.org.vn

Nguồn: dsa.org.vn